Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  2. Ghe lườn
    Loại thuyền độc mộc, dùng để chuyên chở (nhất là chở lúa) trong các kênh rạch vùng Tây Nam Bộ. Ghe lườn này có dáng thuôn dài, mũi nhọn để dễ di chuyển trên các dòng nước hẹp, nhưng cũng vì thế mà dễ bị lật, chìm.
  3. Đậu
    Góp tiền bạc lại cho đủ, cho nhiều.
  4. Chợ Hà Đông
    Ngôi chợ lớn nhất của Hà Đông trước đây. Chợ Hà Đông vốn là chợ làng Đơ (nên còn gọi là chợ Đơ hay chợ Cầu Đơ) xây ba dãy cầu gạch lợp ngói song song với nhau tồn tại mãi đến những năm 80 của thế kỉ 20, khi xây ba nhà chợ lớn lợp mái tôn. Khu vực chợ gia súc mở năm 1904 nay là khu vực Ngân hàng nông nghiệp, Đài phát thanh truyền hình thành phố, viện Kiểm sát nhân dân quận, Trường Mỹ nghệ sơn mài.

    Chợ Hà Đông hiện nay

    Chợ Hà Đông hiện nay

  5. Quảng Minh
    Tên Nôm là Đại Sái, một làng thuộc xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Chợ ở làng cũng gọi là chợ Sái.
  6. Chợ Nủa
    Cũng phát âm sai thành chợ Lủa, một ngôi chợ trước đây thuộc kẻ Nủa, nay thuộc địa phận xã Binh Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Đây là phiên chợ ở Thủ đô vẫn còn giữ được những nét đặc sắc của chợ phiên vùng đồng bằng Bắc bộ xưa. Chợ bán nhiều vật dụng truyền thống làm từ tre, nứa như đũa, tăm, mành che nắng, gàu nước...

    Chợ Nủa

    Chợ Nủa

  7. Giậm
    Đồ đan bằng tre, miệng rộng hình bán cầu, có cán cầm, dùng để đánh bắt tôm cá. Việc đánh bắt tôm cá bằng giậm gọi là đánh giậm.

    Đánh giậm

    Đánh giậm

  8. Nơm
    Dụng cụ bắt cá, được đan bằng tre, hình chóp có miệng rộng để úp cá vào trong, chóp có lỗ để thò tay vào bắt cá.

    Úp nơm

    Úp nơm

  9. Chợ Trôi
    Một ngôi chợ hiện nay thuộc địa phận làng Phú Đa, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Chợ họp vào ngày hai mươi sáu tháng chạp âm lịch, rất đông vui.
  10. Chợ Nghệ
    Một ngôi chợ có từ xưa, thuộc địa phận thị xã Sơn Tây, nổi tiếng là nơi buôn bán, chuyển nhượng trâu bò từ miền ngược về miền xuôi. Trước đây chợ họp theo phiên vào các ngày mồng 3, mồng 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch hằng tháng. Vào năm 2005, chợ Nghệ bị cháy, sau đó chợ mới được xây dựng lại trên nền chợ cũ.

    Chợ Nghệ hiện nay

    Chợ Nghệ hiện nay

  11. The
    Hàng dệt bằng tơ nhỏ sợi, mặt thưa, mỏng, không bóng, thời xưa thường dùng để may áo dài hoặc khăn, màn.

    Áo dài the

    Áo dài the

  12. Đoạn
    Một loại vải dày dệt từ tơ tằm. Đoạn cũng được dệt theo cách thức của lĩnh, nhưng dày hơn, sợi dọc nhiều hơn cả gấm. Đặc biệt sợi dọc, sợi ngang nổi đều nhau, mịn màng, óng ả. Đoạn dùng để may áo dài cho nam giới mặc vào những dịp long trọng. Do hàng đoạn dày nên người ta thường may áo đoạn bọc lụa bên trong mặc vào mùa lạnh.
  13. Chúc bâu
    Loại vải dệt khung tay, khổ 40 phân, dày, cứng và bền.
  14. Sơn Đồng
    Địa danh nay là một xã thuộc hiện Hoài Đức, Hà Nội.
  15. Chợ Phùng
    Chợ phố Phùng, nay thuộc thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Chợ họp theo phiên vào các ngày 2, 4, 7, 9 âm lịch hằng tháng.
  16. Hàng xén
    Cửa hàng tạp hóa hoặc gánh hàng chuyên bán những thứ vặt vãnh như kim, chỉ, đá lửa, giấy bút...

    Những cô hàng xén răng đen
    Cười như mùa thu tỏa nắng
    (Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)

  17. Chợ Gạch
    Chợ thuộc phố Gạch, thôn Đồng Lục (tên nôm là Kẻ Lọc) thuộc xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Trước đây chợ Gạch họp vào các ngày 2, 5, 7 trong tháng.
  18. Thuốc lào
    Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữĐồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.

    Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

  19. Chợ Cốc
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chợ Cốc, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  20. Thọ Lão
    Địa danh xưa thuộc tổng Thọ Nghiêm, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long, nay là khoảng dốc Thọ Lão-Lò Đúc, thành phố Hà Nội.
  21. Chợ Triệu
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chợ Triệu, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  22. Chợ Mía
    Chợ thuộc làng Mía, Sơn Tây. Xưa chợ có tên là chợ Tam Bảo, nằm ngay chân Tam quan của chùa Mía. Chợ do bà Nguyễn Thị Ngọc Dao - sau trở thành cung phi của Thanh đô vương Trịnh Tráng - dựng nên, họp mỗi tháng có 6 phiên chính vào các ngày mùng 1, 6, 11, 16, 21 và 26. Đọc thêm: Chợ cổ bên ngôi chùa cổ.
  23. Quang Trung
    Một làng nay thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội, có tên nôm là làng Chuông. Làng nổi tiếng với nghề làm nón lá. Chợ làng cũng gọi là chợ Chuông, chuyên bán nón và các nguyên vật liệu làm nón.

    Phơi lá lụi để làm nón

    Phơi lá lụi để làm nón

  24. Chợ Sêu
    Chợ thuộc làng Sêu, là đầu mối thông thương cho nhiều chợ khác quanh vùng. Địa thế cận giang đã làm cho chợ Sêu ngày càng lớn, rộng, giao lưu không chỉ trong huyện, mà còn liên huyện, liên tỉnh Hà Tây - Hoà Bình. Vì thế ít có chợ nào trong vùng có nhiều sản vật và phong phú như chợ Sêu.

    Chợ Sêu

    Chợ Sêu

  25. Hom
    Đoạn thân cây dùng để giâm thành cây mới.
  26. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  27. Ngoa nguê
    Phóng túng (từ cũ).
  28. Bâu
    Cổ áo.
  29. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  30. Nhọn mồm
    Ác mồm ác miệng.
  31. Gàu giai
    Có nơi gọi là gàu dây, dụng cụ nhà nông dùng để tát nước cho lúa hoặc tát ao, tát đầm khi bắt cá. Gàu giai được đan bằng tre, nứa hoặc mây. Khi tát nước, hai người đứng hai bên, mỗi người nắm một đầu thừng để cùng tát.

    Tát nước bằng gàu giai

    Tát nước bằng gàu giai

  32. Gàu sòng
    Thứ gàu có cán dài, treo vào một cái gạc ba chân, một người tát.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  33. Se
    Khô.
  34. Rau tập tàng
    Các loại rau trộn lẫn với nhau, mỗi loại một ít, thường dùng để nấu canh. Có nơi gọi là rau vặt.

    Rau tập tàng

    Rau tập tàng

  35. Con trăng
    Một chu kì của mặt trăng xoay quanh trái đất, tức một tháng âm lịch.
  36. Quán Rường
    Một địa danh thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
  37. Phong Thử
    Địa danh nay thuộc xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Làng Phong Thử nằm ở ven sông Thu Bồn, đất đai tuy nhiều nhưng ruộng lúa nước tương đối ít, vì vậy người dân xưa kia sống chủ yếu bằng nghề trồng bông, nuôi tằm dệt vải và làm nghề buôn bán nhỏ.

    Chợ Phong Thử

    Chợ Phong Thử

  38. Hà Nha
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, bên bờ sông Vu Gia.

    Cầu Hà Nha bắc qua sông Vu Gia

    Cầu Hà Nha bắc qua sông Vu Gia

  39. Vĩnh Điện
    Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  40. La Qua
    Một làng thuộc tổng Hạ Nông, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay thuộc khối phố 3, thị trấn Vĩnh Điện, Điện Bàn, Quảng Nam. La Qua là một trong những căn cứ quan trọng của thực dân dưới thời Pháp thuộc.
  41. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  42. Bủa
    Từ từ Hán Việt bố, nghĩa là giăng ra trên một diện tích rộng lớn (bủa lưới, vây bủa, sóng bủa...).
  43. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  44. Câu Lâu
    Tên một cây cầu bắc ngang sông Chợ Củi ở thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cầu được xây dựng thời Pháp thuộc, trong chiến tranh Việt Nam thì được xây dựng lại lần thứ hai. Đầu thế kỷ 21, cầu được xây dựng lại với quy mô lớn hơn, có 4 làn xe chạy.

    Về tên cây cầu này, có một sự tích: Ngày xưa, ven sông Chợ Củi, có một đôi vợ chồng từ xa đến lập nghiệp. Ngày ngày, chồng đi câu cá đổi gạo, vợ ở nhà trồng rau, vun vén gia đình. Chỗ ngồi câu cá quen thuộc của người chồng là trên một tảng đá gần bờ sông. Một đêm nọ, có cơn nước lũ từ nguồn đột ngột đổ về, người chồng bị cuốn đi. Người vợ ở nhà, đợi mãi vẫn chẳng thấy chồng về, cứ bồng con thơ thẩn ra vào, miệng luôn lẩm bẩm: "Câu gì mà câu lâu thế!" Cuối cùng, sốt ruột quá, nàng bồng con ra sông để tìm chồng. Khi hiểu ra sự việc, nàng quỳ khóc nức nở rồi ôm con gieo mình xuống dòng nước. Dân làng cảm thương đôi vợ chồng nghèo chung tình, đặt tên cho cây cầu bắc qua sông Chợ Củi là cầu Câu Lâu.

    Thật ra Câu Lâu là một địa danh gốc Champa, biến âm từ chữ Pulau có nghĩa là "hòn đảo."

    Cầu Câu Lâu

    Cầu Câu Lâu

  45. Bình Long
    Tên một con lạch chảy qua các xã Điện Phước, Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  46. Chợ Lẫm
    Tên một phiên chợ thuộc thôn Mỹ Huân, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngôi chợ có cây đa cổ thụ tán nhánh tỏa ra che mát cả một vùng. Trước đây chợ nổi tiếng phồn thịnh. Từ ngày chợ Thứ thiết lập, người dân khắp nơi về nhóm họp thì chợ Lẫm thưa dần rồi không tồn tại nữa.
  47. Đà
    Màu nâu sẫm. Ở một số tỉnh miền Trung (Phú Yên, Bình Định...) màu này cũng được gọi là màu dà. Thuốc nhuộm màu dà được lấy từ cây dà.

    Da thuộc màu đà

    Da thuộc màu đà

  48. Mọi
    Cách gọi người dân tộc thiểu số với hàm ý khinh miệt.
  49. Chợ Bến Thành
    Còn gọi là chợ Sài Gòn, ban đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm bên cạnh sông Bến Nghé, gần thành Gia Định (nên được gọi là Bến Thành). Sau một thời gian, chợ cũ xuống cấp, người Pháp cho xây mới lại chợ tại địa điểm ngày nay. Chợ mới được xây trong khoảng hai năm (1912-1914), cho đến nay vẫn là khu chợ sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, đồng thời là biểu tượng của thành phố.

    Chợ Bến Thành

    Chợ Bến Thành

  50. Om
    Đồ đựng thường làm bằng nhôm, có vòi và nắp, để đựng và nấu nước chè.
  51. Chợ Bà Hom
    Tên một chợ nằm ở quận Bình Tân thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Theo học giả Trương Vĩnh Ký thì Bà Hom cùng với Bà Rịa, Bà Chiểu, Bà Quẹo, Bà Điểm là năm bà vợ của lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (thường được gọi là Lãnh binh Thăng), người đã xây dựng cầu Ông Lãnh. Ông đã cho lập ra năm cái chợ mang tên năm bà và giao cho mỗi bà cai quản mỗi nơi.
  52. Phơi màu
    (Lúa, ngô) ở giai đoạn mới trổ, các bao phấn nhị đực mở ra.
  53. Chầu rày
    Giờ đây (phương ngữ Trung và Nam Bộ).

    Chầu rày đã có trăng non
    Để anh lên xuống có con em bồng

    (Hát bài chòi)

  54. Bất lương
    Không lương thiện (từ Hán Việt).
  55. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)