Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Min-khơ
    Cách phát âm của Minsk, một nhãn hiệu xe máy lấy theo tên thủ đô của nước Cộng hòa Belarus, trước đây thuộc Liên Xô. Xe Minsk rất có tiếng ở nước ta vào thời kì bao cấp, khi phong trào đưa người đi lao động và học tập tại các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa lên cao.

    Xe Minsk

  2. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  3. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  4. An Thái
    Tên một làng nay thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Làng nằm ven bờ sông Côn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km về hướng tây bắc, nổi tiếng là một trong những nôi võ của Bình Định. Tại đây vào ngày rằm tháng 7 hằng năm có tổ chức lễ hội đổ giàn.

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

  5. Chùa Bà
    Tên một ngôi chùa ở làng An Thái, nay thuộc xã An Phúc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Chùa được xây dựng từ năm 1760, là nơi tổ chức lễ hội Đổ giàn hằng năm.

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

  6. Làm chay
    Làm lễ cúng để cầu cho linh hồn người chết được siêu thoát, theo quan niệm dân gian.
  7. Hát bội
    Một loại hình văn nghệ dân gian cổ truyền phổ biến trước đây. Đây là một loại hình mang nặng tính ước lệ. Các diễn viên hát bộ phân biệt từ mặt mũi, râu tóc, áo quần để rõ kẻ trung nịnh, người sang hèn, ai thô lậu, thanh tú, ai minh chánh, gian tà. Sắc đỏ được dùng dặm mặt để biểu hiện vai trung thần; màu xám là nịnh thần; màu đen là kẻ chân thật; màu lục là hồn ma... Dàn nhạc dùng trong hát bội gồm có những nhạc cụ như: trống chiến, đồng la, kèn, đờn cò và có khi ống sáo. Nội dung các vở hát bội thường là các điển tích Trung Hoa.

    Về tên gọi, "bộ" đây có nghĩa là diễn xuất của nghệ sĩ đều phải phân đúng từng bộ diễn, nên gọi là "hát bộ", "diễn bộ", "ra bộ.. Gọi là “hát bội” là vì trong nghệ thuật hóa trang, đào kép phải đeo, phải giắt (bội) những cờ phướng, lông công, lông trĩ… lên người. Còn "tuồng" là do chữ "Liên Trường" (kéo dài liên tiếp thành một vở tuồng tích có khởi đầu truyện, có hồi kết cuộc, phân biệt với các ca diễn từng bài ngắn, từng trích đoạn), do ngôn ngữ địa phương mà thành "luông tuồng," "luôn tuồng..."

    Một cảnh hát bội

    Một cảnh hát bội

    Xem vở hát bội Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ.

  8. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  9. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  10. Ngọ
    Buổi trưa. Giờ Ngọ là khoảng thời gian vào khoảng mười một giờ trưa cho đến một giờ chiều mỗi ngày.
  11. Đổ giàn
    Một lễ hội truyền thống được tổ chức vào rằm tháng 7 hằng năm tại chùa Bà, làng An Thái, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Giàn là một cái đàn cúng cao khoảng mười mét, bằng tre, gỗ, trên đặt đàn cúng thần gồm hương, hoa, trà, quả và một chú heo quay. Khi nghi lễ chuẩn bị kết thúc, những toán võ sĩ và những người khỏe mạnh đại diện cho các làng tiến vào, sẵn sàng trong tư thế lao lên, vác heo quay, sau đó phải luồn lách, lao ra khỏi đám đông, mang chú heo quay chạy về địa điểm an toàn đã định. Để giật được chú heo, các toán tranh tài cũng đã có sự phân công người trước, người sau, người bảo vệ, người "cản địa" để ngăn những đối thủ lợi hại khác có thể giật lại ngay trên tay... Đây là một lễ hội có ý nghĩa đề cao tinh thần thượng võ của đất Tây Sơn - Bình Định.

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

  12. Tim
    Bấc đèn. Gọi vậy là bắt nguồn từ tên Hán Việt hỏa đăng tâm (tim của lửa đèn). Tim hay bấc đèn dầu là một sợi dây thường làm bằng bông, một đầu nhúng vào dầu, đầu kia nhô một chút khỏi bầu đèn. Để chỉnh độ sáng tối của đèn, người ta điều chỉnh độ dài ngắn của phần tim đèn nhô lên này bằng một hệ thống nút vặn.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  13. Bấc
    Sợi vải tết lại, dùng để thắp đèn dầu hoặc nến. Ở một số vùng quê, bấc còn được tết từ sợi bông gòn. Hành động đẩy bấc cao lên để đèn cháy sáng hơn gọi là khêu bấc.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  14. Chợ Quán
    Một địa danh thuộc Sài Gòn xưa, nguyên là ban làng Tân Kiểng, Nhơn Giang (trước 1885 mang tên Nhơn Ngãi) và Bình Yên sáp nhật lại. Theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển trong sách Sài Gòn năm xưa thì: Gọi là “Chợ Quán” vì thuở trước chợ nhóm họp dưới gốc những cây me đại thọ lối nhà thương Chợ Quán hiện nay. Chung quanh chợ có nhiều quán xá lốc cốc tựu một chỗ nên đặt tên làm vậy.
  15. Chợ Cầu Kho
    Trước khi bị giải tỏa năm 2009, chợ nằm ở phường Cầu Kho, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Chợ này được xây năm 1805, vì nằm gần chiếc cầu bên kho cẩm thảo (kho chứa lúa) của triều đình Huế nên có tên là Chợ Cầu Kho, hoặc chợ Kho.
  16. Bận
    Mặc (quần áo).
  17. Cò quăm
    Còn gọi là cò quắm, một họ cò có mỏ dài và cong về phía trước. Cò quăm thường gặp ở các vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long.

    Cò quăm

    Cò quăm

  18. Củ ấu
    Một loại củ có vỏ màu tím thẫm, có hai sừng hai bên, được dùng ăn độn hoặc ăn như quà vặt.

    Củ ấu

    Củ ấu

  19. Mụt ruồi
    Nốt ruồi (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  20. Thép
    Chực, nhờ của người khác. Bú thép là bú nhờ; ăn thép là ăn chực.
  21. Màng tang
    Thái dương (phương ngữ).
  22. Nốt ruồi bên mép được cho là quý tướng, sau này hiển đạt cả làng được nhờ. Nốt ruồi bên thái dương thì ngược lại, ăn tàn phá hại cả làng.
  23. Vít
    Nốt ruồi (phương ngữ).
  24. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  25. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  26. Đường Sau
    Tên một xóm ở làng Dương Lôi, nay thuộc phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đây được xem là nơi hạ sinh Lý Thái Tổ, vị vua mở đầu triều Lý.
  27. Chùa Dận
    Tên chữ là Ứng Tâm, một ngôi chùa cổ nay thuộc địa phận phố chùa Dận, đường Trần Phú, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Chùa có từ thế kỉ 8, từng là nơi tu hành của các thiền sư có tiếng trong lịch sử là Định Không, Vạn Hạnh, Lý Khánh Vân. Theo truyền thuyết, bà Phạm Thị Ngà đau đẻ Lý Công Uẩn tại ngôi chùa này, vì vậy chùa được dân gian gọi là chùa Rặn, rồi dần gọi chệch thành chùa Dận.

    Mặt tiền điện tam bảo chùa Dận

    Mặt tiền điện tam bảo chùa Dận

  28. Nở Đường Sau, đau chùa Dận
    Tương truyền bà Phạm Thị Ngà, mẫu thân vua Lý Thái Tổ, ngụ tại xóm Đường Sau, nhà nghèo, cha mẹ mất sớm, lúc đầu bán hàng nước, sau làm thủ hộ ở chùa Dận. Đến ngày sinh nở, bà vẫn ở chùa Dận, đau mãi không đẻ được bèn trở về nhà. Đến cánh đồng Đường Sau thì bà sinh.
  29. Xống
    Váy (từ cổ).
  30. Cống
    Học vị dành cho những người thi đỗ khoa thi Hương dưới chế độ phong kiến.

    Nào có ra gì cái chữ Nho
    Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co

    (Chữ Nho - Tú Xương)

  31. Khoa trường
    Khoa cử và trường thi, chỉ việc thi cử nói chung.
  32. Lang
    Cách gọi cũ của người làm nghề thầy thuốc, thường là Đông y.
  33. Đô Lương
    Địa danh nay là một huyện của tỉnh Nghệ An.
  34. Cát Ngạn
    Một địa danh nay thuộc xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Cát Ngạn cũng là tên một tổng của Nghệ An ngày trước.
  35. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  36. Vàng mười
    Vàng nguyên chất.
  37. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  38. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  39. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng