Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Hạc
    Loại chim cổ cao, chân và mỏ dài. Trong Phật giáo và văn chương cổ, hạc tượng trưng cho tuổi thọ hoặc tính thanh cao của người quân tử. Trước cửa các điện thờ thường có đôi hạc đá chầu.

    Đỉnh Hoa biểu từ khơi bóng hạc
    Gót Nam Du nhẹ bước tang bồng

    (Nhị thập tứ hiếu)

    Tranh vẽ hạc

    Tranh vẽ hạc

  2. Lý Thái Tổ
    Tên húy là Lý Công Uẩn (974-1028), vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Lý trong lịch sử nước ta, trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời năm 1028. Dưới triều ông, triều đình trung ương được củng cố, các thế lực phiến quân bị đánh dẹp, kinh đô được dời từ Hoa Lư về thành Đại La (hay La Thành - ngày nay là Hà Nội) vào năm 1010 và đổi tên thành Thăng Long.

    Tượng đài Lý Thái Tổ

    Tượng đài Lý Thái Tổ

  3. Cá rô Tổng Trường
    Loài cá rô sống ở môi trường hang động ngập nước thuộc Tổng Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình. Cá rô Tổng Trường có thịt béo, thơm, dai, ngon, được coi là một đặc sản ẩm thực của Ninh Bình, ngày xưa dùng để tiến vua.

    Cá rô Tổng Trường

    Cá rô Tổng Trường

  4. Mía mưng
    Một giống mía ngọt, nhiều nước, dễ trồng, chịu được úng ngập.
  5. Có bản chép: anh đừng ghé chơi.
  6. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Tứ Cẳng.
  7. Vi
    Vây.
  8. Kẻ Nủa
    Một địa danh thuộc tỉnh Sơn Tây cũ. Thời Pháp thuộc, Kẻ Nủa thuộc tổng Thạch Xá. Hiện nay, Kẻ Nủa gồm 5 xã: Chàng Sơn, Thạch Xá, Hữu Bằng, Bình Phú và Phùng Xá.
    Đây là vùng có nhiều đình, đền, chùa, quán... Tất cả có 12 chùa, 15 đình, đền, quán, miếu. Trong đó có những công trình rất có giá trị về văn hóa và nghệ thuật, như: Chùa Tây Phương ở Thạch Xá, đình Hữu Bằng, đình làng Gia, đền thờ và lăng mộ Phùng Khắc Khoan ở Phùng Xá... Kẻ Nủa còn là cái nôi của 3 phường rối nước có từ lâu đời, nay vẫn còn hoạt động: Rối nước làng Gia, rối nước làng Yên và rối nước làng Chàng.
  9. Cổ Nhuế
    Tên Nôm là kẻ Noi, một làng thuộc Thăng Long xưa, nay là xã thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội. Làng Cổ Nhuế ngày xưa có truyền thống thâm canh lúa và hoa màu giỏi, đồng thời có nghề may từ đầu thế kỉ 20. Làng cũng có nghề hót phân rất độc đáo, tới mức trong đền thờ Thành Hoàng, người ta thờ đôi quang và chiếc đòn gánh cùng hai mảnh xương trâu cầm tay (những công cụ hót phân).

    Đọc thêm "Nghề hót phân trên đời là nhất!".

    Người lấy phân

    Người lấy phân

  10. Ý nói người kẻ Nủa và kẻ Noi lanh lẹ, giỏi bắt chước nghề nghiệp.
  11. Độc bình
    Đọc trại là lục bình hoặc lộc bình, một vật dụng bằng gỗ, sứ hoặc đồng, dạnh thuôn, cổ cao, dùng để cắm hoa trên bàn thờ hoặc để trang trí.

    Độc bình sứ

    Độc bình sứ

  12. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  13. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  14. Dùi đục cẳng tay
    Thành ngữ, chỉ sự đối xử phũ phàng.
  15. Chiêm, mùa
    Trước đây, nông dân thường làm một năm hai vụ. Vụ chiêm cấy trước Tết và gặt vào tháng năm âm lịch, vụ mùa cấy tháng sáu và gặt tháng mười âm lịch.
  16. Để chuẩn bị vụ chiêm, cần phải cày bừa rồi tháo nước vào ruộng cho tơi đất, thối cỏ. Để chuẩn bị vụ mùa, cần phải cày phơi cho đất ải.
  17. Sơn lâm
    Núi rừng (từ Hán Việt). Cũng nói san lâm hoặc lâm san.
  18. Hồng tâm hắc bì: Ruột đỏ, vỏ đen.
  19. Bạch bố: Tấm vải trắng.
  20. Nâu
    Cũng gọi là bồ nâu, một loại cây mọc hoang ở vùng núi, có củ hình tròn, vỏ sần sùi, màu xám nâu, thịt đỏ hay hơi trắng, rất chát. Củ nâu có thể dùng để nhuộm (gọi là nhuộm nâu), luộc ăn, hoặc làm vị thuốc.

    Củ nâu

    Củ nâu

  21. Quen mui
    Đã làm, đã hưởng một đôi lần, thấy dễ dàng và có lợi nên lại muốn làm nữa, hưởng nữa. Mui do đọc trạnh từ mùi.
  22. Xứ Đoài
    Tên gọi nôm na của xứ Sơn Tây, một xứ thừa tuyên (đơn vị hành chính) thời Hậu Lê, nằm về phía tây kinh thành Thăng Long.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  23. Công lênh
    Cũng đọc công linh, công sức bỏ vào việc gì (từ cổ).
  24. Ghe lườn
    Loại thuyền độc mộc, dùng để chuyên chở (nhất là chở lúa) trong các kênh rạch vùng Tây Nam Bộ. Ghe lườn này có dáng thuôn dài, mũi nhọn để dễ di chuyển trên các dòng nước hẹp, nhưng cũng vì thế mà dễ bị lật, chìm.
  25. Đậu
    Góp tiền bạc lại cho đủ, cho nhiều.