Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Sao Kim
    Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
  2. Ngói lò Cánh, bánh quán Đanh
    Tên lò làm ngói có tiếng ở Hương Canh và một quán bánh đúc ngon ở làng Đinh Xá (theo Địa chí Vĩnh Phúc).
  3. Giâm
    Cắm hay vùi xuống đất ẩm một đoạn cành, thân hay rễ cây để thành một cây mới. Cũng phát âm và viết là giăm.
  4. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  5. Vá quàng
    Những người phải lao động, khuân vác nhiều, phần lưng và vai áo thường rách thành lỗ lớn. Người ta vá những chỗ ấy bằng miếng vải to, có khi không trùng màu, gọi là vá quàng.
  6. Bơ thờ
    Thẫn thờ và ngơ ngẩn vì không ổn định trong lòng.
  7. Lắng
    Để yên cho cấn, bã chìm xuống đáy. Cũng gọi là lóng.
  8. Thầy pháp
    Thầy phù thủy, theo tín ngưỡng dân gian được cho là có pháp thuật, trừ được tà ma quỷ quái.
  9. Hạ bạc
    Nghề bắt cá. Trong xã hội cũ, đây là một nghề bị coi thường, khinh rẻ.
  10. Ngỡi
    Tiếng địa phương Nam Bộ của "ngãi" (nghĩa, tình nghĩa).
  11. Chợ Lớn
    Tên chính thức là chợ Bình Tây, còn gọi là chợ Lớn mới để phân biệt với chợ Lớn cũ (nay không còn), hiện nay thuộc địa bàn quận 6, giáp ranh quận 5 và quận 10, được xem là trung tâm mua bán của người Việt gốc Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh. Chợ được Quách Đàm - một phú thương người Hoa - xây dựng vào năm 1928 (nên còn được gọi là chợ Quách Đàm), kiến trúc chợ mang nhiều nét Á Đông pha lẫn tân kì.

    Chợ Bình Tây ngày trước

    Chợ Bình Tây ngày trước

  12. Vì chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  13. Vãi
    Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
  14. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  15. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  16. Nâu non
    Màu nâu nhạt.

    Yếm nâu

    Yếm nâu

  17. Tày
    Bằng (từ cổ).
  18. Giần
    Đồ đan bằng tre, hình tròn và dẹt, mặt có lỗ nhỏ, dùng làm cho gạo đã giã được sạch cám (tương tự như cái sàng). Hành động dùng giần để làm sạch gạo cũng gọi là giần.

    Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
    Đất Nước có từ ngày đó

    (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)

    Xay, giã, giần, sàng

    Xay, giã, giần, sàng

  19. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  20. Nhót
    Một loại cây rất quen thuộc ở các vùng quê miền Bắc, thường được trồng lấy quả. Quả nhót hình trứng, khi chín có màu đỏ, có vị chua hoặc ngọt, dùng để nấu canh. Rễ, thân, lá còn được dùng làm thuốc.

    Quả nhót

    Quả nhót

  21. Trôn
    Mông, đít, đáy (thô tục).
  22. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  23. Yên Quang
    Tên làng nay là khu vực đầu phố Cửa Bắc đến đền Quán Thánh, Hà Nội, nằm về phía nam hồ Trúc Bạch.
  24. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  25. Đốc công
    Người thay mặt chủ xí nghiệp trông nom công việc của thợ thuyền ngày trước.
  26. Sú ba dăng
    Phiên âm từ tiếng Pháp surveillant (người giám sát).
  27. Cựa
    Mẩu sừng mọc ở sau chân gà trống hoặc một vài loài chim khác, dùng để tự vệ và tấn công. Trong trò đá gà, người ta thường mua cựa sắt tra vào chân gà hoặc chuốt cựa gà thật bén.

    Cựa gà

    Cựa gà

  28. Cá he
    Một loại cá nước ngọt thường gặp ở miền Tây Nam Bộ, họ hàng với cá mè. Cá he có đuôi và vây màu đỏ, vẩy bạc. Thịt cá he ngon, béo nhưng có nhiều xương. Xem thêm: Câu cá he.

    Cá he

    Cá he

  29. Kẻ chợ
    Kinh đô (từ cũ). Khi dùng như danh từ riêng, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa.
  30. Đầu chày đít thớt
    Chỉ những người địa vị thấp kém, khổ cực, chịu nhiều chèn ép.
  31. Nậu rổi
    Cũng được phát âm thành nậu rẩu, phương ngữ Bình Định-Phú Yên chỉ những người đàn bà chuyên bán cá ở các chợ. Xem thêm về Nậu.
  32. Lệ Thủy
    Nghệ sĩ cải lương nổi tiếng thuộc thế hệ vàng của cải lương Việt Nam những năm 1960, cùng thời với Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Minh Vương... Soạn giả Viễn Châu nhận xét: "Lệ Thủy có một giọng ca hiếm hoi trong làng cổ nhạc, với chất giọng kim pha thổ, đã từng được báo giới Sài Gòn trước đây phong tặng là giọng ca chuông ngân."

    Nghệ sĩ Lệ Thủy

    Nghệ sĩ Lệ Thủy

  33. Mút mùa Lệ Thủy
    Nghệ sĩ Lệ Thủy có giọng ca dài hơi mà vẫn trong veo, người mê cải lương miền Nam hâm mộ nên so sánh những việc diễn ra trong thời gian dài, lâu là "mút mùa Lệ Thủy" (đi mút mùa Lệ Thủy, nhậu mút mùa Lệ Thủy...).
  34. Mỹ Châu
    Nghệ sĩ cải lương nổi tiếng thuộc thế hệ vàng của cải lương Việt Nam những năm 1960, cùng thời với Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu... Cô nổi tiếng có giọng nữ trầm đặc biệt và sở trường ca dây kép, người nhạc công phải nghĩ cách chỉnh dây riêng cho giọng cô, sau người ta quen gọi là "dây Mỹ Châu." (Đọc thêm về nghệ sĩ Mỹ Châu.)

    Nghệ sĩ Mỹ Châu năm 17 tuổi

    Nghệ sĩ Mỹ Châu năm 17 tuổi

  35. Khí dụng
    Các loại đồ dùng.
  36. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  37. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt