Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu

  2. Cá đù
    Hay còn gọi cá lù đù, một họ cá biển sống ở gần bờ, ở vùng đáy bùn cát, thường nấp trong những rạn, hốc đá. Cá ăn tạp, nhiều thịt, ít xương (có nguồn nói nhiều xương). Thịt cá mềm, vị ngọt dịu, dẻo mềm, hậu bùi, được chế biến thành nhiều món ngon như cá đù nấu canh ngót, khô cá đù...

    Khô cá đù nướng

    Khô cá đù nướng

  3. Cá liệt
    Còn gọi là cá ót, một loại cá biển có thân có hình thoi, dẹt bên, to khoảng ba, bốn ngón tay, nhiều xương. Cá thường được kho khô ăn kèm với cơm, nấu canh chua hay nấu riêu, hoặc để làm bột cá.

    Cá liệt

    Cá liệt

  4. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  5. Thợ rào
    Thợ rèn.
  6. Tứ sắc
    Tên một trò chơi bài lá phổ biến ở Trung và Nam Bộ. Bộ bài tứ sắc có 28 lá khác nhau, chia thành 4 màu (đỏ, vàng, xanh, trắng) và 7 cấp bậc: Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã, Tốt.

    Bài tứ sắc

    Bài tứ sắc

  7. Cát tê
    Tên một trò chơi bài Tây phổ biến Trung và Nam Bộ, tùy theo vùng mà cũng được gọi là các tê, cắt tê hay cạc tê.
  8. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Có bản chép: có khi mà đã bị ong châm.
  10. Sông Con
    Một con sông phát nguyên từ dãy núi Đồng Rập (ranh giới của hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế) và núi Bà Nà, hợp lưu tại An Điềm, chảy qua vùng đồng bằng hẹp xã Đại Lãnh rồi nhập vào sông Vu Gia ở ngã ba Hà Tân. Một số bản đồ của Pháp trước đây ghi là sông Côn, nhưng thực ra đây là nhánh sông Con để phân biệt với sông Cái.
  11. Sông Cái
    Tên gọi đoạn trung lưu của sông Vu Gia, trong cùng hệ thống với sông Thu Bồn ở tỉnh Quảng Nam, bắt nguồn từ vùng biên giới Việt - Lào, nối với sông Thu Bồn ở huyện Đại Lộc.
  12. Sông Thu Bồn
    Tên con sông bắt nguồn từ núi Ngọc Linh tỉnh Kon Tum (phần thượng lưu này được gọi là Đak Di), chảy lên phía Bắc qua các huyện trung du của tỉnh Quảng Nam (đoạn chảy qua các huyện Tiên Phước và Hiệp Đức được gọi là sông Tranh - bắt đầu qua địa phận Nông Sơn, Duy Xuyên mới được gọi là Thu Bồn), đổ ra biển tại cửa Đại, một nhánh chảy vào sông Vĩnh Điện để đổ nước vào sông Hàn. Sông Thu Bồn cùng với sông Vu Gia tạo thành hệ thống sông lớn gọi là hệ thống sông Thu Bồn, có vai trò quan trọng đối với đời sống và văn hóa người Quảng.

    Sông Thu Bồn tại Hội An, Quảng Nam

    Sông Thu Bồn tại Hội An, Quảng Nam

  13. Hà Nha
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, bên bờ sông Vu Gia.

    Cầu Hà Nha bắc qua sông Vu Gia

    Cầu Hà Nha bắc qua sông Vu Gia

  14. Chầu rày
    Giờ đây (phương ngữ Trung và Nam Bộ).

    Chầu rày đã có trăng non
    Để anh lên xuống có con em bồng

    (Hát bài chòi)

  15. Trách
    Một loại nồi đất, hơi túm miệng, đáy bầu, hông phình.
  16. Vụt
    Vứt (phương ngữ Trung Bộ, thường được phát âm thành dụt).
  17. Trã
    Cái nồi đất.
  18. Sóng
    Cái chạn đựng chén bát (phương ngữ Trung Bộ).
  19. Cửu lý hương
    Tên chung của một số loài cây có mùi thơm rất mạnh, thường được trồng vừa làm cây cảnh vừa làm thuốc.

    Một loài cửu lý hương

    Một loài cửu lý hương

  20. Dã đầu
    Đắp thuốc lên trán để trị bệnh (phương ngữ).
  21. Thuốc lào
    Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữĐồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.

    Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

  22. Bổ
    Ngã (phương ngữ Trung Bộ).
  23. Đáo để
    Quá, rất (dùng để bổ nghĩa cho tính từ).
  24. Năng
    Hay, thường, nhiều lần.