Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Kết cỏ ngậm vành
    Đời đời nhớ ơn. Từ thành ngữ gốc Hán Kết thảo hàm hoàn 結草銜環, liên quan đến hai tích:

    Kết thảo: Cha của Ngụy Khỏa thời Xuân Thu dặn ông "khi ta chết thì chôn thiếp yêu của ta theo cùng." Nhưng khi cha chết, Ngụy Khỏa không theo lời cha, cho người thiếp về lấy chồng. Về sau Ngụy Khỏa ra trận, đánh nhau với tướng giặc Đỗ Hồi mới vài hiệp, Đỗ Hồi đã ngã lăn xuống đất, bị Ngụy Khỏa bắt sống. Đêm ấy Ngụy Khỏa nằm mơ thấy một ông già đến tạ ơi, bảo "Tôi là cha của người thiếp được ông cứu sống, nay cảm cái ơn mà kết cỏ vướng chân ngựa Đỗ Hồi giúp ông để báo đáp."

    Hàm hoàn: Dương Bảo đời Hán cứu một con sẻ vàng bị chim cắt đánh rơi xuống đất, mang về nuôi cho khỏe mạnh rồi thả đi. Đêm hôm ấy có đứa trẻ mặc áo vàng, ngậm bốn vòng ngọc đến lạy tạ, nói rằng: "Tôi là sứ giả của Tây Vương Mẫu được ông cứu vớt, nay xin đem lễ này đến tạ, cầu cho con cháu của ông được hiển đạt cao sang như vòng ngọc này." Về sau con cháu của Dương Bảo đều làm quan to.

  2. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  3. Đâm
    Giã, như đâm bèo, đâm tiêu... (phương ngữ).
  4. Bức thuận
    Bức vách ngăn giữa các gian, phòng trong những công trình cổ, thường được chạm trổ tinh xảo để trang trí.
  5. Tô mộc
    Còn gọi là vang, tô phượng, vang nhuộm, co vang, mạy vang, một loại cây thân gỗ nhỏ, rất rắn, có phần đỏ nâu ở phần lõi và trắng ở phần ngoài. Gỗ cây được dùng làm vị thuốc đông y, hay làm thuốc nhuộm đỏ. Ở nước ta gỗ tô mộc còn được sử dụng như một thành phần nấu nước rửa hài cốt khi cải táng. Phần lõi gỗ được dùng trong chạm khắc mĩ nghệ.

    Cây vang

    Cây vang

    Gỗ vang

    Gỗ vang

  6. Con lợn ốm thì chất độc thường tập trung ở gan, vì vậy không nên cho trẻ ăn gan của lợn có bệnh hoặc đã ôi thiu.
  7. Mỹ Á
    Một cửa biển nay thuộc xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi.
  8. Vực Tre
    Nhánh sông chảy qua địa phận xã Phổ Ninh huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
  9. Bánh nổ
    Một loại bánh đặc sản của miền Trung. Bánh làm bằng gạo nếp rang cho nổ bung ra (nên có tên là bánh nổ), trộn với nước đường nấu sôi và gừng giã nhỏ, cho vào khuôn hình chữ nhật. Bánh ăn có vị ngọt của đường, bùi của nếp và cay của gừng.

    Bánh nổ

    Bánh nổ

  10. Đức Phổ
    Một huyện đồng bằng, nằm về phía đông nam tỉnh Quảng Ngãi, nơi tiếp giáp với tỉnh Bình Định. Tại đây nổi tiếng với nền văn hóa Sa Huỳnh, một trong ba cái nôi cổ xưa về văn minh trên lãnh thổ Việt Nam.
  11. Nghĩa Hành
    Địa danh nay là huyện trung du duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi.
  12. Sơn Tịnh
    Tên một huyện đồng bằng của tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây có núi Thiên Ấn, một trong hai biểu tượng của tỉnh (cùng với sông Trà Khúc tạo thành cặp núi Ấn - sông Trà).

    Núi Ấn

    Núi Ấn

  13. Thê tử
    Vợ con (từ Hán-Việt).
  14. Từ thân
    Cha mẹ hiền (từ Hán Việt).
  15. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  16. Phú Yên
    Một địa danh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bề dày văn hóa, du lịch, với các lễ hội bài chòi, lễ hội đầm Ô Loan, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... và các thắng cảnh như gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa

  17. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  18. Hòn Vay, hòn Trả
    Hai quả núi tại tỉnh Phú Yên. Nhà yêu nước Trần Cao Vân có một bài thơ vịnh về hai hòn núi này, như sau:

    Ai nhủ hỏi đòi khéo lá lay
    Ở qua Hòn Trả bởi vì Vay,
    Tờ mây bóng rợp bà so chỉ,
    Nợ nước ơn đền ông phủi tay
    Ngày tháng rảnh chân muốn cụm bước,
    Cỏ cây dâng lộc bốn mùa thay
    Khách giang hồ những tha hồ mượn,
    Lân Hải Vân rồi đó sẽ hay.

  19. Hòn Hành
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hòn Hành, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  20. Những hòn núi này, có bản chép: Hòn Vậy, hòn Cả, hòn Trả, hòn Hành...
  21. No nào
    Chừng nào, phải chi (phương ngữ Nam Bộ).
  22. Đây là một bài hát của một người Hời được nhắc đến trong tác phẩm Tuồng cổ có còn hi vọng được trông thấy những ngày tốt đẹp nữa không? của nhà văn Vũ Bằng.
  23. Quẩy
    Hoặc quảy: động tác mang vật gì bằng cách dòng qua vai và áp sát lưng, thường thấy là cách dùng một đầu quang gánh.
  24. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  25. Bói cá
    Tên chung của một số loài chim săn mồi có bộ lông rất sặc sỡ. Thức ăn chính của bói cá là cá, nhưng chúng có thể ăn cả các động vật nhỏ như ếch nhái, tôm, côn trùng, thằn lằn... Bói cá còn có các tên gọi khác như chim thầy bói, trả, tra trả, sả, thằng chài...

    Chim bói cá

    Chim bói cá

  26. Cây sưng
    Một loài cây có gai (nên cũng gọi là cây gai sưng), lá có thể dùng nấu canh hoặc làm món xào.

    Gai sưng

    Gai sưng

  27. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  28. Lâm lụy
    Buồn khổ.

    Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế.
    Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ

    (Ave Maria - Hàn Mặc Tử)

  29. Cờ tướng
    Một trò chơi cờ rất phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam. Hai người chơi điều khiển hai nhóm quân (thường có màu xanh-đỏ hoặc trắng-đen), mỗi nhóm có các quân Tướng, Sĩ, Tượng (có nơi gọi là Bồ), Xe, Pháo, Mã, Tốt, đi theo lượt, mỗi quân có cách đi khác nhau. Nếu quân Tướng của bên nào bị "chiếu bí," nghĩa là không còn nước đi, thì bên ấy thua cuộc.

    Ngoại trừ cách chơi này, người ta cũng nghĩ ra một số biến thể của cờ tướng như cờ mù, cờ thế, cờ người, chấp...

    Cờ tướng

    Cờ tướng

  30. Phỉnh
    Lừa gạt (phương ngữ Nam Trung Bộ).
  31. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  32. Da mồi tóc sương
    Da lốm đốm những chấm màu nâu nhạt như mai con đồi mồi, tóc bạc như sương tuyết; đây là hình ảnh để tả người già (cũng có cách nói da mồi tóc bạc, tóc bạc da mồi).

    Da đồi mồi

    Da đồi mồi