Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Giần
    Đồ đan bằng tre, hình tròn và dẹt, mặt có lỗ nhỏ, dùng làm cho gạo đã giã được sạch cám (tương tự như cái sàng). Hành động dùng giần để làm sạch gạo cũng gọi là giần.

    Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
    Đất Nước có từ ngày đó

    (Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)

    Xay, giã, giần, sàng

    Xay, giã, giần, sàng

  2. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  3. Gùa
    Cây thân gỗ, thường xanh (lá xanh hầu như quanh năm), còn có những tên gọi khác là báng, páng, gừa, đa gáo, đa chai, sung chai. Cây sinh trưởng hầu như trên mọi địa hình nước ta.

    Cây gùa

    Cây gùa

    Lá cây gùa non

    Lá cây gùa non

  4. Tào Khê
    Tên một con sông trước chảy qua làng Đình Bảng, tỉnh Bắc Ninh. Sông nay đã cạn, để lại dấu tích là những ao trũng quanh làng.
  5. Bài ca dao được cho là xuất phát từ làng Đình Bảng (Bắc Ninh), quê hương của Lý Thái Tổ, người dựng lên vương nghiệp nhà Lý. Xưa làng có rừng cây báng rậm rạp, về sau bị chặt trụi (nay người ta đang trồng lại). "Lý nay lại về" ý nói lòng thương tiếc của người dân Đình Bảng về sự kiện nhà Lý bị nhà Trần chiếm ngôi, con cháu họ Lý người bị giết, kẻ phải lưu lạc tha hương.
  6. Đầm Long
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Đầm Long, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  7. Dụng cụ đánh bắt tôm cá, gồm có một lưới, bốn góc mắc vào bốn đầu gọng để kéo.

    Kéo vó

    Kéo vó

  8. Nậy
    Lớn (phương ngữ Nghệ Tĩnh).
  9. Cá bẹ
    Còn gọi cá cháy, một loại cá thường gặp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, tại các vùng nước biển ven bờ hoặc nước sông đục có dòng chảy mạnh. Cá bẹ có thân hình thon dẹt, đỉnh đầu trơn không có vân, toàn thân phủ vảy to, lưng có màu xanh lá cây. Thịt cá bẹ ngon nhưng có nhiều xương nhỏ và dài.

    Cá bẹ (cá cháy)

    Cá bẹ

    Ở vùng biển Bắc Bộ cũng có một loài cá bẹ, còn gọi là cá đé, thịt ngon thuộc hàng "tứ quý" (chim, thu, nhụ, đé).

  10. Ngâu
    Một loài cây bụi nhỏ. Trong văn hóa người Việt, ngâu là một trong ba loài gắn liền với nghệ thuật thưởng thức trà hương của người xưa. Cây ngâu gắn liền với kiến trúc Việt cổ. Nhà dân dã thuần Việt thường có cây ngâu trước sân. Đình chùa và các công trình văn hóa tín ngưỡng của người Việt cũng luôn có bóng dáng và hương thơm của hoa ngâu. Trong kiến trúc hiện đại ở Việt Nam cũng như Đông Nam Á, ngâu được sử dụng nhiều trong cảnh quan làm cây cảnh, có thể xén cắt hình khối dễ dàng (tròn đều, vuông góc).

    Hoa và quả ngâu

    Hoa và quả ngâu

  11. Mẫu đơn
    Một loại cây sống lâu năm, cho hoa rất to, đường kính đạt tới 15-20 cm, màu đỏ, tím hoặc trắng, mùi thơm gần giống mùi thơm của hoa hồng, do vậy hay được trồng làm cảnh. Theo y học cổ truyền, bộ phận dùng làm thuốc là vỏ rễ phơi hay sấy khô, gọi là mẫu đơn bì. Mẫu đơn còn được gọi là hoa phú quý, hoa vương, thiên hương quốc sắc...

    Hoa mẫu đơn

    Hoa mẫu đơn

  12. Tráng sĩ
    Người đàn ông có sức lực cường tráng và chí khí mạnh mẽ.

    Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn
    Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn

    (Dịch thủy ca - Kinh Kha)

    Dịch thơ:
    Gió hiu hiu chừ sông Dịch lạnh ghê
    Tráng sĩ một đi chừ không bao giờ về

  13. Bài ca dao này tưởng nhớ Cao Thắng, một vị tướng xuất sắc, trợ thủ đắc lực của Phan Đình Phùng trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê thuộc phong trào Cần Vương.
  14. Phò
    Từ lóng của miền Bắc chỉ người phụ nữ làm nghề mại dâm.
  15. Lậu
    Tên một loại bệnh thường lây lan qua đường quan hệ tình dục.
  16. Lính tập
    Một lực lượng vũ trang của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương, theo chính sách dùng người bản xứ làm quân đội chính quy trong việc đánh dẹp. Lính tập gồm lính khố đỏ, lính khố xanh, lính khố vàng, lính khố lục, những tên gọi xuất phát từ màu dải thắt lưng họ quấn quanh quân phục.

    Lính tập (Tập binh 習兵)

    Lính tập (Tập binh 習兵)

  17. Lính khố đỏ

    Lính khố đỏ

  18. Bi đông
    Cũng gọi là bình toong, phiên âm từ gốc Pháp bidon, đồ đựng bằng kim loại hoặc nhựa, miệng nhỏ, thân to và hơi dẹt, có nắp đậy bằng cách vặn, dùng đựng nước uống hoặc nói chung các chất lỏng để mang đi.

    Bi đông

    Bi đông

  19. Tỉnh Hà Nội
    Một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ, lập vào năm 1831 dưới thời Minh Mạng.

    Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.

  20. Hải Phòng
    Một địa danh nay là thành phố Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất thuộc miền Bắc nước ta. Theo thư tịch cũ, toàn địa bàn xứ Đông (Hải Dương) xưa - bao gồm cả Hải Phòng ngày nay - thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền, là một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Đến cuối thế kỉ 19, Hải Phòng đã thành một trong các thành phố lớn nhất nước. Về văn hóa, tại đây có nhiều đền chùa thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lê HoànNgô Quyền, đồng thời là quê hương của các nhạc sĩ lớn như Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên... Hải Phòng cũng là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với bãi biển Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà. Vì có nhiều hoa phượng nên Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ.

    Một góc Hải Phòng

    Một góc Hải Phòng

  21. Vân mòng
    Tăm hơi, tin tức. Tham khảo thêm.
  22. Trốc
    Nhổ, làm cho bị lật lên cả mảng, cả khối.
  23. Heo may
    Một loại gió nhẹ, hơi lạnh và khô, thường thổi vào mùa thu.

    Chỉ còn anh và em
    Cùng tình yêu ở lại…
    - Kìa bao người yêu mới
    Đi qua cùng heo may.

    (Thơ tình cuối mùa thu - Xuân Quỳnh)

  24. Cá lịch
    Có nơi gọi là lệch hoặc nhệch, tên chung của một số loài cá-lươn phổ biến. Cá lịch có hình dạng tương tự con lươn, mình thon dài, da trơn không vảy, đuôi thon nhọn, mắt nhỏ. Tùy vào từng loài khác nhau, cá lịch có thể có vây hoặc không vây, cũng như màu da có thể là màu trơn hoặc có đốm hay có sọc. Các loài cá lịch thường sống ở biển hoặc ở vùng nước lợ (cửa sông), nhưng cũng có thể bơi ngược dòng đến sống ở sông ngòi hay ruộng đồng nước ngọt. Vào ban ngày, cá lịch chui rúc trong bùn, cát, đến đêm thì bơi ra kiếm ăn ở tầng đáy nước. Thức ăn của cá lịch là các loài cá hay giáp xác nhỏ. Đối với người Việt Nam, cá lịch là một loài thủy sản bổ dưỡng tương tự như lươn.

    Cá lịch cu

    Cá lịch cu

    Cá lịch đồng

    Cá lịch đồng

  25. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  26. Lươn
    Loài cá nước ngọt, thân hình trụ, dài khoảng 24-40 cm, đuôi vót nhọn, thoạt nhìn có hình dạng như rắn. Lươn không có vảy, da trơn có nhớt, màu nâu vàng, sống chui rúc trong bùn ở đáy ao, đầm lầy, kênh mương, hay ruộng lúa. Lươn kiếm ăn ban đêm, thức ăn của chúng là các loài cá, giun và giáp xác nhỏ.

    Ở nước ta, lươn là một loại thủy sản phổ biến, món ăn từ lươn thường được coi là đặc sản. Lươn được chế biến thành nhiều món ngon như: cháo lươn, miến lươn, lươn xào...

    Con lươn

    Con lươn

  27. Bói cá
    Tên chung của một số loài chim săn mồi có bộ lông rất sặc sỡ. Thức ăn chính của bói cá là cá, nhưng chúng có thể ăn cả các động vật nhỏ như ếch nhái, tôm, côn trùng, thằn lằn... Bói cá còn có các tên gọi khác như chim thầy bói, trả, tra trả, sả, thằng chài...

    Chim bói cá

    Chim bói cá

  28. Thung bung
    Loại cây dại trồng ở hàng rào, quả nhỏ, chín rất sai.
  29. Dìa
    Về (cách phát âm của một số vùng Trung và Nam Bộ).
  30. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  31. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  32. Có bản chép: tóp tép.
  33. Quy Nhơn
    Một địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Bình Định. Quy Nhơn được hình thành từ rất sớm, thuộc vùng đất Đàng Trong, xứ Thuận Quảng, từ cách đây hơn 400 năm. Mảnh đất này đã có lịch sử hình thành phát triển cùng với nền văn hoá Chăm Pa từ thế kỷ 11. Tại Quy Nhơn có các danh thắng như Tháp Đôi, Gành Ráng, biển Quy Hòa... cùng các đặc sản như bún chả cá, nem chua...

    Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

    Thành phố Quy Nhơn

  34. Tháp Thầy Bói
    Còn có tên là Tháp Chòi Mòi, một gành đá nổi giữa đầm Thị Nại, thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Đầm biển cạn chu vi 9.500 trượng, trong đầm có núi nhỏ, tục gọi Tháp Thầy Bói.” Sách Nước non Bình Định của Quách Tấn chép: “Trong đầm ở phía tây, gần phía Quy Nhơn, nổi lên một cụm đá rộng, chừng vài sào, cao chỉ trên mặt nước chừng một thước, một thước rưỡi, khi thủy triều thay đổi. Người ta gọi là Tháp Thầy Bói.”

    Về tên gọi “Tháp Thầy Bói,” có người giải thích sở dĩ có tên như vậy vì xưa kia có một ông thầy xem bói rất giỏi đến đây xây tháp, hành nghề. Những người sùng mộ phải đi thuyền ra để được xem bói. Sau khi ông thầy qua đời, không ai coi sóc, lâu ngày tháp bị gió bão phá sập. Hiện nay vẫn còn một ngôi miếu nhỏ, do dân chài lập ra để thờ thuỷ thần.

    Gành đá Tháp Thầy Bói

    Gành đá Tháp Thầy Bói

  35. Thị Nại
    Còn có tên là Thi Nại hoặc cửa Giã, một cửa biển nằm ở Bình Định trước kia, nay đã bị phù sa bồi lấp thành đầm Thị Nại thuộc thành phố Quy Nhơn. Tại đây từng xảy ra nhiều trận thủy chiến khốc liệt: trận Giáp Thân (1284) giữa quân Thoát Hoan (Mông Cổ) và thủy quân Chiêm Thành, các trận Nhâm Tý (1792), Quý Sửu (1793), Kỷ Tỵ (1799)... giữa quân Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn. Ngày nay Thị Nại là một danh thắng của tỉnh Bình Định.

    Đầm Thị Nại

    Đầm Thị Nại