Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Giò
    Món ăn làm từ thịt gia súc hoặc gia cầm giã nhuyễn, gói chặt bằng lá chuối và lạt giang rồi luộc chín. Giò là một món ăn phổ biến trong ẩm thực nước ta, với nhiều biến thể như giò lụa (chả lụa), giò thủ, giò bò...

    Giò lụa (chả lụa)

    Giò lụa (chả lụa)

  2. Xương sông
    Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...

    Lá xương sông

    Lá xương sông

  3. Lá lốt
    Một loại cây cho lá có mùi thơm đặc trưng, thường được dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Trong số các món ăn có lá lốt, đặc sắc nhất phải kể đến bò nướng lá lốt. Ở một số địa phương Nam Bộ, loại cây này cũng được gọi là lá lốp.

    Lá lốt

    Lá lốt

  4. Làm chay
    Làm lễ cúng để cầu cho linh hồn người chết được siêu thoát, theo quan niệm dân gian.
  5. Quân sư phụ
    Một quan niệm Nho giáo do Khổng Tử nêu ra, sắp xếp vai trò của vua (quân), thầy (sư), rồi mới đến cha (phụ).
  6. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  7. Thật ra tam cương giả gồm có quân thần nghĩa (vua tôi), phụ tử thân (cha con), phu phụ thuận (vợ chồng), khác với quan niệm quân - sư - phụ.
  8. Xứ Đông
    Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  9. Xứ Đoài
    Tên gọi nôm na của xứ Sơn Tây, một xứ thừa tuyên (đơn vị hành chính) thời Hậu Lê, nằm về phía tây kinh thành Thăng Long.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  10. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  11. Động Từ Thức
    Còn gọi là động Bích Đào, một hệ thống hang động núi đá vôi với nhiều nhũ đá, hiện thuộc xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đây là nơi gắn liền với tích Từ Thức gặp tiên.

    Động Từ Thức

    Động Từ Thức

  12. Hang Bạch Á
    Một cái hang gần động Từ Thức, thuộc xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
  13. Nam mô A Di Đà Phật
    Câu niệm danh hiệu của Phật A Di Đà, một phép tu hành được sử dụng trong Phật giáo Đại Thừa, đặc biệt là Tịnh Độ Tông.
  14. Âm phủ
    Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.

    Một hình vẽ âm phủ

    Một hình vẽ âm phủ

  15. Bá quan
    Từ chữ Hán Việt 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
  16. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  17. Tiền Giang
    Tên một nhánh của sông Cửu Long, gồm có bốn nhánh nhỏ hơn đổ ra biển Đông qua sáu cửa là Tiểu, Đại, Ba La, Hàm Luông, Cổ Chiên và Cung Hầu. Trên lãnh thổ Việt Nam, Tiền Giang chảy qua các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh.

    Cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền ở tỉnh Vĩnh Long

    Cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền ở tỉnh Vĩnh Long

  18. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  19. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  20. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  21. Đá mài
    Ngày xưa (và ở một số vùng nông thôn, miền núi bây giờ) nhân dân ta mài dao cho sắc bằng một hòn đá rất cứng gọi là đá mài. Trước và trong khi mài, người ta vuốt nước lên hòn đá ấy.

    Mài dao kéo

    Mài dao kéo

  22. Yểu tướng
    Tướng chết non, chết sớm (từ Hán Việt).
  23. Sông Đồng Nai
    Con sông dài nhất chảy trên lãnh thổ nước ta, chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đây sông có tên là Phước Long, đặt tên theo phủ Phước Long (Biên Hòa - Thủ Dầu Một) hiện nay. Sông chảy qua thành phố Biên Hòa và đến Nhà Bè thì có thêm chi lưu là sông Sài Gòn.

    Một nhánh sông Đồng Nai

    Một nhánh sông Đồng Nai

  24. Chùa Thiên Mụ
    Còn gọi là chùa Linh Mụ, một ngôi chùa cổ được xây dựng từ năm 1601, nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, thành phố Huế.

    Chùa Thiên Mụ

    Tháp Phước Duyên trong chùa Thiên Mụ

  25. Chùa Châu Thới
    Tên chữ là Châu Thới Sơn Tự, một ngôi chùa được dựng từ năm 1662 trên đỉnh núi Châu Thới, thuộc xã Bình An, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, nằm bên bờ sông Đồng Nai. Sách Gia Định Thành Thông Chí chép: "Ở đuôi dãy núi Châu Thới về phía Bắc, nứt ra một chi chạy đến địa phận thôn Long Tuy, rồi nổi lên gò cao bằng phẳng rộng rãi; ở trên núi có hang hổ và suối nước, dân chúng ở dọc theo đó. Trên núi có chùa Hội Sơn là chỗ Thiền sư Khánh Long sáng tạo để tu hành..."

    Chùa Châu Thới

    Chùa Châu Thới

  26. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  27. Tua rua
    Tên gọi dân dã trong tiếng Việt của cụm sao phân tán M45 trong chòm Kim Ngưu (Taurus), ở Việt Nam thường thấy được vào lúc sáng sớm đầu tháng 6 dương lịch. Tua Rua còn được nông dân đồng bằng Bắc Bộ gọi là Sao Mạ vì xuất hiện trên bầu trời vào thời vụ gieo mạ lúa mùa chính vụ. Trong bầu trời đêm thì mắt thường có thể nhìn thấy chín ngôi sao sáng nhất của cụm sao này, vì thế trong dân gian mới có câu "Sao Tua (Vua) chín cái nằm kề."

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey. Ảnh của:  NASA/ESA/AURA/Caltech.

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey.
    Ảnh của: NASA/ESA/AURA/Caltech.

  28. Tư điền
    Ruộng của riêng.
  29. Ở vậy
    Ở giá, không lấy chồng (hoặc vợ).
  30. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.