Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  2. Tuy Phước
    Tên một huyện lị của tỉnh Bình Định, ngày xưa là thôn Vinh Thạnh. Tuy Phước nổi tiếng với đặc sản là nem chợ Huyện, đồng thời là quê hương của danh nhân văn hóa, nhà soạn tuồng hát bội Đào Tấn và nhà thơ Xuân Diệu.

    Nem chợ Huyện

    Nem chợ Huyện

  3. Tháp Hưng Thạnh
    Tên một khu tháp của Chăm Pa, gồm hai tháp là tháp phía bắc và tháp phía nam cạnh nhau (nên gọi là tháp Đôi), hiện nằm ở phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

    Tháp Hưng Thạnh (tháp Đôi)

    Tháp Hưng Thạnh (tháp Đôi)

  4. Xấu đắng nước
    Xấu đến độ nước ngọt mà thành đắng, tức là quá xấu.
  5. Châu Trần
    Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.

    Thật là tài tử giai nhân,
    Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.

    (Truyện Kiều)

  6. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  7. Chỉ điều
    Cũng viết là chỉ hồng, chỉ thắm, chỉ đỏ... đều chỉ dây tơ hồng mà Nguyệt lão dùng để xe duyên.
  8. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  9. Cựu
    Cũ, xưa (từ Hán Việt).
  10. Tân
    Mới (từ Hán Việt).
  11. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  12. Ngân Hà
    Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.

    Nguồn: Rick Whitacre.

    Dải Ngân Hà. Nguồn: Rick Whitacre.

  13. Phên
    Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.

    Tấm phên

    Tấm phên

  14. Điên điển
    Một loại cây ở miền đồng bằng Nam Bộ, có bông được sử dụng làm nhiều món ăn như dưa chua, canh, gỏi trộn thịt gà...

    Bông điên điển

    Bông điên điển

    Gỏi bông điên điển và tép đồng

    Gỏi bông điên điển và tép đồng

  15. Cá linh
    Một loại cá cùng họ với cá chép, thân nhỏ và dẹp, thường sống ở cửa sông, xuất hiện nhiều ở các sông rạch miền Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi. Người dân miền Tây thường đánh bắt cá linh để làm các món ăn gia đình (kho tiêu, lẩu, gỏi...) và làm mắm.

    Cá linh

    Cá linh

  16. Có bản chép: thì.
  17. Giăng
    Trăng (phương ngữ Bắc Bộ).

    Lòng tôi không giăng gió
    Nhưng gặp người gió giăng

    (Khúc hát - Lưu Quang Vũ)

  18. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  19. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  20. Vàm Nao
    Tên một con sông tại tỉnh An Giang, nối sông Tiền với sông Hậu. Theo học giả Vương Hồng Sển, sông này "đứng làm ranh giới giữa Long Xuyên và Châu Đốc, chảy dọc theo làng Hòa Hảo... Vì nước chảy như cắt, sóng to, xoáy tròn khu ốc, nên gọi là Hồi Oa, nôm gọi là Vàm Nao, do tiếng Cơ Me (Khmer) là 'pãm pênk nàv'."
  21. Hòn Chảo
    Cũng gọi là núi Ông Chao, một quả núi nay thuộc địa phận xã Gành Dầu, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Để phòng những cuộc tấn công bất ngờ của hải tặc, năm 1735 tổng trấn Hà Tiên là Mạc Thiên Tích lên thay cha (Mạc Cửu) đã ra tay trấn cướp và còn cho lập trên đỉnh núi này một đàn trời rộng lớn làm nơi đốt lửa báo nguy cho Phương Thành (Hà Tiên) khi cần ứng cứu. Lưu ý phân biệt với hòn đảo cùng tên thuộc địa phận Đà Nẵng.
  22. Gióng
    Còn gọi là quang, đồ vật làm bằng mây, gồm có đế gióng và 4 hay 6 quai gióng. Gióng được dùng kết hợp với đòn gánh - đòn gánh ở giữa, hai chiếc gióng hai bên, để gánh gạo và các loại nông sản khác.

    Quang gánh

    Quang gánh

  23. Sớt sưa
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Sớt sưa, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  24. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Tứ Gióng.
  25. Vi
    Vây.
  26. Rắn mối
    Tên một loài bò sát có hình dáng giống thằn lằn nhưng to hơn nhiều. Theo kinh nghiện dân gian, thịt rắn mối có thể trị bệnh hen suyễn, chữa suy dinh dưỡng, ngoài ra còn có tác dụng tốt với bệnh đau nhức xương khớp, giật kinh phong... Ở một số vùng, người dân còn bắt rắn mối làm thức ăn.

    Rắn mối

    Rắn mối

  27. Ve
    Ve vãn, tán tỉnh.
  28. Chuột chù
    Một giống chuột ăn thịt, thức ăn chủ yếu là côn trùng, chim non, ếch, chuột nhắt... Chuột chù có mùi rất hôi.

    Chuột chù

    Chuột chù

  29. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Chín Cu.
  30. Nam mô A Di Đà Phật
    Câu niệm danh hiệu của Phật A Di Đà, một phép tu hành được sử dụng trong Phật giáo Đại Thừa, đặc biệt là Tịnh Độ Tông.
  31. Đãy
    Cũng gọi là tay nải, cái túi to làm bằng vải, có quai để quàng lên vai, dùng để mang đi đường. Đây là vật dụng thường thấy ở những nhà sư khất thực.

    Mang đãy

    Mang đãy

  32. Con nước
    Cũng gọi là ngọn nước, chỉ sự lên xuống của mực nước sông theo thủy triều.