Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Hiếu sự vi tiên
    Lấy việc hiếu thảo làm đầu (thành ngữ Hán Việt).
  2. Mộ thê tử
    Yêu mến vợ con.
  3. Sinh thành
    Sinh ra và nuôi nấng, dạy dỗ cho thành người (từ Hán Việt).
  4. Bộ La
    Một làng nay thuộc xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
  5. Cồn
    Đảo nhỏ và thấp. Ở miền Trung và Nam Bộ, cồn còn được gọi là cù lao hoặc bãi giữa, là dải đất hình thành ở giữa các con sông lớn (sông cái) nhờ quá trình bồi đắp phù sa lâu năm.

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

  6. Cá sặc
    Một loại cá đồng, có rất nhiều ở vùng Tây Nam Bộ vào mùa nước nổi. Người dân Nam Bộ thường đánh bắt cá sặc để làm khô cá, mắm sặc, hoặc nấu thành nhiều món ăn ngon như gỏi, cháo, canh chua bông súng...

    Khô cá sặc

    Khô cá sặc

  7. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  8. Đút
    Đốt (phương ngữ).
  9. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  10. Mấn
    Váy (phương ngữ Nghệ Tĩnh).
  11. Đường rầy
    Đường ray (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Cả hai từ này đều có gốc từ tiếng Pháp rail.
  12. Xe lửa
    Tàu hỏa (phương ngữ miền Trung và Nam Bộ).
  13. Xe lửa Sài Gòn
    Vào đầu thế kỉ 20, người Pháp đã tiến hành xây dựng một mạng lưới giao thông đường sắt hoàn chỉnh kết nối Sài Gòn với những tỉnh thành phụ cận. Cuối năm 1881, hệ thống xe lửa nhẹ nối liền hai khu vực chính của thành phố là Sài Gòn và Chợ Lớn bắt đầu họat động, ban đầu chạy bằng hơi nước, sau đó chạy bằng điện. Mạng lưới này dần dần được mở rộng, lan tới Gò Vấp rồi Lái Thiêu, Thủ Dầu Một.
    Nổi tiếng hơn là tuyến xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho dài 70 kí-lô-mét, khởi hành từ chợ Bến Thành, quan Bình Chánh, Bến Lức, Tân An rồi đến ga chính ở Mỹ Tho (gần vườn hoa Lạc Hồng ngày nay). Vào thời gian đầu, khi chưa có cầu Bến Lức và cầu Tân An, cả đoàn tàu phải xuống phà đế băng qua hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Tuyến đường này khánh thành vào giữa năm 1885, tồn tại 73 năm, đến năm 1958 thì ngừng hoạt động.
    Nhiều dấu tích của mạng lưới đường sắt nội thị ngày xưa cũng như của tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho như đường rày, cầu, giếng nước vẫn còn tồn tại.

    Xe lửa nhẹ (tramway) nối liền Sài Gòn - Gia Định

  14. Cầu Bình Điền
    Một cây cầu thép được xây dựng dưới thời Pháp thuộc, bắc ngang qua sông Bình Điền (nay thuộc địa phận huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh) cho xe lửa chạy tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho. Sau này Việt Minh phá đường ray đoạn Bình Chánh - Gò Đen, xe lửa không chạy được nữa, nên Pháp xây thêm cây cầu mới bê tông dầm thép tại vị trí cầu Bình Điền ngày nay để lưu thông đường bộ.
  15. Nghiêng triền
    Nghiêng qua một bên (phương ngữ Nam Bộ).
  16. Gian hùng
    Người có tài năng nhưng mưu mô quỷ quyệt, không từ thủ đoạn nào để đạt mục đích của mình.

    Tào Tháo

    Tào Tháo, nhân vật gắn liền với hai chữ "gian hùng"

  17. Có bản chép: anh hùng.
  18. Nguyễn Văn Tường
    Một nhân vật lịch sử của nước ta vào cuối thế kỉ 19. Ông sinh năm 1824 tại Triệu Phong, Quảng Trị, làm quan đến chức phụ chính đại thần dưới triều Nguyễn, chủ trương đánh Pháp. Năm 1874, do tình thế bắt buộc, ông phải đại diện triều đình kí kết hòa ước Giáp Tuất, công nhận Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp. Năm 1884, ông cùng Tôn Thất Thuyết đưa Hàm Nghi lên ngôi. Năm 1885, trận Kinh thành Huế thất bại, ông cùng Tôn Thất Thuyết phò vua bôn tẩu khắp nơi. Sau ông về trở về hợp tác với Pháp, chịu nhiều nghi kị. Sau ông bị đày đi Tahiti và mất ở đó vào ngày 30/7/1886.

    Từng có nhiều nhận xét khen chê của hậu thế về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Văn Tường, nhưng cho đến nay đã thống nhất: ông là người có công với dân tộc.

    Nguyễn Văn Tường

    Nguyễn Văn Tường

  19. Hoàng Kế Viêm
    Phò mã và danh tướng nhà Nguyễn, tên thật là Hoàng Tá Viêm, tự Nhật Trường, hiệu Tùng An, người làng Văn La, tổng Văn Đại, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông kết duyên với con gái thứ năm của vua Minh Mạng là công chúa Hương La, nhưng chẳng bao lâu thì vợ mất. Khi quân Pháp xâm chiếm nước ta, Hoàng Kế Viêm đứng về phe chủ chiến. Sau khi triều đình kí Hòa ước Giáp Thân (1884) với Pháp, vua Kiến Phúc đã ra lệnh cho Hoàng Kế Viêm lúc đó đang đóng ở Sơn Tây rút quân về Huế, nhưng ông không tuân lệnh, vẫn ở lại phối hợp với quân Thanh đánh Pháp. Mãi đến khi Sơn Tây và Hưng Hóa thất thủ, ông mới chịu về Huế, nhưng cương quyết không hợp tác với phe chủ hòa.

    Năm 1884, ông được phong làm Thái tử Thiếu bảo, Cơ mật viện Đại thần. Chẳng bao lâu ông xin về trí sĩ nhưng không được, mãi đến đời vua Thành Thái, năm 1889, ông mới được nghỉ hưu, về quê sống đến khi mất (1909), thọ 89 tuổi. Hiện vẫn còn khá nhiều tranh cãi về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

    Mộ Hoàng Kế Viêm tại Lệ Thuỷ, Quảng Bình

    Mộ Hoàng Kế Viêm tại Lệ Thuỷ, Quảng Bình

  20. Ông Ích Khiêm
    Một danh tướng của nhà Nguyễn. Ông sinh ngày 21 tháng 12 năm Mậu Tý (tức 25 tháng 1 năm 1829) tại làng Phong Lệ, tổng Thanh Quýt, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là khu vực Phong Lệ Bắc, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng). Vốn tính nghiêm khắc, nóng nảy đến mức ngang bướng, đời làm quan của ông có nhiều thăng trầm, nhiều lần bị cách chức rồi phục chức. Tháng 6 âm lịch năm 1884, vua Kiến Phúc mất đột ngột. Ông Ích Khiêm lúc ấy đang bị giam trong quân lao Bình Thuận, hay tin, liền nhịn đói luôn bốn ngày, viết di chúc rồi uống thuốc độc mất.
  21. Tôn Thất Thuyết
    Quan phụ chính đại thần của nhà Nguyễn, người đã cùng vua Hàm Nghi phát động phong trào Cần Vương, kêu gọi nhân dân đứng lên đánh Pháp. Ông sinh năm ngày 29 tháng 3 năm Kỷ Hợi, tức 12 tháng 5 năm 1835 tại làng Phú Mộng, bên bờ sông Bạch Yến cạnh Kinh thành Thuận Hóa, nay thuộc thôn Phú Mộng, phường Kim Long, thành phố Huế, làm quan đại thần trong triều Nguyễn. Khi Pháp xâm chiếm nước ta, ông thuộc phe chủ chiến. Tất cả những người có quan hệ mật thiết với Pháp đều bị ông tìm cách trừ khử. Cùng với Nguyễn Văn Tường, ông lần lượt phế bỏ các vua Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc, để cuối cùng đưa Hàm Nghi lên ngôi. Sau thất bại ở trận Kinh thành Huế năm 1885, ông lưu lạc nhiều nơi, chủ trương cầu viện nhà Thanh đánh Pháp, nhưng những hoạt động của ông đều không mang lại kết quả. Ông mất tại Trung Quốc vào ngày 22 tháng 9 năm 1913.

    Về cuộc đời Tôn Thất Thuyết, hiện nay có khá nhiều đánh giá trái ngược nhau. Một số học giả phê phán ông là phản thần, nghịch tặc vì đã liên tục phế vua, trong khi một số khác thì ca ngợi ông là một người nặng tấm lòng yêu nước.

    Tôn Thất Thuyết

    Tôn Thất Thuyết

  22. Có bản chép: thằng.
  23. Võ phu
    Người chỉ có sức khoẻ, cậy khoẻ, thiếu trí tuệ.
  24. Đề Đức
    Tên một quan đề đốc của triều Nguyễn, có bản chú là Vũ Văn Đức, lại có bản chú là Nguyễn Đức. Hiện chưa tìm được thông tin cụ thể về nhân vật này.
  25. Trần Xuân Soạn
    Một vị tướng nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, làm đến chức Đề đốc nên còn gọi là Đề Soạn. Đầu tháng 4 năm 1885, thời vua Hàm Nghi, ông cùng Tôn Thất Thuyết đánh Pháp đóng ở đồn Mang Cá trong trận Kinh thành Huế. Sau khi thất bại, ông lãnh nhiệm vụ tổ chức phong trào Cần vương ở Thanh Hóa. Ít lâu sau, ông sang Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc) gặp Tôn Thất Thuyết để bàn chuyện xin viện trợ và tổ chức lại lực lượng, nhưng rồi bị mắc kẹt luôn ở bên đó. Ở Long Châu, được sự giúp đỡ của một số sĩ phu Hoa Nam, ông đã tổ chức được mấy toán quân, và nhiều lần về hoạt động ở biên giới, nhưng tất cả đều không thành công. Năm Quý Hợi (1923), Trần Xuân Soạn mất tại Long Châu, thọ 74 tuổi.
  26. Bài ca dao này ra đời sau thất bại của trận Kinh thành Huế vào năm 1885, dẫn đến toàn bộ quyền triều chính lọt vào tay người Pháp. Lúc ấy có tin đồn Kinh đô thất thủ là do Pháp sắp đặt và những người lãnh đạo cuộc tấn công là nội gián của Pháp, nhằm tiếp tay cho Pháp đô hộ Việt Nam sớm hơn.
  27. Áo bà ba
    Một loại áo phổ biến ở các địa phương miền Nam, ở miền Bắc gọi là áo cánh. Áo không có bâu (cổ áo), được xẻ ở hai bên hông, vạt áo ngắn ngang hông, có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như thuốc rê, diêm quẹt, tiền bạc... Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái đó, chiếc áo bà ba được cả nam lẫn nữ ở đồng bằng sông Cửu Long mặc cả lúc đi làm, đi chợ, đi chơi.

    Áo bà ba cùng với khăn rằn được coi là một trong những đặc trưng văn hóa Nam Bộ, mặc dù hiện nay áo đã được "cải tiến" khá nhiều.

    Về nguồn gốc tên áo, nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam cho rằng “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba” (Văn minh miệt vườn).

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

  28. Bận
    Mặc (quần áo).
  29. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  30. Gió mùa Đông Bắc
    Tên gọi dân gian là gió bấc, một loại gió lạnh thổi vào mùa đông, thường kèm theo mưa phùn.
  31. Ngũ Hành Sơn
    Còn có tên là núi Non Nước, một danh thắng gồm 6 ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển, trên một diện tích khoảng 2 km2, gồm: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn (lớn, cao và đẹp nhất), Hỏa Sơn (có hai ngọn) và Thổ Sơn, thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Ngũ Hành Sơn là một thắng cảnh nổi tiếng của Đà Nẵng.

    Ngũ Hành Sơn

    Ngũ Hành Sơn

  32. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  33. Núi, rừng nói chung (phương ngữ Trung Bộ).
  34. Bụ
    Vú (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  35. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  36. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  37. Thuở tạo thiên
    Lúc mới lập ra trời đất.
  38. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  39. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  40. Thủ lễ
    Giữ lễ phép. Nghiêng mình thủ lễ tức là nghiêng mình chào cung kính, giữ phép tắc.
  41. Nhơn
    Nhân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  42. Tua rua
    Tên gọi dân dã trong tiếng Việt của cụm sao phân tán M45 trong chòm Kim Ngưu (Taurus), ở Việt Nam thường thấy được vào lúc sáng sớm đầu tháng 6 dương lịch. Tua Rua còn được nông dân đồng bằng Bắc Bộ gọi là Sao Mạ vì xuất hiện trên bầu trời vào thời vụ gieo mạ lúa mùa chính vụ. Trong bầu trời đêm thì mắt thường có thể nhìn thấy chín ngôi sao sáng nhất của cụm sao này, vì thế trong dân gian mới có câu "Sao Tua (Vua) chín cái nằm kề."

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey. Ảnh của:  NASA/ESA/AURA/Caltech.

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey.
    Ảnh của: NASA/ESA/AURA/Caltech.

  43. Hồng quần
    Cái quần màu đỏ. Ngày xưa bên Trung Hoa phữ nữ thường mặc quần màu đỏ, nên chữ "hồng quần" còn được dùng để chỉ phụ nữ.

    Phong lưu rất mực hồng quần,
    Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.

    (Truyện Kiều)

  44. Giồng Trôm
    Một huyện thuộc tỉnh Bến Tre, trước đây còn có tên là quận Tán Kế, đặt theo tên Tán Lý quân cơ Lê Thành Kế (? - 1869), một vị quan triều Nguyễn, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Giồng Trôm. Địa danh Giồng Trôm có từ việc nơi đây từng là một giồng đất trồng nhiều cây trôm.
  45. Trượng phu
    Người đàn ông có khí phách, giỏi giang, hào kiệt.