Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Mả
    Ngôi mộ.
  2. Gạo
    Loại cây thân mộc, có hoa đỏ thường nở vào tháng 3 âm lịch, thời điểm hết xuân sang hè. Cũng như cây đa, cây hoa gạo là một nét bản sắc quen thuộc của làng quê Việt Nam, thường mọc ở đầu làng, cạnh đình, bến sông... Hoa gạo còn có tên Hán Việt là mộc miên, người Tây Nguyên gọi là hoa pơ-lang.

    Cây hoa gạo

    Cây gạo

  3. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  4. Đông Phù
    Tên nôm là làng Nhót, nay thuộc xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Trước đây Đông Phù là vùng đất trọng yếu ở phía nam kinh thành Thăng Long, nơi có đường bộ, đường thuỷ khá thuận tiện cho việc giao thương. Thời 12 sứ quân, tướng Nguyễn Siêu lập đại bản doanh ngay trên đất này, nay còn dấu vết thành luỹ. Cuối năm 1426, Bình Định Vương Lê Lợi bao vây quân Minh ở thành Đông Quan, đã đặt sở chỉ huy tại đình làng. Hơn 300 năm sau, đại quân Nguyễn Huệ từ Phú Xuân ra giải phóng Thăng Long cũng có qua Đông Phù.
  5. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  6. Vồ
    Dụng cụ gồm một đoạn gỗ chắc và nặng có tra cán, dùng để nện, đập. Trong nông nghiệp, vồ được dùng để đập cho đất nhỏ ra.

    Cái vồ

    Cái vồ

  7. Giã ơn
    Cảm tạ ơn.

    Kíp truyền thu lễ, trao lời giã ơn
    (Nhị Độ Mai)

  8. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  9. Gian hùng
    Người có tài năng nhưng mưu mô quỷ quyệt, không từ thủ đoạn nào để đạt mục đích của mình.

    Tào Tháo

    Tào Tháo, nhân vật gắn liền với hai chữ "gian hùng"

  10. Có bản chép: anh hùng.
  11. Nguyễn Văn Tường
    Một nhân vật lịch sử của nước ta vào cuối thế kỉ 19. Ông sinh năm 1824 tại Triệu Phong, Quảng Trị, làm quan đến chức phụ chính đại thần dưới triều Nguyễn, chủ trương đánh Pháp. Năm 1874, do tình thế bắt buộc, ông phải đại diện triều đình kí kết hòa ước Giáp Tuất, công nhận Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp. Năm 1884, ông cùng Tôn Thất Thuyết đưa Hàm Nghi lên ngôi. Năm 1885, trận Kinh thành Huế thất bại, ông cùng Tôn Thất Thuyết phò vua bôn tẩu khắp nơi. Sau ông về trở về hợp tác với Pháp, chịu nhiều nghi kị. Sau ông bị đày đi Tahiti và mất ở đó vào ngày 30/7/1886.

    Từng có nhiều nhận xét khen chê của hậu thế về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Văn Tường, nhưng cho đến nay đã thống nhất: ông là người có công với dân tộc.

    Nguyễn Văn Tường

    Nguyễn Văn Tường

  12. Hoàng Kế Viêm
    Phò mã và danh tướng nhà Nguyễn, tên thật là Hoàng Tá Viêm, tự Nhật Trường, hiệu Tùng An, người làng Văn La, tổng Văn Đại, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông kết duyên với con gái thứ năm của vua Minh Mạng là công chúa Hương La, nhưng chẳng bao lâu thì vợ mất. Khi quân Pháp xâm chiếm nước ta, Hoàng Kế Viêm đứng về phe chủ chiến. Sau khi triều đình kí Hòa ước Giáp Thân (1884) với Pháp, vua Kiến Phúc đã ra lệnh cho Hoàng Kế Viêm lúc đó đang đóng ở Sơn Tây rút quân về Huế, nhưng ông không tuân lệnh, vẫn ở lại phối hợp với quân Thanh đánh Pháp. Mãi đến khi Sơn Tây và Hưng Hóa thất thủ, ông mới chịu về Huế, nhưng cương quyết không hợp tác với phe chủ hòa.

    Năm 1884, ông được phong làm Thái tử Thiếu bảo, Cơ mật viện Đại thần. Chẳng bao lâu ông xin về trí sĩ nhưng không được, mãi đến đời vua Thành Thái, năm 1889, ông mới được nghỉ hưu, về quê sống đến khi mất (1909), thọ 89 tuổi. Hiện vẫn còn khá nhiều tranh cãi về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

    Mộ Hoàng Kế Viêm tại Lệ Thuỷ, Quảng Bình

    Mộ Hoàng Kế Viêm tại Lệ Thuỷ, Quảng Bình

  13. Ông Ích Khiêm
    Một danh tướng của nhà Nguyễn. Ông sinh ngày 21 tháng 12 năm Mậu Tý (tức 25 tháng 1 năm 1829) tại làng Phong Lệ, tổng Thanh Quýt, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là khu vực Phong Lệ Bắc, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng). Vốn tính nghiêm khắc, nóng nảy đến mức ngang bướng, đời làm quan của ông có nhiều thăng trầm, nhiều lần bị cách chức rồi phục chức. Tháng 6 âm lịch năm 1884, vua Kiến Phúc mất đột ngột. Ông Ích Khiêm lúc ấy đang bị giam trong quân lao Bình Thuận, hay tin, liền nhịn đói luôn bốn ngày, viết di chúc rồi uống thuốc độc mất.
  14. Tôn Thất Thuyết
    Quan phụ chính đại thần của nhà Nguyễn, người đã cùng vua Hàm Nghi phát động phong trào Cần Vương, kêu gọi nhân dân đứng lên đánh Pháp. Ông sinh năm ngày 29 tháng 3 năm Kỷ Hợi, tức 12 tháng 5 năm 1835 tại làng Phú Mộng, bên bờ sông Bạch Yến cạnh Kinh thành Thuận Hóa, nay thuộc thôn Phú Mộng, phường Kim Long, thành phố Huế, làm quan đại thần trong triều Nguyễn. Khi Pháp xâm chiếm nước ta, ông thuộc phe chủ chiến. Tất cả những người có quan hệ mật thiết với Pháp đều bị ông tìm cách trừ khử. Cùng với Nguyễn Văn Tường, ông lần lượt phế bỏ các vua Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc, để cuối cùng đưa Hàm Nghi lên ngôi. Sau thất bại ở trận Kinh thành Huế năm 1885, ông lưu lạc nhiều nơi, chủ trương cầu viện nhà Thanh đánh Pháp, nhưng những hoạt động của ông đều không mang lại kết quả. Ông mất tại Trung Quốc vào ngày 22 tháng 9 năm 1913.

    Về cuộc đời Tôn Thất Thuyết, hiện nay có khá nhiều đánh giá trái ngược nhau. Một số học giả phê phán ông là phản thần, nghịch tặc vì đã liên tục phế vua, trong khi một số khác thì ca ngợi ông là một người nặng tấm lòng yêu nước.

    Tôn Thất Thuyết

    Tôn Thất Thuyết

  15. Có bản chép: thằng.
  16. Võ phu
    Người chỉ có sức khoẻ, cậy khoẻ, thiếu trí tuệ.
  17. Đề Đức
    Tên một quan đề đốc của triều Nguyễn, có bản chú là Vũ Văn Đức, lại có bản chú là Nguyễn Đức. Hiện chưa tìm được thông tin cụ thể về nhân vật này.
  18. Trần Xuân Soạn
    Một vị tướng nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, làm đến chức Đề đốc nên còn gọi là Đề Soạn. Đầu tháng 4 năm 1885, thời vua Hàm Nghi, ông cùng Tôn Thất Thuyết đánh Pháp đóng ở đồn Mang Cá trong trận Kinh thành Huế. Sau khi thất bại, ông lãnh nhiệm vụ tổ chức phong trào Cần vương ở Thanh Hóa. Ít lâu sau, ông sang Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc) gặp Tôn Thất Thuyết để bàn chuyện xin viện trợ và tổ chức lại lực lượng, nhưng rồi bị mắc kẹt luôn ở bên đó. Ở Long Châu, được sự giúp đỡ của một số sĩ phu Hoa Nam, ông đã tổ chức được mấy toán quân, và nhiều lần về hoạt động ở biên giới, nhưng tất cả đều không thành công. Năm Quý Hợi (1923), Trần Xuân Soạn mất tại Long Châu, thọ 74 tuổi.
  19. Bài ca dao này ra đời sau thất bại của trận Kinh thành Huế vào năm 1885, dẫn đến toàn bộ quyền triều chính lọt vào tay người Pháp. Lúc ấy có tin đồn Kinh đô thất thủ là do Pháp sắp đặt và những người lãnh đạo cuộc tấn công là nội gián của Pháp, nhằm tiếp tay cho Pháp đô hộ Việt Nam sớm hơn.
  20. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  21. Khoai môn
    Tên một số giống khoai gặp nhiều ở nước ta, cho củ có nhiều tinh bột, ăn được. Có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn bạc hà, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn... mỗi loại có những công dụng khác nhau như nấu canh, nấu chè... Trước đây môn, sắn, khoai, ngô... thường được ăn độn với cơm để tiết kiệm gạo.

    Cây và củ khoai môn

    Cây và củ khoai môn

  22. Thạch bàn
    Phiến đá lớn, phẳng như cái mâm.
  23. Bành Tổ
    Cũng có tên là Bành Khang, một nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc. Chuyện kể rằng một hôm Bành Khang nấu một nồi canh gà rừng dâng lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng ưng ý, liền bảo: "Nhà ngươi đếm trên mình gà có bao nhiều sợi lông màu sắc rực rỡ thì nhà ngươi sống được bấy nhiêu tuổi". Bành Khang tìm lại đống lông gà, đếm được 800 sợi, nhờ đó sống được 800 tuổi.

    Trong văn hóa Trung Quốc, ông Bành Tổ được xem là biểu tượng cho sự trường thọ.

  24. Gió nồm
    Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.
  25. Bắt thiếu giỗ, không ai bắt cỗ lưng
    Mâm cỗ có đơn sơ (lưng, không đầy đủ do nhiều hoàn cảnh) không đáng trách bằng việc con cháu quên ngày giỗ ông bà, cha mẹ.
  26. Hạ giới
    Nhân gian, theo quan niệm dân gian Trung Hoa và các nước đồng văn, là nơi người bình thường sinh hoạt, trái với thượng giới là nơi thần tiên ở.
  27. Tườu
    Con khỉ, dùng với ý bỡn cợt, mắng, rủa.
  28. Đờn
    Đàn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  29. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  30. Khuê môn
    Cửa nhà trong, chỗ con gái ở (từ Hán Việt).
  31. Gá duyên
    Kết thành nghĩa vợ chồng.
  32. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  33. Một trong những thể loại âm nhạc dân gian, có nguồn gốc từ lao động sông nước, diễn tả tâm tư tình cảm của người lao động. Hò là nét văn hóa đặc trưng của miền Trung và miền Nam. Hò và tuy có phần giống nhau nhưng hò thường gắn liền với với một động tác khi làm việc, còn lý thì không.

    Nghe một bài hò mái nhì.

  34. Nhãn tiền
    Nhãn là con mắt. Tiền nghĩa là "trước." Nhãn tiền dịch nghĩa là "trước mắt," thấy ngay nhãn tiền nghĩa là xảy ra ngay lập tức.
  35. Tơ mành
    Dây tơ mỏng, chỉ tình yêu vương vấn của đôi trai gái (xem thêm chú thích Ông Tơ Nguyệt). Khi dệt lụa, tơ mành là sợi ngang, mỏng manh hơn sợi dọc.

    Cho hay là thói hữu tình
    Đố ai dứt mối tơ mành cho xong

    (Truyện Kiều)