Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nạ dòng
    Người phụ nữ đã có con, đứng tuổi. Từ này thường dùng với nghĩa chê bai. Có nơi phát âm thành lại dòng.

    Theo học giả An Chi, nạ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 女 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "nữ" còn âm xưa chính là "nạ," có nghĩa là "đàn bà," "mẹ"... còn dòng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 庸 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "dung" còn âm xưa chính là "dòng," có nghĩa gốc là hèn mọn, tầm thường, yếu kém, mệt mỏi... rồi mới có nghĩa phái sinh là không còn nhanh nhẹn, gọn gàng vì đã luống tuổi, nhất là đối với những người đã có nhiều con.

  2. Đá mài
    Ngày xưa (và ở một số vùng nông thôn, miền núi bây giờ) nhân dân ta mài dao cho sắc bằng một hòn đá rất cứng gọi là đá mài. Trước và trong khi mài, người ta vuốt nước lên hòn đá ấy.

    Mài dao kéo

    Mài dao kéo

  3. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  4. Béng
    Bánh (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  5. Béng cá giá ruốc
    Những thứ thức ăn dân dã mà người nhà quê thích và thường mua khi đi chợ.
  6. Kèo
    Thanh bằng tre hay gỗ từ nóc nhà xuôi xuống đỡ các tay đòn hay xà gỗ.

    Kèo

    Kèo

  7. Xà gồ
    Cũn gọi là đòn tay, thanh cứng (ngày xưa thường làm bằng gỗ hoặc tre) được đặt nằm ngang để đỡ các bộ phận bên trên của một công trình xây dựng (nhà cửa, đền chùa...).

    Xà gồ chạm hoa văn

    Xà gồ chạm hoa văn

  8. Tầm vông
    Một loài cây thuộc họ tre, có khả năng chịu khô hạn khá tốt, ưa ánh sáng dồi dào. Thân cây gần như đặc ruột và rất cứng, không gai, thường dùng trong xây dựng, sản xuất chiếu và làm hàng thủ công mỹ nghệ. Ngoài việc sử dụng làm vật liệu xây dựng như những loài tre khác, do độ bền cao, đặc biệt là khả năng dễ uốn cong nên tầm vông còn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác.

    Bụi tầm vông

    Bụi tầm vông

  9. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  10. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  11. Sò huyết
    Một loại sò, có tên như vậy vì có huyết đỏ. Sò huyết là một loại hải sản rất tốt cho sức khỏe, và được chế biến thành nhiều món ăn ngon như sò huyết nướng, cháo sò huyết... Ngày xưa sò huyết còn dùng để tiến vua.

    Sò huyết

    Sò huyết

  12. Bãi Ngao
    Tên một phần thuộc xã An Hiệp, huyện Tuy An của đầm Ô Loan, tỉnh Phú Yên. Có tên như vậy vì ở đây rất nhiều nghêu sò, đặc biệt là sò huyết, một đặc sản của đầm Ô Loan.

    Đầm Ô Loan

    Đầm Ô Loan

  13. Đá Trắng
    Một ngọn núi nay thuộc xã An Dân, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Tại đây có chùa Đá Trắng (Bạch Thạc Tự, hoặc chùa Từ Quang) được xây dựng từ năm 1797, xung quanh là một vườn trồng giống xoài quý cũng có tên là xoài Đá Trắng. Tương truyền, xoài Đá Trắng trái nhỏ, vỏ mỏng, cùi ngọt lịm, để được lâu, hương không phai, mùa quả chín, mùi thơm đặc trưng bay xa vài trăm mét. Đặc biệt, các giống xoài khác khi ra hoa màu vàng, xoài Đá Trắng xưa thì hoa màu trắng và duy chỉ những cây trồng trong khuôn viên chùa thì quả mới có những đặc điểm quý hiếm kia. Thời Nguyễn đây là vật phẩm tiến vua. Mỗi năm vào tết Đoan Ngọ tỉnh Phú Yên phải dâng vua từ 1000 đến 2000 quả xoài.

    Chùa Đá Trắng

    Chùa Đá Trắng

  14. Kiến
    Gặp, trông thấy (từ Hán Việt).

    Nhớ câu "kiến ngãi bất vi"
    Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.

    (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

  15. Có bản chép: điếm (hàng quán).
  16. Có bản chép: Qua Ninh (chưa rõ là chợ nào).
  17. Chợ Quả Linh
    Một chợ nổi tiếng ở Nam Định xưa.
  18. Chợ Trình
    Một cái chợ nổi tiếng ở Nam Định xưa.
  19. Non Côi
    Tên gọi khác của núi Gôi ở huyện Vụ Bản (xưa là Thiên Bản), tỉnh Nam Định. Hình ảnh "Non Côi" thường đi chung với "Sông Vị," rất hay xuất hiện trong thơ ca xưa, đặc biệt là trong thơ Tú Xương. Trên núi có chợ Gôi, một phiên chợ nổi tiếng ngày trước.
  20. Chợ Viềng
    Một phiên chợ Tết đặc biệt của Nam Định xưa. Tương truyền ngày xưa ở Nam Định có đến 3, 4 chợ cùng mang tên chợ Viềng. Chợ Viềng chính nằm ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, họp vào ngày 8 tháng Giêng. Dân vùng này tin rằng buôn bán vào ngày này sẽ gặp may mắn quanh năm. Do đó, nếu gặp những ngày có mưa gió, lại gặp đò ngang cách trở, dân buôn tự động họp chợ ở một nơi nào đó để buôn bán gọi là “lấy ngày”, cầu may cho cả năm, thế là một phiên chợ Viềng mới được thành hình.

    Một góc chợ Viềng

    Một góc chợ Viềng

  21. Có bản chép: Chợ Viềng mồng tám tháng giêng.
  22. Cù lao Ông Chưởng
    Tên một cù lao thuộc tỉnh An Giang, nằm trên con rạch cùng tên chia nước từ sông Tiền qua sông Hậu. Tên cù lao và rạch được đặt theo tên của quan Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh. Cù lao này cùng với vùng đất hai bên bờ rạch rất màu mỡ, nhiều ruộng vườn tươi tốt, giàu tôm cá. Gia Định thành thông chí chép:

    Tục gọi là vàm Ông Chưởng; cửa sông nầy rộng 8 tầm, sâu 8 thước ta. Trước cửa sông có cù lao nhỏ và nhân tên sông mà gọi tên cù lao ấy, ở cách phía tây đạo Đông Khẩu 90 dặm rưỡi. Sông chảy vào nam 60 dặm rưỡi đến hạ khẩu rồi hợp lưu với Hậu Giang. Bờ phía tây có sở thủ ngự Hùng Sai, bờ phía tây thượng khẩu có miếu thờ Khâm sai Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn (Nguyễn Hữu Cảnh) vì dân ở đấy cho rằng ông có công dẹp yên Cao Miên, khai thác đất này, nên nhân dân nhớ công đức mà lập miếu thờ...

    Rạch Ông Chưởng

    Rạch Ông Chưởng

  23. Vàm Nao
    Tên một con sông tại tỉnh An Giang, nối sông Tiền với sông Hậu. Theo học giả Vương Hồng Sển, sông này "đứng làm ranh giới giữa Long Xuyên và Châu Đốc, chảy dọc theo làng Hòa Hảo... Vì nước chảy như cắt, sóng to, xoáy tròn khu ốc, nên gọi là Hồi Oa, nôm gọi là Vàm Nao, do tiếng Cơ Me (Khmer) là 'pãm pênk nàv'."
  24. Cá bông lau
    Một loại cá nước lợ có nhiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cá có mình trắng, da trơn, thân có lớp mỡ dày rất béo. Cá bông lau gắn liền với các món ăn dân dã đặc trưng miền Tây Nam Bộ như canh chua cá bông lau, cá bông lau kho tộ...

    Cá bông lau

    Cá bông lau

    Cá bông lau kho tộ

    Cá bông lau kho tộ

  25. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  26. Mi
    Mày, ngôi thứ hai số ít để xưng hô thân mật, suồng sã ở các tỉnh miền Trung.
  27. Chú khi ni, mi khi khác
    Tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.
  28. Cái Răng
    Một địa danh nay nằm ở phía Đông Nam của thành phố Cần Thơ. Tại đây có chợ nổi Cái Răng, nơi người dân buôn bán các loại trái cây, hàng hóa, thực phẩm... trên ghe thuyền. Chợ nổi Cái Răng được xem là một trong những nét đặc trưng cho văn hóa sông nước miền Tây.

    Chợ nổi Cái Răng

    Chợ nổi Cái Răng

    Địa danh Cái Răng có nguồn gốc từ chữ cà ràng (karan, kran), một loại bếp bằng đất sét của người Miên trước kia được bán rất nhiều ở khu vực sông này.

    Cái cà ràng

    Cái cà ràng

  29. Ba Láng
    Địa danh nay thuộc địa phận quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.
  30. Vàm Xáng
    Một địa danh thuộc Cần Thơ, nơi dòng kênh Xáng Xà No đổ ra sông Cần Thơ (vàm có nghĩa là "cửa sông"). Tại đây có vườn cây trái Vàm Xáng, một địa điểm tham quan khá nổi tiếng trong vùng.
  31. Xà No
    Một địa danh nằm bên sông Cần Thơ, nay là ngã ba vàm Xáng Phong Điền. Theo nhà văn Sơn Nam thì tên Xà No bắt nguồn từ tiếng Khmer là Sok Snor có nghĩa là "xóm cây điên điển." Con kênh xáng Xà No nổi tiếng của miền Tây Nam Bộ bắt nguồn từ đây.
  32. Xuất giá
    Lấy chồng (từ Hán Việt)
  33. Một trong những thể loại âm nhạc dân gian, có nguồn gốc từ lao động sông nước, diễn tả tâm tư tình cảm của người lao động. Hò là nét văn hóa đặc trưng của miền Trung và miền Nam. Hò và tuy có phần giống nhau nhưng hò thường gắn liền với với một động tác khi làm việc, còn lý thì không.

    Nghe một bài hò mái nhì.

  34. Phỉ dạ
    Thỏa lòng, thỏa mãn.
  35. Trển
    Trên ấy (phương ngữ Trung và Nam Bộ)
  36. Ngàn
    Rừng rậm.
  37. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  38. Đò nào sào ấy
    Tùy tính chất công việc mà lựa chọn công cụ, phương thức cho đúng.
  39. Theo Bình Nguyên Lộc: Con đường chạy từ Saigon xuống Phú Xuân, Nhà Bè, thì tại đầu đường, phía Saigon, là một chiếc cầu sắt, bắc ngang rạch Ông Lãnh. Cầu nầy mang tên là cầu Quây, vì mỗi ngày phải quây nó một lần để thương thuyền vùng Đồng Nai vào được tới Chợ Lớn. Cầu gồm hai phần, mỗi phần nằm ở một bờ rạch. Đúng mười hai giờ trưa thì cả hai phần đầu cầu được máy điện xoay cho nó xếp vào một bờ rạch. Vậy là cửa rạch được mở lớn ra. Khi ông Diệm (Ngô Đình Diệm) lên nắm chánh quyền thì cầu đó quá cũ, phải xây lại... nhưng họ xây cầu bê-tông, không còn quay được nữa, hóa ra hàng hóa vùng Đồng Nai, phải được đưa tới Saigon bằng xe cam nhông, tiền chuyên chở nặng, tạo ra tăng giá hàng.
  40. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  41. Choa
    Tôi, tao, mình. Cách xưng hô của ngôi thứ nhất (phương ngữ của một số tỉnh miền Trung).