Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bạch Xỉ sinh, thiên hạ bình
    Bạch Xỉ sinh ra thì thiên hạ được thái bình. Đây tương truyền là câu sấm của Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhưng cũng có thể là do Đoàn Đức Tuân tự phao ra để giành lấy sự ủng hộ của nhân dân.
  2. Chuột bầy làm chẳng nên hang
    Đông người mà không có trí thì chẳng làm nên sự gì. (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của)
  3. Vàng mã
    Tiền bạc giả và các loại đồ dùng thường ngày (quần áo, giày dép...) làm bằng giấy để đốt cúng cho người cõi âm dùng, theo tín ngưỡng dân gian. Phong tục đốt vàng mã vào những ngày lễ (ngày rằm, cúng cô hồn, tết Nguyên Đán...) bắt nguồn từ Trung Quốc.

    Hàng mã

    Hàng mã

  4. Dương Xá
    Tên Nôm là làng Giàng, nay thuộc xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Làng nằm bên dòng sông Mã, cạnh ngã ba Đầu. Đây là quê hương của Dương Đình Nghệ, người anh hùng đã khởi binh đánh đuổi quân Nam Hán giải phóng thành Đại La, giành quyền tự chủ cho đất nước Việt được 6 năm, và là bố vợ của Ngô Quyền.
  5. Bánh chè lam
    Gọi tắt là chè lam, một loại bánh làm từ các nguyên liệu như gạo nếp, lạc, gừng, mật mía... Chè lam thường được gói vào lá chuối khô cho vào chum hoặc vại sành để bảo quản. Khi ăn, dùng dao sắc cắt chè lam thành từng khoanh, uống với chè xanh hoặc chè tàu. Trước đây chè lam thường được làm trong dịp tết Nguyên đán, nhưng nay đã trở thành loại quà có quanh năm.

    Chè lam

    Chè lam

  6. Quảng Hóa
    Gọi tắt là phủ Quảng, tên một phủ được thành lập dưới triều Nguyễn trên cơ sở chia tách từ phủ Thiệu Hóa, gồm các huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Quảng Tế. Lị sở của phủ này ở gần thị trấn Vĩnh Lộc ngày nay. Năm 1945, phủ này được chia thành các huyện tương ứng trực thuộc tỉnh Thanh Hóa. Địa danh Quảng Hóa không còn tồn tại nữa. Ở đây nổi tiếng món chè lam phủ Quảng.

    Chè lam Phủ Quảng nhâm nhi với chè xanh hoặc chè tàu

    Chè lam phủ Quảng nhâm nhi với chè xanh hoặc chè tàu

  7. Bìm bìm
    Một loại cây leo, hoa hình phễu, trắng hoặc tím xanh, thường mọc hoang hoặc được trồng làm cảnh ở các bờ rào.

    Bìm bìm

    Bìm bìm

  8. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Keo
    (Chỉ sự) gieo xuống, ngã xuống (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của).
  10. Cả vóc cả keo
    Sức vóc to lớn thì ngã đau hơn. Nghĩa bóng chỉ người danh lợi nhiều khi gặp nạn thì cũng mất mát, nhục nhã nhiều.
  11. Cù Mông
    Một con đèo rất hiểm trở nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Đường đèo rất dốc, có nhiều cua gấp, hai bên là núi cao. Trước đây khi chưa có tuyến đường Quy Nhơn-Sông Cầu thì đèo là con đường chính để qua lại giữa hai tỉnh.

    Đèo Cù Mông

    Đèo Cù Mông

  12. Phú Dương
    Một địa danh nay thuộc xã Xuân Thịnh, huyện sông Cầu, tỉnh Phú Yên, gần vịnh Xuân Đài.
  13. Dồi
    Món ăn được làm từ lòng (lòng lợn, lòng chó) hoặc thân động vật, có dạng hình ống, được nhồi đầy hỗn hợp gồm tiết và các loại rau gia vị như muối, tiêu, mỳ chính, nước mắm, tỏi và lạc, đậu xanh. Sau khi nhồi đầy chặt thì được hấp cách thủy cho chín hoặc nướng. Khi ăn, dồi được cắt ra thành lát mỏng, ăn với các loại rau mùi như rau thơm, húng... Thường gặp nhất là dồi chó, dồi lợn, sau đó là dồi rắn, lươn, cổ vịt...

    Dĩa dồi

    Dĩa dồi

  14. Âm phủ
    Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.

    Một hình vẽ âm phủ

    Một hình vẽ âm phủ

  15. Chuồn chuồn
    Tên chung của một bộ côn trùng gồm hơn 4500 loài, chia thành hai nhóm lớn: chuồn chuồn ngô và chuồn chuồn kim, khác nhau chủ yếu ở tư thế của cánh khi đậu và hình dạng của ấu trùng. Chuồn chuồn có đầu tròn và khá lớn so với thân được bao phủ phần lớn bởi hai mắt kép lớn hai bên, hai bên có cánh mỏng, dài, mỏng và gần như trong suốt. Trẻ em ở thôn quê thường bắt chuồn chuồn chơi.

    Chuồn chuồn

    Chuồn chuồn

  16. Chim chích
    Tên chung của một họ chim có lông màu sáng, với phần trên có màu xanh lục hay xám và phần dưới màu trắng, vàng hay xám. Phần đầu của chúng thông thường có màu hạt dẻ.

    Chim chích bông

    Chim chích bông

  17. Mai
    Buổi sáng.
  18. Hồ dễ
    Không dễ dàng.

    Chưa chắc cây cao hồ dễ im
    Sông sâu hồ dễ muốn êm đềm

    (Buồn êm ấm - Quang Dũng)

  19. Nồi gọ
    Chỗ phình rộng ra trong hang rắn hay hang cá trê.
  20. Nhợ
    Cũng gọi là rợ, dây thừng nhỏ làm bằng gai hoặc xơ dừa, dùng để trói, buộc hoặc làm dây câu.
  21. Bực
    Bậc, chỗ đất cao bên bờ sông (phương ngữ Nam Bộ).
  22. Nhơn
    Nhân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  23. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  24. Ân oai
    Nói về người có quyền, có ân mà lại có oai nghi, người ta cảm mà lại sợ (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của).
  25. Cô hồn
    Linh hồn chưa được đầu thai kiếp khác, phải đi lang thang, chịu khổ sở đói rét, theo tín ngưỡng tâm linh. Vào tháng Bảy âm lịch, ở nước ta có tục cúng cô hồn.

    Một mâm cúng cô hồn

    Một mâm cúng cô hồn

  26. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  27. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).