Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Tổ tôm
    Một trò chơi bài lá phổ biến trong dân gian ngày trước (hiện chỉ thấy được chơi ở nước ta), thường chơi trong các dịp lễ, Tết. Tên gọi của trò chơi được đọc chệch ra từ chữ "tụ tam" nghĩa là hội tụ của ba lại hàng Văn, Vạn và Sách.

    Lá bài tổ tôm

    Lá bài tổ tôm

  2. Trà mạn hảo
    Một loại trà xanh ướp nổi tiếng ở Bắc Bộ hồi thế kỉ 19, 20. Trà mạn là tiếng gọi chung các loại trà xanh (lục trà) ở miền ngược, nên còn gọi là trà mạn ngược (đặc biệt ở vùng Hà Giang-Lai Châu-Yên Bái). Trà thường được chọn những búp non, lá trà bánh tẻ rửa sạch, cho vào chõ đồ chín. Sau khi đóng bánh, phơi khô, trà được vào chum, trên phủ một lớp lá chuối khô, ủ từ 3–4 năm cho trà phong hóa bớt chất cát hết mùi ngái, có độ xốp mới đem ra dùng.

    Mạn Hảo cũng là một địa danh vùng Vân Nam, ngày xưa người ta lên miền ngược Hà Giang hay lên tận Mạn Hảo mua trà về đều gọi chung là trà mạn hay trà mạn hảo.

    "... Vẫn còn quen cái thói phong lưu, nhiều khi qua chơi ao sen nhà ai, gặp mùa hoa nở, cụ lại còn cố bứt lấy ít nhị đem ướp luôn vào gói trà giắt trong mình, nếu đấy là trà mạn cũ."
    (Những chiếc ấm đất - Nguyễn Tuân)

  3. Truyện Kiều
    Tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh gồm 3.254 câu thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du. Nội dung chính của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc, xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều.

    Truyện Kiều có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn hóa nước ta. Đối đáp bằng những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa của một số cộng đồng người Việt như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... Một số tên nhân vật, địa danh và các chi tiết trong Truyện Kiều cũng đã đi vào cuộc sống: Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, chết đứng như Từ Hải...

  4. Thầy
    Cách gọi học trò ở một số vùng của Trung và Nam Bộ trước đây.
  5. Chuyện bao đồng
    Chuyện linh tinh, không có liên quan đến việc chính cần làm hoặc điều cần bàn đến.
  6. Nớ
    Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
  7. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  8. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  9. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  10. Rế tai bèo
    Loại rế đan bằng mây, có vành giống như tai bèo.
  11. Gió nồm
    Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.
  12. Có bản chép: thẳng.
  13. Theo Hoàng Lê nhất thống chí, hồi 17: ...quân nhà Nguyễn thì hàng năm ra đánh, thanh thế lừng lẫy. Mỗi khi gió nam nổi lên, thì nhân dân các trấn lại nói với nhau: "Chúa cũ ra đấy!" (bấy giờ hàng năm cứ đến khoảng tháng 4, tháng 5 khi gió nam thổi mạnh thì Nguyễn Ánh đốc quân thủy bộ ra đánh, đến lúc có gió mùa đông bắc thổi thì lại rút quân về. Người đương thời thường gọi những đợt tấn công như vậy là những trận "giặc mùa." Bọn sĩ phu phản động chống Tây Sơn và ngả theo Nguyễn Ánh mới nhân đó, đặt ra câu ca dao [này]).
  14. "Tuổi lên ba" và "tuổi lên hai" ở đây là các đốt tay. Bốn ngón nhỏ hơn có ba đốt mỗi ngón, riêng ngón cái (ông già) lại có hai đốt.
  15. Ai hoài
    Buồn thương và nhớ da diết (từ cũ, dùng trong văn chương).
  16. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  17. Cáy
    Một loại cua nhỏ, sống ở nước lợ, chân có lông, thường dùng làm mắm.

    Con cáy

    Con cáy

  18. Rau đay
    Một loại rau chủ yếu dùng nấu canh (với cua, tôm tép), đôi khi với mồng tơi hoặc mướp. Rau đay khi nấu có nhiều nhớt, nên còn gọi là rau nhớt.

    Rau đay

    Rau đay

  19. Bằng đầu
    Ban đầu (phương ngữ Trung Bộ).
  20. Đăng
    Dụng cụ đánh bắt cá, bao gồm hệ thống cọc và lưới hoặc bện bằng dây bao quanh kín một vùng nước để chặn cá bơi theo dòng.

    Cái đăng

    Cái đăng

  21. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  22. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  23. Tiện
    Gọt vòng quanh cho đứt hoặc tạo thành khía.
  24. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  25. Quản
    E ngại (từ cổ).
  26. Tuần
    Một lần rót (rượu, trà...)
  27. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  28. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  29. Phong
    Dân gian gọi là cùi, phung, đơn phong, một loại bệnh khiến cho da thịt người bệnh phát nhọt, lở loét. Khi nặng hơn vết thương lõm vào da thịt, lông mày rụng, mắt lộ ra, thanh quản bị lở nên giọng nói khàn. Tình trạng mất cảm giác xuất hiện ở một vài bộ phận trên cơ thể. Sau đó, các bắp thịt tiêu đi, gân cốt co làm hai bàn tay co quắp. Ở mức độ nặng ngón tay ngón chân rụng dần. Trong xã hội Việt Nam, người bị nhiễm bệnh phong cùi trước đây thường chịu thành kiến sai lầm, bị hắt hủi, xa lánh, thậm chí ngược đãi (thả trôi sông, chôn sống, bỏ vào rừng cho thú dữ ǎn thịt).
  30. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  31. Lầu tây
    Thường được dùng như một hình ảnh ước lệ trong văn thơ xưa, để chỉ nơi có tình cảm thương nhớ, tương tư trong tình yêu đôi lứa.