Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Lỡ cỡ
    Dang dở, nửa chừng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  2. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  3. Dây nảy mực
    Trước đây khi xẻ gỗ (theo bề dọc), để xẻ được thẳng, người thợ cầm một cuộn dây có thấm mực Tàu, kéo dây thẳng ra và nảy dây để mực dính vào mặt gỗ, tạo thành một đường thẳng. Hành động kéo dây nảy mực này cũng gọi là kẻ chỉ.
  4. Hà Trung
    Tên cũ là Tống Sơn, một huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa.
  5. Nga Sơn
    Tên một huyện ở phía đông bắc tỉnh Thanh Hóa, nổi tiếng với cuộc khởi nghĩa Ba Đình và chiếu cói Nga Sơn.
  6. Hậu Lộc
    Tên một huyện ven biển thuộc tỉnh Thanh Hóa. Trên địa bàn huyện có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc như di chỉ khảo cổ học văn hóa Hoa Lộc, khu di tích lịch sử văn hóa đền Bà Triệu, Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh...
  7. Ăn nói cơ cầu
    Ăn nói rắc rối, phức tạp (phương ngữ Nam Bộ).
  8. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  9. Thổ Công
    Còn được gọi là Thổ Địa hay Thổ Thần, là một vị thần trong tín ngưỡng Á Đông, cai quản một vùng đất nào đó (từ Hán Việt "thổ" nghĩa là "đất"). Thổ Công thường được khắc hoạ là một ông già râu tóc bạc phơ, mặt vui vẻ, thích chơi với con nít. Nhân dân ta có tập quán cúng Thổ Công vào ngày 1, ngày 15 âm lịch và các dịp lễ Tết khác.

    Một hình ảnh về Thổ Công

    Một hình ảnh về Thổ Công

  10. Theo giai thoại, câu này được hát để chế giễu tật chột mắt của ông Trần Hàn.
  11. Bình Định
    Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là mảnh đất có bề dày lịch sử với nền văn hoá Sa Huỳnh, từng là cố đô của vương quốc Chămpa, đồng thời là quê hương của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Bình Định cũng là nơi có nghệ thuật tuồng rất phát triển, gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ. Những món đặc sản của vùng đất này gồm có rượu Bàu Đá, bánh tráng nước dừa, bánh ít lá gai...

    Bình Định

    Bình Định

  12. Mỹ Xương
    Địa danh nay thuộc xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
  13. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  14. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  15. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  16. Cài chữ sen
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cài chữ sen, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  17. Bố Điền
    Cũng gọi là kẻ Điền, một làng nay thuộc xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
  18. Quảng Cư
    Xưa là Quảng A, cũng gọi là kẻ Quảng, một làng nay thuộc xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
  19. Khó
    Nghèo.
  20. Chun
    Chui (phương ngữ).
  21. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  22. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).