Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Châu sa
    Nước mắt rơi. (Trong văn thơ, châu hay giọt châu thường được dùng với nghĩa giọt nước mắt.)

    Lòng đâu sẵn mối thương tâm
    Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa
    (Truyện Kiều)

  2. Hát trống quân
    Hình thức sinh hoạt ca hát giao duyên phổ biến ở các tỉnh đồng bằng và trung du Việt Nam, kể từ Thanh Hóa trở ra Bắc. Hát trống quân ở mỗi địa phương có khác nhau về làn điệu, lối hát và thời điểm hát, nhưng đều mang một số điểm chung như: những người tham gia chia thành hai bên "hát xướng" và "hát đáp", lời ca thường mang tính ứng đối, sử dụng trống dẫn nhịp gọi là "trống thùng", giữa những câu đối đáp có đoạn ngừng gọi là "lưu không".

    Hát trống quân thường được tổ chức vào rằm tháng bảy, tháng tám âm lịch, ngoài ra còn được tổ chức hát thi vào những ngày hội. Trong những ngày mùa, vào chiều tối, những người thợ gặt ở nơi khác đến thường tổ chức hát với nhau hoặc với trai gái trong làng.

    Hát trống quân

    Hát trống quân

    Xem phóng sự Hát trống quân - Nét dân ca của đồng bằng Bắc Bộ.

  3. Quao
    Loại cây mọc hoang ven sông rạch, thân gỗ xốp, to lớn, vỏ có gai nhỏ, trái to bằng ngón tay cái, có hình sừng trâu. Nhựa quao dùng làm chất nhuộm vải, ruột dùng làm guốc mộc hay làm chất đốt. Lá, rễ, hoa, quả được dùng làm vị thuốc Đông y.

    Trái quao

    Trái quao

  4. Củ co
    Loại cây sống dưới nước thường mọc nơi bưng biền vào mùa mưa, nhiều nhất là vùng Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng… Cây có hình dáng giống như bông súng. Dây nhỏ hơn đầu mút đũa, lá bằng cỡ miệng chén, tròn, màu xanh nhạt ửng hồng, nổi trên mặt nước. Củ co nhỏ cỡ hột mít, củ lớn cỡ hột sầu riêng, da đen, xù xì. Củ co nấu chín, lột vỏ, lộ ra lớp thịt màu vàng sậm, ăn có vị bùi, hơi ngậy. Củ co có nhiều nhất từ tháng giêng đến tháng tư, còn mùa nước nổi rất ít.
  5. Súng
    Loài cây sống lâu năm, mọc hoang dại trong ao, mương, kênh, rạch, láng nước, bàu trũng... Bông súng có lá tròn giống lá sen, phía trên màu xanh, phía dưới mầu hồng nhạt, gắn liền cọng với cuống. Hoa to, màu xanh nhạt, trắng hay hồng, có bốn lá đài. Củ súng nằm bồng bềnh trên mặt nước, ăn được.

    Hoa súng

    Hoa súng

  6. Rau tràng
    Loại rau lá nhỏ, cọng dài, cánh hoa màu trắng hay vàng nhạt, tước vỏ ăn rất giòn, gặp nhiều trong mùa nước nổi hay những chỗ sâu ngập lụt.

    Rau tràng

    Rau tràng

  7. Tày
    Bằng (từ cổ).
  8. Én
    Loài chim nhỏ, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn, thường bay thành đàn.

    Chim én

    Chim én

  9. Cù lao Chàm
    Một cụm đảo thuộc Hội An, tỉnh Quảng Nam, cách bờ biển Cửa Đại khoảng 15 cây số. Cù lao Chàm bao gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Tai, Hòn Ông, Hòn Lá, và Hòn Khô chia làm hai: Hòn Khô Mẹ (Hòn Khô Lớn) và Hòn Khô Con (Hòn Khô Nhỏ), trong đó năm đảo lớn nhất là thuộc cụm đảo chính là Hòn Lao (đảo lớn nhất), Hòn Lá, Hòn Dài, Hòn Mồ và Hòn Tai. Đảo Hòn Ông còn gọi là Hòn Nồm nằm tách biệt khỏi cụm này khoảng hai mươi cây số về hướng Đông Nam.

    Hiện nay Cù lao Chàm đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, đồng thời là một điểm du lịch nổi tiếng.

    Phong cảnh cù lao Chàm

    Phong cảnh cù lao Chàm

  10. Có bản chép: cù lao Xanh. Cù lao Xanh là một hòn đảo thuộc Bình Định.
  11. Tự ải
    Tự thắt cổ chết (ải tiếng Hán nghĩa là thắt cổ), có thể hiểu theo nghĩa rộng là tự sát.
  12. Đa đa
    Còn gọi là gà gô, một loài chim rừng, thường sống trên cây hoặc trong các bụi rậm trên núi cao, ăn sâu bọ, đuôi ngắn. Đa đa thường bị săn bắt để lấy thịt.

    Chim đa đa

    Chim đa đa

  13. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  14. Cầu khỉ
    Loại cầu đặc trưng của vùng sông nước Tây Nam Bộ. Cầu rất đơn sơ, thường làm bằng thân tre (gọi là cầu tre), thân dừa (cầu dừa) hoặc cây gỗ tạp, bắt ngang qua kênh rạch. Cầu khỉ có thể có hoặc không có tay vịn, nhưng đều chỉ cho một người đi. Người ta hình dung chỉ có những con khỉ hay leo trèo mới có thể đi được, nên đặt tên là cầu khỉ. Một ý kiến khác lại cho rằng chính dáng người đi lom khom như con khỉ của khách bộ hành là nguồn gốc của cái tên này.

    Cầu tre

    Cầu tre

  15. Bi đông
    Cũng gọi là bình toong, phiên âm từ gốc Pháp bidon, đồ đựng bằng kim loại hoặc nhựa, miệng nhỏ, thân to và hơi dẹt, có nắp đậy bằng cách vặn, dùng đựng nước uống hoặc nói chung các chất lỏng để mang đi.

    Bi đông

    Bi đông

  16. Cỏ mần trầu
    Còn có nhiều tên khác như cỏ vườn trầu, màn trầu, màng trầu, thanh tâm thảo, cỏ chỉ tía, ngưu cân thảo... là một loại cỏ mọc hoang ở nhiều nơi. Cỏ có vị ngọt, hơi đắng, là một vị thuốc dân gian chữa được nhiều loại bệnh như tăng huyết áp, lao phổi, ho khan, sốt âm ỉ về chiều...

    Cỏ mần trầu

    Cỏ mần trầu

  17. Bồ kết
    Một loại cây lâu năm, thân gỗ có gai, cho hạt giống hạt đậu. Mỗi quả bồ kết có từ 30 đến 40 hạt. Quả bồ kết chứa nhiều dầu, do vậy từ xưa nhân dân ta đã biết gội đầu bằng bồ kết để có mái tóc bóng mượt. Ngoài ra, bồ kết còn là một vị thuốc dân gian.

    Bồ kết

    Bồ kết

  18. Sả
    Một loại cỏ cao, sống lâu năm, có mùi thơm như chanh. Tinh dầu sả được dùng để ướp tóc. Thân cây sả có thể làm gia vị.

    Sả

    Sả

  19. Kiểng
    Cảnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ "Cảnh" là tên của Nguyễn Phúc Cảnh (con cả của chúa Nguyễn Ánh), người được đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh nhà Tây Sơn, vì vậy được gọi trại ra thành "kiểng" để tránh phạm húy.
  20. Cà dái dê
    Còn có tên là cà tím, quả mọng nhiều cùi thịt, chứa nhiều hạt nhỏ và mềm, được dùng để chế biến thức ăn trong nhiều nền ẩm thực Á, Âu. Tên cà tím và cà dái dê đều không thực chính xác vì có nhiều quả cà tím không mang màu tím, hay không có hình thù như dái dê.

    Cà tím

    Cà tím

  21. Từ mẫu
    Mẹ hiền (từ Hán Việt).
  22. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  23. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  24. Chích chòe
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, đuôi dài, ăn sâu bọ. Các loại chính chòe thường gặp là chích chòe than (lông màu đen, có đốm trắng), chích chòe lửa (có bụng màu gạch đỏ như lửa), chích chòe đất... Hiện nay chích chòe thường được nuôi làm cảnh.

    Chích chòe lửa

    Chích chòe lửa

  25. Chim sẻ có lông đầu ngắn và thưa hơn chích chòe. Sẻ cũng ở gần người, thường làm tổ dưới mái nhà, mái đình chùa, trong khi chích chòe thường làm tổ ở các lùm cây to, xa người. Như vậy trong cuộc thách đố này, hình phạt "cạo đầu trọc lóc ở chùa mười năm" chỉ nặng với chích chòe, chứ với sẻ thì nhẹ như không.
  26. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  27. Cai
    Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.

    Lính lệ

    Lính lệ

  28. Xoàn
    Kim cương (phương ngữ Nam Bộ).
  29. Nghè
    Tên gọi dân gian của học vị Tiến sĩ dưới chế độ phong kiến.