Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nẳm
    Năm ấy (phương ngữ Nam Bộ).
  2. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  3. Chữ đồng
    Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.

    Đã nguyền hai chữ đồng tâm
    Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

    (Truyện Kiều)

  4. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  5. Lưu Linh
    Tự là Bá Luân, người đất Bái, đời Tấn (Trung Quốc) trong nhóm Trúc lâm thất hiền (bảy người hiền trong rừng trúc). Ông dung mạo xấu xí, tính tình phóng khoáng, thích uống rượu và uống không biết say. Ta hay gọi những người nghiện rượu là "đệ tử của Lưu Linh" là vì vậy.

    Trúc lâm thất hiền

    Trúc lâm thất hiền

  6. Tửu điếm
    Quán rượu (từ Hán Việt).
  7. Trà đình
    Quán trà (từ Hán Việt).
  8. Kết cỏ ngậm vành
    Đời đời nhớ ơn. Từ thành ngữ gốc Hán Kết thảo hàm hoàn 結草銜環, liên quan đến hai tích:

    Kết thảo: Cha của Ngụy Khỏa thời Xuân Thu dặn ông "khi ta chết thì chôn thiếp yêu của ta theo cùng." Nhưng khi cha chết, Ngụy Khỏa không theo lời cha, cho người thiếp về lấy chồng. Về sau Ngụy Khỏa ra trận, đánh nhau với tướng giặc Đỗ Hồi mới vài hiệp, Đỗ Hồi đã ngã lăn xuống đất, bị Ngụy Khỏa bắt sống. Đêm ấy Ngụy Khỏa nằm mơ thấy một ông già đến tạ ơi, bảo "Tôi là cha của người thiếp được ông cứu sống, nay cảm cái ơn mà kết cỏ vướng chân ngựa Đỗ Hồi giúp ông để báo đáp."

    Hàm hoàn: Dương Bảo đời Hán cứu một con sẻ vàng bị chim cắt đánh rơi xuống đất, mang về nuôi cho khỏe mạnh rồi thả đi. Đêm hôm ấy có đứa trẻ mặc áo vàng, ngậm bốn vòng ngọc đến lạy tạ, nói rằng: "Tôi là sứ giả của Tây Vương Mẫu được ông cứu vớt, nay xin đem lễ này đến tạ, cầu cho con cháu của ông được hiển đạt cao sang như vòng ngọc này." Về sau con cháu của Dương Bảo đều làm quan to.

  9. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  10. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  11. Chưn
    Chân (cách phát âm của Trung và Nam Bộ).
  12. Núng
    Lúm (phương ngữ).
  13. Đanh
    Đinh (phương ngữ).
  14. Khăn tang
    Cũng gọi là khăn chế, loại khăn trắng quấn đầu khi để tang.
  15. Áo thùng
    Áo rộng mặc ngoài áo trảm thôi (áo bằng vải xô, không viền gấu, không cài khuy, chỉ buộc dải, mặc khi để tang cha mẹ).
  16. Ghẹo
    Tán tỉnh.
  17. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
  18. Đờn
    Đàn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  19. Xỏ lá ba que
    Có ý kiến cho rằng thành ngữ này xuất phát từ một trò chơi ăn tiền, trong đó kẻ chủ trò nắm trong tay một cái lá có xỏ một cái que, đồng thời chìa ra hai que khác. Ai rút được que xỏ lá là được cuộc, còn rút que không lá thì phải trả tiền. Tuy vậy, kẻ chủ trò luôn mưu mẹo khiến người chơi bao giờ cũng thua. Vì thế người ta gọi nó là thằng xỏ lá hoặc thằng ba que.

    Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thống nhất về nguồn gốc của thành ngữ này.

  20. Bà rú Lông đi ông rú Trà
    Về mùa gió Lào, gió thường đổi chiều từ rú Lông gây nên những cơn lốc nhỏ thổi xuống rú Trà (đều thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An), gây hại cho nhà cửa, mùa màng. Người dân gọi hiện tượng này là bà thần rú Lông đi thăm ông thần rú Trà.
  21. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  22. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  23. Tùng tam tụ ngũ
    Tụm năm tụm ba (thành ngữ Hán Việt).
  24. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  25. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm