Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bòn bon
    Một loại cây cho trái ăn được, mọc nhiều ở các vùng rừng núi Quảng Nam (nơi bòn bon còn được gọi là lòn bon). Trái bòn bon còn có hai tên quý phái hơn do vua nhà Nguyễn ban: nam trân, tức "(trái) quý ở phương nam" và trung quân, tương truyền vì trong khi trốn tránh quân Tây Sơn, nhờ có trái bòn bon ăn cứu đói mà nhóm quân phò chúa mới cầm cự được. Ưu ái này còn được biểu hiện qua việc chạm hình bòn bon vào Nhân đỉnh, tức đỉnh thứ nhì trong Cửu Đỉnh ở sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Trước năm 1854 triều đình có đặt quan trông coi việc thu hoạch bòn bon ở thượng nguồn sông Ô Gia, tỉnh Quảng Nam để tiến kinh. Ba huyện Đại Lộc, Quế Sơn và Tiên Phước nay vẫn nổi tiếng là xuất xứ bòn bon ngon và ngọt.

    Bòn bon

    Bòn bon

  2. Có bản chép: Trái bồ hòn.
  3. Xoan
    Một loại cây được trồng nhiều ở các vùng quê Việt Nam, còn có tên là sầu đâu (đọc trại thành thầu đâu, thù đâu), sầu đông... Cây cao, hoa nở thành từng chùm màu tím nhạt, quả nhỏ hình bầu dục (nên có cụm từ "hình trái xoan"). Xoan thường được trồng lấy gỗ, vì gỗ xoan không bị mối mọt.

    Hoa xoan

    Hoa xoan

  4. Con trăng
    Một chu kì của mặt trăng xoay quanh trái đất, tức một tháng âm lịch.
  5. Cạnh ngôn
    Tranh nhau mà nói (từ Hán Việt).
  6. Rau răm
    Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.

    Rau răm

    Rau răm

  7. Đọt
    Ngọn thân hay cành cây còn non (đọt ổi, đọt chuối), hoặc phần trên cùng của cây cao (đọt dừa, đọt cau, đọt tre...).
  8. Lục Lễ
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
  9. Có bản chép là "Luật Lễ."
  10. Chạ
    Xóm. Đây là âm xưa của chữ 社 mà từ trong tiếng Việt hiện đại là .
  11. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  12. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  13. Tráng mì Quảng
    Một công đoạn trong quá trình làm mì Quảng. Nồi tráng mì là một nồi nước sôi, miệng căng một lớp vải. Người làm mì quét một lớp dầu mỏng trên lớp vải nồi, sau đó múc dung dịch bột mì đổ lên, dàn đều, và đậy vung lại để hơi nước làm cho mì chín (tạo thành "lá mì").

    Tráng mì Quảng

    Tráng mì Quảng

  14. Khoảng đất cạnh bờ sông, thường để trồng nông sản hoặc dâu tằm.
  15. Kẻ Mơ
    Tên một vùng đất rộng lớn ở phía Đông Nam thành Thăng Long xưa, bao gồm Hoàng Mai, Tương Mai, Hồng Mai (sau đổi thành Bạch Mai vì kị húy vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm) và Mai Động ngày nay. Làng Hoàng Mai có rượu cúc và rượu mơ rất nổi tiếng, nên gọi là làng Mơ Rượu. Làng Mai Động lại có nghề làm đậu phụ rất ngon, gọi là Mơ Đậu. Còn ở làng Tương Mai, các nhà ven đường đều mở hàng cơm, nên có tên khác là Mơ Cơm.
  16. Án tiền
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Án tiền, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  17. Gia sự
    Chuyện trong nhà (từ Hán Việt).
  18. Lồng mốt, lồng hai
    Có nơi gọi là "long mốt, long hai," hai kiểu đan nan tre hoặc mây. "Lồng mốt" hay "lồng một" là cách đan lồng từng sợi nan lẻ, dùng để đan các loại rổ rá thưa, lớn. Lồng hai (còn gọi là lồng đôi) là cách đan lồng từng cặp sợi nan, để đan rổ nhỏ, nan khít. Đan lồng mốt đòi hỏi kĩ thuật cao hơn đan lồng hai.

    Đan lồng mốt (trái) và lồng hai

    Đan lồng mốt (trái) và lồng hai

  19. Ải Nam Quan
    Tên cửa ải cực Bắc của nước ta, nên còn gọi là ải Bắc. Theo Ðại Nam Nhất Thống Chí:

    Ải Nam Quan cách tỉnh thành (Lạng Sơn) 31 dặm về phía bắc, thuộc châu Văn Uyên, phía bắc giáp châu Bằng Tường tỉnh Quảng Tây nước Thanh, tức là chỗ mà người Thanh gọi Trấn Nam Quan. Cửa nầy dựng từ năm Gia Tĩnh nhà Minh, đến năm Ung Chính thứ 3 (1725) nhà Thanh, án sát tỉnh Quảng Tây là Cam Nhữ Lai tu bổ lại có tên nữa là "Ðại Nam Quan", phía đông là một dải núi đất, phía tây là một dải núi đá, đều dựa theo chân núi xây gạch làm tường, gồm 119 trượng, cửa quan đặt ở quãng giữa có biển đề "Trấn Nam Quan", dựng từ năm Ung Chính thứ 6 (1728) triều Thanh, có một cửa, có khóa, chỉ khi nào có công việc của sứ bộ mới mở. Bên trên cửa có trùng đài, biển đề 4 chữ "Trung ngoại nhất gia", dựng từ năm Tân Sửu [1781] đời Càn Long nhà Thanh. Phía bắc cửa có "Chiêu đức đài", đằng sau đài có "Ðình tham đường" (nhà giữ ngựa) của nước Thanh; phía nam có "Ngưỡng đức đài" của nước ta, bên tả bên hữu, có hai dãy hành lang, mỗi khi sứ bộ đến cửa quan thì dùng chỗ nầy làm nơi tạm nghỉ.

    Trong văn học nghệ thuật, lãnh thổ nước ta thường được mô tả là kéo dài "từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau." Tuy nhiên, hiện nay ải Nam Quan lại thuộc về lãnh thổ Trung Quốc.

    Ải Nam Quan

    Ải Nam Quan

  20. Bồ Đề
    Tên một bến nước xưa thuộc làng Phú Viên (tức Bồ Đề) ở ven sông Hồng về phía Gia Lâm. Cuối năm 1426, Lê Lợi đem quân từ Lam Sơn (Thanh Hóa) ra đánh quân Minh, đã đóng quân ở đây để vây thành Đông Quan (tên thành Hà Nội thời quân Minh đô hộ). Ở đây có hai cây bồ đề lớn, nay không còn. Nghĩa quân Lam Sơn đóng quân quanh đấy nên doanh trại còn được gọi là "doanh Bồ Đề."
  21. Thượng Ải Quan, hạ Bồ Đề
    Theo một số tư liệu, câu này nói về Thân Vũ Thành (Thân Cảnh Phúc), tù trưởng động Giáp châu Lạng tức châu Quang Lang (hay châu Ôn, Lạng Sơn) (ngày nay thuộc Lạng Sơn). Ông lãnh đạo một đội quân người dân tộc dựa vào rừng núi, dùng chiến thuật du kích, tập kích sau lưng đạo quân nhà Tống, góp phần không nhỏ vào cho chiến thắng của nhà Lý trước nhà Tống năm 1077 ở phòng tuyến sông Như Nguyệt. Sau khi ông hi sinh, người dân lập nhiều đền, miếu thờ ông từ ải Nam Quan đến Bồ Đề.
  22. Cao Lãnh
    Thành phố đồng thời là tỉnh lị của tỉnh Đồng Tháp. Cao Lãnh cũng là tên một huyện của tỉnh Đồng Tháp, cách thành phố Cao Lãnh 8 km về hướng Đông-Nam.
  23. Cà Mau
    Tỉnh ven biển ở cực Nam nước ta, nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cà Mau là một vùng đất trẻ, mới được khai phá khoảng trên 300 năm. Tên gọi Cà Mau có gốc từ tiếng Khmer “Tưk Kha-mau” có nghĩa là nước đen - màu nước đặc trưng ở đây là màu đen do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh rụng xuống. Cà Mau là xứ đầm lầy ngập nước, có nhiều bụi lác mọc tự nhiên và hoang dã, hệ thống sông ngòi chằng chịt, và có nguồn dự trữ sinh thái phong phú.

    Phong cảnh Cà Mau

    Phong cảnh Cà Mau

  24. Rạch Giá
    Địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Kiên Giang. Có ý kiến cho rằng tên "Rạch Giá" có nguồn gốc từ việc vùng đất này có rất nhiều cây giá mọc hai bên bờ rạch. Vào thời vua Gia Long, Rạch Giá là một vùng đất chưa khai khẩn, còn hoang vu, dân cư thưa thớt, chủ yếu là người Khmer. Dưới thời kháng chiến chống Pháp, Rạch Giá là căn cứ địa của người anh hùng Nguyễn Trung Trực. Thành phố Rạch Giá ngày nay có nhiều lợi thế về giao thông đường thủy, đường biển, đường bộ và đường hàng không nhằm kết nối với các trung tâm lớn trong nước và khu vực Đông Nam Á.
  25. Giạ
    Đồ đong lúa đan bằng tre (có chỗ ghép bằng gỗ), giống cái thúng sâu lòng, thường đựng từ 10 ô trở lại, thường thấy ở miền Trung và Nam (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của). Một giạ ta tùy địa phương lại có giá trị khác nhau, từ 32 cho tới 45 lít, giạ tây (thời Pháp đô hộ) chứa 40 lít. Đến giữa thế kỉ 20 xuất hiện loại giạ thùng được gò bằng tôn, chứa 40 lít.

    Giạ đong lúa

    Giạ đong lúa bằng gỗ

  26. Cắc
    Cách người Nam Bộ gọi đồng hào. Theo học giả An Chi, đây là biến âm của 角 giác, nghĩa là hào.
  27. Tứ sắc
    Tên một trò chơi bài lá phổ biến ở Trung và Nam Bộ. Bộ bài tứ sắc có 28 lá khác nhau, chia thành 4 màu (đỏ, vàng, xanh, trắng) và 7 cấp bậc: Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã, Tốt.

    Bài tứ sắc

    Bài tứ sắc

  28. Trà Vinh
    Tên một tỉnh ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long, có kho tàng văn hoá đa dạng, đặc biệt là văn hoá vật thể và phi vật thể của người Khmer: chữ viết, lễ hội, đền chùa... Tại đây cũng có nhiều đặc sản như cốm dẹp trộn dừa kiểu Khmer; các món đuông như đuông chà là, đuông đất và đuông dừa; mắm rươi; rượu Xuân Thạnh, bánh tét, bánh tráng ba xe, mắm kho, bún nước lèo...

    Chùa Kompong Ksan tại Trà Vinh

    Chùa Kompong Ksan tại Trà Vinh

    Bún nước lèo - đặc sản Trà Vinh

    Bún nước lèo - đặc sản Trà Vinh

  29. Trà Bang
    Một địa danh nay thuộc huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng.
  30. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  31. Nước lớn
    Nước dâng cao khi thủy triều lên, hoặc khi sắp có lụt lội. Ngược lại với nước lớn là nước ròng.
  32. Troàn
    Truyền.
  33. Ngươn soái
    Nguyên soái (phương ngữ Nam Bộ).
  34. Tổng nhung
    Vị quan võ thống lĩnh toàn bộ việc quân của một địa phương.
  35. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  36. Sanh sản
    Sinh sản.
  37. Thổ Phồn
    Cũng gọi là Thổ Phiên, Thổ Phiền hoặc Phiên, tên mà người Trung Quốc từ thời nhà Đường dùng để gọi một vương quốc thống trị vùng Tây Tạng từ khoảng thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 9.
  38. Di địch
    Mọi rợ, chưa khai hóa. Người Trung Hoa thời cổ cho rằng nước mình ở giữa thế giới, gọi các dân tộc xung quanh họ, chưa tiếp thu văn hóa Trung Hoa, là Man (ở phía nam), Di (ở phía đông), Nhung (ở phía tây), Địch (ở phía bắc).
  39. Ác côn
    Đứa vô lại, hung dữ.
  40. Trường Yên
    Một làng nay thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Vào thế kỉ thứ 10, đây là kinh đô Hoa Lư của nước ta, lúc ấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Tại đây có đền thờ Đinh Tiên Hoàng trên nền cung điện Hoa Lư xưa, và đền thờ Lê Đại Hành ở gần đó. Hằng năm vào tháng 2, nhân dân tổ chức lễ hội ghi nhớ công lao của hai vị vua dựng nước và giữ nước này.

    Trường Yên - Hoa Lư

    Trường Yên - Hoa Lư

  41. Đàn bà
    Từ đàn ông dùng để chỉ vợ mình khi nói chuyện với người khác. Cách dùng này vẫn còn ở một số địa phương.