Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ông Ích Đường
    Một chí sĩ yêu nước quê ở làng Phong Lệ, xã Hòa Thọ, huyện Hòa Vang, Quảng Nam. Năm Mậu Thân (1908), hưởng ứng phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ, ông chỉ huy nhân dân Hòa Vang đi chống sưu thuế, đồng thời đi vây bắt viên quan “sâu dân mọt nước” tên là Lãnh Điềm. Song việc không thành, vì chính quyền thực dân Pháp kịp đưa quân tới đàn áp. Ông bị giặc Pháp bắt và xử chém tại chợ Túy Loan vào ngày 12 tháng 4 năm 1908. Trước lúc hy sinh ông dõng dạc tuyên bố: ”Giết Đường này còn trăm nghìn Đường khác sẽ nổi lên, bao giờ hết mía mới hết đường.”

    Chân dung Ông Ích Đường

    Chân dung Ông Ích Đường

    Ông Ích Đường trên đường bị dẫn ra chợ Túy Loan

    Ông Ích Đường trên đường bị dẫn ra chợ Túy Loan

  2. Âm phủ
    Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.

    Một hình vẽ âm phủ

    Một hình vẽ âm phủ

  3. Bá quan
    Từ chữ Hán Việt 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
  4. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  5. Tiền Giang
    Tên một nhánh của sông Cửu Long, gồm có bốn nhánh nhỏ hơn đổ ra biển Đông qua sáu cửa là Tiểu, Đại, Ba La, Hàm Luông, Cổ Chiên và Cung Hầu. Trên lãnh thổ Việt Nam, Tiền Giang chảy qua các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh.

    Cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền ở tỉnh Vĩnh Long

    Cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền ở tỉnh Vĩnh Long

  6. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  7. Miết
    Hoài, mãi (phương ngữ Trung Bộ và Nam Bộ).
  8. Lan
    Tên chung của một họ cây thân thảo lưu niên, thường cho hoa đẹp, do đó được trồng rất phổ biến. Hoa lan rất đa dạng về màu sắc và hình dạng, nhưng hoa của tất cả những loài lan đều có cấu tạo gồm ba lá đài và ba cánh hoa, trong đó có một cánh môi, luôn to hơn và có hình dạng rất khác hai cánh hoa còn lại. Vì ba lá đài của hoa lan khá giống với những cánh hoa chính nên thường có sự nhầm lẫn là hoa lan có sáu cánh. Hoa lan thường được chia làm phong lan, sống trên những thân gỗ mục lơ lửng trên cao, và địa lan, mọc trên lớp đất mùn. Hoa lan ưa nơi râm mát và độ ẩm cao nên những khu rừng và cao nguyên ở nước ta như Nam Cát Tiên, Tây Nguyên, Yên Bái, Sa Pa là nơi sống của nhiều loài lan quý như giả hạc, ngọc điểm, lan hài, ...

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

    Lan ngọc điểm (còn gọi là nghênh xuân hay đai châu)

  9. Huệ
    Một loài cây nở hoa rất thơm về đêm. Vì đặc tính độc đáo ấy, huệ còn có tên là dạ lai hương (thơm về đêm). Huệ được dùng nhiều trong việc cúng, lễ mà ít dùng để tặng nhau. Lưu ý phân biệt với hoa huệ tây, còn gọi là hoa loa kèn.

    Hoa huệ

    Hoa huệ

  10. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  11. Lịu địu
    Trạng thái bận bịu do phải đeo mang và bị níu kéo nhiều. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng "Lịu địu:
    - đa đoan, bận rộn, không rảnh
    - bận bịu, vướng víu."
  12. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  13. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  14. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  15. Me đất
    Còn gọi là chua me hoặc chua me đất, một loại cây thân thảo, mọc bò sát đất, hoa vàng hoặc tím. Lá me đất ăn được, vị hơi chua, có thể dùng để luộc, nấu canh ăn, nấu lấy nước uống. Cây và lá còn được dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Me đất

    Me đất

  16. "Me đất" nói lái lại thành "mất đe."
  17. Đãy
    Cũng gọi là tay nải, cái túi to làm bằng vải, có quai để quàng lên vai, dùng để mang đi đường. Đây là vật dụng thường thấy ở những nhà sư khất thực.

    Mang đãy

    Mang đãy

  18. Đăng
    Dụng cụ đánh bắt cá, bao gồm hệ thống cọc và lưới hoặc bện bằng dây bao quanh kín một vùng nước để chặn cá bơi theo dòng.

    Cái đăng

    Cái đăng

  19. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  20. Xí gạt
    Lừa gạt nhưng chỉ để cho vui, không ác ý (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  21. Trửa
    Giữa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  22. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  23. Nhún trề
    Khinh ghét ra mặt (nhún vai để tỏ ý không vừa lòng, trề môi để thể hiện sự khinh bỉ).
  24. Rộc
    Đất trũng ven các cánh đồng, hoặc giữa hai sườn đồi núi. Cũng có nghĩa là ngòi nước nhỏ, hẹp.
  25. Ruộng gò
    Ruộng làm ở chỗ đất gò, đất cao.
  26. Nằm gai nếm mật
    Thành ngữ này có nguồn gốc từ câu Ngọa tân thưởng đảm, xuất phát từ một điển tích trong chiến tranh Ngô-Việt vào thời Xuân Thu của Trung Quốc. Việt vương Câu Tiễn bị Ngô vương Phù Sai bắt làm tù binh, phải chịu mọi điều khổ nhục, kể cả việc phải nếm phân của Phù Sai. Khi được thả về, ông thường nằm trên đệm gai, không ăn cao lương mĩ vị mà thường lấy tăm nhúng vào mật đắng nếm để luôn nhắc nhở mình không quên mối thù xưa. Sau hai mươi năm chuẩn bị lực lượng, Câu Tiễn đã phục thù, đánh lấy được Ngô.
  27. Mẻ đèn
    Đồ dùng có dạng như chiếc đĩa đáy sâu, to bằng chiếc nón, có quai treo lên bốn cột sân khấu, trong đựng dầu phộng hoặc dầu dừa để đốt chiếu sáng trong những buổi hát bội ngày trước. Người chuyên trông coi mẻ đèn cũng gọi là mẻ đèn.
  28. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Nhứt Nọc.