Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ăn tấm trả giặt
    "Tấm" là gạo giã nhỏ, "giặt" là gạo nguyên hạt. Câu này có nghĩa như "ăn ít trả nhiều."
  2. Tiền trảm hậu tấu
    Chém trước tâu sau (tiền 前: trước; trảm 斬: chém; hậu 後: sau; tấu 奏: tâu, thưa trình). Trong thời phong kiến, đôi khi vua trao cho cận thần quyền tiền trảm hậu tấu, tức là có thể chém người có tội trước rồi mới về tâu trình lại với vua.
  3. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  4. Người vợ đang ở cữ, người chồng nên kiêng cho vợ khoảng ba tháng (đợi đến khi con biết lẫy) mới được ngủ chung.
  5. Đầu xanh
    Chỉ người tuổi còn trẻ.

    Hay là thuở trước khách hồng nhan?
    Sắc sảo khôn ngoan trời đất ghen.
    Phong trần xui gặp bước lưu lạc,
    Đầu xanh theo một chuyến xuân tàn.
    (Thăm mả cũ bên đường - Tản Đà)

  6. Ruột ngựa, phổi bò
    Thẳng như ruột ngựahổng như phổi bò, chỉ người bộc trực, thẳng thắn, không biết giấu diếm.
  7. Đòn xóc
    Vật dụng thường làm từ một đoạn tre, hai đầu vót nhọn, dùng để xóc gánh lúa, cỏ, mía...

    Dùng đòn xóc

    Dùng đòn xóc

  8. Đòn xóc hai đầu
    Người đứng giữa xúc xiểm cả hai bên để đẩy họ đến tình trạng mâu thuẫn, xung đột với nhau, cũng như cái đòn xóc có hai đầu nhọn để xóc các bó lúa, ngô.
  9. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  10. Tỉ như
    Giống như, cũng như (phương ngữ Nam Bộ).
  11. Tầm gửi
    Còn gọi là chùm gửi, là tên gọi chung của một họ thực vật sống bán kí sinh trên những cây khác. Có khoảng 1300 loại tầm gửi, vài loại trong số đó có tác dụng chữa bệnh.

    Một chùm tầm gửi trên cây gạo

    Một chùm tầm gửi trên cây gạo

  12. Gắn bó không chặt chẽ, thường dùng trong những trường hợp quan hệ tình nghĩa không như ý.
  13. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  14. Bến Tre
    Một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, cũng được gọi là đất Trúc (thị xã Bến Tre trước đây còn có tên là Trúc Giang). Đây là vùng đất gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân: Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trường Toản, Trương Vĩnh Ký... Bến Tre cũng rất nổi tiếng vì trồng rất nhiều dừa, nên còn được gọi là Xứ Dừa.

    Dừa Bến Tre

    Dừa Bến Tre

  15. Hồ Trúc Giang
    Một cái hồ hình chữ nhật, rộng khoảng 2 ha, nằm giữa thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre ngày nay, cũng có tên là hồ Chung Thủy. Tương truyền rằng xưa có một đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng không đến được với nhau, đã cùng nhảy xuống hồ tự vẫn. Cảm thương cho đôi tình nhân ấy, dân gian đặt tên cho hồ là Chung Thủy. Thật ra hồ là do thực dân Pháp đào để lấy đất.

    Hồ Trúc Giang

    Hồ Trúc Giang

  16. Núi, rừng nói chung (phương ngữ Trung Bộ).
  17. Đông Loan
    Tên một làng nay thuộc xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Làng được mệnh danh là "làng nói tức."
  18. Nội Hoàng
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Làng Nội Hoàng thuộc xã Nội Hoàng là một trong 8 làng cười của tỉnh.
  19. Khoai môn
    Tên một số giống khoai gặp nhiều ở nước ta, cho củ có nhiều tinh bột, ăn được. Có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn bạc hà, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn... mỗi loại có những công dụng khác nhau như nấu canh, nấu chè... Trước đây môn, sắn, khoai, ngô... thường được ăn độn với cơm để tiết kiệm gạo.

    Cây và củ khoai môn

    Cây và củ khoai môn

  20. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  21. Cội
    Gốc cây.
  22. Phàn Lê Huê
    Một nữ tướng thời Đường, vợ của Tiết Đinh San, cũng là một danh tướng trong dã sử Trung Quốc. Phàn Lê Huê là nhân vật chính trong nhiều vở tuồng và cải lương biên soạn dựa trên tiểu thuyết Trung Quốc ở nước ta.

    Xem trích đoạn cải lương Phàn Lê Huê phá Hồng thuỷ trận và Tiết Định San cầu Phàn Lê Huê tại đây.

  23. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  24. Căn số
    Chỉ số mệnh của một người theo luật nhân quả của đạo Phật. Theo đạo Phật, số phận của một người là kết quả của những hành động trong đời sống hiện tại và cả trong những kiếp trước.
  25. Duyên Hà và Thần Khê là hai huyện thuộc phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam Hạ, nay gồm các xã Đông Đô, Tây Đô, Bình Lăng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Theo truyền thuyết, thứ phi thứ năm của vua Lê Thái Tông là Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao, khi đang có thai đã được vợ chồng Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ và đại thần Đinh Liệt bí mật đưa về Đô Kỳ để tránh bị thứ phi thứ tư là Nguyễn Thị Anh hãm hại. Khi được đón về đến cầu Chày, bên này là đất huyện Duyên Hà và bên kia là đất huyện Thần Khê thì bà trở dạ, nhưng mãi không sinh được. Thấy vậy, bà bèn bảo mang hương hoa đến và thắp hương khấn rằng:

    Phải là con mẹ, con cha
    Thì sinh ở đất Duyên Hà, Thần Khê

    Vừa khấn dứt lời thì bà sinh một hoàng tử “Tư trời rạng rỡ, thần sắc anh dị, tuấn tú, sáng suốt, thực là bậc anh minh” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư), đặt tên là Lê Tư Thành, chính là vua Lê Thánh Tông sau này.

    Cầu Chày, tương truyền là nơi sinh của vua Lê Thánh Tông

    Cầu Chày, tương truyền là nơi sinh của vua Lê Thánh Tông

  26. Có nguồn dẫn thêm hai câu:

    Nhược bằng bác mẹ chẳng sinh
    Thì quăng ra đất Vạn Ninh cho rồi

    Chữ Vạn Ninh này, có người cho là chỉ vạn chài hoặc cửa biển, có người lại cho là chốn yên nghỉ vĩnh hằng.