Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Mưa ngâu
    Tên gọi cho những cơn mưa xuất hiện vào đầu tháng 7 âm lịch hằng năm. Trong dân gian có câu thành ngữ Vào mùng 3, ra mùng 7, nghĩa là mưa sẽ có vào các ngày mùng 3 đến mùng 7, 13 đến 17 và 23 đến 27 âm lịch. Các cơn mưa thường không liên tục, rả rích. Tên mưa gắn với truyền thuyết Ngưu Lang - Chức Nữ.
  2. Ngâu
    Một loài cây bụi nhỏ. Trong văn hóa người Việt, ngâu là một trong ba loài gắn liền với nghệ thuật thưởng thức trà hương của người xưa. Cây ngâu gắn liền với kiến trúc Việt cổ. Nhà dân dã thuần Việt thường có cây ngâu trước sân. Đình chùa và các công trình văn hóa tín ngưỡng của người Việt cũng luôn có bóng dáng và hương thơm của hoa ngâu. Trong kiến trúc hiện đại ở Việt Nam cũng như Đông Nam Á, ngâu được sử dụng nhiều trong cảnh quan làm cây cảnh, có thể xén cắt hình khối dễ dàng (tròn đều, vuông góc).

    Hoa và quả ngâu

    Hoa và quả ngâu

  3. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  4. Sây
    (Cây) sai (hoa, quả).
  5. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  6. Luống
    Uổng phí, để mất (từ cổ).

    Tôi viết chiều nay, chiều tưởng vọng
    Làm thơ mình lại tặng riêng mình
    Sông trôi luống gợi dòng vô hạn
    Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh

    (Trắc ẩn - Quang Dũng)

  7. Cúng đất
    Cũng gọi là cúng tá thổ (thuê, mướn đất), một tục lệ để cầu thần linh, linh hồn những người bản địa, xin phù hộ độ trì để sinh sống, lập nghiệp được bình yên, sung túc.
  8. An Thái
    Tên một làng nay thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Làng nằm ven bờ sông Côn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km về hướng tây bắc, nổi tiếng là một trong những nôi võ của Bình Định. Tại đây vào ngày rằm tháng 7 hằng năm có tổ chức lễ hội đổ giàn.

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

  9. Bình Khê
    Tên cũ của huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

    Bảo tàng Quang Trung thuộc Tây Sơn, Bình Định

    Bảo tàng Quang Trung thuộc Tây Sơn, Bình Định

  10. Đổ giàn
    Một lễ hội truyền thống được tổ chức vào rằm tháng 7 hằng năm tại chùa Bà, làng An Thái, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Giàn là một cái đàn cúng cao khoảng mười mét, bằng tre, gỗ, trên đặt đàn cúng thần gồm hương, hoa, trà, quả và một chú heo quay. Khi nghi lễ chuẩn bị kết thúc, những toán võ sĩ và những người khỏe mạnh đại diện cho các làng tiến vào, sẵn sàng trong tư thế lao lên, vác heo quay, sau đó phải luồn lách, lao ra khỏi đám đông, mang chú heo quay chạy về địa điểm an toàn đã định. Để giật được chú heo, các toán tranh tài cũng đã có sự phân công người trước, người sau, người bảo vệ, người "cản địa" để ngăn những đối thủ lợi hại khác có thể giật lại ngay trên tay... Đây là một lễ hội có ý nghĩa đề cao tinh thần thượng võ của đất Tây Sơn - Bình Định.

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

    "Tranh heo" trong lễ hội Đổ giàn

  11. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  12. Cỗ
    Những món ăn bày thành mâm để cúng lễ ăn uống theo phong tục cổ truyền (đám cưới, đám giỗ...) hoặc để thết khách sang trọng.

    Mâm cỗ

    Mâm cỗ

  13. Cầu Rào
    Một cây cầu bắc qua sông Lạch Tray thuộc Hải Phòng . Cầu được xây dựng lần đầu tiên dưới thời Pháp thuộc, thuộc địa phận làng Rào (tên nôm của làng An Khê).

    Cầu Rào hiện nay

    Cầu Rào hiện nay

  14. Cầu Đất
    Tên một con phố thuộc trung tâm thành phố Hải Phòng hiện nay. Có tên gọi như vậy vì trước đây có một cây cầu nhỏ bằng tre đắp đất (gọi là cầu Đất) bắc qua một con lạch tại khu vực này.
  15. Quảng Đức
    Tên dân gian là Lò Gốm, một làng chuyên làm đồ gốm, thuộc xã An Thạch, huyện Tuy An, cách thành phố Tuy Hòa khoảng 30km về hướng bắc. Làng nằm ở ngã ba sông Ngân Sơn và sông Cái, phía bắc giáp sông Cái, phía nam giáp đầm Ô Loan. Ở đó có bến đò Lò Gốm và có cầu bắc qua sông Ngân Sơn gọi là cầu Lò Gốm.
  16. Trã
    Cái nồi đất.
  17. Trằm
    Hoa tai. Cũng gọi là tằm.
  18. Hun
    Hôn (khẩu ngữ Trung và Nam Bộ).
  19. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  20. Đơn sai
    Thiếu trung thực (từ cũ).

    Cửa hàng buôn bán châu Thai
    Thực thà có một, đơn sai chẳng hề

    (Truyện Kiều)

  21. Có bản chép: nhóp nhép.
  22. Nậy
    Lớn (phương ngữ Nghệ Tĩnh).