Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  2. Dùi Chiêng
    Tên một làng nay là thôn Dùi Chiêng, xã Quế Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Làng nằm dọc ở thượng nguồn sông Thu Bồn, trước mặt là sông, sau lưng là núi, có hình thể giống như cái dùi của cái chiêng, nên có tên gọi như vậy.
  3. Có bản chép: đảo dốc.
  4. Bình Yên
    Tên một ngôi làng nằm ở phía Tây huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, bên bờ sông Thu Bồn.
  5. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  6. Đào nguyên
    Nguồn đào, chỉ cõi tiên trong tác phẩm Đào hoa nguyên kí của Đào Tiềm, nhà thơ lớn đời Đông Tấn, Trung Quốc. Tóm tắt tác phẩm như sau: Vào khoảng triều Thái Nguyên đời Tấn, có một người đánh cá ở Vũ Lăng một hôm bơi thuyền thấy một đóa hoa đào trôi từ khe núi. Ông bèn chèo thuyền dọc theo khe núi, đi mãi rồi đến một thôn xóm dân cư đông đúc, đời sống thanh bình. Người đánh cá hỏi chuyện mới biết tổ tiên của họ vốn người nước Tần, nhưng do không chịu được chế độ hà khắc của Tần Thủy Hoàng nên bỏ lên sống ở đó, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Ở lại mấy ngày, rồi người ngư phủ tạm biệt ra về. Sau một thời gian, ông quay lại tìm chốn đào nguyên nhưng không thấy nữa.

    Đào nguyên cũng gọi là động đào.

    Tranh vẽ Đào nguyên

    Tranh vẽ Đào nguyên

  7. Tương truyền đây là một bài thơ của ông Tú Quỳ, một danh nhân đất Quảng Nam.
  8. Phạm Bá Doãn
    Một người dân sống ở làng Dùi Chiêng vào đầu thế kỉ 20, tương truyền là người nghĩ ra một thứ bẫy để bắt cọp mà người địa phương quen gọi là cái chòi. Các bô lão làng Dùi Chiêng cho biết về hình dáng, chòi không to, ngang gần 1 mét, dài khoảng 5 mét, làm hoàn toàn bằng cây săn, chắc, được chôn sâu xuống đất, phía trên được cột kỹ, chèn đá to, làm sao để một khi cọp đã vào bẫy thì không thể vùng ra nổi. Trong chòi nhốt một con chó, ngăn lại. Cọp nghe tiếng chó sủa, mò đến. Khi nó vừa vào thì bẫy sụp xuống. Người ta chỉ việc dùng giáo nhọn mà đâm cho đến lúc cọp chết mới thôi.

    Chòi bắt cọp

    Chòi bắt cọp

  9. Nường
    Nàng (từ cũ).
  10. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  11. Câu thành ngữ này miêu tả cau Nam Phổ.
  12. Đấu
    Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
  13. Giừ
    Giờ, bây giờ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  14. Kẻ Hán người Hồ
    Lấy từ điển tích Chiêu Quân cống Hồ. Vương Chiêu Quân là một trong tứ đại mĩ nhân của Trung Quốc, với vẻ đẹp "lạc nhạn" (chim sa), nhưng vì không chịu đút lót cho họa sĩ của vua nên bức chân dung của nàng bị vẽ xấu xí, vua không để mắt tới. Khi Hán Nguyên Đế phát hiện ra Chiêu Quân thì vua Hung Nô (rợ Hồ) mang quân sang đánh, buộc Hán phải cống nàng cho Hồ thì mới yên. Trên đường cống sang Hồ, Chiêu Quân cảm tác nhiều bài thơ và nhạc khúc rất cảm động.

    Thành ngữ kẻ Hán người Hồ, cũng nói tắt là Hán Hồ, vì thế chỉ nỗi đau li biệt của đôi lứa yêu nhau.

  15. Mưa dầu
    Mưa ít quá, làm cho nóng thêm.
  16. Rồi rà
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Rồi rà, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  17. Phủ
    Tên gọi một đơn vị hành chính thời xưa, cao hơn cấp huyện nhưng nhỏ hơn cấp tỉnh. Đứng đầu phủ gọi là quan phủ, cũng gọi tắt là phủ.
  18. Đất Đỏ
    Vùng cao nguyên đất đỏ badan thuộc huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà. Ở đây nổi tiếng có giống heo thịt rất ngon, thường được dùng làm nem Ninh Hoà, một đặc sản của tỉnh Khánh Hoà.

    Nem Ninh Hoà

    Nem Ninh Hoà

  19. Cá trê
    Tên một họ cá da trơn nước ngọt phổ biến ở nước ta. Cá trê có hai râu dài, sống trong bùn, rất phàm ăn. Nhân dân ta thường đánh bắt cá trê để làm các món kho, chiên hoặc gỏi.

    Cá trê

    Cá trê

  20. Rau cần
    Một loại rau xanh thường được nhân dân ta trồng để nấu canh, xào với thịt bò, hoặc làm vị thuốc.

    Canh cá nấu cần

    Canh cá nấu cần

  21. Kinh xáng Xà No
    Gọi tắt là kinh (kênh) Xáng, một dòng kênh do thực dân Pháp đào vào năm 1903 nhằm khai thác vùng đất hoang hóa miền Hậu Giang. Kênh rộng 60 m, đáy 40 m, độ sâu từ 2,5-9 m, dài 39 km nối liền sông Hậu (từ sóc Xà No, nay là ngã ba vàm Xáng, Phong Điền, Cần Thơ) đến sông Cái Lớn (ngọn rạch Cái Tư, nay thuộc thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang). Đây là công trình đường thủy lớn đầu tiên của Nam Kì.

    Kinh xáng Xà No

    Kinh xáng Xà No

  22. Tao khang
    Cũng nói là tào khang hay tào khương, từ Hán Việt: tao là bã rượu, khang là cám gạo, những thứ mà người nghèo khổ thường phải ăn. Vua Hán Quang Vũ (đời Đông Hán, Trung Quốc) có ý muốn gả người chị góa chồng là Hồ Dương công chúa cho quan đại phu Tống Hoằng, nên hỏi "Ngạn vân: phú dịch thê, quý dịch giao, hữu chư?" (Ngạn ngữ có nói: giàu thì đổi vợ, sang thì đổi bạn, có chăng?). Tống Hoằng đáp "Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau). Nghĩa tao khang do đó chỉ tình nghĩa vợ chồng vun đắp từ những ngày cực khổ.
  23. Sểnh
    Đồng nghĩa với sổng, nghĩa là để thoát khỏi, để mất đi cái mình đã nắm được hoặc coi như đã nắm được.
  24. Con gái trở vỏ lửa ra
    Khi xưa có tục khi sinh con lấy một que củi cháy dở cặp vào đầu một cái cọc đem cắm ngoài cổng, sinh con trai thì quay đầu củi cháy vào trong nhà (ý chỉ con trai thì ở mãi trong nhà này), nếu là con gái thì quay đầu trở ra (ý là con gái sẽ đi về nhà khác).
  25. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  26. Hàng dệt bằng tơ nõn, thưa và mỏng, thường được nhuộm đen.
  27. Cuội
    Một nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam. Chú Cuội (hay thằng Cuội) là một người tiều phu. Cuội có một cây đa thần, lá có khả năng cải tử hoàn sinh. Một hôm vợ Cuội tưới nước bẩn vào gốc cây đa, cây đa trốc gốc bay lên trời. Cuội bám vào rễ đa kéo lại, nhưng cây đa bay lên đến tận cung Trăng. Từ đó trên cung Trăng có hình chú Cuội. (Xem thêm: Sự tích chú Cuội cung trăng).
  28. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  29. Đòn rồng
    Hai cây đòn to nằm cặp hông dọc theo chiếc xe tang, đầu trước chạm hình đầu rồng, đầu sau chạm hình đuôi rồng.
  30. Tuần
    Một lần rót (rượu, trà...)
  31. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  32. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).