Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Thầy địa lí
    Người làm nghề xem thế đất để tìm chỗ đặt mồ mả, dựng nhà cửa cho được may mắn, theo thuật phong thủy.
  2. Câu ca này tương truyền kể về Đinh Bộ Lĩnh, vị vua khởi nghiệp nhà Đinh (968-980). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép:

    “Vua mồ côi cha từ bé, mẹ họ Đàm đưa gia thuộc vào ở cạnh đền sơn thần trong động. Vào tuổi nhi đồng, vua thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng. Bọn trẻ tự biết kiến thức không bằng vua, cùng nhau suy tôn làm trưởng. Phàm khi chơi đùa, thường bắt bọn chúng chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử. Ngày rỗi, thường kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác, đến đâu bọn trẻ đều sợ phục, hàng ngày rủ nhau đến phục dịch kiếm củi thổi cơm. Bà mẹ thấy vậy mừng lắm, mổ lợn nhà cho chúng ăn. Phụ lão các sách bảo nhau: "Đứa bé này khí lượng như thế ắt làm nên sự nghiệp, bọn ta nếu không theo về, ngày sau hối thì đã muộn". Bèn dẫn con em đến theo, rồi lập làm trưởng ở sách Đào Áo. Người chú của vua giữ sách Bông chống đánh với vua. Bấy giờ, vua còn ít tuổi, thế quân chưa mạnh, phải thua chạy. Khi qua cầu ở Đàm Gia Nương Loan, cầu gãy, vua rơi xuống bùn, người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng hộ vệ vua, nên sợ mà lui. Vua thu nhặt quân còn sót, quay lại đánh, người chú phải hàng. Từ đấy ai cũng sợ phục, phàm đi đánh đến đâu đều dễ như chẻ tre, gọi là Vạn Thắng Vương.”

  3. Cửa tam quan
    Cũng gọi là cổng tam quan, mái tam quan, loại cổng có ba lối đi thường thấy ở chùa chiền theo lối kiến trúc truyền thống.

    Cổng tam quan chùa Láng

    Cổng tam quan chùa Láng

  4. Chợ Bưởi
    Ngôi chợ thuộc làng Bưởi, thuộc Thăng Long - Hà Nội. Chợ nằm ở Ngã ba Lạc Long Quân – Thụy Khê ngày nay, là nơi trao đổi, mua bán sản phẩm các làng nghề vùng Bưởi như lĩnh của Yên Thái, Bái Ân, giấy của Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã, dụng cụ sản xuất nông nghiệp của Xuân La, Xuân Đỉnh. Nơi đây cũng là chỗ để người dân lân cận mang cây, con giống đến bán, nên người Pháp trước đây cũng gọi là chợ Làng Lợn.

    Vào thời nhà Lý, khu vực này sử dụng làm pháp trường, tử tội bị chém đầu và vùi thây tại đây. Người ta đồn rằng, vào phiên chợ Bưởi cuối năm các hồn ma từ âm phủ hiện về trà trộn với người trần đi sắm hàng Tết, do đó phiên chợ này từng được gọi là phiên chợ Ma Phường.

    Chợ Bưởi ngày xưa

    Chợ Bưởi ngày xưa

  5. Cật
    Toàn bộ phần phía sau lưng. Còn có nghĩa khác là quả thận, nhiều nơi còn gọi là bầu dục.
  6. Cựu
    Cũ, xưa (từ Hán Việt).
  7. Đìa
    Ao được đào sâu có bờ chắn giữ nước để nuôi cá.

    Bắt cá trong đìa

    Bắt cá trong đìa

  8. Dìa
    Về (cách phát âm của một số vùng Trung và Nam Bộ).
  9. Pháo đầu, xuất Tướng, Xe đâm thọc
    Một cách mở trận cờ tướng.
  10. Hộ
    Nhà cửa (từ Hán Việt).
  11. Hôn
    Lễ cưới, việc cưới hỏi (chứ Hán 昏).
  12. Điền
    Ruộng đất (chữ Hán 田).
  13. Thổ
    Đất đai (từ Hán Việt).
  14. Câu này có ý nói những việc xích mích về nhà cửa, cưới hỏi, ruộng vườn, đất đai sinh ra thù oán muôn đời.
  15. Trăng non
    Trăng vào những đêm đầu tháng âm lịch, chưa tròn, nhưng mỗi đêm một đầy dần.
  16. Dương
    Còn gọi là cây phi lao (từ gốc tiếng Pháp filao), một loại cây mọc nhiều dọc theo các bờ biển nước ta. Phi lao có vai trò rất lớn trong việc chắn cát, giữ cho các làng ven biển khỏi bị sa mạc hoá.

    Hàng phi lao ven biển

    Hàng phi lao ven biển

  17. Sao Nguyệt Bạch
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Sao Nguyệt Bạch, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  18. Rạch
    Sông nhỏ chảy ra sông lớn.
  19. Cá chạch
    Miền Nam gọi là cá nhét, một loại cá nước ngọt trông giống như lươn, nhưng cỡ nhỏ, thân ngắn và có râu, thường rúc trong bùn, da có nhớt rất trơn. Vào mùa mưa cá chạch xuất hiện nhiều ở các ao hồ, kênh rạch; nhân dân ta thường đánh bắt về nấu thành nhiều món ngon như canh nấu gừng, canh chua, chiên giòn, kho tộ...

    Cá chạch

    Cá chạch

  20. Cá buôi
    Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của giảng: Cá buôi là "thứ cá sông tròn mình, nhỏ con mà có nhiều mỡ." Đó là một loại cá có tập tính sống thành bầy đàn. Khi đàn cá trưởng thành, chúng tách ra sống thành từng cặp. Và người đi bắt cá buôi thường bắt một lần được cả cặp, do con cá đi cùng cứ lẩn quẩn bên người bạn tình vừa bị bắt. Cá buôi có đặc điểm là chỉ ăn bọt nước và phiêu sinh vật nhỏ trong nước phù sa nên ruột rất sạch. Người ta chỉ có thể đánh bắt, chứ không câu được.
  21. Cá nược
    Một tên gọi dân gian ở miền Nam của cá heo.
  22. Cầu thượng gia
    Tên đầy đủ là "thượng gia hạ kiều," một cấu trúc cầu có phía trên là nhà, phía dưới là cầu, thường gặp nhất ở các tỉnh Bắc Bộ. Cầu thường là nơi nối liền đôi bờ giữa khung cảnh có cây cao, bóng cả, lòng sông vừa phải, thuận tiện thi công vòm trụ, mái cầu giúp người bộ hành khi vào cầu có thể trú mưa, tránh nắng, an toàn như mái nhà của mình. Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan được cho là người tạo nên kiến trúc cầu này.

    Cầu thượng gia

    Cầu thượng gia

  23. Có ý kiến cho rằng chữ "sang" trong câu này nghĩa là "sang trọng."
  24. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  25. Riềng
    Một loại cây thuộc họ gừng, mọc hoang hoặc được trồng để lấy củ. Trong y học cổ truyền, củ riềng có vị cay thơm, tính ấm, chữa được đau bụng. Riềng cũng là một gia vị không thể thiếu trong món thịt chó, rất phổ biến ở các vùng quê Bắc Bộ.

    Củ riềng

    Củ riềng

    Hoa riềng nếp

    Hoa riềng nếp

  26. Đoái
    Nghĩ tới, nhớ tới.
  27. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  28. Xoan
    Xuân, trẻ (từ cổ).
  29. Mắm nêm
    Cũng gọi là mắm cái ở một số vùng, một loại mắm lên men từ cá, có nhiều ở miền Trung và miền Nam, dùng làm nước chấm trong các bữa ăn. Tùy theo phong tục từng vùng mà mắm nêm được pha với các loại gia vị khác nhau, thường là tỏi, ớt, thơm (dứa)...

    Mắm nêm Bình Thuận

    Mắm nêm Bình Thuận

  30. Tuy nhiên, hầu hết những người nhức răng lại nói ngược lại.
  31. Giắt
    Cài vào, mắc vào.