Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đồ
    Từ tục, chỉ bộ phận sinh dục của người phụ nữ.
  2. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  3. Mo
    Phần vỏ ngoài của hoa dừa hay hoa cau. Khi hoa còn non chưa nở, mo màu xanh, hai cánh dạng thuyền úp lại che chở cho hoa bên trong. Mo tự tách ra khi hoa nở và khô dần đi khi cây đậu quả. Mo cau, mo dừa già sẽ tự rụng xuống hoặc được người trồng giật xuống khi thu hái quả. Mo cau mềm mại, dẻo dai, được dân ta sử dụng để gói giò (chả) và nhất là gói cơm nắm mang theo khi làm đồng làm rẫy. Cơm nắm mo cau là một hình ảnh quen thuộc và thân thương với người nông dân nước ta.

    Mo cau

    Mo cau

    Cơm nắm gói trong mo cau.

    Cơm nắm gói trong mo cau.

  4. Hộ
    Nhà cửa (từ Hán Việt).
  5. Hôn
    Lễ cưới, việc cưới hỏi (chứ Hán 昏).
  6. Điền
    Ruộng đất (chữ Hán 田).
  7. Thổ
    Đất đai (từ Hán Việt).
  8. Câu này có ý nói những việc xích mích về nhà cửa, cưới hỏi, ruộng vườn, đất đai sinh ra thù oán muôn đời.
  9. Bầu dục
    Còn gọi là quả cật hay quả thận, một cơ quan trong cơ thể người hay động vật, có nhiệm vụ lọc nước tiểu. Bồ dục lợn là một món ăn ngon.

    Bầu dục lợn được chế biến thành món xào

    Bầu dục lợn xào

  10. Mắm cáy
    Mắm làm từ con cáy, loại cua nhỏ, sống ở nước lợ, chân có lông. Mắm cáy được xem là mắm bình dân, thuộc hạng xoàng trong các loại mắm ở vùng biển, thường chỉ dùng để ăn với rau muống, dưa, cà.

    Con cáy

    Con cáy

  11. Ý nói "không phù hợp, thô bạo, thiếu tế nhị" (theo Thành ngữ tiếng Việt - Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội - 1978). Trong thực tế giao tiếp hàng ngày, người ta thường nói "dùi đục chấm mắm cáy" hơn là "bầu dục chấm mắm cáy". Tuy vậy, "bầu dục chấm mắm cáy" lại là dạng ban đầu; còn "dùi đục chấm mắm cáy" chỉ là biến thể do đọc chệch "bầu dục" ra "dùi đục" mà thành.

    "Bầu dục chấm mắm cáy" hình thành trên cơ sở của độ chênh, hay tính không tương hợp giữa thức ăn và gia vị. Bầu dục là món ăn ngon và hiếm, hoàn toàn không thích hợp khi chấm với mắm cáy là loại mắm hạng xoàng. Bầu dục, nếu ăn đúng cách là phải chấm với chanh, hay nước gừng. Còn mắm cáy thì chỉ dùng để ăn với rau muống, dưa, cà...

    Nhắc đến cách ăn bầu dục, người xưa có câu:

    Sáng ngày bầu dục chấm chanh
    Trưa gỏi cá cháy, tối canh cá chày

  12. Dùi đục
    Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.

    Sử dụng dùi đục

    Sử dụng dùi đục

  13. Ba thôn này thuộc làng Trình Phố, nay thuộc xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Xưa kia, người thôn Nhất có thói quen khi nói hay chửi đệm thô tục, thôn Nhì có chợ to thường gọi là Chợ Huyện, thôn Ba (còn gọi là thôn Trung) có nhiều người mưu đồ khởi sự chống Pháp, đồng thời là quê hương của Bùi Viện (1839-1878), một nhà cải cách, nhà ngoại giao của nước ta vào cuối thế kỉ 19.
  14. Sơn Đông
    Tên một làng thuộc xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Làng có truyền thống nấu rượu với loại rượu nếp Sơn Đông nổi tiếng.
  15. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  16. Gà cồ
    Gà trống lớn.
  17. Hạt tấm
    Mảnh vỡ từ hạt gạo.
  18. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  19. Còng
    Một loại sinh vật giống cua cáy, sống ở biển hoặc các vùng nước lợ. Còng đào hang dưới cát và có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm thức ăn. Ngư dân ở biển hay bắt còng làm thức ăn hằng ngày hoặc làm mắm.

    Con còng

    Con còng

  20. Nho sĩ
    Người theo học chữ Nho, đạo Nho. Thường dùng để chỉ học trò thời xưa.
  21. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  22. Bảng vàng
    Từ chữ kim bảng 金榜, chỉ tấm biển đề tên những thí sinh thi đỗ dưới thời phong kiến. "Chiếm bảng vàng" hay "giật bảng vàng" vì thế nghĩa là thi cử đỗ đạt.
  23. Quế hòe
    Đời Ngũ đại (Trung Quốc) ở hạt Yên Sơn có người tên là Đậu Vũ Quân sinh được năm người con đều đỗ đạt, người đời gọi là Yên Sơn ngũ quế (năm cây quế ở Yên Sơn). Đến đời Tống lại có Vương Hựu trồng trước sân ba cây hòe, nguyện rằng "Con ta sau sẽ làm quan tam công," về sau quả nhiên con là Vương Đán làm đến tể tướng. "Quế hòe" (hoặc sân quế sân hòe) vì thế chỉ việc con cái phát đạt.
  24. Cống
    Học vị dành cho những người thi đỗ khoa thi Hương dưới chế độ phong kiến.

    Nào có ra gì cái chữ Nho
    Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co

    (Chữ Nho - Tú Xương)

  25. Nghè
    Tên gọi dân gian của học vị Tiến sĩ dưới chế độ phong kiến.
  26. Vinh quy
    Trở về một cách vẻ vang (thường nói về người thi đỗ các khoa thi xưa kia). Từ này thường được dùng trong cụm "vinh quy bái tổ" (trở về bái lạy tổ tiên).

    Chồng tôi cưỡi ngựa vinh quy
    Hai bên có lính hầu đi dẹp đường.
    Tôi ra đón tận gốc bàng
    Chồng tôi xuống ngựa, cả làng ra xem.

    (Thời trước - Nguyễn Bính)

  27. Chúc minh
    Sáng rỡ (chúc 燭 là ngọn đuốc).
  28. Hẩm
    Chỉ thức ăn (thường là cơm, gạo) đã biến chất, hỏng.
  29. Bát đàn
    Bát nông lòng, làm bằng đất nung thô có tráng men, thời xưa thường dùng.
  30. Gá duyên
    Kết thành nghĩa vợ chồng.
  31. Huỳnh tinh
    Tên dân gian là cây mì tinh, miền Nam gọi là bình tinh, có vùng gọi là cây ngải hoặc cây nghệ tinh, một loại cây bụi gần giống gừng và nghệ, cho củ thon dài, nhọn, có vảy mỏng bao, nạc trắng, chứa nhiều bột. Bột huỳnh tinh được chế biến bằng cách cho củ vào cối giã nhuyễn, khuấy với nước sạch, xơ được vớt ra bằng tay và rây nhuyễn, dung dịch nước bột lỏng như sữa được để lắng xuống đáy vật chứa, kế đó chắt nước để ráo, rồi phơi khô trên vải. Nhân dân ta dùng bột huỳnh tinh để nấu chè hoặc làm những thức ăn tráng miệng.

    Củ huỳnh tinh

    Củ huỳnh tinh

  32. Xoan
    Xuân, trẻ (từ cổ).
  33. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  34. Bình vôi
    Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

  35. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  36. Bâu
    Cổ áo.
  37. Hiền thê
    Vợ hiền (từ Hán Việt).
  38. Nhà Neo
    Một địa danh ở thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Có tên như vậy vì trước đây khi xây lăng Thoại Ngọc Hầu, người ta vận chuyển đá bằng ghe chèo từ Biên Hòa qua nhiều sông rạch rồi rẽ vào kênh Vĩnh Tế về Núi Sam. Chỗ ghe neo lại để lên đá được gọi là Nhà Neo.
  39. Nhất Đạc, nhì Ke, tam Be, tứ Bít
    Bốn viên cai trị người Pháp có tiếng là tàn bạo thời Pháp thuộc: Darles, Erker, de Lambert, Bride.
  40. Nghì
    Cách phát âm xưa của từ Hán Việt nghĩa. Ví dụ: nhất tự lục nghì (một chữ có sáu nghĩa), lỗi đạo vô nghì (ăn ở không có đạo lý tình nghĩa).
  41. Hạch: sát hạch.
  42. Hàm Nghi
    (3 tháng 8 năm 1871 – 4 tháng 1 năm 1943), vị Hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Hàm Nghi là vị vua yêu nước, chủ trương chống Pháp. Nhân danh ông, Tôn Thất Thuyết đã phát động phong trào Cần Vương, kêu gọi văn thân, nghĩa sĩ giúp vua, giúp nước. Phong trào này kéo dài đến năm 1888 thì Hàm Nghi bị bắt và đày sang Alger (thủ đô xứ Algérie), tại đây ông sống đến năm 1943 thì qua đời vì bệnh ung thư dạ dày.

    Vua Hàm Nghi

    Vua Hàm Nghi

  43. Đồng Khánh
    (19 tháng 2, 1864 – 28 tháng 1, 1889) Hoàng đế thứ 9 của nhà Nguyễn, tại vị từ năm 1885 đến 1889. Ông là vị vua không chống Pháp, "tính tình hiền lành, hay trang sức và cũng muốn duy tân, ở rất được lòng người Pháp" (theo sách của Trần Trọng Kim). Vua Đồng Khánh ở ngôi chỉ được ba năm thì bệnh và mất vào ngày 27 tháng 12, khi mới 24 tuổi.

    Vua Đồng Khánh

    Vua Đồng Khánh

  44. Mạnh
    Mệnh (phương ngữ).
  45. Toàn quyền Đông Dương
    Chức vụ đứng đầu trong liên bang Đông Dương dưới thời Pháp thuộc.
  46. Đầm
    Gọi tắt của me đầm hoặc bà đầm, từ tiếng Pháp madame, nghĩa là quý bà. Từ này xuất hiện từ thời Pháp thuộc, thường có ý chế giễu, đả kích.
  47. Trửa
    Giữa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  48. Đông Giàng
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Thượng Đạt, tỉnh Hải Dương, nằm ở ngạn Bắc sông Thái Bình.
  49. Lai Hạ
    Địa danh nay là một xã nằm về phía Đông huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, bên bờ sông Thái Bình.
  50. Đại giang Đông Giàng, tiểu giang Lai Hạ
    Tương truyền năm 1282, đời vua Trần Nhân Tông, Nguyễn Thuyên người huyện Thanh Lâm (nay là Cẩm Bình, Hải Dương) giỏi chữ Nôm, làm văn tế ném xuống sông đuổi được cá sấu hại dân chài. Vua xem việc này giống như việc Hàn Dũ (đời nhà Đường - Trung Quốc) đuổi cá sấu, cho đổi thành họ Hàn (Hàn Thuyên), và cho hưởng nguồn lợi trên sông. Từ đó dân Đông Giàng được hưởng lợi trên sông lớn (Đại giang tức sông Thái Bình) còn dân Lai Hạ hưởng lợi trên các sông nhánh (tiểu giang) của sông Thái Bình.

    Bài văn tế cá sấu của Hàn Thuyên

    Bài văn tế cá sấu của Hàn Thuyên