Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nỏ thà
    Chẳng thà (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  2. Ấp mạ giường không
    Chỉ sự cô đơn lạnh lẽo. Thường nói đến cảnh nam nữ đã quá thì mà chưa lập gia đình.
  3. Ba sinh
    Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?

    (Truyện Kiều)

  4. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  5. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
  6. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  7. Chà
    Cành cây có nhiều nhánh nhỏ, thường dùng để rào hoặc thả dưới nước cho cá đến ở. Miền Trung có chỗ gọi là (cành nè, cây nè).

    Dỡ chà

    Dỡ chà

  8. Có bản chép: Chuôm.
  9. Đìa
    Ao được đào sâu có bờ chắn giữ nước để nuôi cá.

    Bắt cá trong đìa

    Bắt cá trong đìa

  10. Chim ri
    Một loài chim như chim sẻ, ăn thóc gạo và các loại hạt. Văn học thường dùng các thành ngữ "khóc như ri," "nổi như ri..."

    Chim ri

    Chim ri

  11. Khuyển, ưng
    Chó và chim ưng (từ Hán Việt). Thường dùng để chỉ hạng tay sai cho giặc.
  12. Hoàng Cao Khải
    (1850 - 1933) Nguyên danh Hoàng Văn Khải, đại thần triều Nguyễn. Ông chủ trương thân Pháp, đàn áp các phong trào yêu nước. Ông lại có tài văn học, sáng tác bằng cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Những đánh giá về ông hiện vẫn chưa thống nhất. Sinh thời ông cho xây khu dinh thự, lăng tẩm ở ấp Thái Hà (còn gọi là ấp Hoàng Cao Khải) được đánh giá cao về kiến trúc.

    Hoàng Cao Khải

    Hoàng Cao Khải

  13. Lê Hoan
    (1856 - 1915) Còn gọi Lê Tôn, một đại thần triều Nguyễn. Trước ông theo Quân Cờ Đen chống Pháp, sau cộng tác với Pháp tham gia khủng bố các phong trào yêu nước, nhất là cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám. Những đánh giá lịch sử về ông hiện vẫn chưa thống nhất.

    Lê Hoan

    Lê Hoan

  14. Công lênh
    Cũng đọc công linh, công sức bỏ vào việc gì (từ cổ).
  15. Châu chấu
    Loại côn trùng nhỏ, chuyên ăn lá, có cánh màng, hai chân sau rất khỏe dùng để búng.

    Châu chấu

    Châu chấu

  16. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  17. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  18. Phong ba
    Gió (phong) và sóng (ba). Chỉ khó khăn thử thách.
  19. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  20. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  21. Ghe cá
    Còn gọi là ghe rỗi, dùng để chuyên chở cá đồng từ miền Tây về Sài Gòn. Loại ghe này có điểm đặc biệt là mực nước trong ghe luôn cân bằng với mực nước sông bên ngoài để giữ cá luôn sống và ghe cũng luôn vững.
  22. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  23. Hẹ
    Một loại rau được dùng nhiều trong các món ăn và các bài thuốc dân gian Việt Nam.

    Bông hẹ

    Bông hẹ

  24. Cá lịch
    Có nơi gọi là lệch hoặc nhệch, tên chung của một số loài cá-lươn phổ biến. Cá lịch có hình dạng tương tự con lươn, mình thon dài, da trơn không vảy, đuôi thon nhọn, mắt nhỏ. Tùy vào từng loài khác nhau, cá lịch có thể có vây hoặc không vây, cũng như màu da có thể là màu trơn hoặc có đốm hay có sọc. Các loài cá lịch thường sống ở biển hoặc ở vùng nước lợ (cửa sông), nhưng cũng có thể bơi ngược dòng đến sống ở sông ngòi hay ruộng đồng nước ngọt. Vào ban ngày, cá lịch chui rúc trong bùn, cát, đến đêm thì bơi ra kiếm ăn ở tầng đáy nước. Thức ăn của cá lịch là các loài cá hay giáp xác nhỏ. Đối với người Việt Nam, cá lịch là một loài thủy sản bổ dưỡng tương tự như lươn.

    Cá lịch cu

    Cá lịch cu

    Cá lịch đồng

    Cá lịch đồng

  25. Chim gà, cá lệch, cảnh cau
    Chim ngon nhất là gà, cá ngon nhất cá lịch, cảnh đẹp nhất cây cau.
  26. Hun
    Hôn (khẩu ngữ Trung và Nam Bộ).
  27. Tua rua
    Tên gọi dân dã trong tiếng Việt của cụm sao phân tán M45 trong chòm Kim Ngưu (Taurus), ở Việt Nam thường thấy được vào lúc sáng sớm đầu tháng 6 dương lịch. Tua Rua còn được nông dân đồng bằng Bắc Bộ gọi là Sao Mạ vì xuất hiện trên bầu trời vào thời vụ gieo mạ lúa mùa chính vụ. Trong bầu trời đêm thì mắt thường có thể nhìn thấy chín ngôi sao sáng nhất của cụm sao này, vì thế trong dân gian mới có câu "Sao Tua (Vua) chín cái nằm kề."

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey. Ảnh của:  NASA/ESA/AURA/Caltech.

    Ảnh Chòm sao Tua Rua từ Digitized Sky Survey.
    Ảnh của: NASA/ESA/AURA/Caltech.

  28. "Tua rua mọc" tức là chòm sao có thể nhìn thấy rõ, trời hôm ấy không mây, báo hiệu hôm sau rất nắng. "Tua rua lặn" tức là chòm sao bị mây đen che khuất, báo hiệu sắp có mưa to.
  29. Tóc thả diều
    Tóc chải buông thòng, rẽ tóc xuống hai phía gần ót rồi cuốn vòng lên.