Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Giờ Dần
    Khoảng thời gian từ 3 đến 5 giờ sáng, là canh cuối cùng trong năm canh, nên thường dùng để chỉ sớm mai.
  2. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  3. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  4. Chín chữ cù lao
    Tức cửu tự cù lao, chỉ công lao khó nhọc của bố mẹ. (Cù 劬: nhọc nhằn; lao: khó nhọc). Theo Kinh Thi, chín chữ cù lao gồm: Sinh - đẻ, cúc - nâng đỡ, phủ - vuốt ve, súc - cho bú mớm lúc nhỏ, trưởng - nuôi cho lớn, dục - dạy dỗ, cố - trông nom săn sóc, phục - xem tính nết mà dạy bảo cho thành người tốt, và phúc - giữ gìn.
  5. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  6. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  7. Son
    Còn trẻ chưa có vợ, chưa có chồng.
  8. Bóng chim tăm cá
    Chim bay trên cao khó thấy bóng, cá lội ở vực sâu khó thấy hình. Chỉ người đi không có tin tức gì.
  9. Hải hồ
    Biển và hồ, chỉ chí khí rộng lớn người con trai trong xã hội phong kiến.

    Lòng tôi phơi phới quên thương tiếc
    Đưa tiễn anh ra chốn hải hồ

    (Giây phút chạnh lòng - Thế Lữ)

  10. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  11. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  12. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  13. Tợ
    Tựa như, giống như (phương ngữ Nam Bộ).
  14. Ngọc Hà
    Một trong mười ba làng nghề (thập tam trại) của Thăng Long-Hà Nội, tương truyền là được lập nên từ thời vua Lý Nhân Tông. Làng Ngọc Hà nổi tiếng từ xưa với nghề trồng hoa, nên cũng gọi là trại Hàng Hoa. Thời kỳ đầu, dân làng chỉ trồng các loại hoa để cúng như mẫu đơn, hồng, huệ, sói, cúc, thiên lý. Đầu thế kỷ 20, người Pháp nhập các loại hoa ngoại (lay ơn, cẩm chướng, cúc ...) và rau ngoại đến Ngọc Hà để trồng. Hiện nay nghề này đã mai một.

    Làng hoa Ngọc Hà

    Làng hoa Ngọc Hà

  15. Thông ngôn
    Phiên dịch (bằng miệng). Đây là một từ cũ, thường dùng trong thời Pháp thuộc. Người làm nghề thông ngôn cũng gọi là thầy thông.
  16. Kí lục
    Một trong hai chức quan phụ tá cho chức quan lưu thủ đứng đầu một tỉnh dưới thời nhà Nguyễn (chức quan kia là cai bạ). Quan kí lục coi việc lễ nghi, khánh tiết, hình án và thưởng phạt cấp dưới. Vị quan kí lục nổi tiếng nhất có lẽ là ông Nguyễn Cư Trinh, trước là kí lục tỉnh Quảnh Bình, sau có công bình định vùng đồng bằng sông Cửu Long về cho nhà Nguyễn.

    Trong thời Pháp thuộc, kí lục chỉ người làm nghề ghi chép sổ sách trong các sở, còn gọi là thầy kí.

  17. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  18. Thiên lý
    Một loại cây dây leo, thường được trồng thành giàn lấy bóng mát, lá non và hoa dùng để nấu ăn.

    Hoa thiên lý

    Hoa thiên lý

  19. Quan niệm cũ: Coi trọng nghề nông (lộn đất) hơn buôn bán.
  20. Xe nước
    Công cụ làm bằng tre, có hình chiếc bánh xe, dùng để lấy nước tưới cho đồng ruộng. Tương truyền kiểu xe nước ngày nay còn thông dụng ở các tỉnh miền Trung là loại xe nước ở Ai Cập vào thế kỉ trước do Nguyễn Trường Tộ vẽ lại mang về áp dụng từ nửa cuối thế kỉ 19.

    Xe nước

    Xe nước

  21. Sương muối
    Còn gọi là sương giá, hiện tượng hơi nước đóng băng thành các hạt nhỏ và trắng như muối ngay trên mặt đất và bề mặt cây cỏ. Sương muối thường gặp ở các vùng cao miền Bắc vào những mùa đông rét, rất có hại với cây trồng và vật nuôi.

    Sương muối ở Sapa

    Sương muối ở Sapa

  22. Gió nồm
    Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.
  23. Đầu năm có sương muối, cuối năm có gió nồm là hai hiện tượng thời tiết trái với tự nhiên, gây hại cho con người và vạn vật.
  24. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  25. Vi
    Vây.