Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Rế
    Vật dụng làm bếp, thường đan bằng tre nứa, hình tròn, để đỡ nồi chảo cho khỏi bỏng và dơ tay.

    Đan rế

    Đan rế

  2. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  3. Để chế
    Để tang. Theo phong tục, khi một người qua đời thì những người thân phải để tang để tưởng nhớ, tùy theo quan hệ xa gần mà thời hạn để tang khác nhau.
  4. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Lục Rế.
  5. Ngọc Hà
    Một trong mười ba làng nghề (thập tam trại) của Thăng Long-Hà Nội, tương truyền là được lập nên từ thời vua Lý Nhân Tông. Làng Ngọc Hà nổi tiếng từ xưa với nghề trồng hoa, nên cũng gọi là trại Hàng Hoa. Thời kỳ đầu, dân làng chỉ trồng các loại hoa để cúng như mẫu đơn, hồng, huệ, sói, cúc, thiên lý. Đầu thế kỷ 20, người Pháp nhập các loại hoa ngoại (lay ơn, cẩm chướng, cúc ...) và rau ngoại đến Ngọc Hà để trồng. Hiện nay nghề này đã mai một.

    Làng hoa Ngọc Hà

    Làng hoa Ngọc Hà

  6. Thông ngôn
    Phiên dịch (bằng miệng). Đây là một từ cũ, thường dùng trong thời Pháp thuộc. Người làm nghề thông ngôn cũng gọi là thầy thông.
  7. Kí lục
    Một trong hai chức quan phụ tá cho chức quan lưu thủ đứng đầu một tỉnh dưới thời nhà Nguyễn (chức quan kia là cai bạ). Quan kí lục coi việc lễ nghi, khánh tiết, hình án và thưởng phạt cấp dưới. Vị quan kí lục nổi tiếng nhất có lẽ là ông Nguyễn Cư Trinh, trước là kí lục tỉnh Quảnh Bình, sau có công bình định vùng đồng bằng sông Cửu Long về cho nhà Nguyễn.

    Trong thời Pháp thuộc, kí lục chỉ người làm nghề ghi chép sổ sách trong các sở, còn gọi là thầy kí.

  8. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  9. Tư mư
    Một loài cá biển, họ cá mòi nhưng mình dày thịt hơn.
  10. Khăn xéo
    Một loại khăn bịt đầu ngày xưa, vừa để che mưa nắng vừa có thể làm tay nải để đựng đồ đạc khi cần. Cũng gọi là khăn chéo.
  11. Có bản chép: Gà ô.
  12. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  13. Đây là kinh nghiệm chọn gà chọi, theo đó gà đen chân trắng là gà chọi tốt, ngược lại gà trắng chân chì là gà kém.
  14. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  15. Lịu địu
    Trạng thái bận bịu do phải đeo mang và bị níu kéo nhiều. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng "Lịu địu:
    - đa đoan, bận rộn, không rảnh
    - bận bịu, vướng víu."
  16. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  17. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  18. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  19. Tiền ngắn mặt dài
    Tiền ngày xưa được xâu thành chuỗi. Tiền ngắn nghĩa là xâu tiền ngắn, số tiền nhỏ. Tiền nhỏ thì mặt dài, nghĩa là mặt mày khó chịu.
  20. Có bản chép: cho em.
  21. Dã tràng
    Còn gọi là dạ tràng, một loài giáp xác nhỏ giống con cáy sống ở bãi cát ven biển, hàng ngày vê cát thành từng viên nhỏ để tìm kiếm thức ăn khi thủy triều xuống, nhưng khi thủy triều lên lại đánh tan hết. Đọc thêm về sự tích con dã tràng.

    Dã tràng xe cát

    Dã tràng xe cát

  22. Áo xông huơng
    Áo gấm và áo thêu của hoăc người quyền quí và giàu có thời xưa ở nước ta thường không được giặt mà được cất trong hòm gỗ bằng trầm hương hoặc xông bằng cách đốt trầm cho thơm.
  23. Đôi chàng mạng
    Hai cái móc bằng bạc để móc mạng che mặt vào khăn bịt đầu. Ở nước ta ngày xưa, chỉ có những phụ nữ quyền quý mới có tục che mặt khi ra đường. Mạng che mặt có thể là một tấm lưới kết bằng đá quý, hay bằng vàng, bạc.
  24. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  25. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  26. Thức nhấp
    Thức ngủ, tỉnh giấc (từ cũ). Cũng viết là thức nhắp.
  27. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  28. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  29. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  30. Canh cửi
    Sợi chỉ dọc (canh hoặc kinh) trên Khung cửi">khung dệt (cửi). Chỉ công việc dệt vải, dệt lụa.

    Dệt cưởi

    Dệt cửi

  31. Đạo hằng
    Đạo thường. Ý nói ăn ở bình thường, ngay thẳng, có đạo đức. Cũng nói là tính (tánh) hằng.
  32. Hốt me
    Còn có tên là đánh me hoặc đánh lú, một trò cờ bạc ngày trước, ban đầu chơi bằng hạt me, về sau thay bằng nút áo. Người ta dồn hạt me thành đống khoảng vài trăm hạt. Chiếu chơi me là vải bố dày phủ lên lớp sơn trắng, trên vạch hai đường chéo đen thành một dấu nhân ( x ) chia mặt vải thành bốn ô là Tam, Túc, Yêu, Lượng, lần lượt tương ứng với 1, 2, 3, và 4 hạt. Trước khi cược tiền, chủ cái dùng một cái que gạt bằng tre gạt từ đống hạt me ra phía trước một số lượng hạt ngẫu nhiên. Khi các con bạc cược tiền vào ô mình chọn xong, chủ cái dùng que gạt để đếm hạt me. Cứ mỗi lần gạt 4 hạt rồi lùa vào trong cho đến lượt cuối cùng chỉ còn lại 4 hạt trở xuống. Nếu thừa 1 hạt là Tam, 2 hột là Túc, 3 hạt là Yêu, 4 hạt là Lượng, rồi căn cứ vào đó mà chung tiền.
  33. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  34. Nạm
    Nắm, nhúm (nạm tóc, nạm gạo...).
  35. Khắc
    Đơn vị tính thời gian ban ngày thời xưa. Người xưa chia ban ngày ra thành sáu khắc (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo Lý Thái Thuận, khắc một là giờ Mão/Mạo (5h-7h), khắc hai là giờ Thìn (7h-9h), khắc ba là giờ Tị (9h-11h), khắc tư là giờ Ngọ (11h-13h), khắc năm là giờ Mùi (13-15h), khắc sáu là giờ Thân (15-17h). Theo đó, giờ Dậu (17-19h) không thuộc về ngày cũng như đêm. Xem thêm chú thích Canh.
  36. Sân rồng
    Sân trước điện nhà vua. Nơi các quan đến chầu vua.

    Các quan chầu trong sân rồng

    Các quan chầu trong sân rồng

  37. Tông
    Dòng dõi, tổ tiên (từ Hán Việt).
  38. Vượt Vũ môn
    Ở thượng lưu sông Hoàng Hà (giữa huyện Hà Tân, Sơn Tây và Hán Thành, Thiểm Tây, Trung Quốc) có mõm đá như hình cái cửa. Tương truyền thời thượng cổ vua Vũ nhà Hạ trị thủy đã đục phá mõm đá này cho rộng ra, nên gọi là Vũ môn (cửa vua Vũ), cũng gọi là Cửa Vũ hay Cửa Võ. Theo Tam Tần KýThủy Kinh Chú thì Vũ môn có sóng dữ, hàng năm vào tiết tháng ba cá chép khắp nơi kéo về vượt qua Vũ môn, con nào nhảy qua được thì hóa rồng. Nhân đó, cửa Vũ dùng chỉ chốn trường thi và thi đỗ gọi là vượt Vũ môn.

    Theo Đại Nam nhất thống chí thì ở nước ta cũng có Vũ môn ở dãy núi Khai Trường huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Đây là dòng suối có ba bậc. Tương truyền hàng năm đến tháng 4 mưa to, có nước nguồn thì cá chép ngược dòng chảy qua Vũ môn để hóa rồng.