Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Tao khang
    Cũng nói là tào khang hay tào khương, từ Hán Việt: tao là bã rượu, khang là cám gạo, những thứ mà người nghèo khổ thường phải ăn. Vua Hán Quang Vũ (đời Đông Hán, Trung Quốc) có ý muốn gả người chị góa chồng là Hồ Dương công chúa cho quan đại phu Tống Hoằng, nên hỏi "Ngạn vân: phú dịch thê, quý dịch giao, hữu chư?" (Ngạn ngữ có nói: giàu thì đổi vợ, sang thì đổi bạn, có chăng?). Tống Hoằng đáp "Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau). Nghĩa tao khang do đó chỉ tình nghĩa vợ chồng vun đắp từ những ngày cực khổ.
  2. Phụng loan
    Đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng. Xem thêm chú thích phượngloan.
  3. Trúc mai
    Trong văn chương, trúc và mai thường được dùng như hình ảnh đôi bạn tình chung thủy, hoặc nói về tình nghĩa vợ chồng.

    Một nhà sum họp trúc mai
    Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông

    (Truyện Kiều)

  4. Ốc nhồi
    Còn gọi là ốc đồng, điền loa, loại ốc hay gặp ở các ao, ruộng vùng đồng bằng, trung du. Ốc nhồi có vỏ tương đối lớn, mặt vỏ bóng, màu xanh vàng hoặc nâu đen, mặt trong hơi tím. Lỗ miệng dài hẹp, tháp ốc vuốt nhọn, có 5,5 - 6 vòng xoắn, các vòng xoắn hơi phồng, rãnh xoắn nông, các vòng xoắn trên nhỏ dần, vuốt nhọn dài. Ốc nhồi là nguyên liệu để chế biến thành nhiều món ăn dân dã như ốc xào, bún ốc, canh ốc hay những món đặc sản: ốc nhồi thịt, ốc hấp lá gừng, ốc nhồi hấp sả.

    Ốc nhồi

    Ốc nhồi

  5. Sao Kim
    Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
  6. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  7. Cây lương thực cùng họ với lúa, quả rất nhỏ, thường gọi là hạt, màu vàng, tập trung thành một bông dài.
  8. Làng Trại
    Một làng nay thuộc địa phận xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
  9. Chợ Đầm
    Tên chợ trung tâm của thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đây là chợ lớn nhất và cũng là biểu tượng thương mại của thành phố này. Chợ có tên như vậy vì nằm trên một cái đầm cũ.

    Chợ Đầm

    Chợ Đầm

  10. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  11. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  12. Cây rơm
    Sau mỗi vụ lúa, nhân dân ta thường phơi khô thân lúa thành rơm, đánh thành đống cao đặt ở trước hoặc sau nhà, gọi là cây rơm. Rơm khô có thể dùng làm chất đốt trong sinh hoạt hằng ngày, hoặc làm thức ăn, lót ấm cho gia súc trong mùa đông. Cây rơm càng to, cao thì vụ mùa càng bội thu.

    Cây rơm

    Cây rơm

  13. Tam Hoàng Ngũ Đế
    Thời kỳ lịch sử đầu tiên của Trung Quốc, và là các vị vua huyền thoại của Trung Quốc trong thời kỳ từ năm 2852 TCN tới 2205 TCN, ngay trước thời nhà Hạ. Tam Hoàng là ba vị vua đầu tiên của nước này, Ngũ Đế là năm vị vua nối tiếp theo Tam Hoàng, có công khai hóa dân tộc Trung Hoa, đưa dân tộc này thoát khỏi tình trạng sơ khai.

    Các học giả Trung Hoa không nhất trí với nhau về Tam Hoàng và Ngũ Đế cụ thể là ai.

    Tam hoàng, tùy theo ý kiến, có thể bao gồm Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông; hoặc Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng; hoặc Phục Hy, Thần Nông, Toại Nhân.

    Ngũ đế có thể là Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Đế Nghiêu, và Đế Thuấn; có thể là các vị thần ở các phương: Thiếu Hạo (đông), Chuyên Húc (bắc), Hoàng Đế (trung), Phục Hi (tây), Thần Nông (nam); hoặc có thể đồng nhất với Ngũ thị, bao gồm: Hữu Sào thị, Toại Nhân thị, Phục Hi thị, Nữ Oa thị, Thần Nông thị.

    Ngoài ra, còn có các thuyết khác về thành phần của Tam Hoàng Ngũ Đế.

     

  14. Tam Hoàng Ngũ Đế chi thư
    Sách của Tam Hoàng, Ngũ Đế.
  15. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  16. Lặt
    Nhặt (phương ngữ).
  17. Khe Cả
    Một đoạn truông ngắn chạy giữa rừng, trên con đường ngựa trạm thời nhà Nguyễn, đi ngang qua núi Bà Đặng tới suối Khe Cả thuộc xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận ngày nay. Trước đây khu vực này rất hoang sơ, nhiều thú dữ.
  18. Đèo Tùm Lum
    Một con đèo nay thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Đèo gồm những đồi dốc nhỏ, nằm sát biển, bên ngoài đèo Đá Dăm trên hướng từ Mũi Điện Kê Gà đi Phan Thiết. Ngày xưa đây là khu vực hoang sơ, ít người dám đi, nhưng những năm gần đây thì đèo đã được cải tạo thành khu nghỉ dưỡng.

    Đèo Tùm Lum

    Đèo Tùm Lum

  19. Long Thủy
    Tên cũ là Mỹ Á, một ngôi làng trước thuộc xã An Phú, huyện Tuy An, nay thuộc thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Làng nằm sát biển, nổi tiếng có dừa xiêm uống nước rất ngọt, mát. Vườn dừa Long Thủy rợp bóng mát, quanh năm che phủ cả thôn. Tại đây có bãi biển Long Thủy, nhìn ra xa là cụm Hòn Chùa, Hòn ThanHòn Dứa.