Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Giã giấy
    Một công đoạn trong quá trình làm giấy dó. Vỏ cây dó được bào thành từng sợi, ngâm với nước vôi rồi đem giã nhuyễn thành bột giấy. Ngày nay công đoạn giã giấy được thay thế bằng máy xay.

    Giã dó ở Yên Thái

    Giã dó ở Yên Thái

  2. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  3. Chổng
    Giơ ngược một bộ phận nào đó lên cao.
  4. Nông vụ
    Vụ mùa làm ruộng (từ Hán-Việt).
  5. Nông vụ chí kì
    Đến mùa làm nông (lúa, ngô...).
  6. Hai Vai
    Còn có tên là lèn Dặm hoặc núi Di Lĩnh, một ngọn núi đá vôi (lèn) nằm giáp ranh giữa 3 xã Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Lèn Hai Vai có chiều dài 800m, nơi rộng nhất 120m, nơi cao nhất 141m. Theo truyền thuyết, ông Đùng đánh giặc ngoại xâm đã đứng từ trên cao ném đá vào quân thù, tạo ra lèn Hai Vai, lèn Cờ, và lèn Trống.

    Lèn Hai Vai

    Lèn Hai Vai

  7. Ông Đùng
    Nhât vật khổng lồ đã ra tay đánh giặc trong truyền thuyết tỉnh Nghệ An. Đứng từ trên cao, ông Đùng ném đá vào quân thù và tạo ra 3 lèn (núi đá): lèn Hai Vai có hình dạng một ông tướng cụt đầu, lèn Cờ có hình cờ rách, và lèn Trống nhìn như cái trống thủng.

    Lèn Hai Vai

    Lèn Hai Vai

  8. Nho sĩ
    Người theo học chữ Nho, đạo Nho. Thường dùng để chỉ học trò thời xưa.
  9. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  10. Cải cúc
    Còn gọi là rau tần ô, một loại rau có vị ngọt nhạt, hơi đắng, the, mùi thơm, có thể dùng ăn sống như xà lách, hoặc chế dầu giấm, ăn với lẩu, nấu canh... Cải cúc còn dùng làm thuốc chữa ho lâu ngày và chữa đau mắt.

    Cải cúc

    Cải cúc

  11. Cá chép
    Tên Hán Việt là lí ngư, một loại cá nước ngọt rất phổ biến ở nước ta. Ngoài giá trị thực phẩm, cá chép còn được nhắc đến trong sự tích "cá chép vượt vũ môn hóa rồng" của văn hóa dân gian, đồng thời tượng trưng cho sức khỏe, tài lộc, công danh.

    Ở một số địa phương miền Trung, cá chép còn gọi là cá gáy.

    Cá chép

    Cá chép

  12. Bí đao
    Còn gọi là bí trắng, là một cây họ dây leo, trái được xào, nấu phổ biến ở mọi miền nước ta. Ngoài ra, hạt và quả còn được dùng trong các bài thuốc dân gian.

    Trái bí đao

    Trái bí đao

  13. Thuốc rê
    Thuốc lá sợi được sản xuất theo lối thủ công, khi hút thường phải tự tay vấn thành điếu. Thuốc rê cũng có thể dùng để nhai. Những người nghiện thuốc ngày trước thường đi đâu cũng mang theo một bọc thuốc rê.

    Thuốc rê

    Thuốc rê

  14. Mắm ruốc
    Mắm làm từ con ruốc, rất nặng mùi. Đây là một loại nước chấm đặc trưng của nước ta, cùng với mắm tômmắm nêm. Mắm ruốc còn là nguyên liệu chính trong nhiều món rau và thịt xào.

    Mắm ruốc

    Mắm ruốc

  15. Củ ấu
    Một loại củ có vỏ màu tím thẫm, có hai sừng hai bên, được dùng ăn độn hoặc ăn như quà vặt.

    Củ ấu

    Củ ấu

  16. Sâm banh
    Cũng gọi là sâm-panh, một loại rượu vang nổi tiếng có nguồn gốc từ vùng Champagne của Pháp.
  17. Rượu chát
    Rượu vang, vì có vị chát nên dân ta gọi là rượu chát.
  18. Cô nhắc
    Từ tiếng Pháp Cognac, một loại rượu rất nổi tiếng được sản xuất từ vùng Cognac của Pháp.
  19. La ve
    Cũng gọi là la de theo giọng Nam Bộ, cách phát âm bình dân của la bière, tiếng Pháp nghĩa là bia.

    Nhãn bia Larue dưới thời Việt Nam Cộng Hòa

  20. Phỉ
    Đủ, thỏa mãn. Như phỉ chí, phỉ dạ, phỉ nguyền...
  21. Trung Phước
    Tên một làng ở xã Quế Trung, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Làng này nổi tiếng với nghề đi trầm và sản xuất đồ mỹ nghệ từ trầm hương.

    Trầm cảnh ở Trung Phước

    Trầm cảnh ở Trung Phước

  22. Đèo Le
    Một cái đèo nằm giữa hai xã Quế Long và Quế Lộc, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 70km về phía Tây Nam. Đèo này vốn do người Pháp khai phá thành con đường lên Nông Sơn và đặt tên là Đờ - Le. Vì đèo cao và dài, đường sá gập ghềnh khó đi, muốn vượt qua thì phải mất nhiều công sức, hết cả hơi thở nên dân gian mới gọi là đèo Le (le với hàm ý là le lưỡi). Hiện nay đây là một địa điểm du lịch khá nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam, với món đặc sản là gà tre Đèo Le.

    Điểm du lịch Đèo Le

    Điểm du lịch Đèo Le

  23. Chè mùng năm
    Nước chè uống ngày Tết Đoan Ngọ. Trong ngày này, người ta thường đi hái các loại lá, cây, rễ, củ về để hãm và nấu thành nước chè để uống dần.
  24. Cội
    Gốc cây.
  25. Lụy
    Chịu khốn khổ lây vì việc của người khác.
  26. Lê Văn Mai
    Sinh năm 1843, người làng Vĩ Khánh, nay thuộc xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam . Ông thi đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thìn, năm Tự Đức thứ 21 (1868), được bổ làm quan Ngự sử, nên dân gian gọi là Ngự Mai. Khi Pháp xâm lược nước ta, ông đứng về phe chủ chiến, hợp sức cùng Đinh Công Tráng đánh giặc. Ngày 18/12/1886 ông hi sinh trong một trận đánh. Hiện nay ở xã Liêm Túc vẫn còn bia mộ của ông.
  27. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  28. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  29. Thập điều
    Tên đầy đủ là Thánh dụ huấn địch thập điều hoặc Thập điều giáo huấn, một văn bản do vua Minh Mạng ban hành vào năm 1834, nội dung là các giáo lí phong kiến. Các quan đầu tỉnh phải tổ chức giảng thập điều hàng tháng vào ngày mồng một và rằm tại trước Quảng Vân Đình (tức vườn hoa Cửa Nam, Hà Nội ngày nay). Dân chúng ai không đi thì bị trừng phạt.