Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  2. Cu gáy
    Một loài chim bồ câu, lông xám, bụng và đầu có phớt hồng, lưng và quanh cổ có chấm đen như hạt cườm.

    Chim cu gáy

  3. Bưng
    Che, bịt, phủ, bọc cho kín (ví dụ: bưng miệng cười, bưng mặt khóc, bưng trống).

    Nghĩ đà bưng kín miệng bình
    Nào ai có khảo mà mình lại xưng?

    (Truyện Kiều)

  4. Ma trơi
    Đám sáng thường thấy lập lòe ban đêm trên bãi tha ma, do hợp chất phốt-pho từ xương người chết thoát ra và bốc cháy khi gặp không khí, theo mê tín cho là có ma hiện.

    Bàn độc chen chân chó nhảy ngồi
    Mồ chiều xanh lạnh lửa ma trơi
    Dậu chưa đổ đã bìm chen lấn
    Huyệt chửa đào xong đã quỷ cười

    (Chờ đợi nghìn năm - Mai Thảo)

  5. Tam Quan
    Thị trấn phía bắc tỉnh Bình Định, thuộc huyện Hoài Nhơn. Đây nổi tiếng là "xứ dừa" của Bình Định.

    Dừa Tam Quan

    Dừa Tam Quan

  6. Dưng
    Dâng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  7. Trợt
    Trượt (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  8. Sen
    Loài cây mọc dưới nước, thân hình trụ, lá tỏa tròn, cuống dài. Hoa to, màu trắng hay đỏ hồng, có nhị vàng.

    Hoa sen trắng

    Hoa sen trắng

  9. Thài lài
    Cây thân cỏ, thường mọc hoang ở những nơi đất ẩm, lá hình trái xoan nhọn, hoa màu xanh lam hay tím. Được dùng làm thuốc chữa viêm họng, viêm thận, phù thũng, phong thấp, viêm khớp, rắn cắn...

    Cây và hoa thài lài trắng

    Cây và hoa thài lài trắng

  10. Tông
    Dòng dõi, tổ tiên (từ Hán Việt).
  11. Hải Vân
    Một con đèo nằm giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế ở phía Bắc và thành phố Đà Nẵng (trước đây là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng) ở phía Nam. Đèo còn có tên là đèo Ải Vân hoặc đèo Mây, vì trên đỉnh đèo thường có mây bao phủ. Đèo Hải Vân một bên là biển, một bên là dốc núi dựng đứng, có tiếng hiểm trở, nhưng đồng thời cũng là một danh thắng từ trước đến nay.

    Đèo Hải Vân

    Đèo Hải Vân

  12. Theo giai thoại dân gian truyền lại thì đây là những câu hát mà Hiếu Chiêu hoàng hậu Đoàn Thị Ngọc (còn thường gọi là Đoàn Quý Phi) vào một đêm năm 1615, hồi còn là thôn nữ tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, đã cất tiếng hát từ nương dâu bên bờ sông Thu Bồn khi thuyền rồng của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên dạo ngang qua, làm rung động trái tim hoàng tử Nguyễn Phúc Lan. Hai năm sau, hai người kết duyên chồng vợ.
  13. Cổ lệ
    Hát lên để mừng, mở đầu cuộc vui.
  14. Giọng sổng
    Phần thứ hai trong bốn phần của một cuộc hát ghẹo Vĩnh Phúc. Các bài giọng sổng trước hết nói về thời tiết, thiên nhiên, rồi đi đến chuyện chính là nỗi niềm tâm sự.
  15. Bển
    Bên đó (phương ngữ Nam Bộ).
  16. Rái
    Sợ hãi, e ngại. Có chỗ đọc là dái.
  17. Vu Lan
    Tên đầy đủ là Vu Lan Bồn, lễ hội báo hiếu của Phật giáo được tổ chức ở một số nước Á Đông vào ngày rằm tháng bảy âm lịch. Những người tham gia lễ hội Vu Lan ở Việt Nam, người nào còn mẹ được cài trên ngực một bông hồng vàng, người không còn mẹ cài một bông hồng trắng. Xem thêm bài Bông hồng cài áo của thiền sư Thích Nhất Hạnh.
  18. Theo nhiều ý kiến, nguyên bản của thành ngữ “ướt như chuột lột” phải là “ướt như chuột lụt” để chỉ tình trạng thảm hại, ngoi ngóp của chuột vào mùa mưa lụt, nước ngập trắng đồng. Vần "uột" và "ụt" đặt kế tiếp nhau khó phát âm, nên dân gian đọc trại thành "ột". Hơn nữa, trong thành ngữ, nghĩa toàn phần có thể được nhận biết nhờ vào phần đứng đầu là ướt và người bản ngữ thấy có thể thoả mãn điều mình nói, mình nghe.
  19. Thanh Liệt
    Tên nôm là làng Quang, một làng cổ thuộc Thăng Long, chạy dọc theo bờ sông Tô Lịch, nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Đây là quê hương của võ tướng Phạm Tu - khai quốc công thần nhà Tiền Lý, và nhà giáo Chu Văn An.
  20. Xóm Văn
    Một xóm thuộc làng Thanh Liệt (làng Quang), Thanh Trì, Hà Nội. Đây là nơi sinh của thầy giáo Chu Văn An.
  21. Lang
    Chó sói. Theo Thiều Chửu: Tính tàn ác như hổ, cho nên gọi các kẻ tàn bạo là lang hổ 狼虎.
  22. Cơi
    Một loại cây có lá nhỏ dài, dùng để nhuộm vải thành màu vàng lục sẫm hoặc để đánh bả cá. Theo Văn học dân gian (NXB Văn Học, 1977): Loại cây này ở xã Hùng Nhĩ, dọc bờ suối và bờ sông Bứa thấy mọc rất nhiều.

    Lá cơi

    Lá cơi

  23. Nước nghĩa
    Tục lệ kết nghĩa giữa hai làng với nhau. Đây là phong tục từ xưa của hai dân tộc Việt-Mường tại làng Hùng Nhĩ, tỉnh Phú Thọ.
  24. Phong vân
    Phong: gió, vân: mây. Gặp hội phong vân, tức Tế hội phong vân 際會風雲, chỉ sự kẻ hiền tài gặp thời được dùng, công danh hiển đạt. Kinh Dịch: "Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, thuỷ lưu thấp, hoả tựu táo, vân tòng long, phong tòng hổ, thánh nhân tác nhi vạn vật đổ" (Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, nước chảy xuống thấp, lửa bén tới chỗ khô, mây bay theo rồng, gió bay theo cọp, thánh nhân xuất hiện mà vạn vật trông vào).
  25. Theo Văn học dân gian (NXB Văn Học, 1977): Có người giải thích, tiếu (tiểu) là thiếu, đài (đại) là đủ, do nhân dân địa phương quen miệng nói chệch ra. Cũng có người giải thích: xưa kia khi cúng tế thường có lễ xin âm dương để bói xem lành dữ, xấu tốt, khi xem âm dương người ta thường lấy hai đồng tiền gieo lên trên một cái đĩa, nếu sấp một, ngửa một thì gọi là đài (tốt), cả hai đều ngửa là tiếu (còn gọi là cười, tức là thần cười, thần chưa bằng lòng). Nhưng nói chung tiếu và đài ở đây có ý chỉ mối tình duyên hai người chưa hợp.