Tìm kiếm "tường bao"

Chú thích

  1. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  2. Đèn Châu Đốc
    Thời Pháp thuộc, Châu Đốc lần lượt là tên của một "hạt tham biện," rồi là một tỉnh lấy thị xã Châu Đốc ngày nay làm tỉnh lỵ. Trước mặt thị xã Châu Đốc là sông Hậu, vốn là tuyến đường thủy quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long. Do sông rất rộng và có nhiều cồn nhỏ ở giữa sông, người Pháp đã đặt một ngọn đèn cao (chưa rõ ở địa điểm nào) nhằm làm mốc cho thuyền bè qua lại.
  3. Gò Công
    Nay là tên một thị xã thuộc tỉnh Tiền Giang, giáp với thành phố Mỹ Tho. Tỉnh Gò Công ngày xưa bao gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây ngày nay. Gò Công Đông và Gò Công Tây là vùng duyên hải, có hai cửa biển của sông Tiền: cửa Đại và cửa Tiểu. Tên gọi Gò Công xuất phát từ việc vùng đất này trước đây có nhiều chim công (khổng tước), vì vậy tên Hán Việt của Gò Công là Khổng Tước Nguyên. Gò Công gắn liền với tên tuổi người anh hùng Trương Định.

    Phong cảnh Gò Công Đông

    Phong cảnh Gò Công Đông

  4. Gió độc Gò Công
    Một tên gọi dân gian của trận bão năm Giáp Thìn (1904).
  5. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  6. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  7. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  8. Ngàn
    Rừng rậm.
  9. Ba quân
    Người xưa chia quân đội thành ba cánh quân: tả quân (bên trái), trung quân (chính giữa) và hữu quân (bên phải), hoặc thượng quân (phía trên), trung quân, hạ quân (phía dưới), hoặc tiền quân (phía trước), trung quân, hậu quân (phía sau). Ba quân vì vậy chỉ quân đội nói chung, và chốn ba quân chỉ nơi chiến trường.
  10. Có bản chép: Trăm quan.
  11. Huy Quận
    Huy Quận công Hoàng Đình Bảo, một nhân vật lịch sử thời Lê-Trịnh. Ông nguyên tên là Phúc Bảo, được Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc nhận làm con nuôi, đổi tên thành Hoàng Đăng Bảo, sau đổi thành Hoàng Tố Lý, và cuối cùng lại đổi thành Hoàng Đình Bảo. Ông đỗ Hương Cống (Cử nhân), rồi đỗ tiếp Tạo sỹ (Tiến sỹ võ), được phong tới tước Quận công nên thường được gọi là Quận Huy, được chúa Trịnh Doanh gả con gái cho nên càng chiếm vị trí đáng nể trong triều, về sau có nhiều công lao, càng lúc tiếng tăm càng lừng lẫy.

    Khi xảy ra sự việc tranh chấp ngôi thế tử giữa hai con trai Trịnh Sâm là Trịnh Tông và Trịnh Cán, Quận Huy ngả theo phe Tuyên phi Đặng Thị Huệ là mẹ Trịnh Cán - lúc đó còn rất nhỏ. Sau vụ án năm Canh Tý (1780), Trịnh Tông bị kết án làm loạn, ngôi thế tử thuộc về Trịnh Cán. Năm 1782, Trịnh Sâm mất, Trịnh Cán lên ngôi lúc mới 5 tuổi. Lính kiêu binh ủng hộ Trịnh Tông cùng nhau âm mưu đảo chính lật đổ Trịnh Cán, phế truất Đặng Thị Huệ và giết chết Quận Huy.

  12. Chính cung
    Cung ở chính giữa, là nơi hoàng hậu ở. Cũng thường dùng để gọi hoàng hậu.
  13. Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái, câu ca dao này xuất phát từ lời đồn đại về mối quan hệ không minh bạch giữa Tuyên phi Đặng Thị Huệ và Quận công Hoàng Đình Bảo vào thời điểm liên minh quyền lực của họ ngày càng mạnh trong triều nhà Trịnh.
  14. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
  15. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  16. Quảng Tống
    Cách nói của Quảng Đông, chỉ người Hoa.
  17. Khố bẹ
    Khố dài, sau khi quấn xong vẫn thừa hai đầu như hai cánh xòe ra. Phân biệt với khố bao là khố may bằng bao đựng trấu và chỉ quấn ngang lưng.
  18. Thau rau
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Thau rau, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  19. Văn nhân
    Người viết văn hoặc có kiến thức về văn học; người trí thức.

    Trông chừng thấy một văn nhân,
    Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.

    (Truyện Kiều)

  20. Khoa mục
    Những danh mục, hạng, loại trong khoa cử thời phong kiến, như Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp... Những người đỗ đạt ngày xưa cũng gọi là người khoa mục.
  21. Phường
    Nhóm người, bọn (thường dùng với nghĩa thiếu tôn trọng).

    Con này chẳng phải thiện nhân
    Chẳng phường trốn chúa, thì quân lộn chồng

    (Truyện Kiều)

  22. Bồi
    Người hầu hạ, giúp việc, thường là nam giới nhỏ tuổi. Từ này có gốc là phiên âm của từ tiếng Anh boy.

    Biết thân, thuở trước đi làm quách,
    Chẳng kí, không thông, cũng cậu bồi!

    (Than nghèo - Tú Xương)

  23. Cậu ấm cô chiêu
    Chiêu là từ chỉ học vị tiến sĩ thời Lê còn ấm là chức tước do triều đình ban cho con cháu các quan từ ngũ phẩm trở lên. Con cái những người này được gọi là "cậu ấm," "cô chiêu," sau được dùng để chỉ chung con cái những nhà giàu có.
  24. Cách
    Tước bỏ chức tước, phẩm hàm, công việc.
  25. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  26. Bánh hạt sen
    Gọi tắt là bánh sen, một số nơi gọi là kẹo hạt sen, loại bánh ngọt làm bằng bột vo nhỏ như hạt sen, ngoài bọc bằng giấy bóng kính nhiều màu. Bánh thường gặp trong dịp Tết nguyên đán.

    Bánh hạt sen

    Bánh hạt sen

  27. Bánh cam
    Một loại bánh hình tròn nhìn giống quả cam, làm bằng bột nếp, nhân đậu xanh, bên ngoài phủ nhiều mè (vừng), được rán trong dầu, ăn rất ngọt và thơm. Bánh cam được bán nhiều ở các chợ và hàng rong, là một món quà mà trẻ em rất ưa thích. Miền Bắc gọi bánh này là bánh rán, ở một số địa phương miền Trung thì gọi là bánh ram.

    Bánh cam

    Bánh cam

  28. Bánh tét
    Có nơi gọi là bánh đòn, một loại bánh của miền Trung và miền Nam, tương tự như bánh chưng ở miền Bắc. Bánh làm bằng gạo nếp, hình trụ dài, gói bằng lá chuối, có thể có nhân đậu và thịt mỡ hoặc không có nhân, khi ăn thì cắt thành khoanh tròn. Những dịp giỗ Tết không thể thiếu món bánh này.

    Một dĩa bánh tét

    Một dĩa bánh tét

  29. Bánh ít
    Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít trần

    Bánh ít trần

  30. Hủ lậu
    Cũ kĩ, lạc hậu, không còn hợp thời nữa.
  31. Bánh tổ
    Một loại bánh tết truyền thống của Quảng Nam. Bánh được chế biến từ nếp và đường, đựng trong những cái "rọ" bằng lá chuối. Bánh dẻo, ngọt, có thể cắt ăn ngay hoặc chiên giòn.

    Bánh tổ

    Bánh tổ

  32. Bánh kẹp
    Một loại bánh làm từ bột và trứng, thêm lá dứa, nước dừa, đường... nướng bằng khuôn gang đặt trên lò than nóng. Vì khuôn bánh thường có họa tiết dạng lỗ như tổ ong nên bánh cũng được gọi là bánh tàn ong, hoặc bánh kẹp tàn ong.

    Bánh kẹp lá dứa

    Bánh kẹp lá dứa

  33. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  34. Bánh bàng
    Một loại bánh làm từ bột mì, đường, và trứng, được nướng xốp, mặt vàng, gần giống bánh ga-tô, có hình dáng giống quả bàng,

     

  35. Bánh da lợn
    Một loại bánh tráng miệng được làm từ bột năng, đường trắng, dừa nạo, va ni hay lá dứa và một số gia vị khác. Nhân bánh được làm từ đậu xanh, khoai môn nghiền mịn hoặc bào sợi hấp chín và bột gạo, đường. Bánh được hấp rồi cắt nhỏ thành từng miếng khi ăn.

    Bánh da lợn

    Bánh da lợn

  36. Bánh da trời
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Bánh da trời, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  37. Bánh men
    Một loại bánh nướng làm từ bột năng (hoặc bột sắn dây) và nước cốt dừa, khi ăn giòn, tan trong miệng và rất thơm.

    Bánh men

    Bánh men

  38. Xôi vị
    Một loại xôi ngọt nấu từ nếp và dừa, thường được nấu trong các đám tiệc. Có tên như vậy vì khi nấu, người ta thường thêm chút tai vị nướng và tán nhuyễn vào. Xôi vị nấu chín thơm mùi nước dừa và đường, có vị ngọt vừa phải.

    Xôi vị

    Xôi vị

  39. Bài ca dao này mô tả hài hước chính sách bế quan tỏa cảng thời bao cấp.
  40. Heo may
    Một loại gió nhẹ, hơi lạnh và khô, thường thổi vào mùa thu.

    Chỉ còn anh và em
    Cùng tình yêu ở lại…
    - Kìa bao người yêu mới
    Đi qua cùng heo may.

    (Thơ tình cuối mùa thu - Xuân Quỳnh)

  41. Dăm bào
    Vụn gỗ mỏng thải ra khi bào gỗ. Nhân dân ta thường chỉ dùng dăm bào để đốt lửa, lót chuồng, hoặc làm phân bón. Ngày nay dăm bào được mua với khối lượng lớn để xuất khẩu.

    Dăm bào

    Dăm bào

  42. Sơn Nam
    Một trong Thăng Long tứ trấn (bốn vùng đất bao quanh Hà Nội) ngày trước: Sơn Tây, Sơn Nam, Hải Đông, Kinh Bắc. Trấn Sơn Nam gồm 11 phủ (42 huyện). Đến thời Tây Sơn, trấn được chia thành Sơn Nam Hạ (nay thuộc Nam Định, Thái Bình, và một phần Ninh Bình) và Sơn Nam Thượng (nay là Hưng Yên, Hà Nam, và một phần Hà Tây).

    Thăng Long tứ trấn

    Thăng Long tứ trấn

  43. Công giáo
    Còn được gọi là Thiên Chúa giáo, Kitô giáo hoặc đạo Giatô, một tôn giáo có niềm tin và tôn thờ đức Chúa Trời, Giêsu, các thánh thần. Chữ công có nghĩa là chung, phổ quát, đón nhận mọi người chứ không riêng cho dân tộc hay quốc gia nào. Xuất hiện ở nước ta từ khoảng thế kỉ 16, Công giáo phát triển khá mạnh cho đến ngày nay.

    Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

    Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

  44. Lương
    Người không theo Công giáo. Thời cấm đạo, vua quan chia dân chúng thành hai thành phần. Những người theo Đạo Khổng, Đạo Phật, Đạo Lão hay những người theo tín ngưỡng thờ cúng ông bà, được gọi là lương dân (người dân tốt). Những người Công giáo bị gọi là dửu dân (dân cỏ dại) hay tả đạo.
  45. Quý hồ
    Miễn sao, chỉ cần (từ Hán Việt).
  46. A-men
    Một từ mà người theo đạo Chúa (Công giáo, Tin Lành...) thường nói khi kết thúc một bài kinh, có thể dịch thành "Thật vậy" hoặc "Xin được như nguyện."
  47. Tương truyền bài ca dao này nói về cuộc tình duyên giữa hoàng đế Bảo Đại (theo Phật giáo) và Nam Phương Hoàng hậu (theo Công giáo).
  48. Lạc Hồng
    Con Lạc cháu Hồng (Con của loài chim Lạc, cháu của dòng giống Hồng Bàng). Chim Lạc là một loài chim trong truyền thuyết, được xem là biểu tượng của Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử nước ta (sau Văn Lang của các vua Hùng). Hồng Bàng là tên gọi chung cho giai đoạn thượng cổ nước ta, chủ yếu dựa trên các truyền thuyết, truyện kể và một số ít bằng chứng khảo cổ học.

    Nhân dân ta tự nhận là con Lạc cháu Hồng. Từ "Lạc Hồng" đôi khi được đảo thành Hồng Lạc, tương tự như đối với "con Hồng cháu Lạc."

    Hình ảnh chim Lạc trên trống đồng

    Hình ảnh chim Lạc trên trống đồng

  49. Đông Hồ
    Tên Nôm là làng Mái, một làng nay thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nổi tiếng với nghề làm tranh in truyền thống trên giấy điệp. Để làm giấy điệp in tranh, người làng Đông Hồ giã nát lớp vỏ mỏng của một loại sò biển tên là điệp, trộn với hồ nấu từ bột gạo tẻ, gạo nếp hoặc bột sắn rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như đen (than xoan hay than lá tre), xanh (gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son, gỗ vang)... Đây là những màu khá cơ bản, không pha trộn và vì số lượng màu tương ứng với số bản khắc gỗ, nên thường tranh Đông Hồ chỉ dùng nhiều nhất 4 màu.

    Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
    Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

    (Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)

    Đám cưới chuột - tranh Đông Hồ

    Đám cưới chuột - tranh Đông Hồ