Ai về ngoài Huế cho tôi nhắn với ông thợ rèn
Rèn cho tôi một trăm cái đục
Một chục cái chàng
Về tôi đốn một cây huỳnh đàn
Tôi cưa làm tư, tôi xẻ làm tám
Tôi đóng một cái thang một trăm ba mươi sáu nấc
Bắc từ dưới đất lên trời
Hỏi thăm duyên nợ đổi dời về đâu
Tìm kiếm "Huê cầu"
-
-
Ông trăng khuyết, ông trăng lại tròn
Ông trăng khuyết, ông trăng lại tròn
Gái tơ quá lứa, mất giòn, không xinh
Vẳng tai nghe lời nói hữu tình
Chim lồng không lẽ cất mình bay cao
Gớm ghê thay cái số huê đào
Cởi ra thời khó, buộc vào như chơi
Chàng Thúc sinh quen thói bốc trời
Trăm nghìn đổ một trận cười như không
Chường vô chăn gối loan phòng
Thiếp tôi ra tựa cái bóng đèn chong đêm dài
Vả thiếp tôi nay phận gái nữ hài
Thấy chàng quân tử tài trai anh hùng
Gương bạch Nhật sánh với quạt thanh phong
Sao chàng chẳng tới cái tiết mùa đông lạnh lùng
Chường nằm đâu nhủ thiếp tôi cùng. -
Đèn Huê kỳ ống khói trắng, bình dầu xanh
-
Phàn Lê Huê say mê Thái Tử
-
Rồng chầu ngoài Huế
Rồng chầu ngoài Huế
Ngựa tế Đồng Nai
Nước sông trong chảy lộn sông ngoài
Thương người xa xứ lạc loài tới đây
Tới đây thì ở lại đây
Khi nào bén rễ xanh cây thì về.Dị bản
-
An Khê nổi tiếng Hòn Bình
-
Cá sầu ai cá chẳng quạt đuôi
Cá sầu ai cá chẳng quạt đuôi
Như lan sầu huệ, như tôi sầu chồng -
Hát bội Quy Nhơn
-
Tần còn mong Tấn nhiều bề
-
Nhớ ngày hăm ba tháng ba
-
Vè lo lót
Sáp vàng hai bánh
Yến huyết một cân
Mứt bí, mứt gừng
Trà Tàu, trà Huế
Mứt chanh, mứt khế
Cam rim, hồng rim
Đường phổi, đường đá
Tôm khô, vi cá
Đồm độp, gân nai
Bột báng, bột khoai
Dầu thông, mắm muối … -
Sầu đâu mà chẳng sầu đây
Sầu đâu mà chẳng sầu đây
Sầu cá dưới nước, sầu cây trên rừng
Cá sầu cá chẳng quật đuôi
Như lan sầu huệ, như tôi sầu mình -
Ước gì bướm được gần hoa
-
Cực lòng thiếp lắm chàng ơi
Cực lòng thiếp lắm chàng ơi
Kiếm nơi khuất tịch, thiếp ngồi thở than
Than vì cây lúa lá vàng
Nước đâu mà tưới nó hoàn như xưa
Trông trời chẳng thấy trời mưa
Lan khô huệ héo, khổ chưa hỡi trời -
Vè bài chòi
Bài chòi bài tới là ba mươi lá
Dang tay xớn xá là cái gã Ông Ầm
Hay đi sụp hầm, là anh Tứ Cẳng
Một dề trăng trắng, là chị Bạch Huê
Ăn cận nằm kề, là anh Chín Gối
Ba chìm bảy nổi, là chị Sáu Ghe
Lập bạn lập bè, là anh Năm Dụm
Hay đùm hay túm, Tứ Xách đã quen
Quần áo lèng teng, Nhì Nghèo cực khổ
Hay bươi hay mổ, là chị Ba Gà
Có ngạnh có ngà, là anh Tứ Tượng
Phủ màn treo trướng, là chị Tám Dừng
Ướt áo ướt quần, là anh Ngũ Trợt
Rung cây không rớt, Tứ Móc thiệt hay
Con mắt nhắm ngay, Tam Quăng thiệt giỏi … -
Duyên ta là ngãi tình cờ
Duyên ta là ngãi tình cờ
Bấy lâu luống những ngẩn ngơ chờ chàng
Gặp nhau đây đá thử vàng
Miếng trầu thết đãi dạ mang chữ tình
Tương tư buồn bực trong mình
Sợ thầy hãi mẹ làm thinh vui cười
Quên sầu thiếp gượng làm tươi
Đồ huê nguyệt sợ miệng cười thế gian
Trốn cha trốn mẹ theo chàng
Vì chàng nên thiếp lạc ngàn lên đây
Đến đây thiếp ở lại đây
Bao giờ quế mọc xanh cây mới về
Đã đành nên thiếp nên thê
Nên khăn nên gối không vê cũng tròn
Non mòn nhưng nghĩa không mòn… -
Chẳng viếng thăm, mình nói bạc tình
-
Em ơi! Chừ anh muốn làm đàn bà, không muốn làm đàn ông
-
Dám khuyên khách ở trên đời
Dám khuyên khách ở trên đời
Ước cho no đủ mọi mùi ăn chơi
Ước gì gặp tiên trên trời
Như chàng Lưu Nguyễn lên chơi động đào
Ước gì làm được quan cao
Giã ghe ngựa cưỡi võng đào nghênh ngang
Ước gì lắm bạc nhiều vàng
Như chàng Vương Khải thế gian ai tài
Ước gì gặp hội rồng mây
Đăng khoa chiếm bảng ngày rày vinh hoa
Ước gì trăm tám tuổi già
Sống như Bành Tổ mới là sống lâu
Ước gì lắm rể nhiều dâu
Lắm con nhiều cháu bề sau thọ tràng
Ước gì được cả trăm đàng
Như lan như huệ cùng chung một đoàn
Ước gì như quạt như gương
Phan Trần sánh lại mà thương nhau cùng
Ước cho có thủy có chung
Ước cho no đủ chữ đồng mà thôi
Thế là anh đã ước rồi
Thì nàng ước lại cho tôi bằng lòng -
Vè con dao
Nhà anh bất phú bất bần
Có con dao đoản hộ thân tháng ngày
Con dao anh rày
Dài vừa năm tấc
Khi mài đã sắc
Phá lở rú rừng hoang
Cũng biện đủ cỗ cho làng
Cũng no ngày đủ tháng.
Đèn có khêu mới rạng
Ngọc bất trác bất thành
Ngẫm như con dao anh
Nội trần gian không ai có
Nội dưới trời không ai có …
Chú thích
-
- Huế
- Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đô và thần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...
Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
-
- Dùi đục
- Còn gọi là đục, dụng cụ gồm một thanh thép có chuôi cầm, đầu có lưỡi sắc, dùng để tạo những chỗ lõm hoặc những lỗ trên các vật rắn như gỗ, đá, kim loại.
-
- Chàng
- Dụng cụ của thợ mộc gồm một lưỡi thép dẹp hình tam giác tra vào cán, dùng để vạt gỗ (đẽo xiên).
-
- Sưa
- Còn được gọi là huỳnh đàn, trắc thối, một loại cây thân cao, tán rộng, dẻo dai, chống chịu gió bão tốt, cho gỗ quý. Gỗ sưa chắc, thơm và nặng hơn gỗ bình thường, đặc biệt có vân gỗ rất đẹp nên rất được ưa chuộng để làm những đồ mĩ nghệ có ý nghĩa phong thủy, tâm linh. Cây sưa cũng được trồng lấy bóng mát.
-
- Mần
- Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
-
- Huê
- Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
-
- Thúc sinh
- Một nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúc sinh có nghĩa là thư sinh họ Thúc. Thúc sinh là một thương nhân, đã có vợ là Hoạn Thư, song lại đem lòng yêu Thúy Kiều. Thúc sinh chuộc Kiều khỏi chốn lầu xanh và giấu vợ cưới Kiều làm lẽ. Hoạn Thư biết được, bắt cóc Kiều về hành hạ, Thúc sinh nhu nhược không dám làm gì, Thúy Kiều phải đến nương nhờ cửa Phật.
Khách du bỗng có một người
Kỳ tâm họ Thúc, cũng nòi thư hương
Vốn người huyện Tích Châu Thường
Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri
-
- Phòng loan
- Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.
Người vào chung gối loan phòng
Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài
(Truyện Kiều)
-
- Hài
- Giày, dép. Thường được dùng để chỉ giày thời xưa.
-
- Bạch nhật
- Mặt trời sáng (từ Hán Việt).
-
- Thanh phong
- Gió mát (từ Hán Việt).
-
- Đèn dầu
- Đèn đốt bằng dầu hỏa, gồm một bầu đựng dầu bằng thủy tinh hoặc kim loại, một sợi bấc (tim đèn) để hút dầu, và hệ thống núm vặn. Đèn dầu còn được gọi là đèn Hoa Kỳ (Huê Kỳ), mà theo tác giả Nguyễn Dư thì tên này bắt nguồn từ tên cửa hiệu Hoa Kỳ phố Jules Ferry (Hàng Trống ngày nay) chuyên làm đồ khảm xà cừ và bán đèn sắt tây. Hiện nay đèn dầu vẫn còn được thấy ở các vùng quê nghèo.
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Phàn Lê Huê
- Một nữ tướng thời Đường, vợ của Tiết Đinh San, cũng là một danh tướng trong dã sử Trung Quốc. Phàn Lê Huê là nhân vật chính trong nhiều vở tuồng và cải lương biên soạn dựa trên tiểu thuyết Trung Quốc ở nước ta.
Xem trích đoạn cải lương Phàn Lê Huê phá Hồng thuỷ trận và Tiết Định San cầu Phàn Lê Huê tại đây.
-
- Thuyền quyên
- Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟 tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.
Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng
(Truyện Kiều)
-
- Căn số
- Chỉ số mệnh của một người theo luật nhân quả của đạo Phật. Theo đạo Phật, số phận của một người là kết quả của những hành động trong đời sống hiện tại và cả trong những kiếp trước.
-
- Tế
- Chạy lồng lên, chạy nước đại.
-
- Đồng Nai
- Tên gọi chung của toàn thể miền đồng bằng Nam Bộ, phổ biến vào thế kỉ 19 trở về trước, nay được giới hạn để chỉ một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ, khi có làn sóng di dân từ Bắc vào Nam trong cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỉ 16. Hiện nay Đồng Nai là cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ, đồng thời là một trong ba mũi nhọn kinh tế miền Nam cùng với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.
-
- An Khê
- Tên một cái đèo giáp ranh giữa Bình Định và Gia Lai, đồng thời cũng là tên một trong hai thị xã của tỉnh Gia Lai. Khu vực An Khê đồi núi trập trùng, hiểm trở, nên được nghĩa quân Tây Sơn chọn làm căn cứ địa trong những ngày đầu kháng chiến.
-
- Hòn Ông Bình
- Một ngọn núi nhỏ ở chân đèo An Khê, tỉnh Bình Định. Theo Quách Tấn, Nước non Bình Định, Nam Cường xuất bản, 1967, tr.53:
Hòn Ông Bình nằm phía tây thôn Thượng Giang. Tuy cao chỉ có 793 thước, song trông rất kì vĩ và có vẻ bí hiểm. Cây cối sầm uất, ngó mịt mờ thăm thẳm như không có đường lưu thông. Nhưng sự thật thì có nhiều đường lối ra vào. Nơi triền phía Bắc, có đường đèo đi từ Đồng Hào ở ngả Đông, lên Trạm Gò. Cửu An ở ngả Tây. Đèo này gọi là Đèo Vạn Tuế, tuy ngắn song dốc và đá mọc lởm chởm nên rất khó đi. Ở triên phía Nam có con đường mòn chạy theo hướng Đông Nam để đến đèo An Khê.
-
- Quang Trung Nguyễn Huệ
- (1753 – 1792) Người anh hùng áo vải của dân tộc ta, người lãnh đạo phong trào Tây Sơn, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài giữa hai vương triều chúa Nguyễn ở Đàng Trong và chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Ông là một trong những nhà chính trị tài giỏi với nhiều cải cách xây dựng đất nước, quân sự xuất sắc trong lịch sử, với những trận đánh trong nội chiến và chống ngoại xâm chưa thất bại lần nào.
-
- Hát bội
- Một loại hình văn nghệ dân gian cổ truyền phổ biến trước đây. Đây là một loại hình mang nặng tính ước lệ. Các diễn viên hát bộ phân biệt từ mặt mũi, râu tóc, áo quần để rõ kẻ trung nịnh, người sang hèn, ai thô lậu, thanh tú, ai minh chánh, gian tà. Sắc đỏ được dùng dặm mặt để biểu hiện vai trung thần; màu xám là nịnh thần; màu đen là kẻ chân thật; màu lục là hồn ma... Dàn nhạc dùng trong hát bội gồm có những nhạc cụ như: trống chiến, đồng la, kèn, đờn cò và có khi ống sáo. Nội dung các vở hát bội thường là các điển tích Trung Hoa.
Về tên gọi, "bộ" đây có nghĩa là diễn xuất của nghệ sĩ đều phải phân đúng từng bộ diễn, nên gọi là "hát bộ", "diễn bộ", "ra bộ.. Gọi là “hát bội” là vì trong nghệ thuật hóa trang, đào kép phải đeo, phải giắt (bội) những cờ phướng, lông công, lông trĩ… lên người. Còn "tuồng" là do chữ "Liên Trường" (kéo dài liên tiếp thành một vở tuồng tích có khởi đầu truyện, có hồi kết cuộc, phân biệt với các ca diễn từng bài ngắn, từng trích đoạn), do ngôn ngữ địa phương mà thành "luông tuồng," "luôn tuồng..."
Xem vở hát bội Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ.
-
- Quy Nhơn
- Một địa danh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Bình Định. Quy Nhơn được hình thành từ rất sớm, thuộc vùng đất Đàng Trong, xứ Thuận Quảng, từ cách đây hơn 400 năm. Mảnh đất này đã có lịch sử hình thành phát triển cùng với nền văn hoá Chăm Pa từ thế kỷ 11. Tại Quy Nhơn có các danh thắng như Tháp Đôi, Gành Ráng, biển Quy Hòa... cùng các đặc sản như bún chả cá, nem chua...
-
- Quảng Ngãi
- Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.
-
- Thư lại
- Viên chức trông coi việc giấy tờ ở công đường thời phong kiến, thực dân. Ở Trung và Nam Bộ, từ này cũng được phát âm thành thơ lại.
-
- Quảng Nam
- Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...
-
- Hò khoan
- Một thể loại hò thường gặp ở miền Trung, trong đó người hò thường đệm các cụm "hò khoan" "hố khoan" "hố hò khoan" (nên cũng gọi là hò hố). Hò khoan thường có tiết tấu nhanh, nhộn nhịp.
-
- Tấn Tần
- Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.
Trộm toan kén lứa chọn đôi,
Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.
(Truyện Hoa Tiên)
-
- Thập tam trại
- Tên gọi chung chỉ 13 làng nghề ở phía Tây kinh thành Thăng Long, gồm có Cống Vị, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Thụy Khuê, Hào Nam, Kim Mã Thượng, Đại Yên, Liễu Giai, Kim Mã, Vạn Phúc (Vĩnh Phúc), Ngọc Khánh, Thủ Lệ, Giảng Võ. Tương truyền, các làng này được lập nên thời vua Lý Nhân Tông, bởi công của dũng sĩ họ Hoàng và dân làng Lệ Mật, đóng vai trò cung cấp các nhu yếu phẩm cho kinh thành Thăng Long.
-
- Nhị Hà
- Tên gọi trước đây của đoạn sông Hồng chảy qua địa phận Hà Nội, tính từ đoạn sông huyện Từ Liêm (hữu ngạn) và Đông Anh (tả ngạn) chảy qua phía Nam huyện Thanh Trì. Có thuyết nói rằng, đoạn sông này chảy uốn khúc như cái vòng đeo tai, nên có tên gọi là Nhị Hà (chữ Hán nhị 珥 là vòng đeo tai). Sông còn có tên khác là Phù Luông vì nước sông chảy cuốn theo phù sa sắc đỏ như son, đến mùa thu nước mới trong trở lại.
-
- Kinh quán
- (Dân) ở nơi kinh đô.
-
- Cựu quán
- (Dân) ở nơi làng cũ.
-
- Hồ Tây
- Còn có các tên gọi khác như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 18 km. Hồ là một đoạn của sông Hồng ngày trước. Từ xa xưa, hồ Tây đã là một thắng cảnh nổi tiếng, nhiều lần được đưa vào văn chương nghệ thuật.
-
- Hàng năm, vào ngày 23 tháng 3 âm lịch, dân thập tam trại rủ nhau tấp nập về làng Lệ Mật (huyện Gia Lâm, Hà Nội) để tỏ mối tình ruột thịt với dân làng cổ và nhất là với họ hàng thân thuộc.
-
- Sáp vàng
- Tổ ong được nấu hoặc phơi cho chảy, rồi lọc, cô đặc thành bánh. Sáp ong từng được xem là sản vật quý hiếm, và nay vẫn được đánh giá cao vì giá trị dinh dưỡng và các lợi ích sức khỏe mà nó mang lại.
-
- Đường phổi
- Loại đường được nấu từ mật mía, được đúc thành bánh màu trắng hơi vàng, xốp và giòn, vị ngọt thanh. Đường phổi là đặc sản riêng của Quảng Ngãi. Có tên gọi đường phổi là do hình dạng thỏi đường nhìn tựa lá phổi.
-
- Vi cá
- Vây cá mập, được xem là món ăn bổ dưỡng, quý hiếm, và rất đắt đỏ.
-
- Hải sâm
- Tên dân gian là đồn đột, đột ngậu, đồm độp, đỉa biển hay nhím biển, là tên gọi chung của một nhóm động vật biển có thân hình thuôn dài, da có lông, có xương trong nằm ngay dưới da. Hải sâm được xem là một loại thức ăn rất bổ dưỡng và có nhiều công dụng trị bệnh.
-
- Báng
- Giống cây lâu năm thuộc họ Cau, còn có tên gọi khác là đoác, co pảng, quang lang, bụng báng, búng báng, báng búng. Ở ta báng mọc nhiều ở các chân núi ẩm, chân núi đá vôi, rừng thứ sinh. Bột bên trong lõi cây có thể ăn hay làm đồ uống. Báng còn được trồng làm cảnh vì dáng đẹp. Rượu báng là một đặc sản của các vùng núi đá cao (Tây Bắc).
-
- Dầu thông
- Tinh dầu được chưng cất từ lá, cành non và quả của một số loài thông. Dầu thông có tác dụng tẩy uế, làm đẹp và trị một số bệnh ngoài da.
-
- Nhánh bích cành quỳnh
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nhánh bích cành quỳnh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Tơ hồng
- Xem chú thích Nguyệt Lão.
-
- Bài chòi
- Một loại hình trò chơi dân gian và nghệ thuật độc đáo ở miền Trung, được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán. Người ta dựng 9-11 chòi trên một bãi đất trống. Bộ bài để đánh bài chòi gồm 33 lá, với những cái tên nôm na như: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ông Ầm, Sáu Ghe, Bảy Liễu... vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xóc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới.”
-
- Bài tới
- Một trò chơi bài rất phổ biến ở miền Trung ngày trước. Bộ bài 60 con chia làm ba pho, được chia cho hai phe, mỗi phe ba người, mỗi người lấy sáu con bài, xây bài trên tay. Người chọn đi bài, trước tiên rút một con bài bỏ ra, lệ cấm dùng các con bài có dấu triện đỏ (Ông ầm, Thái tử, Đỏ mỏ). Những tay bài khác, nếu có con bài giống con bài chợ (bài vừa được đánh ra) thì rút con ấy ra bắt và đi một con bài khác. Các tay bài khác lại tiếp tục bắt và đi cho đến khi có một tay bài tới là hết một ván bài. Tới bài tức là khi trên tay chỉ còn hai lá bài và lúc đó, người đi bài đã đi đúng tên một trong hai con bài mà mình đang chờ để tới.
Bài chòi cũng dùng bộ bài này, nhưng chỉ chơi vào ngày Tết và không có tính ăn thua đỏ đen như bài tới.
-
- Dề
- Phương ngữ Trung Bộ, chỉ những thứ kết lại với nhau thành mảng lớn (một dề lục bình, một dề rác rến...)
-
- Ghe
- Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.
-
- Dừng
- Thanh bằng tre nứa cài ngang dọc để trát vách.
-
- Trợt
- Trượt (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Ngãi
- Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Thầy mẹ
- Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).
Con đi mười mấy năm trời,
Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!
(Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)
-
- Nguyệt hoa
- Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.
Cởi tình ra đếm, ra đong
Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?
(Tơ xuân - Huy Trụ)
-
- Quế
- Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.
-
- Thê
- Vợ (từ Hán Việt).
-
- Phụ mẫu
- Cha mẹ (từ Hán Việt).
-
- Chừ
- Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Xâu
- Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
-
- Mô
- Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Cho tinh thần
- Cách nói của người miền Trung, có thể hiểu thành “cho lên tinh thần, cho (có vẻ) mạnh mẽ.”
-
- Trất
- Quách (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Nớ
- Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Lưu Nguyễn
- Tên của hai nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc là Lưu Thần và Nguyễn Triệu đời nhà Hán, nhân tiết Đoan Dương (5-5 âm lịch) vào núi Thiên Thai hái thuốc, bị lạc lối về. Hai người tao ngộ tiên nữ, kết làm vợ chồng. Sống hạnh phúc được nửa năm thì hai chàng nhớ quê muốn về thăm. Các tiên nữ cho biết đây là cõi tiên, đã về trần là không thể trở lại, song vẫn không giữ được hai chàng. Lưu, Nguyễn hồi hương thấy quang cảnh khác hẳn xưa, thì ra họ xa nhà đã bảy đời. Buồn bã, hai người trở lại Thiên Thai thì không thấy tiên đâu nữa.
-
- Vương Khải
- Quan Hậu tướng quân nhà Tây Tấn trong lịch sử Trung Quốc, em của Văn Minh hoàng hậu, nhà rất giàu có, ăn chơi xa xỉ. Ông và Thạch Sùng từng có cuộc thi xem nhà ai có nhiều của báu hơn. Ở Nam Bộ, tên ông này cũng được phát âm thành Dương Khởi.
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Bành Tổ
- Cũng có tên là Bành Khang, một nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc. Chuyện kể rằng một hôm Bành Khang nấu một nồi canh gà rừng dâng lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng ưng ý, liền bảo: "Nhà ngươi đếm trên mình gà có bao nhiều sợi lông màu sắc rực rỡ thì nhà ngươi sống được bấy nhiêu tuổi". Bành Khang tìm lại đống lông gà, đếm được 800 sợi, nhờ đó sống được 800 tuổi.
Trong văn hóa Trung Quốc, ông Bành Tổ được xem là biểu tượng cho sự trường thọ.
-
- Trường thọ
- Sống lâu (từ Hán Việt).
-
- Đàng
- Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Phan Trần
- Một truyện Nôm khuyết danh, chưa rõ sáng tác trong thời gian nào. Truyện gồm 954 câu lục bát, kể về tình yêu hai nhân vật Phan Sinh và Kiều Liên. Theo nhà phê bình Hoài Thanh: "Lời văn kể chuyện thỉnh thoảng có cái vị tươi mát và hồn nhiên của tiếng nói quần chúng, nhiều khi vui đùa dí dỏm và luôn luôn êm đẹp nhẹ nhàng, nói chung rất điêu luyện mà không bao giờ cứng nhắc, khô khan. Nhiều câu rất giống Truyện Kiều. Lời văn cũng góp nhiều vào cái vị ngọt ngào của câu chuyện."
-
- Thủy chung
- Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.
-
- Chữ đồng
- Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.
Đã nguyền hai chữ đồng tâm
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai
(Truyện Kiều)
-
- Bất phú bất bần
- Không giàu không nghèo.
-
- Đoản
- Ngắn
-
- Rú rừng
- Rừng núi (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
-
- Biện
- Lo liệu, chuẩn bị.
-
- Cỗ
- Những món ăn bày thành mâm để cúng lễ ăn uống theo phong tục cổ truyền (đám cưới, đám giỗ...) hoặc để thết khách sang trọng.
-
- Rạng
- Sáng tỏ.
-
- Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lí
- Ngọc không mài giũa thì không thành món đồ (trang sức), người không học thì không hiểu lí lẽ. Đây là một câu trong Lễ Ký, một trong Ngũ Kinh.