Tìm kiếm "tháng mưa"

  • Em về Kẻ Chợ em coi

    Em về Kẻ Chợ em coi
    Kìa dinh quan lớn, kìa chòi bắn cung
    Con ngựa hồng bao tiền, bao hậu
    Các quan trào áo bậu lưng đai
    Súng anh vác vai, hỏa mai anh tọng nạp
    Anh bắn mai này đùng đùng dạ dạ
    Anh bắn mai này trả nợ nhà vương
    Thương anh gối đất nằm sương

    Dị bản

    • Đường ra Kẻ Chợ xem voi
      Kìa bãi tập trận nhà chòi bắn cung
      Bắn con ngựa hồng báo tiền báo hậu
      Các quan võ thần mặc áo nậu thắt lưng xanh
      Khẩu súng vác vai chân anh quỳ đạp
      Anh đánh trận này, anh đuổi trận này giả nợ nhà vua.
      Bõ công dãi nắng dầm mưa.

  • Giấn vốn chỉ có ba đồng

    Giấn vốn chỉ có ba đồng
    Nửa để nuôi chồng, nửa để nuôi tôi
    Còn thừa mua cái bình vôi
    Mua xanh, mua chảo, mua nồi nấu ăn
    Còn thừa mua nhiễu quấn khăn
    Mua dăm vuông vóc may chăn cho chồng
    Còn thừa mua chiếc thuyền rồng
    Đem ra cửa bể cho chồng thả chơi
    Còn thờ mua khám thờ trời
    Mua tranh sơn thủy treo chơi đầu thuyền

    Dị bản

    • Lưng vốn chỉ có mười đồng
      Phần để nuôi chồng, phần để nuôi tôi
      Còn thừa mua cái bình vôi
      Mua xanh, mua chảo, mua nồi nấu ăn
      Còn thừa mua nhiễu vấn khăn
      Mua dăm vuông vóc may chăn cho chồng
      Còn thừa mua chiếc thuyền rồng
      Đem ra cửa bể cho chồng chèo chơi
      Để chàng tùy thích, thảnh thơi
      Danh lam thắng cảnh, ngược xuôi mặc lòng

  • Chợ chùa một tháng sáu phiên

    Chợ chùa một tháng sáu phiên,
    Mời anh đi chợ thăm miền quê ta.
    Xanh mắt là chị hàng na,
    Mặn mà hàng muối, ngọt hoa hàng đường.
    Thơm ngát là chị hàng hương,
    Tanh tao hàng cá phô trương hàng vàng.
    Bộn bề là chị hàng giang,
    Bán rổ bán rá bán sàng bán nia.
    Nghênh ngang là chị hàng cua,
    Hàng ếch nhấp nhổm người mua cũng nhiều.
    Hàng khoai đêm suốt sớm chiều,
    Người quen kẻ lạ cũng đều ngợi khen.

  • Bữa rày mồng tám tháng ba

    Bữa rày mồng tám tháng ba
    Chính thức húy nhật, thật là giỗ anh
    Bát cơm, đĩa cá, lưng canh
    Nắm rau, hạt muối, xin anh hãy về
    Vợ này là vợ chính thê
    Phải đời chồng trước thì về ngửi hương
    Giỗ này hết khó, hết thương
    Hết trông, hết đợi, đoạn trường khúc nôi
    Hết buồn rồi lại sang vui
    Tiết phu tiết phụ như tôi mấy người?
    Nhất tuần mời, nhị tuần mời
    Ba năm nay tôi không chửa, sướng đời anh chưa?
    Bây giờ tôi được, anh thua
    Cho tôi sinh năm đẻ bảy, tôi mua cho ngàn vàng
    Vợ chồng đồng tịch, đồng sàng
    Đồng sinh đồng tử, giỗ chàng hôm nay
    Tại nam quy nam! Tại tây quy tây!
    Anh đừng về nữa, nỏ có chi đây mà về!

  • Chát xình xình

    Chát xình xình
    Bố thằng Bình
    Đi Liên Xô
    Quay xổ số
    Được nghìn hai
    Mua cái đài
    Còn nghìn mốt
    Mua xắc-cốt
    Còn năm trăm
    Mua dao găm
    Còn năm chục
    Mua súng lục
    Còn năm hào
    Mua cào cào
    Về nhắm rượu
    Còn năm xu
    Mua cu cu
    Về nấu cháo
    Chát xình xình

    Dị bản

    • Thằng cu Tí
      Đi chăn trâu
      Trâu ở đâu
      Nó không biết
      Bố nó đánh
      Mẹ nó can
      Ông công an
      Đến giải quyết
      Tôi không biết
      Chuyện gia đình
      Chát xình xình
      Bác thằng Bình
      Đi Liên Xô
      Trúng xổ số
      Được năm nghìn
      Mua quả mìn
      Còn năm trăm
      Mua dao găm
      Còn năm chục
      Mua cái đục
      Còn năm xu
      Mua con cu
      Về nhắm rượu
      Mua củ kiệu
      Về ăn cơm
      Mua bó rơm
      Về đốt đít
      Mua dao nhíp
      Về cạo lông
      Mua chăn bông
      Về cưới vợ.

  • Con hư bởi tại cha dong

    Con hư bởi tại cha dong
    Vợ hư bởi tại thằng chồng cả nghe
    Con cuốc kêu khắc khoải mùa hè
    Làm thân con gái phải nghe lời chồng
    Sách có chữ phu xướng phụ tòng
    Làm thân con gái lấy chồng xuất gia
    Lấy em về thờ mẹ kính cha
    Thờ cha kính mẹ ấy là người ngoan

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

    Em đưa cho anh một nắm lúa ngô rang

    Em đưa cho anh một nắm lúa ngô rang
    Anh gieo chỗ mô cho mọc thì thiếp theo chàng về không
    – Chỗ mô mưa ba năm không ướt
    Nắng tám tháng không khô
    Anh đem gieo vô chỗ nớ thì nạm lúa ngô em mọc liền

    Dị bản

    • Em liều một nắm bắp khô
      Đố anh tỉa mọc em vô kết nguyền
      – Trời mưa ba năm không ướt
      Trời hạn sáu tháng không khô
      Em không cho anh tỉa chớ anh tỉa vô mọc liền.

    • Đưa chàng một nắm ngô rang
      Chàng đút vô cho nó mọc, thiếp theo chàng về ngay
      – Nơi nào mà nắng không khô
      Mà mưa không ướt đút vô mọc liền

  • Chàng ơi trẩy sớm hay trưa

    Chàng ơi trẩy sớm hay trưa
    Để em gánh gạo tiễn đưa hành trình
    Thương nàng đã đến tháng sinh
    Ăn ở một mình trông cậy vào ai
    Rồi khi sinh gái sinh trai
    Sớm khuya mưa nắng lấy ai bạn cùng
    Sinh gái thì em gả chồng
    Sinh trai lấy vợ mặc lòng thiếp lo.

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

    Nhà tôi có bảy anh em

    Nhà tôi có bảy anh em
    Thằng què đi công tác
    Thằng lác lái máy bay
    Thằng cụt tay đi đào hầm
    Thằng câm đi gọi điện
    Thằng điếc nghe đài
    Thằng mù đọc báo
    Nói láo chỉ huy
    Đi mở cổng sắt
    Lấy năm đồng cắc
    Đi mua thuốc Bắc
    Ông thầy bán mắc
    Tôi địt cái “tắc”
    Ông thầy chết ngắc.

  • Nước chảy lờ đờ, đôi bờ xuôi ngược

    Nước chảy lờ đờ, đôi bờ xuôi ngược
    Đường đi Non Nước rộng bước thênh thang
    Ta vui khắp xóm khắp làng
    Mặc cho chớp bể mưa ngàn vẫn vui
    Đường đi xa lắm em ơi
    Nước non ngàn dặm bể trời mênh mông
    Đi qua muôn chợ ngàn sông
    Thuyền nan một chiếc vẫy vùng bể khơi

  • Xe ngựa lướt bụi tuôn bờ

    Xe ngựa lướt bụi tuôn bờ
    Bánh niềng sắt cứ khua rột rột
    Tui ra chợ mua đường thốt nốt
    Tui mua cân bột cùng gói đậu xanh
    Tui về nấu chè trôi nước đặt lại tên anh
    Để cho trong trào ngoài quận
    Biết tiếng thằng Sở Khanh điếm đàng

  • Tóc mai đã lỗi câu thề

    Tóc mai đã lỗi câu thề
    Nâng niu thằng Chệch, tứ bề sọ không
    Trên đầu nó vấn đuôi nhồng
    Hàm răng trắng nhẻ, miệng không ăn trầu
    Gẫm trông thằng Chệch thêm rầu
    Có một cái đầu chẳng để cho nguyên
    Tóc ra thì nó cạo liền
    Mua chỉ nó gióc cho liền ống chân
    Bận quần chẳng có dây lưng
    Bận áo nửa chừng, lủng lẳng dái trâu
    Còn thương thằng Chệch vì đâu
    Càng ngày càng chán, càng lâu càng buồn

  • Chị em đã quyết chẳng chùn

    Chị em đã quyết chẳng chùn
    Hai vai áo ướt chân bùn đường trơn
    Đường trơn thì mặc đường trơn
    Em gánh thóc thuế chàng sờn hai vai
    Trời mưa cho ướt lá khoai
    Thóc em không ướt vì ngoài lá che
    Đường xa chân bước tai nghe
    Tin vui chiến thắng đưa về khắp nơi

  • Rạng ngày vác cuốc ra đồng

    Rạng ngày vác cuốc ra đồng
    Tay cầm mồi lửa, tay dòng thừng trâu
    Ruộng đầm nước cả bùn sâu
    Suốt ngày cùng với con trâu cày bừa
    Việc làm chẳng quản nắng mưa
    Cơm ăn đắp đổi muối dưa tháng ngày
    Ai ơi bưng bát cơm đầy
    Biết công kẻ cấy người cày mấy nao!

Chú thích

  1. Kẻ chợ
    Kinh đô (từ cũ). Khi dùng như danh từ riêng, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa.
  2. Trào
    Triều (từ cũ).
  3. Hỏa mai
    Cái mồi lửa, dùng để đốt dây mồi cho cháy trước khi bắn.
  4. Áo nậu
    Áo vải màu có nẹp, ngày trước phu, lính hoặc những người mang đồ rước mặc trong những dịp long trọng.

    Áo nậu

    Áo nậu

  5. Giấn
    Cũng viết là dấn, động tác cố thêm một chút để đặt mình/ sự vật vào tình trạng mới, môi trường mới nhằm đạt được mục đích. Ví dụ: dấn bước = bước cố thêm để đạt được mục đích; dấn thân = cố gắng thêm để đặt thân mình vào một môi trường, tình trạng mới; dấn men = nhúng cốt gốm sứ vào men trước khi nung; dấn vốn = vốn liếng có được sau khi cố gắng huy động.
  6. Bình vôi
    Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

  7. Xanh
    Dụng cụ để nấu, làm bằng đồng, có hai quai, giống cái chảo lớn nhưng đáy bằng chứ không cong.

    Cái xanh đồng.

    Cái xanh đồng.

  8. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  9. Vuông
    Đơn vị dân gian dùng để đo vải, bằng bề ngang (hoặc khổ) của tấm vải (vuông vải, vuông nhiễu).
  10. Vóc
    Một loại vải tơ tằm, bóng mịn, có hoa, dệt bằng sợi đồng màu, dùng làm tán thờ thần hay may y phục cho vua chúa, quan lại.
  11. Khám
    Vật làm bằng gỗ, giống như cái tủ nhỏ không có cánh, dùng để đặt bài vị, đồ thờ, thường được gác hay treo cao.

    Khám thờ

    Khám thờ

  12. Chợ chùa
    Còn gọi là chợ tam bảo, một loại hình chợ có từ thế kỉ 16 ở Đàng Ngoài. Chợ có đặc điểm là tụ tập gần các chùa, thu nhập từ chợ đưa cho chùa quản lí chứ không phải nộp cho triều đình. Chợ chùa tồn tại tới thế kỉ 19 thì chấm dứt.
  13. Chợ phiên
    Chợ họp có ngày giờ nhất định.
  14. Mãng cầu
    Miền Bắc gọi là na, một loại cây ăn quả cho quả tròn có nhiều múi (thực ra, mỗi múi là một quả) khi chín có vị ngọt, mùi rất thơm. Lá, hạt và rễ mãng cầu cũng là những vị thuốc dân gian.

    Trái mãng cầu

    Trái mãng cầu

  15. Hàng giang
    Hàng bày bán các sản phẩm mây tre lá. Xem thêm chú thích Cây giang.
  16. Rổ
    Dụng cụ để đựng, đan bằng tre, mây hoặc làm bằng nhựa, có nhiều hình dạng khác nhau, lòng sâu, có nhiều lỗ nhỏ để dễ thoát nước.

    Rổ nhựa

    Rổ nhựa

  17. Đồ đan bằng tre có vành (gọi là cạp), dùng để đựng gạo hoặc nông sản.

    Sàng và rá

    Sàng và rá

  18. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  19. Nia
    Dụng cụ đan bằng tre, hình tròn, có vành, rất nông, dùng để đựng và phơi nông sản (gạo, lúa)...

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  20. Húy nhật
    Ngày kị, ngày giỗ. Từ Hán Việt húy nghĩa là tên của người chết.
  21. Chính thê
    Vợ chính, vợ cả.
  22. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  23. Khúc nôi
    Nỗi lòng tâm sự thầm kín khó nói ra (từ cũ). Cũng nói là khúc nhôi.
  24. Tiết phu tiết phụ
    Giữ trọn tình nghĩa vợ chồng.
  25. Tuần
    Một lần rót (rượu, trà...)
  26. Đồng tịch đồng sàng
    Cùng chiếu cùng giường (từ Hán Việt đồng: cùng, tịch: chiếu; sàng: giường), dùng để chỉ quan hệ vợ chồng.
  27. Đồng sinh đồng tử
    Sống chết có nhau.
  28. Ở hướng nam thì về hướng nam, ở hướng tây thì về hướng tây.
  29. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  30. Xắc cốt
    Cái túi đeo, đọc theo từ "Sacoche" tiếng Pháp, thường làm bằng da, có khóa bấm. Cán bộ miền Bắc trước đây thường mang loại túi này.

    Xắc cốt

    Xắc cốt

  31. Hào
    Một trong các đơn vị tiền tệ (hào, xu, chinh, cắc) bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ thời Pháp thuộc. Mười xu bằng một hào, mười hào bằng một đồng.

    Tiền giấy năm hào

    Tiền giấy năm hào

  32. Cu cu
    Chim bồ câu (phương ngữ Trung Bộ).
  33. Hai câu này có dị bản là:

    Ăn quả dâu
    Về đau bụng

  34. Củ kiệu
    Còn được gọi là hành tàu, hẹ tàu, một loài cây thuộc họ Hành, củ màu trắng, lá bọng. Củ kiệu muối là món ăn quen thuộc của dân ta, nhất là vào những ngày Tết (còn gọi là dưa kiệu). Củ kiệu cũng là vị thuốc Đông y giúp làm ấm bụng, bổ thận khí, lợi tiểu...

    Củ kiệu muối

    Củ kiệu muối

  35. Dong
    Dung dưỡng.
  36. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  37. Phu xướng phụ tòng
    Chồng nói, vợ nghe theo (từ Hán Việt).
  38. Xuất giá
    Lấy chồng (từ Hán Việt)
  39. Chợ Bưởi
    Ngôi chợ thuộc làng Bưởi, thuộc Thăng Long - Hà Nội. Chợ nằm ở Ngã ba Lạc Long Quân – Thụy Khê ngày nay, là nơi trao đổi, mua bán sản phẩm các làng nghề vùng Bưởi như lĩnh của Yên Thái, Bái Ân, giấy của Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã, dụng cụ sản xuất nông nghiệp của Xuân La, Xuân Đỉnh. Nơi đây cũng là chỗ để người dân lân cận mang cây, con giống đến bán, nên người Pháp trước đây cũng gọi là chợ Làng Lợn.

    Vào thời nhà Lý, khu vực này sử dụng làm pháp trường, tử tội bị chém đầu và vùi thây tại đây. Người ta đồn rằng, vào phiên chợ Bưởi cuối năm các hồn ma từ âm phủ hiện về trà trộn với người trần đi sắm hàng Tết, do đó phiên chợ này từng được gọi là phiên chợ Ma Phường.

    Chợ Bưởi ngày xưa

    Chợ Bưởi ngày xưa

  40. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  41. Nớ
    Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
  42. Tỉa
    Trồng bằng cách gieo hạt (bắp, đậu...). Ở một số vùng từ nãy cũng gọi là trỉa.
  43. Trẩy
    Đi đến nơi xa (thường nói về một số đông người). Trẩy hội nghĩa là đi dự ngày hội hằng năm.
  44. Thuốc bắc
    Tên chung của các loại thuốc được sử dụng trong y học cổ truyền của Trung Quốc, phân biệt với thuốc nam là thuốc theo y học cổ truyền Việt Nam. Các vị trong thuốc bắc có nguồn gốc từ thực vật (vỏ, rễ, lá cây...), động vật (sừng, xương, da lông...) và khoáng chất (hoàng thổ, thạch tín ...) được chia thành thang, luộc trong nước (gọi là sắc thuốc) trước khi uống.

    Một số vị thuốc bắc

    Một số vị thuốc bắc

  45. Địt
    Đánh rắm (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  46. Ngũ Hành Sơn
    Còn có tên là núi Non Nước, một danh thắng gồm 6 ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển, trên một diện tích khoảng 2 km2, gồm: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn (lớn, cao và đẹp nhất), Hỏa Sơn (có hai ngọn) và Thổ Sơn, thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Ngũ Hành Sơn là một thắng cảnh nổi tiếng của Đà Nẵng.

    Ngũ Hành Sơn

    Ngũ Hành Sơn

  47. Thốt nốt
    Loại cây thuộc họ cau, mọc nhiều ở các tỉnh khu vực Nam Bộ giáp với Campuchia. Tên gọi thốt nốt trong tiếng Việt có nguồn gốc từ tiếng Khmer th'not. Dịch ngọt từ các bông mo non của thốt nốt được cô đặc để sản xuất một loại đường thô gọi là đường thốt nốt, có vị ngọt thanh.

    Cây thốt nốt

    Cây thốt nốt

  48. Bánh trôi nước
    Một loại bánh làm bằng bột gạo nếp, hình tròn, nhân đường phèn, trên rắc vừng hoặc sợi dừa nạo. Bánh trôi cùng với bánh chay thường được ăn trong dịp Tết Hàn thực vào mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm.

    Ở miền Nam có một món ăn tương tự là chè trôi nước (cũng gọi là chè xôi nước), nhưng nhiều nước đường hơn, có khi cho thêm nước cốt dừa.

    Bánh trôi nước

    Bánh trôi nước

  49. Trong trào ngoài quận
    Cả trong triều đình và các quận ngoài, ý nói khắp mọi nơi. Còn nói nội triều ngoài quận.
  50. Sở Khanh
    Tên một nhân vật trong tác phẩm Truyện Kiều. Vốn là một gã ăn chơi, Sở Khanh đã lừa Thúy Kiều rằng y thật lòng yêu thương và muốn cứu nàng khỏi chốn lầu xanh, nhưng cuối cùng lại "quất ngựa truy phong." Cái tên Sở Khanh ngày nay thường được dùng để chỉ những kẻ chuyên đi lừa những người con gái nhẹ dạ.
  51. Đàng điếm
    Cũng viết là điếm đàng, nghĩa đen là người lang thang ngoài đường (đàng) trong quán (điếm), hiểu rộng là những kẻ "hay phỉnh phờ, lường gạt, thường hiểu là đứa hay ngồi lều ngồi chợ hay toa rập làm điều gian lận" (Đại Nam quấc âm tự vị).
  52. Đan Nê
    Tên một làng nay thuộc địa phận xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây có núi Đồng Cổ (cũng có tên là núi Đan Nê) cùng với các di tích như chùa Thanh Nguyên và đền thờ thần Đồng Cổ.

    Đền thờ thần Đồng Cổ

    Đền thờ thần Đồng Cổ

  53. Chợ Bản
    Chợ huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Có tên như vậy vì chợ được họp ở làng Bản Đanh, xã Định Long. Đây là một trong những chợ lớn nổi tiếng của Yên Định, chuyên trao đổi, bán mua nông sản, trâu bò, lợn gà, gia súc gia cầm cũng như các món ẩm thực đặc sản của vùng quê Yên Định. Chợ rất đông đúc, nên những gì đông đúc tấp nập thường được dân địa phương ví là "đông như chợ Bản."
  54. Chợ Chùa
    Tên một cái chợ thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
  55. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  56. Dãi phẩm
    Nhuộm phẩm màu vào vải rồi đem phơi.
  57. Tháng sáu là vụ gặt chiêm, tháng mười là vụ gặt mùa.
  58. Chệch
    Từ gọi một cách bình dân, thiếu tôn trọng dành cho người Hoa sinh sống ở nước ta. Có ý kiến cho rằng từ này có gốc từ từ a chệch, cách người Triều Châu (một vùng ở Trung Quốc) gọi chú (em của bố). Hiện nay từ này hay bị viết và đọc nhầm là chệt hoặc chệc. Ở miền Bắc, từ này có một biến thể là chú Chiệc.
  59. Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
  60. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  61. Gióc
    Đậu, chặp nhiều mối dây vào làm một.
  62. Áo ngắn, không che kín hạ bộ.
  63. Dòng
    Kéo, dắt một vật gì bằng sợi dây dài.
  64. Cả
    Lớn, nhiều (từ cổ).
  65. Mấy nao
    Bao nhiêu.