Tìm kiếm "đi ăn"

  • Mẹ già ở tấm lều tranh

    Mẹ già ở tấm lều tranh
    Đói no chẳng quản, rách lành chẳng hay
    Ra đi công vụ nặng nề
    Nửa lo thê tử nửa sầu từ thân
    Bởi vậy cho nên con vợ tui nó mới biểu tui rằng:
    Ới anh ơi, anh ở đây làm chi cho vua quan sưu thuế nặng nề
    Đứa lên một, đứa lên hai, đứa lên năm, đứa lên bảy
    Tao biểu mày quảy, mày không quảy
    Để phần tao quảy, quảy, quảy, quảy về cái đất Phú Ơn
    Nặng nề gánh vác giang sơn
    Đầu con đầu vợ cái đất Phú Ơn ta lặng về
    Kìa hỡi kia đỉnh núi tứ bề,
    Nhành mai chớm nở ta về xứ ta
    Biết bao về tới quê nhà…
    Hết hòn Vay, ta qua hòn Trả
    Hết hòn Trả, lại sang hòn Hành
    Tấc dạ bao đành dắt con cùng vợ,
    Biết no nào trả xong nợ bên dương trần
    Nợ lần lần, tay bồng tay dắt
    Tay đặt chân trèo, ta về xứ ta
    Biết bao là về tới quê nhà…

    Dị bản

    • Hết Hòn Vay đến Hòn Trả
      Hết Hòn Trả, lại đến Hòn Hành
      Tấc dạ cam đành,
      Dắt con cùng vợ.
      Biết bao giờ trả nợ dương trần?
      Nợ dương trần, tay lần tay vác,
      Tay vịn, chân trèo,
      Ta về xứ ta!
      Biết bao giờ trở lại quê nhà?

    • Tao biểu mày quảy, mày không chịu quảy
      Mày để tao quảy về cái đất Phú Ơn!

    • Đầu con, đầu vợ
      Đứa lớn, đứa bé, đứa bế, đứa nằm
      Đứa lên một, đứa lên ba, đứa lên năm, đứa lên bảy
      Tao biểu mày quảy, mày không quảy
      Mày để tao quảy về cái đất Phú Ơn
      Nặng nề gánh vác giang sơn
      Đầu con, đầu vợ, cái đất Phú Ơn ta lại về
      Nhìn trông đỉnh núi tứ bề
      Cành mai chớm nở, ta về xứ ta!

  • Bốn bề thành lũy thấp cao

    Bốn bề thành lũy thấp cao
    Sông không có nước cá vào đàng mô?
    Ngựa xe qua lại không đò
    Voi đi đến đó thì co chân dừng
    Nào đâu tướng sĩ binh nhung
    Mưu cao trí cả anh hùng thử coi

    Là cái gì?

    Bàn cờ tướng

  • Hỡi thằng cu lớn, hỡi thằng cu bé

    Hỡi thằng cu lớn, hỡi thằng cu bé
    Cu tí cu tị cu tỉ cu tì ơi!
    Con dậy con ăn con ở với bà
    Để mẹ đi kiếm một và con thêm
    Bố con chết đi, trong bụng mẹ đây nó hãy còn thèm
    Mẹ xem quẻ bói, vẫn còn đàn em trong bụng này
    Con ra gọi chú vào đây
    Để mẹ giao trả cái cơ nghiệp này, mẹ bước đi

  • Đêm qua lốp đốp mưa rào

    Đêm qua lốp đốp mưa rào
    Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa
    Đôi bên bác mẹ thì già
    Lấy anh hay chữ để mà cậy trông
    Mùa hè cho chí mùa đông
    Mùa nào áo ấy cho chồng đi thi
    Hết gạo em lại gánh đi
    Hỏi thăm chàng học trọ thì nơi nao
    Hỏi thăm phải ngõ mà vào
    Vai đặt gánh gạo, miệng chào: Kìa anh

  • Quả địa cầu có bốn đại dương

    Một quả cầu có bốn đại dương
    Dương dương dương cái giường đi ngủ
    Ngủ ngủ ngủ cái tủ đựng tiền
    Tiền tiền tiền cô tiên biết múa
    Múa múa múa công chúa biết bay
    Bay bay bay tàu bay hạ cánh
    Cánh cánh cánh đòn gánh qua sông
    Sông sông sông bông hồng mới nở
    Nở nở nở Thị Nở Chí Phèo
    Phèo phèo phèo con mèo ăn vụng
    Vụng vụng vụng cái bụng nó to
    To to to con bò ăn cỏ
    Cỏ cỏ cỏ tao bỏ mày đi
    Đi đi đi tao phi mày chết
    Chết chết chết là hết cuộc đời.

  • Cheo leo nước đỉnh non Bồng

    Cheo leo nước đỉnh non Bồng
    Kìa am Vũ Khách, nọ vùng Mao Tiên
    Bởi thấy thuyền quyên, khiến cho anh rầu rĩ
    A, thôi đi nà, bực lắm nà, da diết lắm nà
    Nuốt ức xong cái chung tình từ xưa cho đến nay
    Kìa kìa, ngọn đèn ai thắp hướng tây
    Một ngọn đèn chong
    Hai ngọn đèn chong
    Ba bốn ngọn đèn chong
    Ngó vào trong lặng phắt ngó ngoài này xơ rơ
    Tình bằng thì giữ trong cái ba ta
    Lo bề quân lính kẻo mà nát lưng.

  • Bên Tây có chiếc tàu sang

    Bên Tây có chiếc tàu sang
    Sinh ra khố đỏ, quần vàng, áo thâm
    Cho nên anh chịu âm thầm
    Vai vác khẩu súng, tay cầm bình-toong
    Ra đi sông cạn đá mòn
    Ra đi thương nhớ vợ con ở nhà
    Việc Tây anh phải trẩy xa
    Khi ở Hà Nội khi ra Hải Phòng
    Nói ra đau đớn trong lòng
    Vợ con nào biết vân mòng là đâu

    Dị bản

    • Bên Tây có chiếc tàu sang
      Sinh ra khố đỏ, quần vàng, áo thâm
      Cho nên anh chịu âm thầm
      Vai vác khẩu súng, tay cầm bình-toong
      Ra đi sông cạn đá mòn
      Ra đi thương nhớ vợ con ở nhà
      Việc Tây anh phải trẩy xa
      Khi ở Hà Nội khi ra Hải Phòng
      Nói ra đau đớn trong lòng
      Vợ con nào biết Hải Phòng là đâu
      Việc Tây như lửa trốc đầu
      Cho nên anh dặn trước sau mọi lời

  • Bên này sông em bắc cầu mười hai tấm ván

    Bên này sông em bắc cầu mười hai tấm ván
    Bên kia sông em lập cái quán hai từng,
    Ba nơi đi nói, không ưng
    Bán buôn nuôi mẹ, cầm chừng đợi anh

    Dị bản

    • Bên ni sông, em bắc cái cầu năm mươi tấm ván
      Bên kia sông, em lập cái quán năm, bảy từng thương
      Cái quán năm, bảy từng thương là để người thương em buôn bán.
      Cái cầu năm mươi tấm ván là để người nhớ em đi.
      Trách ai bạc nghĩa, vô nghì
      Bây giờ có đôi, có bạn không nói tiếng gì với em.

  • Một năm là mấy tháng xuân

    Một năm là mấy tháng xuân
    Một đời phỏng được mấy lần vinh hoa?
    Chẳng ăn, chẳng mặc, chẳng chơi
    Bo bo giữ lấy của trời làm chi?
    Bảy mươi chống gậy ra đi
    Than thân rằng thuở đương thì chẳng chơi.
    Bảy mươi chống gậy ra ngồi
    Xuân ơi, xuân có tái hồi được chăng?

  • Vè phu làm đường lên Tam Đảo

    Tôi có nhời thăm u cùng bá
    Ở trên này khổ quá u ơi
    Khi nào thong thả mát giời
    Mời u quá bộ lên chơi vài ngày
    Làm kíp chả được tiền ngay
    Phải ăn gạo ngữ của thầy cai Sơn
    Một đồng mười sáu bơ đơn
    Đong đi đong lại chỉ còn mười lăm
    Thầy cai cứ đứng chăm chăm
    Hễ ai hút thuốc lại nhằm cắt công
    Trời mưa có thấu hay không
    Quanh năm chẳng có một đồng thừa ra
    Lấy gì đồng bánh, đồng quà
    Lấy gì mà gửi về nhà nuôi con
    Mười năm làm ở đỉnh non
    Ở nhà cha mẹ vợ con mất nhờ
    Thân tôi khổ đến bao giờ?

  • Hỡi thằng cu bé, hỡi thằng cu lớn

    Hỡi thằng cu bé, hỡi thằng cu lớn
    Cu tí, cu tì, cu tị ơi
    Con dậy con ăn con ở với ông
    Để mẹ đi lấy chồng kiếm lấy em con

    Dị bản

    • Hỡi thằng cu bé, hỡi thằng cu lớn
      Cu tí, cu tì, cu tị ơi
      Con dậy con ăn con ở với bà
      Để mẹ đi kiếm một và con thêm
      Bố con chết đi, trong bụng mẹ đây nó hãy còn thèm
      Mẹ xem quẻ bói, vẫn còn đàn em trong bụng này
      Con ra gọi chú vào đây
      Để mẹ giao trả cái cơ nghiệp này mẹ bước đi

  • Con gà kia muốn đá, cực vì chân kia không cựa

    Con gà kia muốn đá, cực vì chân kia không cựa
    Con chim kia trên ổ muốn bay, cực vì cánh nọ không lông
    Anh còn mắc ba bốn chữ tang bồng
    Chưa đi đến bạn, bạn có chồng nơi xa
    Mời anh, anh cũng tới nhà
    Trước ăn trầu uống rượu, sau nơi xa em kết nguyền

  • Cái quạt mười tám cái nan

    Cái quạt mười tám cái nan,
    Ở giữa phết giấy, hai nan hai đầu.
    Quạt này anh để che đầu,
    Đêm đêm đi ngủ chung nhau quạt này.
    Ước gì chung mẹ chung thầy,
    Để em giữ cái quạt này làm thân!
    Rồi ta chung gối, chung chăn,
    Chung quần chung áo, chung khăn đội đầu.
    Nằm thời chung cái giường Tàu,
    Dậy thời chung cả hộp trầu ống vôi.
    Ăn cơm chung cả một nồi,
    Gội đầu chung cả dầu hồi nước hoa.
    Chải đầu chung cả lược ngà,
    Soi gương chung cả nhành hoa giắt đầu.

  • Em có chồng chưa, xin thưa cho thiệt

    – Em có chồng chưa, xin thưa cho thiệt
    Đừng để anh lầm tội nghiệp lắm em!
    – Em chửa có chồng, anh đừng nghi ngại,
    Chẳng tin tới nhà hỏi lại trước sau.
    Có nón ai lại đi dầu
    Có chồng ai nỡ đi đâu một mình.

    Dị bản

    • – Bậu có chồng chưa, bậu thưa cho thiệt
      Kẻo để anh lầm, tội nghiệp thân anh
      – Em có chồng rồi, hồi năm xửa năm xưa
      Năm nay chồng bỏ cũng như chưa chồng

       

Chú thích

  1. Vượn
    Tên gọi chung chỉ các loài giống khỉ, có tầm vóc nhỏ, nhanh nhẹn và uyển chuyển nhất trong số các loài thú sống trên cây cao mà không biết bay. Mỗi loài vượn có tiếng hú riêng. Tùy từng loài và phụ thuộc vào giới tính mà bộ lông của vượn có thể có màu từ nâu sẫm tới nâu nhạt, có khi đốm loang màu đen hay trắng. Vượn toàn trắng rất hiếm. Vượn sinh sống ở Đông Nam Á chủ yếu thuộc chi vượn lùn và vượn mào.

    Vượn tay trắng

    Vượn tay trắng thuộc chi vượn lùn

  2. Cầm canh
    Báo hiệu từng canh (trống cầm canh). Cũng được dùng để tả âm thanh vang lên từng lúc, thường trong đêm tối.
  3. Khôn
    Khó mà, không thể.
  4. Khó
    Nghèo.
  5. Thê tử
    Vợ con (từ Hán-Việt).
  6. Từ thân
    Cha mẹ hiền (từ Hán Việt).
  7. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  8. Phú Yên
    Một địa danh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bề dày văn hóa, du lịch, với các lễ hội bài chòi, lễ hội đầm Ô Loan, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... và các thắng cảnh như gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa

  9. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  10. Hòn Vay, hòn Trả
    Hai quả núi tại tỉnh Phú Yên. Nhà yêu nước Trần Cao Vân có một bài thơ vịnh về hai hòn núi này, như sau:

    Ai nhủ hỏi đòi khéo lá lay
    Ở qua Hòn Trả bởi vì Vay,
    Tờ mây bóng rợp bà so chỉ,
    Nợ nước ơn đền ông phủi tay
    Ngày tháng rảnh chân muốn cụm bước,
    Cỏ cây dâng lộc bốn mùa thay
    Khách giang hồ những tha hồ mượn,
    Lân Hải Vân rồi đó sẽ hay.

  11. Hòn Hành
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hòn Hành, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  12. Những hòn núi này, có bản chép: Hòn Vậy, hòn Cả, hòn Trả, hòn Hành...
  13. No nào
    Chừng nào, phải chi (phương ngữ Nam Bộ).
  14. Đây là một bài hát của một người Hời được nhắc đến trong tác phẩm Tuồng cổ có còn hi vọng được trông thấy những ngày tốt đẹp nữa không? của nhà văn Vũ Bằng.
  15. Quẩy
    Hoặc quảy: động tác mang vật gì bằng cách dòng qua vai và áp sát lưng, thường thấy là cách dùng một đầu quang gánh.
  16. Gia Lâm
    Địa danh nay là một huyện ngoại thành, ở về phía Đông của thành phố Hà Nội. Tại đây nổi tiếng với làng gốm Bát Tràng, đồng thời là quê hương của hai nhân vật trong Tứ Bất Tử: Chử Đồng Tử và Thánh Gióng, cùng với nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử khác: Nguyên phi Ỷ Lan, Ngọc Hân công chúa, Lý Thường Kiệt...
  17. Phú Thị
    Tên Nôm là Sủi, tên Hán Việt là Thổ Lỗi, nay là xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đây một làng cổ có từ thời Lý-Trần, quê hương của Nguyên phi Ỷ Lan và thi hào Cao Bá Quát. "Sủi" là một từ Việt cổ, có biến âm là Lỗi (hay Luỗi), nên sau được Hán Việt hóa thành Thổ Lỗi. Tại đây có lễ hội làng Sủi, diễn ra trong ba ngày từ 1 đến 3/3 âm lịch, để tưởng nhớ đến công đức của Nguyên phi Ỷ Lan và Tướng quân Đào Liên Hoa.
  18. Đình Dù
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
  19. Lạc Đạo
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
  20. Xuân Đào
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
  21. Lí trưởng
    Tên một chức quan đứng đầu làng (: làng, trưởng: đứng đầu), bắt đầu có từ đời Minh Mệnh nhà Nguyễn.
  22. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  23. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  24. Quạch
    Còn gọi là dây mấu, một loài dây leo mọc hoang thuộc họ đậu, thân gỗ, có hoa màu đỏ, lá có hình tương tự móng bò. Dân ta dùng vỏ cây quạch để ăn kèm với trầu hoặc làm thuốc nhuộm đen.

    Dây quạch

    Dây quạch

  25. Thuốc lào
    Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữĐồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.

    Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

  26. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng

  27. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  28. Binh nhung
    Binh 兵 (binh lính) và nhung 戎 (vũ khí, binh lính). Chỉ binh khí, quân đội, hoặc hiểu rộng ra là việc quân.
  29. Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy
    Thành ngữ Hán Việt, có nghĩa là: Một lời đã nói ra thì (cỗ xe) bốn ngựa cũng khó mà đuổi kịp. Trong tiếng Việt, thành ngữ này thường được dịch thành "Một lời đã nói, bốn ngựa khó đuổi" hoặc "Một lời đã nói, bốn ngựa khó theo."
  30. Dằm
    Dấu vết chỗ ngồi, nằm, hay để đặt vật gì.
  31. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  32. Rùa đội bia
    Theo quan niệm của người Việt, rùa là loài có tuổi thọ cao và thân hình vững chắc nên biểu thị cho sự trường tồn. Rùa còn là loài không ăn nhiều, nhịn đói tốt nên được coi là thanh cao, thoát tục. Vì lẽ đó, rùa thường được tạc thành tượng đá để đội các văn bia, trên khắc tên các danh nhân văn hóa hoặc các văn bản có giá trị văn hóa - lịch sử.

    Rùa đội bia ở Văn Miếu

    Rùa đội bia ở Văn Miếu

  33. Núi Bồng Lai
    Một vùng cảnh đẹp thần tiên trong thần thoại Trung Quốc. Truyền thuyết này du nhập vào Nhật Bản và trở thành truyền thuyết về Hōrai. Theo đó, có thuyết cho rằng núi Bồng Lai chính là núi Phú Sĩ. Bồng Lai cũng là tên một thị xã ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, nhưng chưa có chứng cứ xác thực liệu đây có phải là nơi mà thần thoại miêu tả hay không. Cụm từ "bồng lai tiên cảnh" nay được dùng phổ biến để chỉ những nơi cảnh đẹp như chốn thần tiên.

    Bức họa vẽ cảnh "Bồng Lai tam đảo".

    Bức họa vẽ cảnh "Bồng Lai tam đảo"

  34. Vũ Khách và Mao Tiên là hai cái tên chỉ bậc thần tiên được ghi lại trong truyện về Dương Không Lộ (Thiền sư Không Lộ) trong Lĩnh Nam Chích Quái - có nghĩa là "Chọn lựa những chuyện quái dị ở đất Lĩnh Nam" (có sách chép là Lĩnh Nam trích quái). Bộ sách này là tập hợp các truyền thuyết và chuyện cổ tích dân gian Việt Nam được biên soạn vào khoảng cuối đời nhà Trần (1226 - 1400). Các nhà nghiên cứu chưa thống nhất về tác giả.
  35. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  36. Xơ rơ
    Xơ xác, trơ trụi (phương ngữ miền Trung).
  37. Lính tập
    Một lực lượng vũ trang của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương, theo chính sách dùng người bản xứ làm quân đội chính quy trong việc đánh dẹp. Lính tập gồm lính khố đỏ, lính khố xanh, lính khố vàng, lính khố lục, những tên gọi xuất phát từ màu dải thắt lưng họ quấn quanh quân phục.

    Lính tập (Tập binh 習兵)

    Lính tập (Tập binh 習兵)

  38. Lính khố đỏ

    Lính khố đỏ

  39. Bi đông
    Cũng gọi là bình toong, phiên âm từ gốc Pháp bidon, đồ đựng bằng kim loại hoặc nhựa, miệng nhỏ, thân to và hơi dẹt, có nắp đậy bằng cách vặn, dùng đựng nước uống hoặc nói chung các chất lỏng để mang đi.

    Bi đông

    Bi đông

  40. Tỉnh Hà Nội
    Một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ, lập vào năm 1831 dưới thời Minh Mạng.

    Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện thuộc 4 phủ trên.

  41. Hải Phòng
    Một địa danh nay là thành phố Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất thuộc miền Bắc nước ta. Theo thư tịch cũ, toàn địa bàn xứ Đông (Hải Dương) xưa - bao gồm cả Hải Phòng ngày nay - thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền, là một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Đến cuối thế kỉ 19, Hải Phòng đã thành một trong các thành phố lớn nhất nước. Về văn hóa, tại đây có nhiều đền chùa thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lê HoànNgô Quyền, đồng thời là quê hương của các nhạc sĩ lớn như Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên... Hải Phòng cũng là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với bãi biển Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà. Vì có nhiều hoa phượng nên Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ.

    Một góc Hải Phòng

    Một góc Hải Phòng

  42. Vân mòng
    Tăm hơi, tin tức. Tham khảo thêm.
  43. Trốc
    Nhổ, làm cho bị lật lên cả mảng, cả khối.
  44. Từng
    Tầng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  45. Nghì
    Cách phát âm xưa của từ Hán Việt nghĩa. Ví dụ: nhất tự lục nghì (một chữ có sáu nghĩa), lỗi đạo vô nghì (ăn ở không có đạo lý tình nghĩa).
  46. Tái hồi
    Quay lại (từ Hán Việt).
  47. U
    Tiếng gọi mẹ ở một số vùng quê Bắc Bộ.
  48. Chị của mẹ.
  49. Kíp
    Gấp, vội. Từ này có nguồn gốc từ chữ Hán Việt cấp.
  50. Gạo ngữ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Gạo ngữ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  51. Cai
    Người trông coi trong các công trường, nhà tù thời phong kiến, Pháp thuộc.
  52. Ống bơ
    Vỏ lon đồ hộp. Trước dân ta hay dùng vỏ lon sữa đặc để đong gạo.

    Ống bơ

    Ống bơ

  53. Cựa
    Mẩu sừng mọc ở sau chân gà trống hoặc một vài loài chim khác, dùng để tự vệ và tấn công. Trong trò đá gà, người ta thường mua cựa sắt tra vào chân gà hoặc chuốt cựa gà thật bén.

    Cựa gà

    Cựa gà

  54. Tang bồng
    Cung bằng gỗ dâu (tang) và tên bằng cỏ bồng. Theo Kinh Lễ, khi nhà vua sinh con trai, quan coi việc bắn sẽ lấy cung bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng, bắn bốn phát ra bốn hướng, một phát lên trời, một phát xuống đất, ngụ ý rằng người làm trai chí ở bốn phương, tung hoành trời đất, giúp nước giúp đời. Chí làm trai vì thế gọi là chí tang bồng.
  55. Kết nguyền
    Nguyện kết nghĩa (vợ chồng) với nhau.
  56. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  57. Thân
    Thân thiết, gần gũi.
  58. Giường Tàu
    Một loại giường theo kiểu Trung Hoa, có thành cao xung quanh.
  59. Hộp trầu
    Hộp đựng trầu cau.

    Hộp trầu.

    Hộp trầu.

  60. Bình vôi
    Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

  61. Dầu hồi
    Dầu ép từ quả hồi, dùng bôi tóc để dưỡng tóc.

    Quả hồi.

    Quả hồi.

  62. Nước hoa
    Nước nấu với hoa để gội đầu cho thơm.
  63. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  64. Dầu
    Để đầu trần (phương ngữ).
  65. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).