Tìm kiếm "roi điện"

  • Trách lòng con chó nhỏ sủa dai

    Trách lòng con chó nhỏ sủa dai
    Sủa nguyệt sơn đài, sủa bóng trăng thanh
    Trăng thanh vì bởi không mây
    Đôi ta gặp gỡ vì dây tơ hồng
    Dây tơ hồng không xe mà mắc
    Rượu Quỳnh tương không nhắp mà say
    – Thuận lòng con chó nhỏ sủa dai
    Sủa nguyệt sơn đài, sủa núi trơn lu
    Trơn lu vì bởi đám mây
    Đôi ta trắc trở vì dây tơ hồng
    Dây tơ hồng đứt rồi khó nối
    Hai đứa mình hai đứa hai nơi

  • Cái quạt mười tám cái nan

    Cái quạt mười tám cái nan,
    Ở giữa phết giấy, hai nan hai đầu.
    Quạt này anh để che đầu,
    Đêm đêm đi ngủ chung nhau quạt này.
    Ước gì chung mẹ chung thầy,
    Để em giữ cái quạt này làm thân!
    Rồi ta chung gối, chung chăn,
    Chung quần chung áo, chung khăn đội đầu.
    Nằm thời chung cái giường Tàu,
    Dậy thời chung cả hộp trầu ống vôi.
    Ăn cơm chung cả một nồi,
    Gội đầu chung cả dầu hồi nước hoa.
    Chải đầu chung cả lược ngà,
    Soi gương chung cả nhành hoa giắt đầu.

  • Cơ khổ cho đứa giữ trâu

    Cơ khổ cho đứa giữ trâu
    Ăn quán nằm cầu khóc mẹ kêu cha
    Hai hàng nước mắt nhỏ sa
    Cách sông trở hói biết nhà mẹ đâu?
    Tinh sương thức dậy mở trâu
    Nón nảy chẳng có lấy đầu che mưa
    Thân tôi đi sớm về trưa
    Vác cày vác bừa cho mỏi hai vai
    Chúa thuê quan mốt chẳng giả quan hai
    Tôi ở với ngài cho chẵn ba năm

  • Con gái đương thời

    Con gái đương thời
    Phải nơi thì đặt
    Cái áo em mặc
    Giăng mắc hoa hồng
    Trong yếm đại hồng
    Chuỗi xe con toán
    Cái quai dâu chạm
    Em đội lên đầu
    Cái nhôi gắp dâu
    Quấn vào đỏ chói
    Cái miệng em nói
    Có hai đồng tiền
    Như cánh hoa sen
    Giữa ngày mới nở
    Mẹ em đi chợ
    Có gánh có gồng
    Anh đứng anh trông
    Má hồng đỏ thắm
    Anh đứng anh ngắm
    Đẹp đẽ làm sao
    Con cái nhà nao
    Chân đi đẹp đẽ
    Anh có vợ rồi
    Không lẽ anh sêu.

  • Mười giờ quan đã ăn xong

    Mười giờ quan đã ăn xong
    Cậu bồi cậu bếp đi rong phố phường
    Hầu bao rủng rỉnh bạc vàng
    Đồng hồ quả quýt, nhẫn vàng đeo tay
    Lược ngà, khăn nhiễu, giày Tây
    Che ô lục soạn, thắt dây lưng điều
    Các cô trông thấy mĩ miều
    Ngỡ được chúng thấy, chạy theo chuyện trò
    Chuyện rồi chuyện nhỏ chuyện to
    Đến tháng lĩnh bạc, cậu cho mấy hào

  • Chặt cây dừa

    Chặt cây dừa,
    Chừa cây mận,
    Cây bần thận,
    Cây bí đao,
    Cây nào cao,
    Cây nào thấp,
    Cây nào rập,
    Cây nào rà,
    Cây nào rách,
    Cây nào rời,
    Mồng tơi chín đỏ,
    Con thỏ nhảy qua,
    Con gà ứ hự,
    Bùm xùm bùm xọa,
    Rút ra tay này.

  • Mồng năm chợ Ó

    Mồng năm chợ Ó
    Quan họ dồn về
    Hội vui lắm lắm
    Chưa kịp đi tắm
    Chưa kịp gội đầu
    Trầu chửa kịp têm
    Cau chưa kịp bổ
    Miếng lành, miếng sổ
    Miếng lại quên vôi
    Người có yêu tôi
    Thì người cầm lấy
    Các anh đứng đấy
    Thầy mẹ đứng đâu?
    Mời lại xơi trầu
    Mừng cho dâu mới
    Mặt trời đã tối
    Đám hội đã tàn
    Ai có hồng nhan
    Mang ra chơi hội
    Dưới sông múa rối
    Trên bãi trồng vừng
    Một đấu, một thưng
    Bằng nhau như tiện
    Như tiện như tề
    Kẻo thế gian chê
    Chồng cao vợ thấp!

  • Bấy lâu ta ở với ta

    Bấy lâu ta ở với ta
    Bây giờ có Phú Lang Sa lọt vào
    Bây giờ đất thấp trời cao
    An Nam, Quảng Tống phải vào lụy Tây
    Bây giờ khố bẹ đi giày
    Bờ lau lên phố, đĩ nay lên bà
    Mấy đời khoai sắn nở hoa
    Thau rau đắc thế, trẻ già thất kinh
    Bấy lâu vua trị một mình
    Bây giờ Nhà nước đã rành chia đôi
    Văn nhân khoa mục ở rồi
    Những phường dốt nát lên ngồi làm quan
    Những anh phơ phất loàng xoàng
    Làm bồi làm bếp ra ràng cậu chiêu
    Các quan trung nghĩa trong triều
    Về nhà ngồi xó liệu chiều thủ thân
    Những quân vô nghĩa, nịnh thần
    Tìm thầy, tìm cách lần lần thăng quan
    Trị dân lắm sự tham tàn
    Kiếm tiền kiếm bạc mới toan bằng lòng
    Muốn cho bể lặng, sông trong
    Cách hết lũ ấy mới mong thái bình

  • Hỡi em ơi, nay chừ em đặng chốn cửa quyền

    Hỡi em ơi, nay chừ em đặng chốn cửa quyền
    Cửa cao, rào kín, nên em bỏ lời nguyền em đi
    Em ơi, đặng chốn giàu sang,
    Thấy anh đây hái củi nương hoang cũng không chào
    Hỡi em ơi, không chào nỏ mất đi mô!
    Chào rồi ruột héo gan khô từng ngày.
    Tôi tới nơi đây, chào lê, chào lựu,
    Tôi chào kẻ cựu người tân,
    Kẻ xa tôi chào trước, người gần tôi chào sau.
    Em ơi, đừng phụ khó tham giàu,
    Phụ bần, tham phú, mai sau có trời!

  • Nhà tôi mượn lấy trời che

    Nhà tôi mượn lấy trời che
    Mua tranh lợp hè, thiếu trước hụt sau
    Tiền của ở tại nhà giàu
    Mắm muối ngoài chợ, củi rau ngoài đường
    Nằm thời lấy đất làm giường
    Lấy trời làm chiếu, lấy sương làm mền
    Xâu làng bắt xuống trì lên
    Trầy da tróc thịt, cái tên còn hoài
    Không tiền tạm đỡ dĩa khoai
    Bữa mô kiếm có thì vài miếng cơm
    Ăn rồi ngủ thẳng đầu hôm
    Canh hai thức dậy văn Nôm sử Kiều

  • Chữ rằng “Thiên võng khôi khôi”

    – Chữ rằng “Thiên võng khôi khôi
    Sơ nhi bất lậu” lưới trời bủa giăng
    Xa xôi chưa kịp nói năng
    Từ qua đến bậu như trăng xế chiều
    Thân em như tấm lụa điều
    Phất phơ trước chợ nhiều điều đáng thương
    Dốc lòng trồng cửu lý hương
    Ba năm hai lá, người thương giã đầu

  • Nhà anh có một cây chanh

    Nhà anh có một cây chanh
    Nó chửa ra cành, nó đã ra hoa,
    Nhà anh có một mụ già,
    Thổi cơm, nấu nước, quét nhà chẳng nên.
    Ăn cỗ thì đòi mâm trên,
    Mâm son bát sứ đưa lên hầu bà,
    Ăn rồi bà chết giữa nhà
    Gọi con gọi cháu, dắt bà đi chôn
    Có chôn thì chôn cho sâu
    Để hai con mắt coi trâu coi bò,
    Có chôn thì chôn cho xa
    Đừng chôn gần nhà bà về bà nhát trẻ con.

  • Vè chồng chung

    Chồng chung khó lắm ai ơi!
    Ai bước chân vô đó,
    Không ăn ngồi được mô!
    Quyền bán với quyền mua
    Thời là em không có,
    Đâm gạo với xay ló,
    Thời là em đã có phần,
    Đập đất với khiêng phân,
    Đâm xay, rồi nấu nướng.

    Gẫm như bọn người ở,
    Chỉ sáu tháng thời thôi,
    Cái thân em ở đời,
    Hỏi làm sao chịu được?
    Chồng sai đi múc nước,
    Vợ bảo lấy que tăm.
    Trải chiếu toan đi nằm,
    Đọi dì hai chưa rửa

  • Vè rắn U Minh

    U Minh nước đỏ
    Choại, dớn, cóc kèn
    Ăn ở cho hiền
    Dạo chơi với rắn
    Bất kỳ sâu cạn
    Rắn nước, rắn râu
    Bay trên trời cao
    Rắn rồng uốn khúc
    Chạy ngang chạy dọc
    Rắn ngựa phóng theo
    Hút gió thật kêu
    Là con rắn lục
    Mái gầm lục đục
    Bò chậm như rùa

  • Nàng khoe tam cúc nàng cao

    Nàng khoe tam cúc nàng cao,
    Nên tôi hân hạnh được vào dự chơi.
    Ba cô ngồi ở ba nơi,
    Với tôi là bốn, đều ngồi khang trang.
    Thoạt đầu đảo đảo, trang trang,
    Bắt cái tam tịnh cái nàng gần tôi.
    Sau khi bài đã chia rồi,
    Mỗi người có tám cây bài trên tay.
    Cầm bài tôi liếc thấy ngay,
    Có hai tốt đỏ lại vầy tốt đen.
    Kế đến là đôi xe đen,
    Bộ ba tướng trắng còn kèm trên tay.
    Bài tốt tôi giục gọi ngay,
    Cô nàng gọi “một” đánh ngay sĩ điều.
    Được rồi nàng gọi tiếp “đôi,”
    Đánh đôi mã đỏ rồi ngồi đợi xem.
    Lá này tôi ra xe đen,
    Bắt đôi mã đỏ làm nàng xuýt xoa.
    Được rồi tôi mới gọi “ba,”
    Tướng sĩ tượng đỏ nàng ra bắt liền.
    Bắt rồi hạ kết tốt đen,
    Cả làng xúm lại để xem bài này.
    Trách em bé, đứng cạnh tay,
    Tánh nết nhanh nhảu, nói ngay một lời.
    Sao bác dại thế bác ơi,
    Có đôi tốt đỏ toan chui không đè.
    Không dè, làng cũng không nghe,
    Nàng đành phải chịu tôi đè tốt đen.
    Bây giờ sự đã quả nhiên,
    Nàng đành móc túi, xỉa tiền ra chung.

  • Đầu làng có một cây đa

    Đầu làng có một cây đa
    Cuối làng cây thị, ngã ba cây dừa
    Dầu anh đi sớm về trưa
    Anh cũng nghỉ mát cây dừa nhà tôi
    Anh vào anh chẳng đứng chẳng ngồi
    Hay là anh phải duyên tôi anh buồn
    Anh buồn anh chẳng muốn đi buôn
    Một vốn bốn lãi anh buồn làm chi
    Tôi là con gái nhỡ thì
    Chẳng thách tiền cưới làm chi bẽ bàng
    Rượu hoa chỉ lấy muôn quan
    Trâu bò chín chục họ hàng ăn chơi
    Vòng vàng chỉ lấy mười đôi
    Nhiễu tàu trăm tấm tiền rời một muôn
    Nào là của hỏi của han
    Ấy tiền dẫn cưới anh toan thế nào?

    Dị bản

    • Đầu làng có một cây đa
      Cuối làng cây thị, ngã ba cây dừa
      Dù anh đi sớm về trưa
      Xin anh nghỉ bóng mát cây dừa nhà em!

  • Tháng giêng là gió hây hây

    Tháng giêng là gió hây hây
    Tháng hai gió mát, trăng bay vào đền
    Tháng ba gió đưa nước lên
    Tháng tư gió đánh cho mềm ngọn cây
    Tháng năm là tiết gió tây
    Tháng sáu gió mát cấy cày tính sao
    Tháng bảy gió lọt song đào
    Tháng tám là tháng tạt vào hôm mai
    Tháng chín là tháng gió ngoài
    Tháng mười là tháng heo may rải đồng
    Tháng một gió về mùa đông
    Tháng chạp gió lạnh gió lùng, chàng ơi
    Mười hai tháng gió tôi đã họa rồi
    Mưa đâu, chàng họa một bài cùng nghe!

  • Em về thưa với mẹ cha

    Em về thưa với mẹ cha
    Anh chẳng có lợn, có gà đi cheo
    Anh có cái cối giã bèo
    Anh xin bán để nộp cheo cho làng
    Bao giờ anh cưới được nàng
    Vợ chồng ta dựng tòa ngang dãy dài
    Toà này hương lí đánh bài
    Nhà trong thờ tổ, sân ngoài mổ trâu
    Một bên thì hát ả đầu
    Một bên hai họ têm trầu bổ cau
    Làng trên xóm dưới đồn nhau
    Đám cheo nhà ấy, đứng đầu tổng ta
    Nghĩ gần rồi lại nghĩ xa
    Mai ngày cheo nộp, hết chín vạn ba cái cối giã bèo.

  • Giường này ai trải chiếu đây

    Giường này ai trải chiếu đây
    Đêm qua không ngủ, đêm nay không nằm
    Một chăn đắp chẳng kín chân
    Hai chăn đắp để muôn phần xót xa
    Ba chăn thương nhớ cả ba
    Hay là mình đã năm ba tớ thầy
    Hay là mình giận ta đây
    Mình cho ta biết một giây kẻo sầu
    Tin đi mối lại đã lâu
    Mình về lấy vợ để sầu cho ta
    Càng nom thì bóng càng xa
    Chàng về lấy vợ cho ta lấy chồng
    Đố ai khuyên gió bóng thông
    Đố ai xúi giục cho rồng phun mưa
    Ruột tằm bối rối vò tơ
    Tay khoan tay rẽ cho thưa mối sầu.

  • Vè kẹo kéo Sa Đéc

    Vè vẻ ve ve
    Nghe vè kẹo kéo
    Mần thiệt là khéo
    Ai thấy cũng thèm
    Ai thấy cũng khen
    Rằng kẹo Sa Đéc
    Người nào chưa biết
    Quảng cáo là mua
    Cô bác ông bà
    Xin mời ăn thử
    Ngon hay là dở
    Cứ việc chê khen
    Có bán có thêm
    Đồng xu một miếng
    Ai trả hai tiếng
    Sáu miếng năm xu
    Ai trả lu bù
    Thì tui không bán

Chú thích

  1. Có bản chép: Đầu làng con chó sủa dai.
  2. Nguyệt sơn đài
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nguyệt sơn đài, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  3. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  4. Quỳnh tương
    Lấy từ Quỳnh tương ngọc dịch. Quỳnh là ngọc đẹp, còn tươngdịch là cách gọi chất lỏng. Thành ngữ này có nghĩa là "rượu làm bằng ngọc đẹp." Người xưa cho rằng rượu làm từ ngọc ra mà uống thì có thể thành tiên. Quỳnh tương vì thế chỉ loại rượu rất quý.

    Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp
    Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân

    (Khóc Dương Khuê - Nguyễn Khuyến)

  5. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  6. Thân
    Thân thiết, gần gũi.
  7. Giường Tàu
    Một loại giường theo kiểu Trung Hoa, có thành cao xung quanh.
  8. Hộp trầu
    Hộp đựng trầu cau.

    Hộp trầu.

    Hộp trầu.

  9. Bình vôi
    Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

    Bình vôi bằng gốm làng Dưỡng Động (Hải Phòng)

  10. Dầu hồi
    Dầu ép từ quả hồi, dùng bôi tóc để dưỡng tóc.

    Quả hồi.

    Quả hồi.

  11. Nước hoa
    Nước nấu với hoa để gội đầu cho thơm.
  12. Cơ khổ
    Cơ (chữ Hán 飢) nghĩa là đói. Cơ khổ nghĩa là đói khổ, thường được dùng để than vãn.
  13. Hói
    Nhánh sông con, nhỏ, hẹp, do tự nhiên hình thành hoặc được đào để dẫn nước, tiêu nước.

    Hói Quy Hậu

    Hói Quy Hậu

  14. Chúa
    Chủ, vua.
  15. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  16. Giả
    Trả (phương ngữ Bắc Bộ).
  17. Đại hồng
    Một loại sứ có hoa màu đỏ, to. Thân nhánh màu xanh xám, lá thon dài, nhỏ ở cuống, phình to ngoài chót, phiến lá màu xanh pha vàng nhạt, có gân giữa nổi lên rõ rệt. Cây thường được trồng làm cảnh, rất siêng hoa (có hoa quanh năm).

    Đại hồng

    Đại hồng

  18. Sêu
    (Nhà trai) đưa lễ vật đến biếu nhà gái trong những dịp lễ tết.
  19. Bồi
    Người hầu hạ, giúp việc, thường là nam giới nhỏ tuổi. Từ này có gốc là phiên âm của từ tiếng Anh boy.

    Biết thân, thuở trước đi làm quách,
    Chẳng kí, không thông, cũng cậu bồi!

    (Than nghèo - Tú Xương)

  20. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  21. Lục soạn
    Thứ lụa mỏng, trơn, xưa hay dùng.

    Quanh năm phong vận, áo hàng tầu, khăn nhiễu tím, ô lục soạn xanh
    Ra phố nghênh ngang, quần tố nữ, bít tất tơ, giày Gia Định bóng

    (Phú hỏng khoa Canh Tý - Tú Xương)

  22. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  23. Bí đao
    Còn gọi là bí trắng, là một cây họ dây leo, trái được xào, nấu phổ biến ở mọi miền nước ta. Ngoài ra, hạt và quả còn được dùng trong các bài thuốc dân gian.

    Trái bí đao

    Trái bí đao

  24. Mồng tơi
    Một số địa phương phát âm thành "mùng tơi" hay "tầm tơi", loại dây leo quấn, mập và nhớt. Lá và đọt thân non của mồng tơi thường được dùng để nấu canh, ăn mát và có tính nhuận trường. Nước ép từ quả dùng trị đau mắt.

    Mồng tơi

    Mồng tơi

    Hoa mồng tơi

    Hoa mồng tơi

  25. Xuân Ổ
    Tên Nôm là làng Ó, một làng nay là hai thôn Xuân Ổ A và Xuân Ổ B thuộc phường Bắc Cường, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, xưa thuộc tổng Khắc Niệm, huyện Tiên Du. Hằng năm vào mồng 5 Tết, làng mở hội thờ cúng Thành hoàng và hát quan họ. Chợ làng trước đây gọi là chợ Ó, nay không còn. Trước ngày vào đám, chập tối ngày mùng 4, làng nhóm họp chợ phiên. Phiên chợ Ó vừa tan, nhiều quán trầu của các cụ bà mọc lên, theo đó ''liền anh, liền chị'' mời nhau vào ngồi xơi trầu, rồi bắt đầu cuộc hát (xem thêm).
  26. Quan họ
    Lối hát dân gian của vùng đồng bằng Bắc Bộ, tập trung ở vùng văn hóa Kinh Bắc, tức tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Quan họ được chia làm hai loại: Quan họ truyền thống chỉ tồn tại ở 49 làng Quan họ gốc ở xứ Kinh Bắc với những quy định nghiêm ngặt, khắt khe, đòi hỏi liền anh, liền chị phải am tường tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ, không có nhạc đệm và chủ yếu là hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội ở các làng quê. Quan họ mới còn được gọi là "hát Quan họ," có nhiều hình thức biểu diễn phong phú hơn, bao gồm cả hát đơn, hát đôi, hát tốp, hát có múa phụ họa, được biểu diễn trên sân khấu hoặc trong các sinh hoạt cộng đồng Tết đầu xuân, lễ hội...

    Năm 2009, cùng đợt với ca trù, quan họ được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại sau nhã nhạc cung đình Huế và không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên.

    Giã bạn - Người ơi người ở đừng về - Đến hẹn lại lên (Quan họ Bắc Ninh)

  27. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  28. Đấu
    Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
  29. Thưng
    Đồ đo lường, bằng một phần mười cái đấu ("thưng" do chữ "thăng" 升 đọc trạnh ra).

    Thưng bằng đồng

    Thưng bằng đồng

  30. Tiện
    Gọt vòng quanh cho đứt hoặc tạo thành khía.
  31. Tề
    Cắt bớt.
  32. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
  33. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.
  34. Quảng Tống
    Cách nói của Quảng Đông, chỉ người Hoa.
  35. Khố bẹ
    Khố dài, sau khi quấn xong vẫn thừa hai đầu như hai cánh xòe ra. Phân biệt với khố bao là khố may bằng bao đựng trấu và chỉ quấn ngang lưng.
  36. Thau rau
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Thau rau, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  37. Văn nhân
    Người viết văn hoặc có kiến thức về văn học; người trí thức.

    Trông chừng thấy một văn nhân,
    Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.

    (Truyện Kiều)

  38. Khoa mục
    Những danh mục, hạng, loại trong khoa cử thời phong kiến, như Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp... Những người đỗ đạt ngày xưa cũng gọi là người khoa mục.
  39. Phường
    Nhóm người, bọn (thường dùng với nghĩa thiếu tôn trọng).

    Con này chẳng phải thiện nhân
    Chẳng phường trốn chúa, thì quân lộn chồng

    (Truyện Kiều)

  40. Cậu ấm cô chiêu
    Chiêu là từ chỉ học vị tiến sĩ thời Lê còn ấm là chức tước do triều đình ban cho con cháu các quan từ ngũ phẩm trở lên. Con cái những người này được gọi là "cậu ấm," "cô chiêu," sau được dùng để chỉ chung con cái những nhà giàu có.
  41. Cách
    Tước bỏ chức tước, phẩm hàm, công việc.
  42. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  43. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  44. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  45. Cựu
    Cũ, xưa (từ Hán Việt).
  46. Tân
    Mới (từ Hán Việt).
  47. Bần
    Nghèo (từ Hán Việt).
  48. Phú
    Giàu (từ Hán Việt).
  49. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  50. Dải đất nền phía trước hoặc chung quanh nhà.
  51. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  52. Trì
    Lôi, kéo, níu giữ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  53. Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu
    Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt.
  54. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  55. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  56. Cửu lý hương
    Tên chung của một số loài cây có mùi thơm rất mạnh, thường được trồng vừa làm cây cảnh vừa làm thuốc.

    Một loài cửu lý hương

    Một loài cửu lý hương

  57. Lúa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  58. Ở nông thôn thời xưa, người ở làm mùa mướn thường là sáu tháng.
  59. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  60. U Minh
    Nay là tên một huyện thuộc tỉnh Cà Mau ở cực Nam nước ta. U Minh còn là tên của hai khu rừng tràm nước mặn U Minh Hạ (thuộc tỉnh Cà Mau ) và U Minh Thượng (thuộc tỉnh Kiên Giang ). U Minh có nghĩa là tối và mờ. Trước đây khi chưa khai khẩn, U Minh được coi là chốn "rừng thiêng nước độc," nhiều thú dữ như cá sấu, hổ beo, rắn rết, nhưng cũng rất nhiều tài nguyên quý báu. Hiện nay rừng nước mặn U Minh đã được quy hoạch thành vườn quốc gia dành cho mục đích du lịch và bảo tồn sinh thái. Một đặc điểm lý thú của rừng tràm U Minh là nước sông rạch bị nhuộm thành màu đỏ bởi lá tràm rụng trên đất rừng.

    Rừng U Minh

    Rừng U Minh

    Rạch nước đỏ ở rừng U Minh

    Rạch nước đỏ ở rừng U Minh

  61. Choại
    Một loài dương xỉ mọc hoang trong rừng ẩm nhiệt đới ven các con sông, kênh rạch. Ở nước ta dây choại có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười, Cà Mau, Hậu Giang, Rạch Giá. Lá và đọt non dùng làm rau, thân dai và bền, chịu được lâu trong nước nên được dùng làm dây thừng và dụng cụ đánh cá, và còn được dùng làm thuốc.

    Đọt choại non

    Đọt choại non

  62. Dớn
    Một loài rau dại có hình dáng gần giống cây dương xỉ, chỉ có ở vùng núi rừng hay nơi bờ suối, bờ khe, dưới các tán rừng thấp có độ ẩm ướt cao. Đặc biệt, rau dớn chỉ thích hợp với môi trường hoang dã nên ít khi nuôi trồng được. Rau dớn được dùng làm thực phẩm và làm thuốc.

    Rau dớn (Nguồn)

    Rau dớn

  63. Cóc kèn
    Tên một loài dây leo mọc phổ biến trong những khu rừng ngập mặn, hay xung quanh những sông ngòi, ao hồ nhiễm mặn ở nước ta. Dây cóc kèn có thể dài từ 8 đến 15 mét, đôi khi mọc thành bụi um tùm. Lá xanh mướt, bóng láng, một cành mang từ 3 đến 5 lá. Quả cây cóc kèn như quả đậu, khi chín màu nâu vàng, mang 1-2 hạt. Cây cóc kèn đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái rừng ngập mặn cùng với các loại cây đặc trưng khác như đước, mắm, vẹt. Thân rễ cây cóc kèn là những vị thuốc Nam trị nhiễm trùng, sưng, bong gân. Lá cóc kèn có độc tính, nhân dân ta thường dùng lá có kèn phơi khô đặt trong các chum vại và mảng trữ thóc để trừ mọt.

    Hoa của cây cóc kèn.

    Hoa của cây cóc kèn

    Lá và quả của cây cóc kèn.

    Lá và quả của cây cóc kèn

  64. Rắn nước
    Tên chung của một số giống rắn không có nọc độc, sống dưới nước, thức ăn chủ yếu là ếch nhái, cá nhỏ...

    Rắn nước

    Rắn nước

  65. Rắn râu
    Một loài rắn độc, nhưng lượng nọc và độc tố không đủ để gây nguy hiểm cho con người. Rắn râu sống ở vùng nước của nhiều địa phương thuộc miền Nam. Đặc điểm nổi bật của rắn râu là từ đầu mũi mọc ra hai xúc tu trông như hai sợi râu. Cặp "râu" này có tác dụng như một loại mồi nhử thu hút các loài cá đến gần.

    Rắn râu

    Rắn râu

  66. Rắn rồng
    Còn có tên là rắn hổ ngựa hoặc rắn sọc dưa. Rắn cỡ lớn, lưng có sọc, sống trên cạn, thường gặp ở đồng bằng và trung du, không độc, song rất dữ, dễ bị kích thích. Rắn rồng bắt mồi cả vào ban ngày và ban đêm và có tập tính săn đuổi mồi (chủ yếu là chuột, thằn lằn hoặc ếch nhái).

    Rắn rồng

    Rắn rồng

  67. Rắn lục
    Loại rắn cực độc, trọng lượng chỉ trên dưới 300gam và dài 30cm đối với con trưởng thành. Thường gặp là rắn lục xanh có đầu hình tam giác, phủ tấm nhỏ. Lưng có màu xanh lá cây, bụng nhạt hơn lưng. Có nhiều loại rắn lục như: rắn lục xanh, rắn lục đuôi đỏ, rắn lục sừng, rắn lục núi...

    Rắn lục xanh

    Rắn lục xanh

  68. Rắn mái gầm
    Loại rắn độc có kích thước khá lớn, dài trên một mét khi trưởng thành. Đầu to, trên đầu có dấu hiệu giống như một mũi tên màu vàng, mắt nhỏ màu đen. Thân rắn có khoanh đen và vàng xen kẽ, giữa lưng có gờ nổi dọc theo xương sống. Đây là một trong những loài rắn cực độc, nọc độc có thể giết chết nạn nhân trong vài phút nếu không được cứu chữa kịp thời. Rắn mái gầm chậm chạp, ít khi chủ động tấn công con người, thức ăn của chúng là rắn khác, cá, ếch, trứng rắn. Loài rắn này có nhiều tên khác như mai gầm, cạp nong, hổ lửa...

    Rắn mái gầm

    Rắn mái gầm

  69. Tam cúc
    Một trò chơi bài lá dân gian từng rất phổ ở miền Bắc, thường được chơi trong những khi rỗi rãi hoặc các dịp lễ tết. Bộ bài tam cúc có 32 lá với các quân tương tự như cờ tướng, chia làm hai loại là đỏ và đen. Xem thêm Cách chơi tam cúc.

    Bộ bài tam cúc

    Bộ bài tam cúc

  70. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  71. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  72. Muôn
    Mười nghìn (từ cũ), đồng nghĩa với vạn.
  73. Dẫn cưới
    Đưa lễ đến nhà gái để xin cưới.
  74. Song đào
    Cửa sổ làm bằng gỗ xoan đào.
  75. Heo may
    Một loại gió nhẹ, hơi lạnh và khô, thường thổi vào mùa thu.

    Chỉ còn anh và em
    Cùng tình yêu ở lại…
    - Kìa bao người yêu mới
    Đi qua cùng heo may.

    (Thơ tình cuối mùa thu - Xuân Quỳnh)

  76. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  77. Bèo ong
    Còn gọi là bèo tai chuột, lá mọc thành cụm dày, cuộn lại dọc theo sống lá như tổ ong. Nhân dân ta thường băm bèo ong cho lợn ăn.

    Bèo ong

    Bèo ong

  78. Hương
    Tên gọi chung của một số chức tước ở cấp xã dưới thời Nguyễn, ví dụ hương chánh làm nhiệm vụ thu thuế, chi xuất, phân công sai phái, hương quản chuyên trách giữ gìn an ninh trật tự, kiểm tra nhân khẩu, hương thân làm nhiệm vụ giáo hóa thuần phong mỹ tục...
  79. Lí trưởng
    Tên một chức quan đứng đầu làng (: làng, trưởng: đứng đầu), bắt đầu có từ đời Minh Mệnh nhà Nguyễn.
  80. Nhà trò
    Như ả đào, cô đầu, chỉ người phụ nữ làm nghề hát xướng (gọi là hát ả đào) ở các nhà chứa khách ngày trước. Thú chơi cô đầu thịnh hành nhất vào những năm thuộc Pháp và ở phía Bắc, với địa danh nổi nhất là phố Khâm Thiên. Ban đầu cô đầu chỉ chuyên hát, nhưng về sau thì nhiều người kiêm luôn bán dâm.
  81. Tổng
    Đơn vị hành chính thời Lê, Nguyễn, trên xã, dưới huyện. Một tổng thường gồm nhiều xã. Người đứng đầu tổng là chánh tổng, cũng gọi là ông Tổng.
  82. Kẹo kéo
    Một loại kẹo làm từ mật mía hoặc đường, trong có nhân đậu phộng. Kẹo kéo dẻo, được cuộn lại thành kẹo to và dài như cánh tay, bọc vải sạch hoặc nylon, khi ăn thì kéo ra một đoạn vừa phải (nên gọi là kẹo kéo). Kẹo kéo ngọt, thơm, rẻ, là một món quà vặt rất quen thuộc của trẻ em.

    Kẹo kéo

    Kẹo kéo

    Bán kẹo kéo

    Bán kẹo kéo

  83. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  84. Sa Đéc
    Địa danh nay là một thị xã của tỉnh Đồng Tháp. Trước khi chúa Nguyễn khai phá miền đất phía Nam, Sa Đéc thuộc đất Tầm Phong Long của Thủy Chân Lạp, với tên gọi nguyên gốc là Phsar Dek. Nhiều người cho rằng Sa Đéc theo tiếng Khmer nghĩa là "chợ sắt." Tuy nhiên Sơn Nam và nhiều nhà nghiên cứu khác không chắc chắn lắm với luận điểm này, lại có quan điểm cho rằng nguyên gốc tên gọi Phsar Dek là tên một vị thủy thần Khmer. Từ những ngày mới thành lập, vùng đất Sa Đéc đã nổi tiếng hưng thịnh.

    Làng hoa Sa Đéc

    Làng hoa Sa Đéc