Tìm kiếm "roi điện"

  • Chim xa bầy thương cây nhớ cội

    Chim xa bầy thương cây nhớ cội
    Người xa người, tội lắm người ơi!
    Thà rằng chẳng biết thì thôi,
    Biết ra mỗi đứa một nơi sao đành?

    Dị bản

    • Chim lạc bầy còn thương cây nhớ cội
      Người xa người, tội lắm người ơi
      Chẳng thà không biết thì thôi
      Biết rồi mỗi đứa mỗi nơi thêm buồn

  • Cây đa là cây đa cũ

    Cây đa là cây đa cũ
    Bến đò là bến đò xưa
    Nay chừ người khác vô đưa
    Oan ơi, oan hỡi, tức chưa bạn tề!

    Dị bản

    • Cây đa là cây đa bến cũ,
      Bến cũ là bến cũ đò xưa,
      Ôi thôi rồi người khác sang đưa,
      Thiếp nhìn chàng lưng lẻo, nước sa xuống như mưa hỡi chàng

  • Em có chồng chưa, xin thưa cho thiệt

    – Em có chồng chưa, xin thưa cho thiệt
    Đừng để anh lầm tội nghiệp lắm em!
    – Em chửa có chồng, anh đừng nghi ngại,
    Chẳng tin tới nhà hỏi lại trước sau.
    Có nón ai lại đi dầu
    Có chồng ai nỡ đi đâu một mình.

    Dị bản

    • – Bậu có chồng chưa, bậu thưa cho thiệt
      Kẻo để anh lầm, tội nghiệp thân anh
      – Em có chồng rồi, hồi năm xửa năm xưa
      Năm nay chồng bỏ cũng như chưa chồng

       

  • Tôi lạy ông Cúm bà Co

    Tôi lạy ông Cúm bà Co
    Ông ở xứ Nghệ, ông bò tới đây
    Khôn thiêng có mâm cỗ này
    Ông xơi cho sạch, ông rày tha tôi

    Dị bản

    • Tôi lạy ông Cúm bà Co
      Ông ở xứ Nghệ ông bò ra đây
      Mời ông xơi miếng bánh đúc mắm tôm này
      Phù hộ tín chủ khỏi ngay tức thì.

    • Ông Cúm bà Co
      Ông từ trong Nghệ
      Ông bò ra đây
      Tín chủ tôi nay
      Có chút quà này,
      Mắm tôm bánh đúc
      Ông xơi xong rồi
      Mời ông đi xa.

  • Ngọn cờ phất ngọn lau cũng phất

    Ngọn cờ phất ngọn lau cũng phất
    Nồi đồng sôi nồi đất cũng sôi
    Hai ta duyên nợ thề bồi
    Dù xa nhau đi nữa chỉ tại ông trời không xe

    Dị bản

    • Ngọn cờ phất, ngọn lau cũng phất
      Nồi đồng sôi nồi đất cũng sôi,
      Bậu với qua duyên nợ rã rời
      Tới lui chi nữa, đứng ngồi uổng công.

    • Ngọn cờ phất, ngọn lau cũng phất
      Nồi đồng sôi, nồi đất cũng sôi
      Anh với em nhân duyên đã mãn rồi
      Còn chi lên xuống đứng ngồi với em.

  • Cốc cốc keng keng

    Cốc cốc, keng keng
    Bà Rèn đi chợ
    Bà Rớ ở nhà
    Bắt gà làm thịt
    Bắt vịt chặt đuôi
    Bắt ruồi chặt cánh
    Đòn gánh có mấu
    Con sấu có tai
    Con nai có gạc
    Thợ giác có bầu
    Hàng trầu hàng cau là hàng chồm hổm

    Dị bản

    • Cốc cốc, keng keng
      Mụ rèn đi chợ
      Mụ vợ ở nhà
      Bắt gà làm thịt
      Bắt vịt về nuôi
      Con ruồi có cánh
      Đòn gánh có mấu
      Con sấu có tai
      Con nai có gạc
      Thợ giác có bầu
      Hàng trầu hàng cau là hàng chồm hổm

    • Mụ sên đi chợ
      Mụ rổ ở nhà
      Bắt gà làm thịt
      Bắt vịt chặt đuôi
      Bắt ruồi chặt cánh
      Đòn gánh có mấu
      Con sấu có tai
      Con nai có sừng
      Bánh chưng thì ngọt
      Roi mót thì đau
      Hàng trầu hàng cau
      Là hàng con gái
      Hàng bánh hàng trái
      Là hàng bà già
      Hàng hương hàng hoa
      Là hàng ông Bổn.

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

    Cô ơi cô cô có chồng chưa

    Cô ơi cô cô có chồng chưa?
    – Dạ thưa bác con chưa có chồng
    Chưa có chồng sao lại có con?
    – Dạ thưa bác con nuôi giùm họ
    Nuôi giùm họ có lấy tiền không?
    – Dạ thưa bác con không lấy tiền
    Không lấy tiền cô lấy chi ăn?
    – Dạ thưa bác con ăn cứt mèo
    Ăn cứt mèo có béo không cô?
    – Dạ thưa bác béo hơn bánh xèo

    Dị bản

    • Cô kia cô có chồng chưa?
      – Dạ thưa bác cháu chưa có chồng
      Chưa có chồng sao cháu có con?
      – Dạ thưa bác cháu nuôi giùm người
      Nuôi giùm người rồi lấy gì ăn?
      – Dạ thưa bác cháu ăn cứt bò
      Ăn cứt bò có ngon lắm không?
      – Dạ thưa bác ăn ngon thấy mồ!

  • Ai đi đâu đấy hỡi ai

    Ai đi đâu đấy hỡi ai
    Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm?
    Tìm em như thể tìm chim
    Chim bay bể Bắc anh tìm bể Đông
    Tìm bể Ðông thấy lông chim nhạn
    Tìm bể cạn thấy đàn chim di
    Ai mang nhân ngãi ta đi
    Thì mang nhân ngãi ta về cho ta!

    Dị bản

    • Ai đi đâu đấy hỡi ai
      Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm?
      Tìm em như thể tìm chim
      Chim ăn bể Bắc anh tìm bể Đông
      Bể Đông không bóng chim bay
      Hôm qua là chín, hôm nay là mười
      Tìm em đã mướt mồ hôi
      Lại đứt nút áo, lại rơi khăn đầu
      Tìm em chẳng thấy em đâu
      Lội sông ướt áo, qua cầu tủi ghe
      Có nghe nín lặng mà nghe
      Những lời anh nói như se vào lòng

  • Chén son để cạnh mạn thuyền

    Chén son để cạnh mạn thuyền
    Chén son chưa cạn, lời nguyền chưa phai
    Em thương nhớ ai
    Nhớ ai ra đứng đầu cầu?
    Lược thưa biếng chải, gương tàu biếng soi
    Cái sập đá huê bỏ vắng không ai ngồi
    Buồng hương bỏ vắng, mướn người quay tơ
    Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
    Đêm khuya thức ngủ, ngày thưa tiếng cười?

Chú thích

  1. Cội
    Gốc cây.
  2. Chài
    Loại lưới hình nón, mép dưới có chì, chóp buộc vào một dây dài, dùng để quăng xuống nước chụp lấy cá mà bắt. Việc đánh cá bằng chài cũng gọi là chài.

    Vãi chài trên dòng Nậm Hạt

    Vãi chài trên dòng Nậm Hạt

  3. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Tam Quăng.
  4. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  5. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  6. Tề
    Kìa (phương ngữ miền Trung).
  7. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  8. Dầu
    Để đầu trần (phương ngữ).
  9. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  10. Ông Cúm bà Co
    Hình tượng dân gian của bệnh cúm.
  11. Nghệ An
    Tỉnh có diện tích lớn nhất nước ta, nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Tây giáp Lào và phía Đông giáp biển Đông. Trước đây, Nghệ An với Hà Tĩnh được gọi là Hoan Châu, trải qua nhiều lần sáp nhập và chia tách với tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 1991 tỉnh Nghệ An lại tách ra như ngày nay.

    Nghệ An là nơi có nhiều danh thắng đẹp như biển Cửa Lò, sông Lam, vườn quốc gia Pù Mát... Đây cũng là nơi sản sinh ra rất nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Mai Hắc Đế, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh...

    Biển Cửa Lò

    Biển Cửa Lò

  12. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  13. Đây là một tín ngưỡng dân gian, theo đó để chữa bệnh cúm, người ta mua đồ lễ về cúng, vừa cúng vừa đọc bài này. Cúng xong, cho người bệnh ăn đồ lễ (bánh đúc mắm tôm) thì khỏi cúm.
  14. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  15. Tín chủ
    Người tin tưởng Phật thần, là người tổ chức những cuộc cúng lễ, lên đồng...
  16. Lau
    Loại cây họ sậy, thân ống xốp, mọc nhiều ở các vùng đồi núi. Lau có lau có màu xám bạc, mọc nhiều thành thảm rất đặc trưng, nên cũng thường gọi là cây bông lau. Hoa lau có thể được thu hoạch để làm gối, đệm.

    Lau

    Lau

  17. Mãn
    Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
  18. Thợ giác
    Người làm nghề giác hơi (một cách chữa bệnh bằng cách dùng lửa đốt vào lòng ống giác cho cháy hết không khí, sau đó úp nhanh vào các huyệt vị trên cơ thể. Tác dụng của nhiệt và sức hút chân không sẽ tạo nên phản ứng xung huyết tại chỗ, có tác dụng chữa bệnh).

    Giác hơi

    Giác hơi

  19. Bầu
    Tức ống giác, là dụng cụ hình ống, bằng tre, trúc hay thủy tinh, sành sứ.
  20. Có bản chép: là hàng Nhật Bổn.
  21. Bánh xèo
    Một loại bánh làm bằng bột, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá, đúc hình tròn. Tùy theo mỗi vùng mà cách chế biến và thưởng thức bánh xèo có khác nhau. Ở Huế, món ăn này thường được gọi là bánh khoái và thường kèm với thịt nướng, nước chấm là nước lèo gồm tương, gan, đậu phộng. Ở miền Nam, bánh có cho thêm trứng, chấm nước mắm chua ngọt. Ở miền Bắc, nhân bánh xèo còn có thêm củ đậu thái mỏng hoặc khoai môn thái sợi. Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, cải xanh, diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non...

    Bánh xèo

    Bánh xèo

  22. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  23. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  24. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  25. Chim di
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chim di, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  26. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
  27. Sập
    Loại giường không có chân riêng, nhưng các mặt chung quanh đều có diềm thường được chạm trổ. Sập thường được làm bằng gỗ quý, thời xưa chỉ nhà giàu mới có.

    Cái sập

    Cái sập

  28. Huê
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
  29. Có bản chép: Hoa.
  30. Buồng hương
    Do chữ Hán hương khuê (phòng thơm), chỉ phòng riêng của người phụ nữ.
  31. Ghe cá
    Còn gọi là ghe rỗi, dùng để chuyên chở cá đồng từ miền Tây về Sài Gòn. Loại ghe này có điểm đặc biệt là mực nước trong ghe luôn cân bằng với mực nước sông bên ngoài để giữ cá luôn sống và ghe cũng luôn vững.
  32. Ghe trảng lườn
    Loại thuyền nông lòng.
  33. Gia Định
    Tên gọi một tỉnh ở miền Nam nước ta dưới thời triều Nguyễn. Tỉnh Gia Định xưa nằm giáp ở phía Nam tỉnh Đồng Nai, có thủ phủ là thành Gia Định. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1957, tỉnh Gia Định gồm 6 quận: Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, đến năm 1970 thêm Quảng Xuyên và Cần Giờ. Đến tháng 6/1975, tỉnh Gia Định (ngoại trừ 2 quận Cần Giờ và Quảng Xuyên) được sáp nhập với Đô thành Sài Gòn, cộng thêm một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Hậu Nghĩa để trở thành thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến ngày 2 tháng 7 năm 1976, thành phố Sài Gòn - Gia Định được chính thức đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.

    Ngày nay, địa danh Gia Định chỉ còn dùng để chỉ khu vực trung tâm quận Bình Thạnh của Thành phố Hồ Chí Minh.

  34. Miệt vườn
    Tên gọi chung cho khu vực nằm trên những dải đất giồng phù sa dọc theo hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang tại đồng bằng sông Cửu Long. "Miệt" là phương ngữ Nam Bộ chỉ vùng, miền. Theo nhà nghiên cứu Sơn Nam, miệt vườn bao gồm các tỉnh Tiền Giang, Gò Công, Trà Vinh, Sa Đéc, Vĩnh Long, một phần của tỉnh Cần Thơ và một phần của tỉnh Đồng Tháp. Ngành nông nghiệp chính trên những vùng đất này là lập vườn trồng cây ăn trái.  Đất đai miệt vườn là phù sa pha cát màu mỡ, sạch phèn, lại không bị ảnh hưởng của lũ lụt và nước mặn. Do vậy, miệt vuờn được coi là khu vực đất lành chim đậu, có nhiều tỉnh lị phồn thịnh, sầm uất. Nhiều loại trái cây ngon của miệt vuờn đã trở nên nổi tiếng, gắn liền với địa danh như xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang), quýt Lai Vung (Đồng Tháp), vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang), ...

    Quít hồng Lai Vung (Đồng Tháp)

    Quít hồng Lai Vung (Đồng Tháp)