Anh mong tát biển cấy kê
Tát sông Bồ Ðề nhổ mạ cấy chơi
Bẻ que đo Trời
Đan lồng nhốt kiến
Thầy mẹ thương đến
Bắt voi coi giò
Thầy mẹ gả cho
Rước voi làm lễ
Anh đi làm rể
Che hai lọng vàng
Nhà anh thì ở giữa làng
Lấy vàng làm cột
Dát bạc làm tranh
Cưa gỗ lim làm thành
Chẻ ngà voi làm lạt
Anh đặt chuyện hát
Nói láp em nghe,
Nhà anh cột nứa, kèo tre…
Tìm kiếm "làng Mui"
-
-
Muốn lấy con tao
-
Vè thịt chó
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè thịt chó
Thằng nào chịu khó
Bắt nước cạo lông
Thằng nào ở không
Rang mè rang đậu
Thằng nào muốn nhậu
Thì đặt tiền mua
Thằng nào muốn vô
Thì ngồi chính giữa
Thằng nào ói mửa
Thì đạp xuống sông
Đánh lộn la làng
Cũng vì thịt chó -
Mười lo
Một lo con nít trắng răng
Hai lo kẻ thấp không bằng người cao
Ba lo thầy bói té nhào
Bốn lo con đĩ không chào lái buôn
Năm lo thợ đúc méo khuôn
Sáu lo trên nguồn không có hươu mang
Bảy lo bà chúa chửa hoang
Tám lo trai làng không vợ chạy rông
Chín lo trong ngục không gông
Mười lo ngoài đồng không đất chôn maDị bản
-
Mênh mông trời nước một màu
-
Vè cờ bạc
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè cờ bạc
Đầu hôm xao xác
Bạc tốt như tiên
Đêm khuya hết tiền
Bạc như chim cú.
Cái đầu sù sụ
Con mắt trõm lơ
Hình đi phất phơ
Như con chó đói
Chân đi cà khói
Dạo xóm dạo làng
Quần rách lang thang
Lấy tay mà túm… -
Tùng rinh tùng rinh
-
Nàng đứng ở đó làm chi
Nàng đứng ở đó làm chi,
Không về kẻ bể, mà đi kéo rừng.
Nhà tôi nghề giã, nghề sông,
Lặng thì tôm cá đầy trong, đầy ngoài.
Cá trắng cho chí cá khoai,
Còn như cá lẹp, cá mai cũng nhiều.
Quý hồ nàng có lòng yêu,
Cái đường đi lại còn nhiều khi ta.
Nàng về thưa với ông bà,
Có cho nàng lấy chồng xa hay đừng? -
Thơ thầy Thông Chánh
Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra
Chép làm một bổn để mà coi chơi
Trà Vinh nhiều kẻ kỳ tời
Có thầy Thông Chánh thiệt người khôn ngoan
Đêm nằm khô héo lá gan
Nghĩ giận Biện lý không an tấm lòng
Chừng nào tỏ nỗi đục trong
Giết tên Biện lý trong lòng mới thanh
Lang sa làm việc Châu thành
Mười bốn tháng bảy lễ rày Chánh Chung
Chỉ sai đua ngựa rần rần
Trát đòi làng tổng tư bề đến đây
Bốn giờ đua ngựa cát bay
Phủ Hơn, Biện lý đương rày ngồi coi
Có thầy Thông Chánh hẳn hòi
Xách súng nai nịt đi coi châu thành … -
Bây giờ gặp phải hội này
-
Tôi chào cô Hai như sao mai rạng mọc
Tôi chào cô Hai như sao Mai rạng mọc
Tôi chào cô Ba như hạt ngọc lung linh
Tôi chào cô Tư như thủy tinh trong vắt
Tôi chào cô Năm như hương ngát bông lan
Tôi chào cô Sáu như hào quang lóng lánh
Tôi chào cô Bảy như cuốn sách chạm bìa vàng
Tôi chào cô Tám như hai làng liễn cẩn
Chào cô Chín như rồng ẩn mây xanh
Chào cô Mười như chim oanh uốn lưỡi trên cành
Chào rồi tôi chụp hỏi rành rành
Hỏi căn cơ hà xứ phụ mẫu cùng huynh đệ thiểu đa
Hỏi cho biết cửa biết nhà
Nhờ ông mai tới nói, nay tới chết tôi cũng quyết giao hòa với một cô. -
Tôi Đà Phật, nàng A men
Tôi Đà Phật, nàng A men
Hai ta tôn giáo cách hai miền xa xăm
Bỗng đâu gió bão mưa dầm
Để tôi buộc mối đồng tâm với nàng
Thế là đeo lấy dở dang
Bỏ nhau chẳng được, sang ngang không thuyền
Biết rằng duyên lỡ làng duyên
Trăm năm để lại một thiên hận tình
Bảo cho những kẻ đầu xanh
Đến nơi đến tháng cầu kinh thì cầu
Đừng mơ những việc đâu đâu
Mà vương phải kiếp cú sầu vạn niên -
Anh đi lấy vợ cách sông
-
Chồng em vừa xấu vừa đen
-
Mèo già ăn trộm
Mèo già ăn trộm
Mèo ốm phải đòn
Mèo con phải vạ
Con quạ đứt đuôi
Con ruồi đứt cánh
Đòn gánh có mấu
Củ ấu có sừng
Bánh chưng có lá
Con cá có vây
Ông thầy có sách
Thợ ngạch có dao
Thợ rào có búa … -
Vè lá lốt
Ve vẻ vè ve
Cái vè lá lốt
Anh A cũng tốt
Chị B cũng xinh
Hai bên rập rình
Gia đình đồng ý
Đi ra đăng ký
Ủy ban không cho
Anh A hét to
“Không cho cũng lấy!
Tôi yêu cô ấy
Đã mấy năm rồi
Không nói lôi thôi
Ngày mai cứ cưới
Làng trên xóm dưới
Ai thích thì đi
Đánh chén tì tì
Sa đì tám tấn.”Dị bản
Ve vẻ vè ve
Cái vè lá lốt
Anh A cũng tốt
Chị B cũng xinh
Hai bên rập rình
Gia đình đồng ý
Đi ra đăng ký
Ủy ban không cho
Anh A hét to
“Không cho cũng lấy!
Tôi yêu cô ấy
Từ mấy năm trời
Đi qua chợ Giời
Mua đôi guốc mộc
Guốc mộc tình yêu
Tình yêu bọ xít
Dính đít vào nhau”
-
Nhà tôi mượn lấy trời che
Nhà tôi mượn lấy trời che
Mua tranh lợp hè, thiếu trước hụt sau
Tiền của ở tại nhà giàu
Mắm muối ngoài chợ, củi rau ngoài đường
Nằm thời lấy đất làm giường
Lấy trời làm chiếu, lấy sương làm mền
Xâu làng bắt xuống trì lên
Trầy da tróc thịt, cái tên còn hoài
Không tiền tạm đỡ dĩa khoai
Bữa mô kiếm có thì vài miếng cơm
Ăn rồi ngủ thẳng đầu hôm
Canh hai thức dậy văn Nôm sử Kiều -
Bảo nhau gặt lúa vội vàng
-
Tháng tám có chiếu vua ra
-
Thiếp nay thi lễ con nhà
Thiếp nay thi lễ con nhà
Thấy chàng mĩ mạo, nết na dịu dàng
Cho nên lòng muốn đa mang
Biết rằng quân tử có màng hay không ?
Ngẫm duyên kỳ ngộ tương phùng
Lứa đôi ai có đẹp bằng Tương Như ?
Cầu hoàng một khúc lẳng lơ
Trác Văn Quân luống ngẩn ngơ lòng sầu
Vì đâu để lấy được nhau
Nếu không duyên nợ có đâu thế này
Đôi ta nay gặp nhau đây
Ba sinh âu hẳn nợ dầy chẳng không
Xin chàng hãy quyết đành lòng
Nâng khăn sửa túi, má hồng tựa nương
Họa may thau lộn với vàng
Chú thích
-
- Kê
- Cây lương thực cùng họ với lúa, quả rất nhỏ, thường gọi là hạt, màu vàng, tập trung thành một bông dài.
-
- Sông Bồ Đề
- Một đoạn sông Hồng thuộc thành Thăng Long ngày trước. Đây chính là nơi 20 vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị đóng quân khi sang xâm lược nước ta vào năm 1788, trước khi bị vua Quang Trung dẫn nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc đánh cho tan tành.
-
- Lọng
- Đồ dùng để che phía trên đầu, gần giống cái dù nhưng kích thước lớn hơn, hình tròn, phẳng, có cán dài để cầm, thường được sử dụng trong nghi lễ hoặc đám rước, để thể hiện địa vị xã hội. Ngày xưa, lọng được sử dụng cho vua, quan, chức sắc; ngày nay, lọng chủ yếu được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo.
Kết cấu của lọng thường bao gồm một khung bằng tre nứa, có thể giương lên, xếp lại dễ dàng. Mặt trên lọng lợp bằng giấy phết sơn ta để chống thấm nước. Lọng còn thường được trang trí nhiều màu sắc và họa tiết tùy theo địa vị của người sử dụng.
-
- Cỏ tranh
- Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.
-
- Lạt
- Tre hoặc nứa chẻ mỏng, dẻo, dùng làm dây buộc.
-
- Bể
- Biển (từ cũ).
-
- Tằm
- Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.
-
- Bức bàn
- Kiểu cửa gỗ rộng suốt cả gian, gồm nhiều cánh rời dễ tháo lắp, thường có trong các kiểu nhà cũ.
-
- Ngựa bạch
- Ngựa trắng.
-
- Mang
- Cũng gọi là con mễn hay con mển, một loại hươu nai gặp trong những cánh rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới.
-
- Gông xiềng
- Gông là một dụng cụ làm bằng gỗ hoặc tre, thường là rất nặng, để đeo vào cổ tội nhân ngày trước. Xiềng là sợi xích lớn có vòng sắt ở hai đầu để khoá chân tay người tù. Gông xiềng vì thế thường được dùng để chỉ ách nô lệ.
-
- Xâu
- Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
-
- Vãi
- Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
-
- Nhóc nhen
- Từ gọi chung ếch nhái, ễnh ương, mô phỏng tiếng kêu của những con vật này (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Bắt
- Phát, khiến cho (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Xàu
- Trạng thái héo, rũ, thể hiện nét sầu, buồn bã (Phương ngữ Nam Bộ).
-
- Kinh
- Kênh, sông đào dùng để dẫn nước hoặc để đi lại bằng đường thủy (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Bòng
- Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
-
- Chi
- Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Kẻ bể
- Làng biển.
-
- Giã
- Làm cá (từ cũ).
-
- Cá trắng
- Một loại cá nước ngọt sống chủ yếu ở sông, suối, có thân hình nhỏ dẹp, con to nhất cỡ bằng hai ngón tay người lớn. Cá trắng nướng có hương vị thơm ngọt hấp dẫn.
-
- Chí
- Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
-
- Cá khoai
- Còn gọi là cá cháo, cá chuối, một loài cá sống chủ yếu ở biển, đôi khi ở nước lợ. Cá có thân dài, hình ống hơi dẹp, dài trung bình khoảng 10-27 cm, thịt mềm, có màu trắng đục, xương rất ít, chỉ có một đường sụn chạy dọc theo sống lưng, đầu to, mắt nhỏ, miệng rộng có nhiều răng cứng, nhọn và rất sắc. Cá khoai được chế biến thành nhiều món ăn dân dã rất hấp dẫn như cháo cá khoai, canh cá khoai nấu ngót, nấu riêu, nhúng mẻ, làm khô nướng hay làm lẩu, v.v.
-
- Cá lẹp
- Một loài cá nhỏ, màu trắng bạc, thân mềm nhũn, sống ở biển hay vùng nước lợ. Cá lẹp nướng kẹp với lộc mưng chấm ruốc tôm (ruốc hôi) là món ăn quen thuộc của người dân Nghệ Tĩnh. Cá lẹp còn được làm mắm (một loại mắm xổi, tức mắm chỉ ép với muối vài ba ngày là ăn được).
-
- Cá mai
- Một loài cá biển nhỏ, mảnh, khoảng chừng ngón tay trỏ, thịt trong, săn chắc. Cá mai được ăn tươi và làm khô, với món ăn nổi tiếng nhất có lẽ là gỏi cá mai, một đặc sản của các địa phương khu vực Nam Trung Bộ như Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà…
-
- Quý hồ
- Miễn sao, chỉ cần (từ Hán Việt).
-
- Nhật trình
- Tờ báo đọc hằng ngày. Ở Trung và Nam Bộ, từ này cũng được phát âm thành nhựt trình.
-
- Trương Vĩnh Ký
- Nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học, nhà văn hóa lỗi lạc của nước ta vào cuối thế kỉ 19. Ông sinh ngày 6/12/1837 tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), mất ngày 1/9/1898 tại Sài Gòn. Thông minh và ham học từ nhỏ, sau này ông đọc thông viết thạo 27 ngoại ngữ, là tác giả của hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật, có tri thức vô cùng uyên bác, được tấn phong Giáo sư Viện sĩ Pháp, được ghi tên trong Bách khoa Tự điển Larousse, và được xem là một trong 18 nhà bác học hàng đầu thế giới thế kỷ 19. Cùng với Nguyễn Văn Vĩnh, ông thường được coi là "ông tổ nghề báo Việt Nam" vì là người sáng lập Gia Định báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên của nước ta.
Trường chuyên Lê Hồng Phong, thuộc thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, trước đây có tên là trường Pétrus Ký, chính là đặt theo tên ông.
-
- Bổn
- Bản (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Trà Vinh
- Tên một tỉnh ven biển ở đồng bằng sông Cửu Long, có kho tàng văn hoá đa dạng, đặc biệt là văn hoá vật thể và phi vật thể của người Khmer: chữ viết, lễ hội, đền chùa... Tại đây cũng có nhiều đặc sản như cốm dẹp trộn dừa kiểu Khmer; các món đuông như đuông chà là, đuông đất và đuông dừa; mắm rươi; rượu Xuân Thạnh, bánh tét, bánh tráng ba xe, mắm kho, bún nước lèo...
-
- Kỳ tời
- Đọc trại chữ kỳ tài, cách phát âm của người Nam Bộ.
-
- Thầy Thông Chánh
- Một người làm nghề thông ngôn tên là Chánh. Theo nhà nghiên cứu Trần Dũng thì thầy Thông Chánh tên thật là Nguyễn Văn Chánh, còn gọi là Nguyễn Trung Chánh, sinh khoảng năm 1850 tại Trà Vinh trong một gia đình theo đạo Thiên chúa, làm thông ngôn cho Pháp. Vợ (có nguồn nói là con gái) của thầy là cô Ba, sắc đẹp nổi tiếng lúc bấy giờ, nên tên Biện lý Jaboin rắp tâm chiếm đoạt. Quá uất ức, thầy đã dùng súng giết chết viên quan thực dân háo sắc ngày 14 tháng 5 năm 1893 (theo Sơn Nam), bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19 tháng 6 năm 1893, và bị chém đầu ngày 8 tháng 1 năm 1894 tại Trà Vinh.
-
- Lang Sa
- Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
-
- Châu thành
- Phố phường, thành thị, nơi dân cư đông đúc. Các tỉnh Nam Bộ ngày xưa đều có quận, huyện châu thành.
-
- Lễ Chánh Chung
- Tên nhân dân ta thời Pháp thuộc đặt cho lễ ngày Quốc khánh Pháp 14 tháng 7 (kỷ niệm phá ngục Bastille năm 1789). Vào ngày này thực dân Pháp tổ chức diễu binh, đua ngựa, vui chơi với mục đích mị dân.
-
- Trát
- Giấy truyền lệnh của quan lại ngày xưa. Từ chữ Hán 札 nghĩa là cái thẻ, vì ngày xưa không có giấy nên mọi mệnh lệnh muốn truyền đạt phải viết vào miếng gỗ nhỏ.
-
- Phủ
- Tên gọi một đơn vị hành chính thời xưa, cao hơn cấp huyện nhưng nhỏ hơn cấp tỉnh. Đứng đầu phủ gọi là quan phủ, cũng gọi tắt là phủ.
-
- Đặng
- Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
-
- Sao Kim
- Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
-
- Lan
- Tên chung của một họ cây thân thảo lưu niên, thường cho hoa đẹp, do đó được trồng rất phổ biến. Hoa lan rất đa dạng về màu sắc và hình dạng, nhưng hoa của tất cả những loài lan đều có cấu tạo gồm ba lá đài và ba cánh hoa, trong đó có một cánh môi, luôn to hơn và có hình dạng rất khác hai cánh hoa còn lại. Vì ba lá đài của hoa lan khá giống với những cánh hoa chính nên thường có sự nhầm lẫn là hoa lan có sáu cánh. Hoa lan thường được chia làm phong lan, sống trên những thân gỗ mục lơ lửng trên cao, và địa lan, mọc trên lớp đất mùn. Hoa lan ưa nơi râm mát và độ ẩm cao nên những khu rừng và cao nguyên ở nước ta như Nam Cát Tiên, Tây Nguyên, Yên Bái, Sa Pa là nơi sống của nhiều loài lan quý như giả hạc, ngọc điểm, lan hài, ...
-
- Liễn
- Dải vải hoặc giấy, hoặc tấm gỗ dài dùng từng đôi một, trên có viết câu đối, thường mang ý nghĩa tốt đẹp, cầu hạnh phúc may mắn cho chủ nhà. Liễn thường được treo song song với nhau, gọi là cặp (đôi) liễn.
-
- Oanh
- Tên gọi chung của một số loài chim có bộ lông đẹp và giọng hát hay. Trong văn chương cổ, chim oanh tượng trưng cho điều cao quý.
Gần xa nô nức yến oanh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
(Truyện Kiều)
-
- Làm mai
- Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
-
- Nghĩa giao hòa
- Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
-
- Nam mô A Di Đà Phật
- Câu niệm danh hiệu của Phật A Di Đà, một phép tu hành được sử dụng trong Phật giáo Đại Thừa, đặc biệt là Tịnh Độ Tông.
-
- A-men
- Một từ mà người theo đạo Chúa (Công giáo, Tin Lành...) thường nói khi kết thúc một bài kinh, có thể dịch thành "Thật vậy" hoặc "Xin được như nguyện."
-
- Chữ đồng
- Từ cụm từ Hán Việt "đồng tâm đái," hoặc "dải đồng," chỉ sợi thắt lưng ngày xưa có hai dải lụa buộc lại với nhau. Văn chương cổ dùng từ "chữ đồng" hoặc "đạo đồng" để chỉ sự kết nguyền chung thủy của vợ chồng.
Đã nguyền hai chữ đồng tâm
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai
(Truyện Kiều)
-
- Đầu xanh
- Chỉ người tuổi còn trẻ.
Hay là thuở trước khách hồng nhan?
Sắc sảo khôn ngoan trời đất ghen.
Phong trần xui gặp bước lưu lạc,
Đầu xanh theo một chuyến xuân tàn.
(Thăm mả cũ bên đường - Tản Đà)
-
- Nữ nhi
- Con gái nói chung.
-
- Chân chữ bát
- Chân đi khuỳnh ra hai bên như chữ bát 八, dân gian còn gọi là đi "chàng hảng."
-
- Thiên
- Trời (từ Hán Việt).
Thiên trời địa đất
Cử cất tồn còn
(Tam thiên tự - soạn giả Đoàn Trung Còn)
-
- Mấu
- Phần trồi lên trên bề mặt của vật thành khối gồ nhỏ.
-
- Củ ấu
- Một loại củ có vỏ màu tím thẫm, có hai sừng hai bên, được dùng ăn độn hoặc ăn như quà vặt.
-
- Bánh chưng
- Một loại bánh truyền thống của dân tộc ta, làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Bánh thường được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và ngày giổ tổ Hùng Vương, nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo quan niệm phổ biến hiện nay, cùng với bánh giầy, bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của cha ông ta.
-
- Thợ rào
- Thợ rèn.
-
- Lá lốt
- Một loại cây cho lá có mùi thơm đặc trưng, thường được dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Trong số các món ăn có lá lốt, đặc sắc nhất phải kể đến bò nướng lá lốt. Ở một số địa phương Nam Bộ, loại cây này cũng được gọi là lá lốp.
-
- Sa đì
- Tên gọi dân gian của bệnh trĩ.
-
- Hè
- Dải đất nền phía trước hoặc chung quanh nhà.
-
- Trì
- Lôi, kéo, níu giữ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Mô
- Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Suốt
- Tuốt: tuốt lúa, tuốt lá... (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Dôi
- Còn dư ra, còn thừa.
-
- Đãi
- Nhúng các chất trộn lẫn với nhau xuống nước, gạn lấy chất nặng, còn chất nhẹ cho trôi đi (đãi cát, đãi vàng...).
-
- Cối xay
- Dụng cụ nhà nông dùng để bóc vỏ hạt thóc, tách trấu ra khỏi hạt gạo, hoặc để nghiền các hạt nông sản. Ngày nay cối xay ít được sử dụng vì được thay thế bằng các loại máy xay công nghiệp có hiệu suất cao hơn.
-
- Giần
- Đồ đan bằng tre, hình tròn và dẹt, mặt có lỗ nhỏ, dùng làm cho gạo đã giã được sạch cám (tương tự như cái sàng). Hành động dùng giần để làm sạch gạo cũng gọi là giần.
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó
(Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)
-
- Sàng
- Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.
-
- Có bản chép tháng tư, có bản chép tháng sáu, tháng chín, hoặc tháng Chạp. Đọc thêm: Tháng nào có chiếu vua ra?
-
- Sao đang
- Sao nỡ đành.
-
- Thi lễ
- Kinh Thi và kinh Lễ, dùng để chỉ sự nền nếp, gia giáo thời phong kiến.
-
- Mĩ mạo
- Mặt đẹp (từ Hán-Việt).
-
- Đa mang
- Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.
Thôi em chả dám đa mang nữa
Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng
(Xuân tha hương - Nguyễn Bính)
-
- Màng
- Mơ tưởng, ao ước, thèm muốn (từ cổ).
-
- Kỳ ngộ
- Gặp gỡ một cách may mắn kỳ lạ (từ Hán Việt).
-
- Tương phùng
- Gặp nhau (từ Hán Việt).
-
- Tư Mã Tương Như
- Tự là Tràng Khanh, người ở Thành Ðô, đời vua Cảnh Ðế nhà Hán. Ông là một người đa tài, văn hay đàn giỏi, được phong làm quan nhưng sau đó sinh chán nên cáo bệnh từ quan. Khi ông đến nhà Trác Vương Tôn chơi, Trác Vương Tôn yêu cầu ông cho đàn một bài. Biết Trác Vương Tôn có người con gái rất đẹp tên là Văn Quân, còn trẻ mà sớm goá chồng, thích nghe đàn nên Tương Như sinh lòng yêu mến, nhân đó định trêu nàng nên vừa đàn vừa hát khúc Phượng cầu hoàng. Trác Văn Quân đứng nép bên trong nghe tiếng đàn thì lòng cảm thấy bồi hồi, sau bỏ nhà đi theo Tương Như.
Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh
(Truyện Kiều)
-
- Phượng cầu hoàng
- Nghĩa là "chim phượng trống tìm chim phượng mái," một khúc đàn được Tư Mã Tương Như gảy để tỏ tình với Trác Văn Quân. Ðây là một khúc đàn tình tứ lãng mạn:
Phượng hề phượng hề quy cố hương
Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng
Thời vị ngô hề vô sở tương
Hữu diện thục nữ tại khuê phường
Thất nhĩ ngân hà, sầu ngã trường
Hà duyên giao cảnh vi uyên ương
Tương hiệt ương hề cộng cao tườngTrong Bích Câu Kỳ ngộ có câu:
Cầu hoàng tay lựa nên vần
Tương Như lòng ấy Văn Quân lòng nào
-
- Trác Văn Quân
- Con gái của Trác Vương Tôn, người ở đất Lâm Cùng, đời Tây Hán trong lịch sử Trung Quốc. Nàng là người con gái rất đẹp mà sớm goá chồng, thích nghe đàn. Khi nghe Tương Như vừa đàn vừa hát khúc Phượng cầu hoàng nàng đã đem lòng say mê rồi quyết bỏ nhà đi theo Tương Như.
Như chuyện Tương Như và Trác thị,
Đưa nhau về ở đất Lâm Cùng
Vườn xuân trắng xóa hoa cam rụng
Tôi với em Nhi kết vợ chồng
(Hoa với rượu - Nguyễn Bính)
-
- Luống
- Từ dùng để biểu thị mức độ nhiều, diễn ra liên tục, không dứt.
Vì lòng anh luống âm thầm tha thiết
Gán đời mình trọn kiếp với Dê Sao
(Nỗi lòng Tô Vũ - Bùi Giáng)
-
- Duyên nợ
- Theo giáo lí nhân quả của nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên (nhân duyên), và nên nghĩa vợ chồng để trả nợ từ kiếp trước.
-
- Ba sinh
- Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.
Ví chăng duyên nợ ba sinh,
Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?
(Truyện Kiều)
-
- Đồng thau
- Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.