Tìm kiếm "nam mô"

  • Con gái bảy nghề

    Thì la thì lảy,
    Con gái bảy nghề,
    Ngồi lê là một,
    Dựa cột là hai,
    Theo trai là ba,
    Ăn quà là bốn,
    Trốn việc là năm,
    Hay nằm là sáu,
    Láu táu là bảy.

  • Ở đâu sáu tỉnh anh ơi

    Ở đâu sáu tỉnh anh ơi
    Sông nào chín cửa, nước chảy xuôi một nguồn
    Sông nào có nước trong luôn
    Núi nào có tiếng cả muôn dặm ngoài
    Con gì có cánh không bay
    Con gì không cẳng, chạy ngay trăm rừng
    Con gì giống chó có sừng
    Anh mà đáp được, em cùng theo anh
    – Nam Kỳ sáu tỉnh em ơi
    Sông Cửu Long chín cửa, nước chảy xuôi một nguồn
    Sông Đồng Nai nước sạch trong luôn
    Núi Thất Sơn danh tiếng cả muôn dặm ngoài
    Con gà có cánh không bay
    Con rắn không cẳng, chạy ngay trăm rừng
    Con dê giống chó có sừng
    Anh đà đáp được, em cùng theo anh

  • Hôm qua anh đến chơi nhà

    Hôm qua anh đến chơi nhà,
    Thấy mẹ nằm võng, thấy cha nằm giường
    Thấy em nằm đất anh thương,
    Anh ra Kẻ Chợ đóng giường kim phong
    Giường anh kim phong
    Bốn bên bịt bạc
    Anh hỏi thật lòng
    Có lấy anh không
    Để anh mua nón thượng quai thâm
    Về cho mà đội
    Anh mà nói dối
    Đã có quỷ thần
    Một trăm việc mần
    Anh chăm lo cả

  • Vè kẹo kéo Sa Đéc

    Vè vẻ ve ve
    Nghe vè kẹo kéo
    Mần thiệt là khéo
    Ai thấy cũng thèm
    Ai thấy cũng khen
    Rằng kẹo Sa Đéc
    Người nào chưa biết
    Quảng cáo là mua
    Cô bác ông bà
    Xin mời ăn thử
    Ngon hay là dở
    Cứ việc chê khen
    Có bán có thêm
    Đồng xu một miếng
    Ai trả hai tiếng
    Sáu miếng năm xu
    Ai trả lu bù
    Thì tui không bán

  • Cái cò là cái cò kì

    Cái cò là cái cò kì
    Ăn cơm nhà dì uống nước nhà cô.
    Đêm nằm thì ngáy o o
    Chưa đi đến chợ đã lo ăn quà
    Hàng bánh hàng bún bày ra
    Củ từ khoai nước cùng là cháo kê
    Ăn rồi cắp đít ra về
    Thấy hàng chả chó lại lê trôn vào
    Chả này bà bán làm sao?
    Ba đồng một gắp lẽ nào không mua
    Nói dối rằng mua cho chồng
    Đến giữa quãng đồng ngả nón ra ăn
    Ăn rồi xúc miệng xỉa răng
    Về nhà đau quặn đau quăn dạ này
    Đem tiền đi bói ông thầy
    Bói ra quẻ này những chả cùng nem
    Cô nàng nói dối đã quen
    Nào tôi ăn chả, ăn nem bao giờ?

    Dị bản

    • Con cò là con cò kì
      Ăn cơm nhà dì, uống nước nhà cô
      Về sau lấy cháu ông đồ
      Thầy mẹ thách cưới ba bồ khoai lang
      Một bồ thì để phần làng
      Hai bồ thì để họ hàng ăn cheo.

  • Mẹ cha công đức sinh thành

    Mẹ cha công đức sinh thành
    Ra trường thầy dạy, học hành cho hay
    Muốn khôn thì phải có thầy
    Không thầy dạy dỗ, đố mày làm nên
    Mười năm luyện tập sách đèn
    Công danh gặp bước chớ quên ơn thầy
    Yêu kính thầy mới làm thầy
    Những phường bội bạc sau này ra chi

  • Nhớ lời quan Trạng ngày xưa

    Nhớ lời quan Trạng ngày xưa
    Sấm ngài để lại tính vừa tới nay
    Năm Dậu nó kéo sang đây
    Vua về thượng giới thì Tây chiếm thành
    Ngả lim ra để làm hoành
    Đắp đường phá đá tan tành ruộng nương
    Bao nhiêu bờ bụi phát quang
    Thuê người gánh đá dọn đường cho yên
    Nhật công nó lại phạt tiền
    Thế gian ai được nằm yên ở nhà
    Đàn ông cho ý đàn bà
    Bao nhiêu trai gái trẻ già đều đi
    Bởi chưng vua nước đang suy
    Mới không vượt dậy mà đi chiếm thành

  • Em là con gái nhu mì

    Em là con gái nhu mì
    Làng trên xã dưới ai bì được nao
    Liếc mắt trông lên thấy cặp má đào
    Mắt rồng mắt phượng ai trông vào chả say
    Say em một bộ lông mày
    Ngón tay tháp bút tóc mây xanh rờn
    Say em say cả bàn chân
    Gót hồng da trắng mười phân vẹn mười
    Say em câu nói tiếng cười
    Say em nét đứng say nơi em nằm
    Khen ai sinh trúc sinh trầm
    Mà xinh lúc đứng lúc nằm cũng xinh

  • Anh Hai chừng độ đôi mươi

    Anh Hai chừng độ đôi mươi
    Em trông có sắc có tài em yêu
    Anh Ba như tấm nhiễu điều
    Đẹp duyên lắm lắm, nhưng trời không xe
    Anh Tư nay ở mai về
    Ước gì em được lên quê chuyến này
    Anh Năm ở lại năm sau
    Rồi ra sum họp với nhau một nhà
    Anh Sáu nói rồi không lại hoàn không
    Rồi ra em biết chốn này là đâu

  • Tháng giêng là gió hây hây

    Tháng giêng là gió hây hây
    Tháng hai gió mát, trăng bay vào đền
    Tháng ba gió đưa nước lên
    Tháng tư gió đánh cho mềm ngọn cây
    Tháng năm là tiết gió tây
    Tháng sáu gió mát cấy cày tính sao
    Tháng bảy gió lọt song đào
    Tháng tám là tháng tạt vào hôm mai
    Tháng chín là tháng gió ngoài
    Tháng mười là tháng heo may rải đồng
    Tháng một gió về mùa đông
    Tháng chạp gió lạnh gió lùng, chàng ơi
    Mười hai tháng gió tôi đã họa rồi
    Mưa đâu, chàng họa một bài cùng nghe!

  • Đàn bà sao quá vô duyên

    – Đàn bà sao quá vô duyên
    Mặc quần thủng đáy hớ hênh kia kìa
    – Có gì đâu mà kia nọ, nọ kia
    Chẳng qua vô ý mới chìa nó ra
    Nó cho tôi làm mẹ, anh làm cha
    Giữ dòng, giữ giống quốc gia hùng cường
    Anh từng đi tám hướng, mười phương
    Vào Nam ra Bắc, hội Nõ Nường xem chưa?

  • Khi khóc dai ngồi dỗ

    Khi khóc dai ngồi dỗ
    Khi ngứa ngáy ngồi xoa
    Trông tháng trọn ngày qua
    Trông từng li từng tí
    Khi bữa ăn đương dở
    Con tiểu giải lên mình
    Ai nấy cũng đều kinh
    Cha mẹ ngồi chịu vậy
    Kể trong nhà đói khổ
    Trời giá rét căm căm
    Nơi ướt để mẹ nằm
    Nơi khô xê con lại
    Suốt đêm ngày mong mỏi
    Con khôn lớn mai sau
    Nghĩa khó nhọc bấy lâu
    Công giữ gìn chăm sóc

  • Chữ rằng “Thiên võng khôi khôi”

    – Chữ rằng “Thiên võng khôi khôi
    Sơ nhi bất lậu” lưới trời bủa giăng
    Xa xôi chưa kịp nói năng
    Từ qua đến bậu như trăng xế chiều
    Thân em như tấm lụa điều
    Phất phơ trước chợ nhiều điều đáng thương
    Dốc lòng trồng cửu lý hương
    Ba năm hai lá, người thương giã đầu

  • Bài thơ thuốc lào

    Người Việt Nam phải lấy thuốc lào làm quốc tuý
    Còn thú vị nào hơn thú vị yên vân!
    Từ vua, quan, đến hạng bình dân,
    Ai là chẳng bạn thân với điếu
    Từ ông thừa, trở lên cụ thiếu,
    Đi ngoài đường, phi điếu bất thành quan.
    Ngồi công đường, vin xe trúc nghênh ngang,
    Hút mồi thuốc, óc nhà quan thêm sáng suốt.
    Nhà thi sĩ gọt câu văn cho chuốt,
    Tất phải nhờ điếu thuốc gọi hồn thơ.
    Lại những khi óc mỏi, mắt mờ,
    Nhờ điếu thuốc mới có cơ tỉnh tớm
    Dân thuyền thợ thức khuya, dậy sớm,
    Phải cần dùng điếu đóm làm vui.
    Khi nhọc nhằn lau trán đẫm mồ hôi,
    Vớ lấy điếu, kéo một hơi thời cũng khoái.
    Dân cày cấy mưa dầm, nắng dãi,
    Bạn tâm giao với cái điếu cày.
    Lúc nghỉ ngơi, ngồi dưới bóng cây,
    Rít mồi thuốc, say ngây say ngất.
    Rồi ngả lưng trên đám cỏ tươi xanh ngắt,
    Dễ thiu thiu một giấc êm đềm.
    Bạn nhà binh canh gác thâu đêm,
    Nhờ điếu thuốc mới khỏi lim dim ngủ gật.
    Nội các thức say sưa nghiện ngập,
    Ngẫm mà coi, thú nhất thuốc lào.
    Nghiện thuốc lào là cái nghiện thanh tao,
    Chẳng hại tiền của, mà chẳng hao sĩ diện.
    Chốn phòng khách, anh em khi hội kiến,
    Có thuốc lào câu chuyện mới thêm duyên.
    Khi lòng ta tư lự không yên,
    Hút mồi thuốc cũng giải phiền đôi chút.
    Nghe tiếng điếu kêu giòn, nhìn khói bay nghi ngút,
    Nỗi lo buồn theo khói vút thăng thiên.
    Cái điếu cùng ta là bạn chí hiền,
    Từ thiên cổ tơ duyên chặt kết.
    Cũng có kẻ muốn dứt tình khăng khít,
    Vùi điếu đi cho hết đa mang.
    Nhưng nỗi nhớ nhung bứt rứt tấm gan vàng,
    Chút nghĩa cũ lại đa mang chi tận tuỵ.
    Cho nên bảo điếu thuốc lào là quốc tuý,
    Thật là lời chí lý không ngoa.
    Thuốc lào, ta hút điếu ta,
    Điếu ta thọ với sơn hà muôn năm…

  • Chữ thiên là trời, trời cao lồng lộng

    Chữ thiên là trời, trời cao lồng lộng
    Chữ địa là đất, đất rộng mênh mông
    Chữ hà là sông, sông dài lai láng
    Em hỏi anh rày quê quán ở đâu?
    – Chữ thiên là trời, trời cao lồng lộng.
    Chữ địa là đất, đất rộng thinh thinh
    Nói ra sợ bạn buồn tình
    Đêm nằm lụy nhỏ như bình nước nghiêng

  • Em thấy anh tương tư bệnh chắc

    Em thấy anh tương tư bệnh chắc,
    em rước ông thầy thuốc Bắc,
    em sắc hai chục chén còn lại một phân,
    bỏ thêm một lát gừng sống,
    một đống gừng lùi,
    một nùi chuối hột,
    một hộp đương quy,
    một ky trái táo,
    năm sáu chục trái cà na,
    thần sa một lượng,
    khoai sượng một chục,
    măng cụt một trăm,
    rau răm một đám,
    cám một bao,
    con gái lao rao mười hai đứa,
    sứa lửa vài trăm,
    lại thêm huỳnh liên, huỳnh bá, huỳnh cầm.
    Uống ba thang mà anh không mạnh,
    thì em đào hầm chôn luôn!

     

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

    Gặp ba trò khiến hỏi ba trò

    – Gặp ba trò khiến hỏi ba trò
    Đường đi trên bụng có đò hay không?
    – Cao sơn lưỡng nhũ ở trên
    Tiểu khê có nước, muốn lên có sào
    Dang tay mở khóa động đào
    Nhứt can, trực nhật đến ao phụng hoàng
    Đường lên trên bụng có sào sang
    Cần chi đò dọc, đò ngang cho tốn tiền
    Nói ra thậm chí vô duyên
    Nằm ngửa bậu hỏi: “Nằm nghiêng mấy đò?”

  • Vè rau

    Ve vẻ vè ve
    Nghe vè các rau
    Thứ ở hỗn hào
    Là rau ngành ngạnh
    Trong lòng không chánh
    Vốn thiệt tâm lang
    Đất rộng bò ngang
    Là rau muống biển
    Quan đòi thầy kiện
    Bình bát nấu canh
    Ăn hơi tanh tanh
    Là rau dấp cá
    Có ba không má
    Rau má mọc bờ
    Thò tay sợ dơ
    Nó là rau nhớt

  • Lặng nghe kể ngược

    Lặng nghe kể ngược
    Hươu đẻ dưới nước
    Cá ở trên núi
    Đựng phân bằng túi
    Đựng trầu bằng gơ
    Bể thì có bờ
    Ruộng thì lai láng
    Hàng xẩm thì sáng
    Tối mịt thì đèn
    Hũ miệng thì kèn
    Loa miệng thì lọ
    Cân cấn thì to
    Con voi bé tí

Chú thích

  1. Thì la, thì lảy
    Từ cũ chỉ bộ phận sinh dục nữ.
  2. Có bản chép: Thìa là, thìa lẩy. Hoặc: Chè la, chè lẩy.
  3. Ngồi lê
    Ngồi lê la, hết chỗ này tới chỗ khác.
  4. Dựa cột
    Ngồi dựa vào cây cột để nghỉ ngơi.
  5. Có bản chép: Ăn quà là ba, Kêu ca là bốn.
  6. Láu táu
    Hấp tấp, lanh chanh.
  7. Nam Kỳ lục tỉnh
    Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:

    1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
    2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
    3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
    4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
    5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
    6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

  8. Cửu Long
    Tên một con sông lớn ở miền Tây Nam Bộ. Gọi là Cửu Long (chín rồng) vì sông đổ ra biển bằng chín cửa: Định An, Ba Thắc, Tranh Đề, Tiểu, Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu và Ba Lai.
  9. Sông Đồng Nai
    Con sông dài nhất chảy trên lãnh thổ nước ta, chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Trước đây sông có tên là Phước Long, đặt tên theo phủ Phước Long (Biên Hòa - Thủ Dầu Một) hiện nay. Sông chảy qua thành phố Biên Hòa và đến Nhà Bè thì có thêm chi lưu là sông Sài Gòn.

    Một nhánh sông Đồng Nai

    Một nhánh sông Đồng Nai

  10. Thất Sơn
    Còn có tên là Bảy Núi, chỉ hệ thống 37 ngọn núi mọc giữa đồng bằng Tây Nam Bộ, nằm trong địa phận hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang. Bảy ngọn núi tiêu biểu được dùng để gọi tên cả dãy Thất Sơn bao gồm: Núi Cấm, Núi Dài Năm Giếng, Núi Cô Tô, Núi Phụng Hoàng, Núi Dài, Núi Tượng, Núi Két, Núi Nước. Hiện nay chưa rõ vì sao tên Bảy Núi lại được dùng.
  11. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  12. Kẻ chợ
    Kinh đô (từ cũ). Khi dùng như danh từ riêng, Kẻ Chợ là tên gọi dân gian của kinh thành Thăng Long xưa.
  13. Kim phong
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Kim phong, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  14. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  15. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  16. Kẹo kéo
    Một loại kẹo làm từ mật mía hoặc đường, trong có nhân đậu phộng. Kẹo kéo dẻo, được cuộn lại thành kẹo to và dài như cánh tay, bọc vải sạch hoặc nylon, khi ăn thì kéo ra một đoạn vừa phải (nên gọi là kẹo kéo). Kẹo kéo ngọt, thơm, rẻ, là một món quà vặt rất quen thuộc của trẻ em.

    Kẹo kéo

    Kẹo kéo

    Bán kẹo kéo

    Bán kẹo kéo

  17. Sa Đéc
    Địa danh nay là một thị xã của tỉnh Đồng Tháp. Trước khi chúa Nguyễn khai phá miền đất phía Nam, Sa Đéc thuộc đất Tầm Phong Long của Thủy Chân Lạp, với tên gọi nguyên gốc là Phsar Dek. Nhiều người cho rằng Sa Đéc theo tiếng Khmer nghĩa là "chợ sắt." Tuy nhiên Sơn Nam và nhiều nhà nghiên cứu khác không chắc chắn lắm với luận điểm này, lại có quan điểm cho rằng nguyên gốc tên gọi Phsar Dek là tên một vị thủy thần Khmer. Từ những ngày mới thành lập, vùng đất Sa Đéc đã nổi tiếng hưng thịnh.

    Làng hoa Sa Đéc

    Làng hoa Sa Đéc

  18. Có bản chép:

    Ăn rồi đau quặn đau quăn
    Chạy về cho kịp nằm lăn cả ngày.

  19. Có bản chép: Ông thầy nói dối đã quen.
  20. Nguyễn Bỉnh Khiêm
    (1491–1585) Tên huý là Nguyễn Văn Đạt, tên tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân cư sĩ, được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử, một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa nước ta trong thế kỷ 16. Ông đỗ Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535), làm quan dưới triều Mạc, được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi thăng tới Trình Quốc Công (nên dân gian gọi là trạng Trình). Ông được coi là tác giả của nhiều câu thơ có tính chất tiên tri (sấm kí) lưu hành trong dân gian, gọi chung là sấm Trạng Trình.

    Tượng đài trạng Trình

    Tượng đài trạng Trình

  21. Ngày mồng 7 tháng 4 năm Giáp Thân (tức 1 tháng 5 năm 1884), vua Kiến Phúc lâm bệnh qua đời, ở ngôi được hơn 6 tháng. Em ông là Nguyễn Phúc Ưng Lịch lên ngôi, tức là vua Hàm Nghi. Tháng 5 năm 1885 (Ất Dậu), trận Kinh thành Huế nổ ra, quân nhà Nguyễn dưới sự chỉ Huy của Tôn Thất Thuyết thất bại nặng nề. Quân Pháp chiếm được thành; vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết phải bỏ thành chạy ra Tân Sở (Quảng Trị) và phát động phong trào Cần Vương.
  22. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  23. Hoành
    Tấm biển, tấm hoành, đồ treo ngang (Đại Nam quấc âm tự vị).
  24. Nhật công
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nhật công, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  25. Bởi chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  26. Mắt phượng
    Đôi mắt đẹp, to, dài, và hơi xếch lên như mắt phượng hoàng.
  27. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  28. Trầm hương
    Phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó mọc nhiều trong những cánh rừng già của nước ta.

    Gỗ có trầm hương

    Gỗ có trầm hương

  29. Nhiễu điều
    Tấm nhiễu màu đỏ, dùng phủ lên những đồ vật quý để trang trí và che bụi.
  30. Song đào
    Cửa sổ làm bằng gỗ xoan đào.
  31. Heo may
    Một loại gió nhẹ, hơi lạnh và khô, thường thổi vào mùa thu.

    Chỉ còn anh và em
    Cùng tình yêu ở lại…
    - Kìa bao người yêu mới
    Đi qua cùng heo may.

    (Thơ tình cuối mùa thu - Xuân Quỳnh)

  32. Hội Nõ Nường
    Còn gọi là lễ hội Trò Trám, diễn ra vào đêm 11 và ngày 12 tháng Giêng Âm lịch hàng năm ở xóm Trám, xã Tứ Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Lễ hội Trò Trám là lễ hội phồn thực của người Việt cổ nhằm tôn vinh sức sống con người, cầu cho mùa màng tươi tốt, mọi vật sinh sôi nảy nở. Lễ hội này gồm ba phần chính:

    1. Lễ mật tắt đèn hay lễ hội "Linh tinh tình phộc," diễn ra tại Miếu Trò vào đêm ngày 11 tháng Giêng. Chủ tế đưa cho người con trai một vật bằng gỗ gọi là Nõ (tượng trưng cho sinh khí thực nam) và người con gái một vật hình mui rùa gọi là Nường (tượng trưng cho sinh thực khí nữ). Sau đó, đèn đóm được tắt hết, người chủ tế sẽ hô ba lần câu "Linh tinh tình phộc". Cứ sau mỗi câu hô, đôi trai gái phải rướn người lên, giơ cao dùi gỗ, mui rùa để miệng há rồi chọc mạnh vào nhau. Nếu cả ba lần đều đâm trúng thì đó là điềm lành báo trước một năm mùa màng tốt tươi, gặp nhiều may mắn thuận lợi.

    2. Lễ rước lúa thần được tổ chức vào sáng 12 tháng Giêng. Lúa thần là những bông lúa thật to, thật mẩy, lá lúa được tượng trưng bằng lá mía được đặt trên hương án kiệu, giữa cắm một gióng mía to, róc vỏ. Lễ hội này ngoài mục đích cầu mong cho mùa màng tươi tốt còn là dịp để tỏ lòng biết ơn của dân làng đối với các vua Hùng - những người đã dạy cho người dân nghề trồng lúa

    3. Hội trình nghề Tứ dân chi nghiệp, còn có tên gọi khác là "Bách nghệ khôi hài," bao gồm những màn kịch dân gian vui nhộn khắc họa bốn nghề chính trong đời sống (sĩ, nông, công, thương) do chính những người nông dân tham gia trình diễn các vai: thợ cày, thợ cấy, thợ mộc, người chăn tằm, dệt vải, thầy đồ, thầy thuốc, thầy cúng, người đi buôn, đi câu, bắt cá… với những động tác, ngôn ngữ gây cười cho người xem.>

    Linh tinh tình phộc

    Linh tinh tình phộc

  33. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Bạch Huê.
  34. Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu
    Lưới trời lồng lộng, thưa mà không lọt.
  35. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  36. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  37. Cửu lý hương
    Tên chung của một số loài cây có mùi thơm rất mạnh, thường được trồng vừa làm cây cảnh vừa làm thuốc.

    Một loài cửu lý hương

    Một loài cửu lý hương

  38. Khác thể
    Chẳng khác nào, giống như.
  39. Xếp bè he
    Ngồi bệt và bó gối.
  40. Ghè
    Đồ đựng (nước, rượu, lúa gạo) làm bằng đất hoặc sành sứ, sau này thì có làm bằng xi măng.

    Cái ghè

    Cái ghè

  41. Thuốc lào
    Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữĐồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.

    Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

  42. Quốc túy
    Cái đặc sắc về tinh thần hoặc vật chất của một dân tộc.
  43. Yên vân
    Khói (yên) mây (vân).
  44. Thừa
    Một chức vụ nhỏ trong các nha phủ dưới thời phong kiến.
  45. Phi điếu bất thành quan: Không có điếu (cày) không thể thành quan.
  46. Đa mang
    Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.

    Thôi em chả dám đa mang nữa
    Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng

    (Xuân tha hương - Nguyễn Bính)

  47. Sơn hà
    Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Lý Thường Kiệt)

    Dịch thơ:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

  48. Thiên
    Trời (từ Hán-Việt).
  49. Địa
    Đất (từ Hán-Việt).
  50. Sông (từ Hán Việt).
  51. Lai láng
    Tràn đầy khắp nơi như đâu cũng có. Từ này cũng được dùng để chỉ trạng thái tình cảm chứa chan, tràn ngập.

    Lòng thơ lai láng bồi hồi,
    Gốc cây lại vạch một bài cổ thi.

    (Truyện Kiều)

  52. Thinh thinh
    Thênh thênh (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  53. Thuốc bắc
    Tên chung của các loại thuốc được sử dụng trong y học cổ truyền của Trung Quốc, phân biệt với thuốc nam là thuốc theo y học cổ truyền Việt Nam. Các vị trong thuốc bắc có nguồn gốc từ thực vật (vỏ, rễ, lá cây...), động vật (sừng, xương, da lông...) và khoáng chất (hoàng thổ, thạch tín ...) được chia thành thang, luộc trong nước (gọi là sắc thuốc) trước khi uống.

    Một số vị thuốc bắc

    Một số vị thuốc bắc

  54. Sắc thuốc
    Sắc nghĩa là làm cho keo, đậm lại. Sắc thuốc là đun thuốc Bắc hoặc thuốc Nam với lượng nước lúc đầu khoảng ba chén, sau khi sôi thật lâu để thuốc ra hết chất và nước chỉ còn khoảng một chén, vừa uống.
  55. Lùi
    Nướng bằng cách ủ (khoai, mía, bắp...) vào tro nóng cho chín.
  56. Chuối hột
    Một loại chuối dại bản địa của vùng Đông Nam Á, quả có nhiều hạt, là một trong những tổ tiên của các loại chuối hiện đại. Ở ta, chuối hột non (chuối chát) được chế biến thành nhiều món ăn phong phú, ngoài ra chuối hột còn được dùng làm vị thuốc.

    Chuối chát (Chuối hột non)

    Chuối chát (Chuối hột non)

  57. Đương quy
    Tên một loại cây thân thảo, cho rễ sấy khô là một vị thuốc Bắc có tác dụng chữa các chứng đau đầu, đau lưng do thiếu máu.

    Đương quy

    Đương quy

  58. Ki
    Một loại giỏ đan bằng nan tre (tương tự như cần xé) thường gặp ở Trung và Nam Bộ, dùng để đựng trái cây, nông sản.
  59. Trám
    Người Nam Bộ gọi là cà na từ cách phát âm của người Triều Châu, âm Hán Việt là cảm lãm, một loại cây thân gỗ thường đươc trồng để lấy gỗ và nhựa. Quả trám căng tròn màu xanh nhạt, dài hơn một lóng tay, vị chua chua hơi chát, dùng kho cá hoặc muối dưa.

    Trái cà na

    Trái trám

  60. Chu sa
    Thể bột được gọi là chu sa, thể cục gọi là thần sa, một loại khoáng thạch có màu đỏ (chu sa có nghĩa là cát đỏ) được dùng trong Đông y, có tác dụng an thần.

    Thần sa

    Thần sa

  61. Măng cụt
    Một loại cây nhiệt đới cho quả khi chín có màu tím đậm, vỏ dày, ruột trắng ngà và chia thành nhiều múi có vị chua ngọt rất thơm ngon, ngày xưa còn được dùng để tiến vua. Tên gọi này bắt nguồn từ tiếng Thái-Khmer mangkut.

    Quả măng cụt

    Quả măng cụt

  62. Rau răm
    Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.

    Rau răm

    Rau răm

  63. Sứa lửa
    Một loại sứa có màu hồng nhạt, trong xúc tu có nhiều tế bào gai chứa chất độc có thể gây nguy hiểm cho người nếu chạm phải.
  64. Huỳnh liên
    Còn có tên là so đo bông vàng, một loại cây cao từ 2-4m, có hoa to màu vàng tươi, rễ được dùng làm thuốc.

    Huỳnh liên

    Huỳnh liên

  65. Gáo vàng
    Còn gọi là cây huỳnh bá, một loại cây lớn, gỗ màu vàng, mọc nhiều ở các kênh rạch miền Tây Nam Bộ. Trái gáo có vị hơi chua, thường ăn với muối ớt. Gỗ được dùng để làm sàn và vách nhà. Vỏ cây được dùng để trị tiêu chảy, kiết lị, làm thuốc bổ.

    Gáo vàng

    Gáo vàng

  66. Hoàng cầm
    Cũng gọi là huỳnh cầm, một loại cây nhỏ, lá nhọn, rễ sắc vàng, dùng làm thuốc hạ huyết áp, kháng sinh, giảm sốt, lợi tiểu...

    Xuyên hoàng cầm

    Xuyên hoàng cầm

  67. Thang thuốc
    Một gói gồm các vị thuốc có một tác dụng chung nào đó (trị bệnh, bồi bổ cơ thể...). Một thang thuốc thường chia sắc uống làm hai lần hoặc ba lần, tùy đơn kê của thầy thuốc.
  68. Cao sơn
    Hòn núi cao.
  69. Tiểu khê
    Khe nước nhỏ.

    Tà tà bóng ngả về tây,
    Chị em thơ thẩn dan tay ra về.
    Bước dần theo ngọn tiểu khê,
    Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh

    (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

  70. Đào nguyên
    Nguồn đào, chỉ cõi tiên trong tác phẩm Đào hoa nguyên kí của Đào Tiềm, nhà thơ lớn đời Đông Tấn, Trung Quốc. Tóm tắt tác phẩm như sau: Vào khoảng triều Thái Nguyên đời Tấn, có một người đánh cá ở Vũ Lăng một hôm bơi thuyền thấy một đóa hoa đào trôi từ khe núi. Ông bèn chèo thuyền dọc theo khe núi, đi mãi rồi đến một thôn xóm dân cư đông đúc, đời sống thanh bình. Người đánh cá hỏi chuyện mới biết tổ tiên của họ vốn người nước Tần, nhưng do không chịu được chế độ hà khắc của Tần Thủy Hoàng nên bỏ lên sống ở đó, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Ở lại mấy ngày, rồi người ngư phủ tạm biệt ra về. Sau một thời gian, ông quay lại tìm chốn đào nguyên nhưng không thấy nữa.

    Đào nguyên cũng gọi là động đào.

    Tranh vẽ Đào nguyên

    Tranh vẽ Đào nguyên

  71. Nhứt can
    Một cây gậy.
  72. Trực nhật
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Trực nhật, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  73. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  74. Có bản chép: Ăn ở hỗn hào.
  75. Ngành ngạnh
    Một loại rau rừng thường được hái để ăn sống, có mùi vị thơm ngon, chua, chát.

    Đọt và lá ngành ngạnh

    Đọt và lá ngành ngạnh

  76. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  77. Muống biển
    Loài thực vật thuộc họ Bìm bìm, mọc ở phần trên các bãi biển. Muống biển là một trong các các loài thực vật chịu mặn phổ biến nhất, phân bố rộng rãi nhất và là một trong những ví dụ nổi bật nhất minh hoạ cho các loại cây có hạt trôi theo dòng nước.

    Hoa muống biển

    Hoa muống biển

  78. Bình bát
    Loại cây leo thuộc họ bầu bí, đọt, lá và quả đều làm rau ăn được, là loài rau phổ biến ở nông thôn miền Nam. Còn được gọi là rau bát, mảnh bát, mỏ quạ, bình bát dây (để phân biệt với cây bình bát thuộc họ mãng cầu). Rau bình bát dùng để trị ghẻ, hạt bình bát trị giun sán.

    Rau bình bát đang ra hoa

    Rau bình bát đang ra hoa

  79. Diếp cá
    Còn có tên là dấp cá, giấp cá, hay rau diếp, là một loại cây nhỏ được trồng để làm rau và làm thuốc. Rau diếp cá khi vò có mùi tanh như mùi cá (vì vậy có tên chữ Hán là ngư tinh thảo - cỏ tanh mùi cá), thường dùng ăn lá sống kèm với nhiều món như thịt nướng, chả giò bún, gỏi cuốn...

    Rau diếp cá

    Rau diếp cá

  80. Rau má
    Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.

    Rau má

  81. Rau đay
    Một loại rau chủ yếu dùng nấu canh (với cua, tôm tép), đôi khi với mồng tơi hoặc mướp. Rau đay khi nấu có nhiều nhớt, nên còn gọi là rau nhớt.

    Rau đay

    Rau đay

  82. Dụng cụ nhỏ đan bằng tre, mây để xúc đất.
  83. Xẩm
    Tối, mờ quáng.
  84. Cá hồng cam
    Cũng gọi là cá đòng đòng, đòng đong, cân cấn, một loại cá nhỏ màu vàng hay hồng nhạt, đến mùa sinh sản thì màu trở nên sậm hơn. Cá sống trong hồ và những nơi có dòng chảy mạnh, thường được nuôi làm cảnh.

    Cá Hồng cam

    Cá hồng cam