Tìm kiếm "hoá rồng"

Chú thích

  1. Hòn Hèo
    Tên một bán đảo thuộc địa phận huyện Ninh Hòa, cách thành phố Nha Trang khoảng 15 cây số. Hòn Hèo còn có tên gọi là Phước Hà Sơn do địa danh này là một quần thể có trên 10 ngọn núi lớn, nhỏ khác nhau, cao nhất là Hòn Hèo (cao 813m) nằm chính giữa. Theo dân gian, trên đỉnh Phước Hà Sơn có rất nhiều cây hèo, nên gọi là Hòn Hèo.

    Hiện nay Hòn Hèo là một địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Khánh Hòa.

    Phong cảnh Hòn Hèo

    Phong cảnh Hòn Hèo

  2. Đất Đỏ
    Vùng cao nguyên đất đỏ badan thuộc huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà. Ở đây nổi tiếng có giống heo thịt rất ngon, thường được dùng làm nem Ninh Hoà, một đặc sản của tỉnh Khánh Hoà.

    Nem Ninh Hoà

    Nem Ninh Hoà

  3. Đồng Cọ
    Vùng núi nay thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Ở đây có kiểu mưa địa hình rất đặc biệt: đang nắng có thể mưa to ngay được, có khi mưa rách lá chuối đầu làng, nhưng cuối làng vẫn khô ráo, gọi là mưa Đồng Cọ.
  4. Tu Bông
    Một địa danh thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Tại đây có núi Hoa Sơn, còn gọi là Tô Sơn, sau đọc trại ra thành Tu Hoa, rồi Tu Bông. Tại đây nổi tiếng nhiều gió nên còn có tên là Tụ Phong Xứ (nơi tụ gió). Vùng đất này ngày xưa cũng nổi tiếng có nhiều trầm hương.
  5. Ổ Gà
    Một ngọn núi có tên chữ là Phúc Như, nay thuộc xã Ninh Ðông, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, cách huyện lị Ninh Hòa khoảng 3 km về phía Bắc, dọc theo tuyến đường sắt Bắc Nam. Ngày xưa, nơi đây cây cối rậm rạp, cọp beo lui tới rất nhiều, thường gây tai họa cho dân và khách qua đường. Trên núi có một miếu thờ gọi là miếu Ông Hổ, ngày nay vẫn còn.
  6. Đồng Lớn
    Còn có tên là Đại Đồng, một hòn núi gần núi Đồng Cọ, nay thuộc xã Diên Phước, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Theo Đại Nam nhất thống chí, vùng này xưa kia là chiến trường có nhiều người chết, oan khí không tan, kết thành ma, hay quấy phá mọi người, ít ai dám qua lại một mình.
  7. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  8. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  9. Cà muối xổi
    Món ăn dân dã, thành phần gồm cà pháo trộn đều với muối, nước cốt chanh, riềng, tỏi, ớt, ướp trong khoảng 30 phút là dùng được.

    Cà muối xổi

    Cà muối xổi

  10. Võng đào
    Võng bằng vải màu đỏ tươi, dành cho người có chức tước, địa vị.
  11. Rau cần
    Một loại rau xanh thường được nhân dân ta trồng để nấu canh, xào với thịt bò, hoặc làm vị thuốc.

    Canh cá nấu cần

    Canh cá nấu cần

  12. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  13. Có bản chép: xứ Huế.
  14. Có bản chép: Yêu.
  15. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  16. Truông nhà Hồ
    Một địa danh nằm giữa xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị và xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Từ nhà Hồ ngày xưa dùng chỉ đất của người Hồ (tức Chiêm Thành cũ). Theo Giáo sư Tôn Thất Bình, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian miền Trung Việt Nam, thì xưa kia đây là một vùng đất rộng bạt ngàn, cây cối um tùm, là sào huyệt của một băng cướp rất nguy hiểm, ai đi qua cũng thường bị chúng bắt bớ, giết chóc.

    Sau này truông Nhà Hồ còn là nơi trú ngụ của các nghĩa sĩ Cần Vương đi theo vua Hàm Nghi và quan đại thần Tôn Thất Thuyết chống thực dân Pháp.

  17. Phá Tam Giang
    Tên một cái phá nay thuộc địa phận của ba huyện là Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế. Phá Tam Giang có khúc cạn khúc sâu bất thường nên việc đi lại rất khó khăn nguy hiểm.

    Ngày nay phá Tam Giang là một hệ sinh thái rộng 52 km², cung cấp hàng nghìn tấn hải sản hàng năm, đồng thời cũng là một địa điểm du lịch khá nổi tiếng của Huế.

    Phá Tam Giang

    Phá Tam Giang

  18. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  19. Nguyễn Khoa Đăng
    (1691 - 1725) Một đại thần thời Chúa Minh (Nguyễn Phúc Chu). Ông là người thông minh mưu lược, cương trực thẳng thắn, có tài xử kiện, làm quan đến chức Nội Tán kiêm Án Sát Sứ, nên nhân dân gọi ông là quan Nội Tán. Tương truyền ông có công dẹp yên giặc cướp ở truông Nhà Hồ và trừ sóng dữ ở phá Tam Giang.
  20. Có bản chép: Cấm nghiêm.
  21. Quan san
    Cửa ải (quan) và núi non (san), cũng nói là quan sơn (từ Hán Việt). Trong văn chương, quan san thường được dùng để chỉ đường sá xa xôi, cách trở.

    Người lên ngựa, kẻ chia bào
    Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

    (Truyện Kiều)

  22. Tố nữ
    Người con gái đẹp. Tố nghĩa hẹp là màu trắng nõn, nghĩa rộng chỉ phẩm hạnh cao đẹp. Theo Thiều Chửu: Nói rộng ra phàm cái gì nhan sắc mộc mạc cũng gọi là tố cả.
  23. Mắt phượng
    Đôi mắt đẹp, to, dài, và hơi xếch lên như mắt phượng hoàng.
  24. Mày ngài
    Đôi lông mày thanh tú, dài và cong như râu con ngài (bướm). Hình ảnh mày ngài cũng được dùng để chỉ người con gái đẹp.
  25. Cá mại
    Loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, cỡ nhỏ bằng ngón tay cái, thân dẹp và ngắn.

    Cá mại nấu canh chua

    Cá mại nấu canh chua

  26. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  27. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  28. Bứt nhị hái hoa: nghĩa bóng chỉ nam nữ đã có quan hệ tình dục với nhau.
  29. Vàng mười
    Vàng nguyên chất.
  30. Mành mành
    Đồ dùng được làm từ tre, gỗ hoặc nhựa, thường được treo ở cửa chính hoặc cửa sổ nhà ở để che bớt ánh sáng.

    Mành mành

    Mành mành