Tìm kiếm "mặt"

Chú thích

  1. Nằm gai nếm mật
    Thành ngữ này có nguồn gốc từ câu Ngọa tân thưởng đảm, xuất phát từ một điển tích trong chiến tranh Ngô-Việt vào thời Xuân Thu của Trung Quốc. Việt vương Câu Tiễn bị Ngô vương Phù Sai bắt làm tù binh, phải chịu mọi điều khổ nhục, kể cả việc phải nếm phân của Phù Sai. Khi được thả về, ông thường nằm trên đệm gai, không ăn cao lương mĩ vị mà thường lấy tăm nhúng vào mật đắng nếm để luôn nhắc nhở mình không quên mối thù xưa. Sau hai mươi năm chuẩn bị lực lượng, Câu Tiễn đã phục thù, đánh lấy được Ngô.
  2. Mắt phượng
    Đôi mắt đẹp, to, dài, và hơi xếch lên như mắt phượng hoàng.
  3. Mày ngài
    Đôi lông mày thanh tú, dài và cong như râu con ngài (bướm). Hình ảnh mày ngài cũng được dùng để chỉ người con gái đẹp.
  4. Ăn mật trả gừng
    Ăn thứ ngon ngọt, trả thứ đắng cay. Ý nói được người đối đãi tử tế, lại đối xử với người không ra gì.
  5. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  6. Sao băng
    Hay sao sa, đường nhìn thấy của các thiên thạch và vẫn thạch khi chúng đi vào khí quyển Trái Đất (hoặc của các thiên thể khác có bầu khí quyển). Theo mê tín dân gian, sao băng thường báo điềm gở.

    Sao băng

    Sao băng

  7. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  8. Rỗ chằng
    Rất nhiều vết rỗ.
  9. Trực chỉ
    Nhắm thẳng đến (từ Hán Việt).
  10. Mo
    Phần vỏ ngoài của hoa dừa hay hoa cau. Khi hoa còn non chưa nở, mo màu xanh, hai cánh dạng thuyền úp lại che chở cho hoa bên trong. Mo tự tách ra khi hoa nở và khô dần đi khi cây đậu quả. Mo cau, mo dừa già sẽ tự rụng xuống hoặc được người trồng giật xuống khi thu hái quả. Mo cau mềm mại, dẻo dai, được dân ta sử dụng để gói giò (chả) và nhất là gói cơm nắm mang theo khi làm đồng làm rẫy. Cơm nắm mo cau là một hình ảnh quen thuộc và thân thương với người nông dân nước ta.

    Mo cau

    Mo cau

    Cơm nắm gói trong mo cau.

    Cơm nắm gói trong mo cau.

  11. Mật mỡ đỡ đứa vụng
    Dụng cụ, nguyên liệu đầy đủ thì dù vụng về cũng làm nên.
  12. Đồng thau
    Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.

    Vòng tay làm bằng đồng thau

    Vòng tay làm bằng đồng thau

  13. Mạt cưa
    Vụn gỗ do cưa xẻ làm rơi ra.

    Mạt cưa

    Mạt cưa

  14. Rấm
    Giữ lửa ở bếp cho khỏi tắt.
  15. Dăm bào
    Vụn gỗ mỏng thải ra khi bào gỗ. Nhân dân ta thường chỉ dùng dăm bào để đốt lửa, lót chuồng, hoặc làm phân bón. Ngày nay dăm bào được mua với khối lượng lớn để xuất khẩu.

    Dăm bào

    Dăm bào

  16. Nỏ
    Khô ráo.
  17. Rơm
    Các loại cây lúa hoặc các loại cỏ, cây hoa màu khác sau khi thu hoạch phần hạt, phần thân và lá được đem đi cắt, sấy khô (phơi nắng) và được lưu trữ để sử dụng làm thức ăn cho gia súc. Ngoài ra rơm còn được sử dụng để thổi lửa, đun nấu rất tốt. Bên cạnh đó, rơm còn là nguyên liệu quan trọng để nuôi trồng nấm rơm (một loài nấm chuyên mọc trên rơm).

    Một ụ rơm

    Một ụ rơm

  18. Trầm hương
    Phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó mọc nhiều trong những cánh rừng già của nước ta.

    Gỗ có trầm hương

    Gỗ có trầm hương

  19. Mướp đắng
    Miền Trung và miền Nam gọi là khổ qua (từ Hán Việt khổ: đắng, qua: dưa) hoặc ổ qua, một loại dây leo thuộc họ bầu bí, vỏ sần sùi, vị đắng, dùng làm thức ăn hoặc làm thuốc.

    Mướp đắng

    Mướp đắng

  20. Mắt xanh
    Do điển tích Thanh Bạch Nhãn, nghĩa là mắt xanh (đồng tử), tròng trắng. Nhà thơ Nguyễn Tịch, người đời Tấn, là người rất ưa rượu và đàn. Ông làm quan rồi cáo bệnh về nhà, kết bạn cùng Kê Khang, Lưu Linh, Nguyễn Hàn, Sơn Đào, Hướng Tú và Vương Nhung, người thường gọi là "Trúc lâm thất hiền" (bảy người hiền ở rừng trúc). Khi tiếp khách hễ là hạng quân tử, là hạng người vừa lòng mình thì Nguyễn Tịch nhìn thẳng bằng tròng mắt xanh; trái lại khách là kẻ tầm thường, người không vừa lòng mình thì ông nhìn bằng đôi tròng trắng. Do điển đó, sau này người ta dùng chữ "mắt xanh" để chỉ sự bằng lòng, vừa ý.

    Bấy lâu nghe tiếng má đào,
    Mắt xanh chẳng để ai vào có không?

    (Truyện Kiều)