Tìm kiếm "ba sanh"

Chú thích

  1. Mắm Nghệ
    Nước mắm làm ở Nghệ An (nổi tiếng với các làng làm nước mắm như Vạn Phần, Hải Đông, Phú Lợi...). Mắm Nghệ không có màu cánh gián như nước mắm Phú Quốc mà có màu sẫm đen, nhưng độ đạm thì rất cao, mùi vị cũng đặc trưng.
  2. Cử nhân
    Học vị cấp cho những người thi đỗ kì thi hương dưới thời phong kiến, trên tú tài. Người có học vị này thường được gọi là ông cử.
  3. Đây được cho là mấy câu hát sáo mời mọc sĩ tử của những cô hàng cơm ở Thăng Long ngày xưa mỗi khi ở đây tổ chức kì thi Hương. Các nhà trọ, hàng cơm thường tập trung ở gần trường thi, người trước gọi khu ấy là xóm học trò. Theo Doãn Kế Thiện trong Hà Nội cũ: "Xóm học trò ở vào chỗ nào? Cứ xem như tập Long thành tạp thoại thì di chỉ xóm ấy ở vào khoảng đầu vườn hoa Cửa Nam cho tới ngõ Hội Vũ bây giờ."

    Sĩ tử ăn cơm

    Sĩ tử ăn cơm

  4. Gàu sòng
    Thứ gàu có cán dài, treo vào một cái gạc ba chân, một người tát.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  5. Luồng
    Cũng gọi là mét, một giống tre có giá trị kinh tế cao, thường được dùng làm nhà, đóng bè mảng, đan lát, làm đũa, làm mĩ nghệ, làm than... Tre có thể bóc mỏng như kiểu bóc gỗ, măng rất ngon. Ở nước ta tre luồng chủ yếu có ở Thanh Hóa, nơi hiện nay có nghề trồng và thu mua tre luồng làm nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.

    Sản xuất than tre luồng

    Sản xuất than tre luồng

  6. Câu đố này dùng hiện tượng đồng âm “mét” và “méc.”
  7. Lý Thần phi
    Một phi tần của vua Tống Chân Tông đời nhà Tống, Trung Quốc. Trong truyền thuyết dân gian Trung Quốc, Lý Thần phi nổi tiếng với câu chuyện "Dùng ly miêu đánh tráo thái tử," theo đó khi bà sinh hạ thái tử thì Lưu Hoàng hậu cùng hoạn quan Quách Hòe đánh tráo thái tử bằng một con ly miêu (con lửng), nói rằng "Lý thị sinh hạ yêu nghiệt." Bà bị đuổi khỏi cung, lưu lạc mấy mươi năm, đến cuối đời mới gặp được Bao Công và được minh oan.
  8. Bao Công
    Tên thật là Bao Chửng, cũng gọi là Bao Thị Chế, Bao Hắc Tử, làm quan dưới thời Tống Nhân Tông, Trung Quốc. Ông nổi tiếng thanh liêm, nghiêm minh, được nhân dân suy tôn là Bao Thanh Thiên (trời xanh). Hình tượng Bao Công trong dân gian được khắc họa là một người mặt đen, trán có hình trăng lưỡi liềm, được nhiều người tài như Công Tôn Sách, Triển Chiêu, Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ theo phò tá. Tuy nhiên, đa số những chi tiết này không có thật trong lịch sử.

    Một hình vẽ Bao Công

    Một hình vẽ Bao Công

  9. Ra vời
    Ra khơi đánh bắt cá.
  10. Chợ Kỳ Lộ
    Phiên chợ vùng cao nay thuộc địa phận xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, nằm sát đường số 6 đi từ La Hai đến Phú Mỡ. Chợ họp mỗi tháng chín phiên, là trung tâm giao lưu trao đổi thổ sản giữa miền núi, đồng bằng và duyên hải.
  11. Cắm thẻ ruộng
    Cắm thẻ để nhận và xác định chủ quyền của một mảnh ruộng.
  12. Cắm nêu ruộng
    Cắm cây nêu để báo cho mọi người biết là ruộng đang bị tranh chấp hay bị thiếu thuế, không ai được mua lúa, gặt hái.
  13. Cơ trời đất
    Cơ nghĩa là "máy." Người xưa quan niệm trời đất là một cỗ máy, vì vậy có từ "thiên cơ" nghĩa là máy trời.
  14. Tang bồng
    Cung bằng gỗ dâu (tang) và tên bằng cỏ bồng. Theo Kinh Lễ, khi nhà vua sinh con trai, quan coi việc bắn sẽ lấy cung bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng, bắn bốn phát ra bốn hướng, một phát lên trời, một phát xuống đất, ngụ ý rằng người làm trai chí ở bốn phương, tung hoành trời đất, giúp nước giúp đời. Chí làm trai vì thế gọi là chí tang bồng.
  15. Thanh Hoa
    Tên cũ của tỉnh Thanh Hóa, bao gồm toàn bộ tỉnh Thanh Hóa ngày nay và một phần của tỉnh Ninh Bình.
  16. Đinh Công Tráng
    (1842 - 1887) Lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Ông quê làng Tráng Xá, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Khi Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, ông gia nhập đội quân của Hoàng Kế Viêm, rồi tham gia trận Cầu Giấy ngày 19/5/1883. Sau khi cuộc khởi nghĩa Ba Đình thất bại, ông rút về về Nghệ An, định gây dựng lại phong trào, nhưng không may hi sinh trong một trận đánh vào ngày 5/10/1887. Tướng Pháp Mason nhận định: "[Ông là] Người có trật tự, trọng kỉ luật, cương trực, hay nghiêm trị những thủ hạ quấy nhiễu dân; có chí nhẫn nại, biết mình biết người, không bao giờ hành binh cẩu thả, giỏi lập trận thế."
  17. Ý nhắc đến trận đánh năm Nhâm Ngọ (1882) của nghĩa quân của Đinh Công Tráng, trong đó nghĩa quân cướp được tới 50 khẩu súng.
  18. Nga Sơn
    Tên một huyện ở phía đông bắc tỉnh Thanh Hóa, nổi tiếng với cuộc khởi nghĩa Ba Đình và chiếu cói Nga Sơn.
  19. Thần công
    Vũ khí hạng nặng, sử dụng thuốc súng hoặc các nhiên liệu cháy nổ khác để đẩy một viên đạn đi xa. Có sức sát thương lớn, súng thần công thường dùng để chống bộ binh và phá thành.

    Súng thần công

    Súng thần công

  20. Xoan
    Xuân, trẻ (từ cổ).
  21. Mắm nêm
    Cũng gọi là mắm cái ở một số vùng, một loại mắm lên men từ cá, có nhiều ở miền Trung và miền Nam, dùng làm nước chấm trong các bữa ăn. Tùy theo phong tục từng vùng mà mắm nêm được pha với các loại gia vị khác nhau, thường là tỏi, ớt, thơm (dứa)...

    Mắm nêm Bình Thuận

    Mắm nêm Bình Thuận

  22. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  23. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.