Em có thương anh, anh mới dám đón ngăn
Em có thương anh, anh mới dám mở khăn ăn trầu
Thương nhau vì bởi miếng trầu
Em trao anh bắt, tận đầu ngón tay
Anh thương em, thương đắng thương cay
Thương da thương diết, thương ngày rày em biết không?
Tài gì uống rượu không nồng
Ngậm bồ hòn không biết đắng, dạ luống trông ưu phiền?
Tìm kiếm "đăng đó"
-
-
Ới anh ơi,
-
Kể từ đồn Nhứt kể vô
Kể từ đồn Nhứt kể vô,
Liên Chiểu, Thủy Tú, Nam Ô, xuống Hàn
Hà Thân, Quán Cái, Mân Quang
Miếu Bông, Cẩm Lệ là đàng vô ra
Ngó lên chợ Tổng bao xa
Bước qua Phú Thượng, Ðại La, Cồn Dầu
Cẩm Sa, chợ Vải, Câu Lâu
Ngó lên đường cái, thấy cầu Giáp Năm
Bây chừ, thiếp viếng, chàng thăm
Ở cho trọn nghĩa, cắn tăm nằm chờ. -
Chợ Hàng Dầu một tháng sáu phiên
Chợ Hàng Dầu một tháng sáu phiên
Gặp cô hàng xén kết duyên vừa rồi
Cái gánh hàng đây những quế cùng hồi
Có mẹt bồ kết, có nồi phèn chua
Bó hương thơm xếp để bên bồ
Trần bì, cam thảo, sài hồ, hoàng liên
Hàng em đáng giá bao nhiêu tiền?
Để ta xếp vốn ta liền buôn chung
Buôn chung, ta lại bán chung
Được bao nhiêu lãi, ta cùng chia nhau.Dị bản
-
Trên trời có ông sao Thần
-
Người về một đoạn xa xa
Người về một đoạn xa xa
Ta còn đứng giữa ngã ba chưa về
Nhìn trăng lại nhớ câu thề
Nhìn gương mà tưởng ngồi kề bên ai
Người về có nhớ khóm mai
Người về thoang thoảng hoa nhài còn đây
Gặp nhau không sợi không dây
Mà sao như buộc lòng này người đi!
Người về ta nhớ câu mời
Nhớ giọng người hát, nhớ lời người trao
Người về để vắng giăng sao
Để lòng đằng đẵng khi nào mới nguôi
Người về đường ấy xa xôi
Hãy như dao nọ nước tôi cho già
Đinh ninh nên cột nên xà
Nền kèo nên mái nên ta nên mình
Mai này đỏ nghĩa thắm tình
Cành giao với lại cây quỳnh nào hơn -
Trời tháng Mười năng mưa năng lụt
– Trời tháng Mười năng mưa năng lụt,
Đất năng lở năng bồi,
Tình ta thương quân tử cựu,
Không lẽ đi mời quân tử tân,
Thôi em liều mình thác xuống sông Ngân,
Thác đi lại bỏ ái ân hai chàng.
– Ới em ơi, muốn cho đặng cả hai bên
Em về đan tám bức phên, dựng tường buồng
Dựng buồng thì phải dựng luôn,
Đừng ngăn quân tử cựu, đừng buồn quân tử tân
Tội gì em thác xuống sông Ngân
Thác đi lại bỏ ái ân hai chàng. -
Anh nghĩ cái công anh, anh đi lên rừng xanh lựa trúc
Anh nghĩ cái công anh, anh đi lên rừng xanh lựa trúc
Đem về đoạn khúc, chuốt cái cần dài
Lấy thép ra mài, uốn câu nồi gọ
Đêm hôm lọ mọ
Xe sợi nhợ săn
Buộc chặt vào cần
Móc mồi thơm phức
Vội ra ngoài bực
Lựa chỗ anh ngồi
Thả câu xuống rồi
Miệng anh thầm vái
Cần câu nhơn
Cần câu ngãi
Cần câu phải
Cần câu khôn
Ân oai các đấng cô hồn
Đuổi con cá nọ chạy dồn ăn câu! -
Lộ bất hành bất đáo
Lộ bất hành bất đáo
Chung bất đả bất minh
Bây giờ tôi mới rõ sự tình,
Tại ba với má ở độc, hai đứa mình mới xa.
Ôm lòng sầu, khuya sớm vào ra,
Tai nghe trống điểm canh ba nhớ mình,
Phải chi phụ mẫu thuận tình,
Phụng loan sum hợp phỉ tình ước mơ.
Thương mình chép đặng bài thơ,
Chẳng thương mình giở từng tờ mình coi. -
Em trải chiếc chiếu ra
Em trải chiếc chiếu ra
Em ngồi một góc, anh ngồi một góc
Thiếp khóc chàng than
Anh xa em vì bởi thế gian
Cho nên nước mắt nhỏ tràn năm canh
Giậm chân kêu thấu trời vàng
Kêu anh trở lại nhìn nàng thuở xưa
Mai mưa, trưa nắng, chiều xâm
Em là thục nữ có tâm đợi chờ
Khi vui chén rượu con cờ
Khi buồn hoa nở còn chờ trăng thanh
Chiều rày em mới xa anh
Trăm hoa cùng héo, chín mười nhành cùng khô
Cơm ăn chẳng được chỉ nước hồ dưỡng thân
Dang tay anh dứt Châu Trần
Ai xa cho biết, ai gần cho hay -
Đồng ếch đồng ác
Đồng ếch đồng ác
Con đã về đây
Giường chiếu chẳng có
Thiệt thay trăm đường
Ban ngày ếch ở trong hang
Đêm khuya thanh vắng xở xang ra ngoài
Trời cho quan tướng nhà trời
Thắt lưng bó đuốc tìm tôi làm gì
Tìm tôi bắt bỏ vào thời
Tôi kêu ì ộp, chẳng rời tôi ra
Sáng rạng ngày ra
Con dao cái thớt xách mà đem băm
Ba thằng cầm đũa nhăm nhăm
Thằng gắp miếng thịt, thằng nhằm miếng da
Một thằng gắp miếng tù và
Nó thổi phì phà, nó lại khen ngonDị bản
Hồn ếch ta đã về đây
Phải năm khô cạn, ta nay ở bờ
Ở bờ những hốc cùng hang
Chăn chiếu chẳng có trăm đường xót xa
Lạy trời cho đến tháng ba
Được trận mưa lớn ta ra ngồi ngoài
Ngồi ngoài rộng rãi thảnh thơi
Phòng khi mưa nắng ngồi ngoài kiếm ăn
Trước kia ta vẫn tu thân
Ta tu chẳng được thì thân ta hèn
Ta gặp thằng bé đen đen
Nó đứng nó nhìn nó chẳng nói chi
Ta gặp thằng bé đen sì
Tay thì cái giỏ tay thì cần câu
Nó có chiếc nón đội đầu
Khăn vuông chít tóc ra màu xinh thay
Nó có cái quạt cầm tay
Nó có ống nứa bỏ đầy ngóe con
Nó có chiếc cán thon thon
Nó có sợi chỉ sơn son mà dài
Ếch tôi mới ngồi bờ khoai
Nó giật một cái đã sai quai hàm
Mẹ ơi lấy thuốc cho con
Lấy những lá ớt cùng là xương sông
Ếch tôi ở tận hang cùng
Bên bè rau muống phía trong bè dừa
Thằng Măng là chú thằng Tre
Nó bắt tôi về làm tội lột da
Thằng Hành cho chí thằng Hoa
Mắm muối cho vào, ơi hỡi đắng cay!
-
Khăn trắng còn để trên đầu
– Khăn trắng còn để trên đầu
Vội gì nghiêng nón mở trầu ai ăn
– Khăn trắng rồi khăn lại thâm
Bạc vàng dễ kiếm, bạn tri âm khó tìm.Dị bản
Khăn trắng em đang trên đầu
Mà em nghiêng nón mở trầu ai ăn
– Khăn trắng rồi khăn lại thâm
Bạc vàng dễ kiếm, bạn tri âm khó tìm.
-
Học đòi ăn ớt với gừng
Học đòi ăn ớt với gừng
Vừa cay vừa đắng, lại trừng mắt lên!Dị bản
Học đòi ăn ớt với gừng
Vừa cay vừa đắng, lại sưng cả mồm
-
Đói lòng ăn bánh lá gai
-
Cũng đòi ăn đếch với gừng
-
Miếng trầu của đáng bao lăm
Miếng trầu của đáng bao lăm
Ăn rồi nhả bã tiếng tăm để đời -
Sông Sài Gòn, cầu Bình Lợi
Sông Sài Gòn, cầu Bình Lợi
Tôi tưởng mình là chồng, tôi là vợ, tôi chờ tôi đợi hết hơi
Không dè anh kiếm chuyện nói chơi qua đườngDị bản
-
Cấm cảu như chó cắn ma
Dị bản
Dấm dẳng như chó cắn ma
-
Tai nghe kiểng đổ nhà thờ
Dị bản
Mười hai giờ kiểng đổ nhà thờ,
Sao anh không học đặng nhờ tấm thân?
-
Mẹ em cấm đoán em chi
Chú thích
-
- Rày
- Nay, bây giờ (phương ngữ).
-
- Bồ hòn
- Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.
-
- Dạ
- Bên trong. Thường được dùng để chỉ tình cảm con người.
-
- Gia thất
- Vợ chồng. Theo Thiều Chửu: Vợ gọi chồng là gia 家, cũng như chồng gọi vợ là thất 室. Vợ chồng lấy nhau vì thế gọi là “thành gia thất.”
-
- Đồn Nhứt
- Tên một cái chòi canh trên đèo Hải Vân, được xây dựng từ thời nhà Nguyễn, có tường bao bọc xung quanh, trong đó có một tháp canh rất cao. Khi quay lại xâm lược nước ta lần thứ hai, Pháp đưa quân chiếm giữ khu vực này và gọi là "Đồn Nhứt." Hiện ở đây vẫn còn di tích tháp canh này.
-
- Liên Chiểu
- Tên một quận, nay thuộc thành phố Đà Nẵng. Đèo Hải Vân thuộc quận này.
-
- Thủy Tú
- Tên một ngôi làng thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng hiện nay.
-
- Nam Ô
- Cũng gọi là Nam Ổ hay Năm Ổ, tên cũ là Nam Hoa, một vùng nay thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Nam Ô có dải núi gành và bãi biển đẹp nổi tiếng, cùng với nghề làm nước mắm truyền thống lâu đời. Có ý kiến cho rằng vùng này có tên gọi Nam Ô vì trước đây là phía Nam của châu Ô (cùng với Châu Lý là hai vùng đất cũ của Vương quốc Chăm Pa).
-
- Đà Nẵng
- Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.
Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.
-
- Quán Cái
- Còn gọi là Quảng Cái, nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, nơi có chợ Quán Cái và nghề chạm khắc đá nổi tiếng.
-
- Mân Quang
- Tên gốc là Mân Quan, nay thuộc phường Thọ Quan, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
-
- Miếu Bông
- Một địa danh nay thuộc quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.
-
- Cẩm Lệ
- Tên một làng cổ từ thế kỉ 16, nay thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, nổi tiếng với "đặc sản" thuốc lá Cẩm Lệ.
-
- Đàng
- Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Ngó
- Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Chợ Tổng
- Gốc là chợ Củi, một ngôi chợ trù phú nằm gần bến sông và phủ lị Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vào cuối thế kỉ 19. Sau cách mạng tháng Tám, chiến tranh bùng nổ, chợ vẫn hoạt động nhưng khách vãng lai thưa dần vì cơ quan hành chính dời về Vĩnh Điện. Đến năm 1948 giặc Pháp lập đồn Cầu Mống, nới rộng vòng đai bảo vệ, chợ Củi bị giải toả và chuyển về Ngã Tư Quốc lộ - tỉnh lộ đi Hội An gọi là chợ Tổng (Tổng An Nhơn) gần khu Văn Thánh. Chợ bấy giờ là nơi buôn bán của dân chúng các làng An Nhơn, Thanh Chiêm, Uất Lũy, Phước Kiều, An Quán (các xã Điện Minh, Điện Phương bây giờ). Hàng rau tươi từ Trung Phú gánh đến bán cũng như tôm cá do vạn ghe An Nhơn, Cầu Mống mua về từ cửa Đại. Đến năm 1954, đường thuỷ sông Thu Bồn thuận tiện cho việc đối lưu hàng hoá dưới biển trên nguồn, Cầu Mống có bến ghe tập trung tạo nên một khu chợ mới. Chợ Cầu Mống hình thành, Chợ Tổng dần vắng khách. Đến năm 1977 chợ Tổng bị giải tỏa.
-
- Phú Thượng
- Tên một thôn nay thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.
-
- Đại La
- Một địa danh nằm giữa phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) và xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang - Đà Nẵng).
-
- Cồn Dầu
- Một địa danh ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng, nổi tiếng với giáo xứ Cồn Dầu.
-
- Cẩm Sa
- Tên một ngôi làng cũ ở xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tên địa danh này có nghĩa là "vùng cát đẹp." Tại đây từng xảy ra trận đánh quan trọng giữa quân Trịnh và quân Tây Sơn vào cuối thế kỉ 18.
-
- Chợ Vải
- Một ngôi chợ chuyên bán vải nổi tiếng ở phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam.
-
- Câu Lâu
- Tên một cây cầu bắc ngang sông Chợ Củi ở thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cầu được xây dựng thời Pháp thuộc, trong chiến tranh Việt Nam thì được xây dựng lại lần thứ hai. Đầu thế kỷ 21, cầu được xây dựng lại với quy mô lớn hơn, có 4 làn xe chạy.
Về tên cây cầu này, có một sự tích: Ngày xưa, ven sông Chợ Củi, có một đôi vợ chồng từ xa đến lập nghiệp. Ngày ngày, chồng đi câu cá đổi gạo, vợ ở nhà trồng rau, vun vén gia đình. Chỗ ngồi câu cá quen thuộc của người chồng là trên một tảng đá gần bờ sông. Một đêm nọ, có cơn nước lũ từ nguồn đột ngột đổ về, người chồng bị cuốn đi. Người vợ ở nhà, đợi mãi vẫn chẳng thấy chồng về, cứ bồng con thơ thẩn ra vào, miệng luôn lẩm bẩm: "Câu gì mà câu lâu thế!" Cuối cùng, sốt ruột quá, nàng bồng con ra sông để tìm chồng. Khi hiểu ra sự việc, nàng quỳ khóc nức nở rồi ôm con gieo mình xuống dòng nước. Dân làng cảm thương đôi vợ chồng nghèo chung tình, đặt tên cho cây cầu bắc qua sông Chợ Củi là cầu Câu Lâu.
Thật ra Câu Lâu là một địa danh gốc Champa, biến âm từ chữ Pulau có nghĩa là "hòn đảo."
-
- Giáp Năm
- Tên một cây cầu ở xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
-
- Chừ
- Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Hàng Dầu
- Địa danh nay là một phố thuộc khu phố cổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Dầu được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc thôn Nhiễm Thượng, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương. Thời Pháp thuộc phố có tên là phố Bên Hồ (Rue de Lac), từ sau năm 1945 mới đổi tên thành Hàng Dầu. Có tên như vậy vì phố này trước đây có bán các thứ dầu thảo mộc (dầu lạc, dầu vừng, dầu bông...) dùng để ăn và thắp đèn. Ngày nay phố chủ yếu buôn bán giày dép.
-
- Hàng xén
- Cửa hàng tạp hóa hoặc gánh hàng chuyên bán những thứ vặt vãnh như kim, chỉ, đá lửa, giấy bút...
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng
(Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)
-
- Quế
- Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.
-
- Hồi
- Cũng gọi là tai vị, một loại cây mọc nhiều ở các vùng rừng núi miền Bắc, cho quả có nhiều cánh giống hoa nên thường được gọi là hoa hồi. Hồi là một loại dược liệu (hồi hương) và hương liệu, và cũng là một gia vị dùng khi nấu phở.
-
- Bồ kết
- Một loại cây lâu năm, thân gỗ có gai, cho hạt giống hạt đậu. Mỗi quả bồ kết có từ 30 đến 40 hạt. Quả bồ kết chứa nhiều dầu, do vậy từ xưa nhân dân ta đã biết gội đầu bằng bồ kết để có mái tóc bóng mượt. Ngoài ra, bồ kết còn là một vị thuốc dân gian.
-
- Phèn chua
- Một loại muối có tinh thể to nhỏ không đều, không màu hoặc trắng, cũng có thể trong hay hơi đục. Người ta dùng phèn chua để đánh nước cho trong hoặc làm thuốc giữ màu trong quá trình nhuộm vải.
-
- Bồ
- Đồ đan bằng tre, quẩy sau lưng, để đựng nông sản khi lượm hái.
-
- Trần bì
- Vỏ quýt sấy khô, dùng làm thuốc.
-
- Cam thảo
- Một loại cây lâu năm có thể cao đến 1 hoặc 1,5m. Rễ cam thảo sấy khô là một vị thuốc Đông y cũng tên là cam thảo, vị ngọt mát, có tác dụng bổ tỳ vị, nhuận phế, thanh nhiệt giải độc, điều hòa các vị thuốc. Cam thảo cũng được dùng trong công nghệ làm thuốc lá và nước ngọt.
-
- Sài hồ
- Một loại cây thuốc Đông y, rễ có tác dụng chữa cảm sốt, tức ngực, chóng mặt, nhức đầu...
-
- Hoàng liên
- Cũng gọi là vương liên, một loại cây thuốc cho thân và rễ có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, táo thấp, tả hoả, tiêu sưng, làm sáng mắt.
-
- Hội An
- Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.
-
- Thiên Hạt
- Tên dân gian là Thần Nông, còn gọi là chòm Bọ Cạp hoặc gọi tắt là sao Thần, một chòm sao lớn nằm ở bầu trời phía nam gần trung tâm của dải Ngân Hà. Nhà nông nước ta xưa kia xác định vụ lúa bằng cách quan sát biến đổi của chòm sao này.
-
- Nhài
- Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.
-
- Tôi
- Nung hợp kim đến nhiệt độ nhất định rồi làm nguội thật nhanh để tăng độ rắn và bền.
-
- Già
- Trên mức trung bình, mức vừa dùng, mức hợp lí (thóc phơi già nắng, nước sôi già...).
-
- Quỳnh, giao
- Hai thứ ngọc quí, hay dùng để ví với những gì quí giá.
Hài văn lần bước dặm xanh
Một vùng như thể cây quỳnh cành giao
(Truyện Kiều)
-
- Cựu
- Cũ, xưa (từ Hán Việt).
-
- Tân
- Mới (từ Hán Việt).
-
- Thác
- Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
-
- Ngân Hà
- Tên gọi của thiên hà bao gồm Trái Đất của chúng ta. Trên bầu trời đêm, Ngân Hà trông như một dải sáng trắng vắt ngang bầu trời, nên được hình tượng hóa thành một dòng sông trên thượng giới. Trong thần thoại Trung Quốc, Ngưu Lang và Chức Nữ bị sông Ngân Hà chia cách, nên sông Ngân còn tượng trưng cho sự ngăn cách lứa đôi.
-
- Phên
- Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.
-
- Nồi gọ
- Chỗ phình rộng ra trong hang rắn hay hang cá trê.
-
- Nhợ
- Cũng gọi là rợ, dây thừng nhỏ làm bằng gai hoặc xơ dừa, dùng để trói, buộc hoặc làm dây câu.
-
- Bực
- Bậc, chỗ đất cao bên bờ sông (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Nhơn
- Nhân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Ngãi
- Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Ân oai
- Nói về người có quyền, có ân mà lại có oai nghi, người ta cảm mà lại sợ (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của).
-
- Cô hồn
- Linh hồn chưa được đầu thai kiếp khác, phải đi lang thang, chịu khổ sở đói rét, theo tín ngưỡng tâm linh. Vào tháng Bảy âm lịch, ở nước ta có tục cúng cô hồn.
-
- Lộ bất hành bất đáo, chung bất đả bất minh
- Đường không đi không đến được, chuông không đánh không kêu được. Nguyên trích từ sách Tăng quảng hiền văn (tuyển tập những câu ngạn ngữ dân gian của Trung Quốc): "Lộ bất hành bất đáo, sự bất vi bất thành. Nhân bất khuyến bất thiện, chung bất đả bất minh."
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Phụ mẫu
- Cha mẹ (từ Hán Việt).
-
- Phụng loan
- Đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng. Xem thêm chú thích phượng và loan.
-
- Thục nữ
- Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
-
- Châu Trần
- Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.
Thật là tài tử giai nhân,
Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.
(Truyện Kiều)
-
- Xở xang
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Xở xang, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Thời
- Cái giỏ cá (phương ngữ).
-
- Tù và
- Dạ dày ếch, hay được chế biến thành các món ăn.
-
- Ngóe
- Loại nhái rất nhỏ, thân hình chỉ lớn bằng đầu ngón tay cái.
-
- Xương sông
- Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...
-
- Trầu
- Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.
Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.
Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.
-
- Tri âm
- Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
-
- Bánh ít lá gai
- Gọi tắt là bánh gai, một loại bánh ít đặc sản của miền Trung. Bánh làm từ lá gai quết nhuyễn với bột dẻo, tạo cho lớp áo ngoài của bánh có màu xanh đen đặc trưng. Nhưn (nhân) bánh thường là đậu xanh, dừa, đường, thêm chút quế và vani để tạo mùi thơm; đôi khi người ta cũng làm nhân bánh từ tôm xào với thịt, tạo ra món bánh ít mặn.
-
- Võ Xá
- Tên một làng thuộc xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ngày nay. Tại đây có đầm lầy Võ Xá, vốn là một dải đầm lầy tự nhiên kéo theo đường thiên lí từ Quảng Bình vào Thuận Hóa. Làng Võ Xá là một trong "bát danh hương" (tám ngôi làng nổi tiếng với truyền thống hiếu học, khoa bảng) của Quảng Bình, gồm: Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngọa (cùng thuộc huyện Quảng Trạch), và Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại (cùng thuộc huyện Quảng Ninh).
-
- Rài
- Dài (phương ngữ Quảng Bình).
-
- Đách
- Từ thông tục, vốn nghĩa chỉ bộ phận sinh dục của phụ nữ, thường được dùng để phủ định (cũng như đếch).
-
- Sông Sài Gòn
- Tên cũ là Bình Giang, một con sông chảy qua địa phận tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh, rồi đổ vào sông Đồng Nai ở mũi Đèn Đỏ thuộc huyện Nhà Bè.
-
- Cầu Bình Lợi
- Tên câu cầu đầu tiên bắc ngang sông Sài Gòn, được xây dựng năm 1902. Cầu có kết cấu vòm thép, mặt gỗ, có đường ray xe lửa nối Sài Gòn và Biên Hòa.
-
- Đàng điếm
- Cũng viết là điếm đàng, nghĩa đen là người lang thang ngoài đường (đàng) trong quán (điếm), hiểu rộng là những kẻ "hay phỉnh phờ, lường gạt, thường hiểu là đứa hay ngồi lều ngồi chợ hay toa rập làm điều gian lận" (Đại Nam quấc âm tự vị).
-
- Cấm cảu
- Gắt gỏng, cáu kỉnh. Cũng như cắm cảu, cấm cẳn.
-
- Kẻng
- Cũng gọi là kiểng, một dụng cụ bằng kim loại được treo để đánh báo hiệu.
-
- Công giáo
- Còn được gọi là Thiên Chúa giáo, Kitô giáo hoặc đạo Giatô, một tôn giáo có niềm tin và tôn thờ đức Chúa Trời, Giêsu, các thánh thần. Chữ công có nghĩa là chung, phổ quát, đón nhận mọi người chứ không riêng cho dân tộc hay quốc gia nào. Xuất hiện ở nước ta từ khoảng thế kỉ 16, Công giáo phát triển khá mạnh cho đến ngày nay.
-
- Má hồng
- Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.
Phận hồng nhan có mong manh
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương
(Truyện Kiều)
-
- Răng đen
- Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:
"Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."