Tìm kiếm "roi điện"

Chú thích

  1. Phát tài
    (Làm ăn, buôn bán) thuận lợi, gặp nhiều may mắn, kiếm được nhiều tiền.
  2. Sinh tử sinh tôn
    Sinh con sinh cháu (từ Hán Việt tử: con, tôn: cháu).
  3. Công môn
    Cửa công (từ Hán Việt). Thường chỉ cửa quan.
  4. Tư túi
    Lấy của chung làm của riêng một cách lén lút.
  5. Thúc sinh
    Một nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thúc sinh có nghĩa là thư sinh họ Thúc. Thúc sinh là một thương nhân, đã có vợ là Hoạn Thư, song lại đem lòng yêu Thúy Kiều. Thúc sinh chuộc Kiều khỏi chốn lầu xanh và giấu vợ cưới Kiều làm lẽ. Hoạn Thư biết được, bắt cóc Kiều về hành hạ, Thúc sinh nhu nhược không dám làm gì, Thúy Kiều phải đến nương nhờ cửa Phật.

    Khách du bỗng có một người
    Kỳ tâm họ Thúc, cũng nòi thư hương
    Vốn người huyện Tích Châu Thường
    Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri

  6. Hoạn Thư
    Một nhân vật nữ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Là vợ của Thúc Sinh, Hoạn Thư là người thông minh, sắc sảo và thể hiện sự ghen tuông ghê gớm khi biết chồng lén cưới vợ lẽ là Thúy Kiều. Ngày nay những người phụ nữ hay ghen thường được gọi là Hoạn Thư hoặc "có máu Hoạn Thư."

    Vốn dòng họ Hoạn danh gia
    Con quan Lại bộ tên là Hoạn Thư
    Duyên đằng thuận nẻo gió đưa
    Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày
    Ở ăn thì nết cũng hay
    Nói điều ràng buộc thì tay cũng già

  7. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  8. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  9. Thuốc xỉa
    Một nhúm thuốc lào được ngậm bằng môi trên trong lúc ăn trầu để tẩy cổ trầu (nước bọt có màu hồng) và xác trầu bám vào răng. Động tác bỏ thuốc xỉa vào miệng gọi là xỉa thuốc.
  10. Xạ hương
    Chất do hươu xạ và một số loại cầy tiết ra, có mùi thơm đặc biệt, thường được khai thác làm hương liệu, nước hoa và các loại dược phẩm.
  11. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  12. Đãi bôi
    (Nói chuyện) niềm nở nhưng giả dối, không thực lòng. Theo học giả An Chi, từ này có thể bắt nguồn từ chữ Hán đãi 紿 (lừa dối) và bội 倍 (phản, trái lại). Một số địa phương Nam Bộ phát âm thành đãi buôi hoặc bãi buôi.
  13. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  14. Mầu mộng
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Mầu mộng, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  15. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  16. Ngã lăn thần tướng
    Ngã lăn quay ra đất (cách nói của Nam Bộ).
  17. Vô hồi
    Không ngừng, không hết, một cách nói của người Nam Bộ (cực vô hồi, mừng rỡ vô hồi...).
  18. Cà Mau
    Tỉnh ven biển ở cực Nam nước ta, nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cà Mau là một vùng đất trẻ, mới được khai phá khoảng trên 300 năm. Tên gọi Cà Mau có gốc từ tiếng Khmer “Tưk Kha-mau” có nghĩa là nước đen - màu nước đặc trưng ở đây là màu đen do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh rụng xuống. Cà Mau là xứ đầm lầy ngập nước, có nhiều bụi lác mọc tự nhiên và hoang dã, hệ thống sông ngòi chằng chịt, và có nguồn dự trữ sinh thái phong phú.

    Phong cảnh Cà Mau

    Phong cảnh Cà Mau

  19. Ba khía
    Một loại cua nhỏ đặc trưng những vùng nước mặn hoặc nước lợ Nam Bộ, càng to, càng và ngoe có màu đỏ tím, mai màu nâu bùn có ba vạch khía rất rõ. Ba khía sống trải dài từ Cần Thơ đến Sóc Trăng, Cà Mau, và nhiều nhất ở U Minh. Trước đây, vào khoảng tháng 10 âm lịch hàng năm là mùa kết cặp giao phối của ba khía, lúc đó người dân miền Tây Nam Bộ thường rủ nhau đốt đuốc đi bắt ba khía ban đêm. Ngày nay, do môi trường sống thay đổi, số lượng ba khía không còn dồi dào như trước nữa. Ba khía có thể chế biến thành các món rang me, rang mỡ hành, luộc, nấu chao... Mắm ba khía chế biến từ ba khía ngâm với muối hột là món ăn bình dân khoái khẩu của nhiều người. Nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam từng gọi ba khía là "con cua của người nghèo" và đã viết một truyện ngắn mang tên Ngày hội ba khía.

    Con ba khía

    Con ba khía

  20. Chỉ việc vào tháng 10 âm lịch hàng năm, ba khía thường tụ họp rất đông để kết cặp giao phối.
  21. U Minh
    Nay là tên một huyện thuộc tỉnh Cà Mau ở cực Nam nước ta. U Minh còn là tên của hai khu rừng tràm nước mặn U Minh Hạ (thuộc tỉnh Cà Mau ) và U Minh Thượng (thuộc tỉnh Kiên Giang ). U Minh có nghĩa là tối và mờ. Trước đây khi chưa khai khẩn, U Minh được coi là chốn "rừng thiêng nước độc," nhiều thú dữ như cá sấu, hổ beo, rắn rết, nhưng cũng rất nhiều tài nguyên quý báu. Hiện nay rừng nước mặn U Minh đã được quy hoạch thành vườn quốc gia dành cho mục đích du lịch và bảo tồn sinh thái. Một đặc điểm lý thú của rừng tràm U Minh là nước sông rạch bị nhuộm thành màu đỏ bởi lá tràm rụng trên đất rừng.

    Rừng U Minh

    Rừng U Minh

    Rạch nước đỏ ở rừng U Minh

    Rạch nước đỏ ở rừng U Minh

  22. Rạch Gốc
    Địa danh nay là thị trấn của huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Tại đây có nhiều món đặc sản của vùng sông nước Tây Nam Bộ như ba khía, cá khô, và đặc biệt là thương hiệu tôm khô Rạch Gốc.

    Sấy tôm khô ở Rạch Gốc

    Sấy tôm khô ở Rạch Gốc

  23. Tràm
    Một loại cây mọc hoang thành rừng ở đồi núi và vùng ngập mặn. Ở nước ta, Cà Mau nổi tiếng là xứ nhiều tràm. Tràm thường được dùng lấy gỗ hoặc cất tinh dầu từ hoa và lá.

    Rừng tràm ở Long An

    Rừng tràm ở Long An

  24. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  25. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  26. Cồi
    Cùi, lõi (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  27. Chợ Bến Thành
    Còn gọi là chợ Sài Gòn, ban đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm bên cạnh sông Bến Nghé, gần thành Gia Định (nên được gọi là Bến Thành). Sau một thời gian, chợ cũ xuống cấp, người Pháp cho xây mới lại chợ tại địa điểm ngày nay. Chợ mới được xây trong khoảng hai năm (1912-1914), cho đến nay vẫn là khu chợ sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, đồng thời là biểu tượng của thành phố.

    Chợ Bến Thành

    Chợ Bến Thành

  28. Chợ Vĩnh Long
    Chợ trung tâm tỉnh Vĩnh Long hiện nay, thuộc hàng lớn nhất các tỉnh miền Tây, từ xưa đã có tiếng là tấp nập. Hiện nay chợ Vĩnh Long là đầu mối nhiều mặt hàng nông sản, nhất là trái cây.

    Chợ Vĩnh Long hiện nay

    Chợ Vĩnh Long hiện nay

  29. Cầu hiền
    Tìm người tài đức.
  30. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  31. Hành khiển
    Tên chung của mười hai vị thần văn (gọi là Thập nhị Đại vương Hành khiển) thay mặt Ngọc Hoàng – vị vua của thiên giới - trông coi mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ 12 con giáp. Bắt đầu là năm Tý, năm cuối cùng là năm Hợi, hết năm Hợi lại quay trở lại với vị Đại vương hành khiển của 12 năm trước. Vào đêm giao thừa người ta làm lễ cúng tế để tiễn hành khiển cũ và đón hành khiển mới. Đọc thêm về Hành binh, Hành khiển và Pháp quan.
  32. Hành binh
    Tên chung của mười hai vị thần võ thay mặt Ngọc Hoàng trông coi mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ của 12 con giáp. Xem thêm: Hành khiển.
  33. Bói giò gà
    Cũng gọi là xem chân giò, một nghi thức tín ngưỡng dân gian sử dụng chân gà để đoán việc lành dữ. Xem thêm.
  34. Chuyên tập nghiệp hằng: chăm chỉ học tập, rèn luyện.
  35. Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách, sắc bất ba đào dị nịch nhân
    Dịch nghĩa là “mưa không có khóa mà giữ được khách, sắc đẹp không phải sóng gió mà làm đắm người.” Tương truyền đây là đôi câu đối của thượng thư Đàm Thận Huy và học trò là Trạng Me Nguyễn Giản Thanh, tuy nhiên lại có tài liệu cho là của thầy học và Nguyễn Trãi. Cả hai giả thuyết đều kể học trò (Nguyễn Giản Thanh hoặc Nguyễn Trãi) được thầy khen nhưng tiên đoán là sẽ bị hại vì nhan sắc đàn bà.
  36. Khơi chừng
    Xa xôi.

    Đường đi khuất nẻo khơi chừng,
    Tuyết sương mấy dặm, suối rừng bao nhiêu.

    (Phan Trần)

  37. Ái ân
    Nguyên nghĩa là tình ái và ân huệ khắng khít với nhau. Về sau được hiểu là sự âu yếm, giao hợp của vợ chồng hay cặp tình nhân.
  38. Kiến riện
    Loại kiến có màu nâu đen, kích thước nhỏ khoảng đầu kim. Kiến riện thường làm tổ gây hại trên các loại cây ăn quả.

    Kiến riện

    Kiến riện

  39. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  40. Ba toong
    Gậy chống, thường cong một đầu để làm tay cầm. Từ này có gốc từ tiếng Pháp bâton. Các viên chức, trí thức dưới thời Pháp thuộc thường mang theo gậy này.
  41. Khoán
    Giao ước làm xong công việc mới được lấy tiền.
  42. Cúp
    Cắt (đọc theo âm tiếng Pháp của couper).
  43. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  44. Đại hồng
    Một loại sứ có hoa màu đỏ, to. Thân nhánh màu xanh xám, lá thon dài, nhỏ ở cuống, phình to ngoài chót, phiến lá màu xanh pha vàng nhạt, có gân giữa nổi lên rõ rệt. Cây thường được trồng làm cảnh, rất siêng hoa (có hoa quanh năm).

    Đại hồng

    Đại hồng

  45. Tợ
    Tựa như, giống như (phương ngữ Nam Bộ).
  46. Giồng
    Dải đất nổi cao ở ven sông do phù sa bồi đắp. Giồng có thể là do phù sa bồi đắp lâu năm tạo thành, hoặc cũng có thể do người dân tạo thành trong lúc đào kênh mương dẫn nước để lập vườn tược. Đất giồng là đất phù sa pha cát, sạch phèn, màu mỡ, nên rất thuận tiện để trồng trọt. Ở Nam Bộ có nhiều địa danh với tiền tố Giồng như Giồng Trôm, Giồng Tượng, Giồng Ông Tố...
  47. Tơ hồng
    Một loại cây dây leo, thân có màu vàng, đôi khi màu da cam hoặc đỏ. Tơ hồng là thực vật sống kí sinh, một khi tìm được cây chủ thích hợp sẽ bám vào và phát triển rất mạnh, đồng thời rễ trong đất cũng bắt đầu tiêu hủy đi. Dây và hạt tơ hồng có thể dùng làm vị thuốc Đông y.

    Dây tơ hồng

    Dây tơ hồng

  48. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  49. Đờn
    Đàn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  50. Đàn bầu
    Còn gọi là đàn độc huyền hoặc gọi tắt là đàn độc, vì chỉ có duy nhất một dây. Hộp đàn làm bằng ống tre hay gỗ, bầu đàn được làm từ một nửa quả bầu khô. Trước đây, dây đàn trước đây được làm bằng tơ, sau này thay bằng dây kim loại. Đàn bầu là một loại nhạc khí truyền thống rất độc đáo của dân tộc ta và chỉ duy nhất người Việt Nam mới có. 

    Xem nhạc sĩ Huỳnh Khải giảng giải về những nét độc đáo của đàn bầu Việt Nam đây và nghe nghệ sĩ ưu tú Thanh Tâm diễn tấu đàn bầu tại đây.

    Đàn bầu Việt Nam

    Đàn bầu Việt Nam