Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Sơn Nam
    Một trong Thăng Long tứ trấn (bốn vùng đất bao quanh Hà Nội) ngày trước: Sơn Tây, Sơn Nam, Hải Đông, Kinh Bắc. Trấn Sơn Nam gồm 11 phủ (42 huyện). Đến thời Tây Sơn, trấn được chia thành Sơn Nam Hạ (nay thuộc Nam Định, Thái Bình, và một phần Ninh Bình) và Sơn Nam Thượng (nay là Hưng Yên, Hà Nam, và một phần Hà Tây).

    Thăng Long tứ trấn

    Thăng Long tứ trấn

  2. Hội An
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.

    Vẻ đẹp của Hội An

    Vẻ đẹp của Hội An

  3. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  4. Con thoi
    Bộ phận của khung cửi hay máy dệt, ở giữa phình to, hai đầu thon dần và nhọn (vì vậy có hình thoi), có lắp suốt để luồn sợi.

    Máy dệt và con thoi

    Máy dệt và con thoi

  5. Theo nhân tướng học cổ truyền thì người phụ nữ cổ cao, tóc dài, eo thon là người đẹp, hiền hậu, có tướng quý.
  6. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  7. Lượt
    Một loại vải dệt thưa từ tơ tằm, mượt, rất mịn và mềm, thường nhuộm đen để may khăn hay may áo.
  8. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Vạn thọ vô cương
    Thọ vạn năm chẳng cùng. Đây là lời chúc thọ.
  10. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  11. Mọc lông trong bụng
    Lòng dạ độc ác, thâm hiểm.
  12. Lươn
    Loài cá nước ngọt, thân hình trụ, dài khoảng 24-40 cm, đuôi vót nhọn, thoạt nhìn có hình dạng như rắn. Lươn không có vảy, da trơn có nhớt, màu nâu vàng, sống chui rúc trong bùn ở đáy ao, đầm lầy, kênh mương, hay ruộng lúa. Lươn kiếm ăn ban đêm, thức ăn của chúng là các loài cá, giun và giáp xác nhỏ.

    Ở nước ta, lươn là một loại thủy sản phổ biến, món ăn từ lươn thường được coi là đặc sản. Lươn được chế biến thành nhiều món ngon như: cháo lươn, miến lươn, lươn xào...

    Con lươn

    Con lươn

  13. Cá lịch
    Có nơi gọi là lệch hoặc nhệch, tên chung của một số loài cá-lươn phổ biến. Cá lịch có hình dạng tương tự con lươn, mình thon dài, da trơn không vảy, đuôi thon nhọn, mắt nhỏ. Tùy vào từng loài khác nhau, cá lịch có thể có vây hoặc không vây, cũng như màu da có thể là màu trơn hoặc có đốm hay có sọc. Các loài cá lịch thường sống ở biển hoặc ở vùng nước lợ (cửa sông), nhưng cũng có thể bơi ngược dòng đến sống ở sông ngòi hay ruộng đồng nước ngọt. Vào ban ngày, cá lịch chui rúc trong bùn, cát, đến đêm thì bơi ra kiếm ăn ở tầng đáy nước. Thức ăn của cá lịch là các loài cá hay giáp xác nhỏ. Đối với người Việt Nam, cá lịch là một loài thủy sản bổ dưỡng tương tự như lươn.

    Cá lịch cu

    Cá lịch cu

    Cá lịch đồng

    Cá lịch đồng

  14. Cá nhồng
    Một loại cá săn mồi có cơ thể thuôn dài với các quai hàm khỏe, rất phàm ăn. Cá nhồng sống ngoài biển khơi, có thể bắt gặp ở dạng sống đơn độc hoặc thành bầy xung quanh các rạn san hô.

    Cá nhồng

    Cá nhồng

  15. Cá chai
    Một loại cá có nhiều ở các vùng biển miền Trung, dài chừng từ 15 đến 20cm, thịt dày, thơm, rất ít xương nhỏ, thường được đánh bắt để làm thức ăn trong gia đình hoặc đãi khách. Cá chai chế biến được nhiều món, nhưng ngon nhất vẫn là nướng hoặc chiên.

    Cá chai chiên mật ong

    Cá chai chiên mật ong

  16. Tía tô
    Một loại cây thảo, lá có màu tía, mùi hơi hăng, dùng làm gia vị, pha trà, hoặc làm vị thuốc dân gian.

    Cây và lá tía tô

    Cây và lá tía tô

  17. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  18. Sen
    Loài cây mọc dưới nước, thân hình trụ, lá tỏa tròn, cuống dài. Hoa to, màu trắng hay đỏ hồng, có nhị vàng.

    Hoa sen trắng

    Hoa sen trắng

  19. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  20. Đáo
    Đến nơi. Như đáo gia 到家 về đến nhà (theo Thiều Chửu).
  21. Đồ thán
    Nghĩa đen là bùn than (từ Hán Việt), nghĩa bóng chỉ sự khốn khổ của dân chúng.
  22. Tang bồng
    Cung bằng gỗ dâu (tang) và tên bằng cỏ bồng. Theo Kinh Lễ, khi nhà vua sinh con trai, quan coi việc bắn sẽ lấy cung bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng, bắn bốn phát ra bốn hướng, một phát lên trời, một phát xuống đất, ngụ ý rằng người làm trai chí ở bốn phương, tung hoành trời đất, giúp nước giúp đời. Chí làm trai vì thế gọi là chí tang bồng.
  23. Hai Bà Trưng
    Hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, hai nữ tướng của Giao Chỉ (Việt Nam ta lúc bấy giờ) đã nổi cờ khởi nghĩa vào năm 40 sau Công nguyên để chống lại sự nô thuộc của nhà Đông Hán. Khởi nghĩa thắng lợi, Thái thú Giao Chỉ người Hán là Tô Định bỏ chạy về phương Bắc, Trưng Trắc xưng vương, lấy hiệu là Trưng Nữ Vương, chọn kinh đô là Mê Linh, trị vì được ba năm, đến năm 43 bại trận dưới tay tướng nhà Hán là Mã Viện. Tục truyền do không muốn đầu hàng, hai Bà đã nhảy xuống sông tự tử, nhưng cũng có thuyết cho hai Bà đã bị quân Mã Viện bắt và xử tử.

    Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định (tranh Đông Hồ)

    Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định (tranh Đông Hồ)

  24. Bà Triệu
    Tên gọi dân gian của Triệu Quốc Trinh, nữ anh hùng dân tộc, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại ách thống trị của nhà Ngô (Trung Quốc) vào năm 248. Theo truyền thuyết, mỗi khi ra trận bà cưỡi con voi trắng một ngà, tự tay đánh cồng để khích lệ tinh thần quân sĩ. Quân Ngô khiếp sợ trước uy bà, có câu:

    Hoành qua đương hổ dị
    Đối diện Bà vương nan

    (Vung giáo chống cọp dễ
    Giáp mặt vua Bà khó)

    Theo Việt Nam sử lược, sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, Bà Triệu đã tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào năm Mậu Thìn (248), lúc mới 23 tuổi.

    Bà Triệu (tranh Đông Hồ)

    Bà Triệu (tranh Đông Hồ)

  25. Cai Vàng
    Nguyễn Văn Thịnh (hay Nguyễn Thịnh), tục danh là Vàng, vì có thời làm cai tổng nên được gọi là Cai Vàng hay Cai Tổng Vàng. Năm 1862, lấy danh nghĩa "phù Lê," ông khởi binh chống lại triều đình Tự Đức ở vùng Bắc Ninh vào năm 1862. Ông tử trận ngày 30 tháng 8 năm đó, nhưng với tài chỉ huy của người vợ thứ (tục gọi là Bà Ba Cai Vàng), cuộc nổi dậy do ông khởi xướng vẫn tồn tại cho đến tháng 3 năm sau mới chấm dứt.
  26. Bà Ba Cai Vàng
    Người vợ thứ ba của Cai Vàng. Bà tên thật là Nguyễn Thị Miên, biệt hiệu là Hồng Y liệt nữ, người ở thôn Đại Trạch, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Sau khi Cai Vàng tử trận vào tháng 8 năm 1862, bà tiếp tục lãnh đạo nghĩa binh chiến đấu đến gần một năm sau mới giải tán lực lượng, rồi đi tu.
  27. Tây Sơn
    Tên cuộc khởi nghĩa nông dân của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ, đồng thời cũng là tên vương triều được lập ra từ cuộc khởi nghĩa này và kéo dài từ 1788 đến 1802. Khởi nghĩa và vương triều Tây Sơn có công rất lớn trong việc bình định đất nước, chấm dứt thời kì loạn lạc Trịnh-Nguyễn phân tranh, đồng thời giữ vững bờ cõi trước sự xâm lược của quân Thanh. Tây Sơn gắn liền với hình ảnh người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ.

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

    Quang Trung tiến quân ra Bắc

  28. Bùi Thị Xuân
    Nữ tướng của vương triều Tây Sơn, đồng thời là vợ Thái phó Trần Quang Diệu (nên nhân dân cũng gọi là bà Phó). Bà là người thôn Xuân Hòa, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Tài năng và dũng cảm, bà cùng chồng là hai trụ cột của vương triều Tây Sơn. Khi triều Tây Sơn sụp đổ, bà cùng con gái bị voi giày (năm 1802).
  29. Anh thư
    Người phụ nữ anh hùng, tài năng hơn người (từ Hán Việt).

    Kìa cái chết bậc anh thư ngày trước
    Muôn nghìn năm quốc sử ngát trầm hương

    (Hận Nam Quan - Hoàng Cầm)

  30. Phù Lỗ
    Tên Nôm là làng Sọ, một ngôi làng nay thuộc địa phận xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Tại đây có đền Sọ, thờ hai anh em Trương Hống, Trương Hát, hai danh tướng của Triệu Quang Phục, tức Triệu Việt Vương sau này.
  31. Thổ Hà
    Một ngôi làng thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, có nghề truyền thống là làm gốm, nung vôi và làm bánh đa nem.
  32. Làng Phù Lỗ (làng Sọ) ngày xưa có nhiều người đỗ đạt, làm quan. Làng Thổ Hà thì nổi tiếng với nghề gốm. Câu này ví von quan làng Sọ nhiều như lọ gốm do làng Thổ Hà làm ra.
  33. Gia sự
    Những chuyện trong nhà (từ Hán Việt).
  34. Cây lương thực cùng họ với lúa, quả rất nhỏ, thường gọi là hạt, màu vàng, tập trung thành một bông dài.
  35. Hồ la
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hồ la, hãy đóng góp cho chúng tôi.