Tìm kiếm "làm ma"

  • Nhà em quay mặt ra sông

    Nhà em quay mặt ra sông
    Sau lưng vườn ổi mẹ trồng khi xưa
    Mẹ em tần tảo sớm trưa
    Mẹ mong con lớn, ổi vừa chín cây
    – Nhà anh ở phía hướng Tây
    Cha anh làm ruộng từ ngày đất hoang
    Thương em trong cảnh cơ hàn
    Ngày qua tháng lại tình thêm nặng tình

  • Bây giờ túng lắm em ơi

    Bây giờ túng lắm em ơi
    Bán hết cái nồi cho chí cái vung
    Còn mười thước ruộng ngoài đồng
    Cửa nhà sạch hết trông mong nỗi gì
    Còn được cái ổ lợn con
    Nuôi chi ngoắt nghéo gầy mòn khốn thân
    Ăn thì chả có mà ăn
    Bán đi trả nợ cho xong, mẹ mày
    Kẻo mà nó kẹp đêm nay
    Đôi chân kẹp phản, đôi tay kẹp giường
    Giá nhà tôi đáng một nghìn
    Cầm bằng mấy chục cho liền đêm nay
    Bảy chục chẳng đủ nợ này
    Hai chân kẹp phản, hai tay kẹp giường
    Lạy ông tha kẹp cho tôi chạy tiền
    Tôi về tôi bán vợ tôi
    Lấy ba chục nữa cho đầy một trăm

  • Một năm là mấy tháng xuân

    Một năm là mấy tháng xuân
    Một đời phỏng được mấy lần vinh hoa?
    Chẳng ăn, chẳng mặc, chẳng chơi
    Bo bo giữ lấy của trời làm chi?
    Bảy mươi chống gậy ra đi
    Than thân rằng thuở đương thì chẳng chơi.
    Bảy mươi chống gậy ra ngồi
    Xuân ơi, xuân có tái hồi được chăng?

  • Sáng mai ăn một bụng cơm no

    Sáng mai ăn một bụng cơm no
    Xách cái rổ đi chợ bến đò
    Mua chín cái trách, xách chín cái lò
    Đem về:
    Cái kho canh ngò
    Cái kho canh cải
    Cái nấu nải chuối xanh
    Cái nấu canh rau má
    Cái nấu cá chim chim
    Cái kho rim thịt vịt
    Cái kho thịt con gà
    Cái kho cà, đu đủ
    Cái kho củ môn tây
    Trời chiều bóng xế trăng xây
    Ham chơi lê lựu, bỏ chín cái trách này quên nêm

    Dị bản

    • Tay em cầm mớ trách đặt quách lên lò
      Một cái kho ngò
      Hai cái kho cải
      Ba cái kho nải chuối xanh
      Bốn cái nấu canh rau má
      Năm cái kho cá chim chim
      Sáu cái kho rim trứng vịt
      Bảy cái làm thịt con gà
      Tám cái kho cà, thù đủ
      Chín cái kho củ môn tây
      Em theo anh cho đến đoạn này
      Tay chân đà bải hoải, chín cái trách này quên nêm .

  • Buổi mai ăn cơm cho no

    Buổi mai ăn cơm cho no
    Đi ra chợ Gio
    Mua chín cái tréc
    Đắp chín cái lò
    Cái nấu canh ngò
    Cái kho củ cải
    Cái nấu cải chuối xanh
    Cái nấu cá kình
    Cái rim thịt vịt
    Cái hầm thịt gà
    Cái nấu om cà
    Cái kho đu đủ
    Cái nấu củ khoai tây
    Nghe tin anh học trường này
    Bồn chồn trong dạ bỏ chín cái tréc này không coi.

    Dị bản

    • Buổi mai ngủ dậy
      Ăn một bụng cơm no
      Chạy ra chợ nọ
      Mua chín cái trách
      Đặt quách lên lò
      Một cái kho ngò
      Hai cái kho cải
      Ba cái kho nải chuối xanh
      Bốn cái nấu canh rau má
      Năm cái kho cá chim chim
      Sáu cái kho rim thịt vịt
      Bảy cái làm thịt con gà
      Tám cái kho cà đu đủ
      Chín cái kho củ môn tây.

  • Chim khôn mắc bẫy vì người

    Chim khôn mắc bẫy vì người
    Ốc khôn ốc cũng vì mồi chết oan
    Ta về hái nắm sắn non
    Rau sấm rau sét bẫy con ốc lồi
    – Chim khôn chết mệt vì mồi
    Anh đây chết chắc vì người đa đoan
    Người đa đoan lòng dạ đa đoan
    Như con thuyền bắt ốc lắm nan ít hồ
    Đồng triều lắm ốc sóng to
    Thuyền anh trôi dạt sang nhờ thuyền em
    Hóa thành con ốc đồng chiêm
    Cái thân mốc thếch như thuyền chở phân?
    – Trông lên núi Ốc xây vần
    Cớ sao Ốc lại hóa thành núi cao?

  • Em tiếc con dao bé mà lại sắc thay

    Em tiếc con dao bé mà lại sắc thay
    Chuôi sừng bịt bạc về tay ai cầm
    Em trái nhân duyên, em chẳng được cầm
    Để cho người khác được cầm dao loan
    Được như hoa huệ, hoa lan
    Thì em cũng chẳng phàn nàn làm chi
    Được như hoa cúc hoa quỳ
    Thì em cũng bõ một thì chơi hoa

  • Quanh năm vất vả làm ăn

    Quanh năm vất vả làm ăn,
    Thuế ao thuế ruộng thuế thân thuế vườn,
    Ngày làm dạ đã không yên,
    Đêm nằm sốt ruột trống dồn thâu canh,
    Thân người ngày một mỏng manh,
    Quan trên quỷ dữ vẫn rình ở bên

  • Anh có thương em thì đừng có luân con mắt

    Anh có thương em thì đừng có luân con mắt,
    Đừng có quẹt ngón tay,
    Người ta đông như hội, ngó ngay mà nhìn.
    Thuốc của anh anh hút,
    Trầu của anh anh đừng mời.
    Miệng thế gian họ đồn lắm anh ơi,
    Giả lơ làm lảng như hồi chưa quen!

    Dị bản

    • Anh thương em thì đừng có luân con mắt, đừng có bắt cái tay
      Người ta đông như hội ngó ngay chớ đừng nhìn
      Anh thương em để dạ làm tin
      Miếng trầu miếng thuốc giữ gìn anh ăn
      Trầu em, em để trong khăn
      Thuốc anh, anh hút đừng quăng, đừng dồi
      Miệng thế gian quá lắm anh ơi
      Chồng em hay đặng, vậy thời em nói sao.

  • Bao giờ cho chuối có cành

    Bao giờ cho chuối có cành
    Cho sung có nụ, cho hành có hoa
    Bao giờ chạch đẻ ngọn đa
    Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình
    Bao giờ cây cải làm đình
    Gỗ lim thái ghém thì mình lấy ta

    Dị bản

    • Bao giờ cho chuối có cành
      Cho sung có nụ, cho hành có hoa
      Con chim bay vụt qua nhà
      Mà biết đực cái thì ta lấy mình

  • Bấy lâu anh mắc đi mô

    Bấy lâu anh mắc đi mô,
    Thả sen không thấy tới hồ thăm sen
    – Bấy lâu anh bận việc nhà,
    Tai nghe phảng phất em đà có đôi.
    Tưởng thả sen thì bông tươi lá tốt,
    Ai hay nửa chừng lá rụng, bông khô
    Không còn sinh hoa nở nhụy, nỏ đáo tới hồ làm chi!

  • Vào tầng cũng lắm thằng Tây

    Vào tầng cũng lắm thằng Tây
    Thằng kia mũ trắng, thằng đây mũ vàng
    Đường goòng bắc dọc bắc ngang
    Nào hầm lò, nào xe cộ linh tinh
    Trôg lên núi lửa cháy bừng bừng
    Mìn nổ đùng đùng, đá chuyển vang vang
    Đường tầng như thể bậc thang
    Trèo đèo, xuống dốc, ngổn ngang tơi bời
    Trông lên những núi cùng trời
    Ngoảnh mặt kẻ trước người sau giật mình
    Mênh mông ngao ngán một màu
    Đường xa cách mấy lần tàu ai ơi.

  • Đố anh con rết mấy chân,

    Đố anh con rết mấy chân,
    Cầu ô mấy nhịp, chợ Dinh mấy người
    Chợ Dinh bán nón quan hai,
    Bán tua quan mốt, bộ quai năm tiền,
    Năm tiền một giạ đỗ xanh,
    Một cân đường cát, đưa anh lên đường.
    – Thôi thôi đường cát làm chi
    Đỗ xanh làm gì, có ngãi thì thôi.

  • Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
    Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.

    Tiếng đồn anh làm thợ khéo

    Tiếng đồn anh làm thợ khéo
    Em đem qua một bức, mực mẹo anh cũng có dò
    Cớ làm sao không đưa cái lưỡi chàng vô chấn mộng, để mộng lò khó coi?
    – Anh đây làm thợ khéo
    Em đem qua một bức, mực mẹo anh cũng có dò
    Bữa qua anh sang bên nhà, thầy mẹ có nói, chấn chi thì chấn, để cái mộng lò mà treo nghi.

Chú thích

  1. Cơ hàn
    Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.

    Bạn ngồi bạn uống rượu khan
    Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!

    (Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)

  2. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  3. Phản
    Bộ ván dùng để nằm hoặc ngồi như giường, chõng, thường từ 1-3 tấm ván ghép lại, đặt trên một bộ chân vững chãi. Có một số loại phản khác nhau như phản gõ (còn gọi là "bộ gõ" hay "ngựa gõ" là phản làm bằng gỗ gõ), phản vuông (có mặt phản hình vuông), phản giữa, phản chái (do vị trí phản đặt ở trong nhà). Mặt phản không chạm, tiện, chỉ cần cưa, cắt thẳng, bào láng, đánh bóng. Bộ chân đế phản ở các nhà khá giả thì được tiện hình trang trí khá tinh xảo.

    Theo tôn ti trật tự ngày xưa, ngồi phản phải xét ngôi thứ, chứ không phải ai muốn ngồi phản nào cũng được. Bậc trưởng thượng thường ngồi giữa phản, vai vế thấp hơn ngồi ở mé bên. Tương tự, chỉ có bậc trưởng thượng mới được ngồi phản giữa, đặt ngay chính giữa nhà. Vai vế thấp hơn phải ngồi phản chái đặt ở gian chái tây hướng ra vườn.

    Phản gỗ

    Phản gỗ

  4. Duyên nợ
    Theo giáo lí nhân quả của nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên (nhân duyên), và nên nghĩa vợ chồng để trả nợ từ kiếp trước.
  5. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  6. Tái hồi
    Quay lại (từ Hán Việt).
  7. Tợ
    Tựa như, giống như (phương ngữ Nam Bộ).
  8. Thị phi
    Phải và không phải. Chỉ sự đồn đại, chê bai.

    Kẻ yêu nên ít lời cao hạ,
    Người ghét càng nhiều tiếng thị phi.

    (Than thân - Nguyễn Hữu Chỉnh)

  9. Trách
    Một loại nồi đất, hơi túm miệng, đáy bầu, hông phình.
  10. Ngò
    Còn gọi là ngò rí, rau mùi, loại rau có mùi thơm, thường được trồng làm rau thơm và gia vị.

    Ngò

    Ngò

  11. Rau má
    Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.

    Rau má

  12. Cá chim
    Một loài cá biển, mình dẹp và cao, mồm nhọn, vẩy nhỏ, vây kín.

    Cá chim

    Cá chim

  13. Môn tây
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Môn tây, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  14. Thù đủ
    Đu đủ (phương ngữ Trung Bộ).
  15. Một, hai... ở đây là cách đếm thứ tự (cái thứ nhất, cái thứ hai...) chứ không phải là số lượng.
  16. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  17. Dùn
    Chùng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  19. Gio Linh
    Một huyện nhỏ của tỉnh Quảng Trị, từng là bờ Nam của vĩ tuyến 17, nơi chia đôi đất nước thành hai miền Bắc - Nam.
  20. Cái tréc
    Cái trách (phương ngữ miền Trung), từ dùng chỉ nồi đất dùng để kho cá.
  21. Đa đoan
    Lắm mối, lắm chuyện lôi thôi, rắc rối.

    Cơ trời dâu bể đa đoan,
    Một nhà để chị riêng oan một mình

    (Truyện Kiều)

  22. Nan
    Thanh tre hoặc nứa vót mỏng, dùng để đan ghép thành các đồ gia dụng như nong nia, thúng mủng...

    Đan nan cót

    Đan nan cót

  23. Đồng triều
    Cánh đồng ở vùng đất ngập nước ven biển, hình thành từ bùn do sông và thuỷ triều mang tới. Đồng triều chủ yếu được dùng để nuôi trồng thủy hải sản.
  24. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  25. Núi Ốc
    Tên chữ là Ốc Sơn, còn gọi là Cô Sơn, một ngọn núi nay thuộc địa phận xã Hà Phong, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Gọi như vậy vì trông xa núi có hình dáng giống một con ốc lồi khổng lồ.
  26. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  27. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  28. Luân
    Chuyển động có chu kỳ; Xoay đảo, chuyển đổi (từ Hán Việt).
  29. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  30. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  31. Thuốc xỉa
    Một nhúm thuốc lào được ngậm bằng môi trên trong lúc ăn trầu để tẩy cổ trầu (nước bọt có màu hồng) và xác trầu bám vào răng. Động tác bỏ thuốc xỉa vào miệng gọi là xỉa thuốc.
  32. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  33. Sung
    Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Cây và quả sung

    Cây và quả sung

  34. Cá chạch
    Miền Nam gọi là cá nhét, một loại cá nước ngọt trông giống như lươn, nhưng cỡ nhỏ, thân ngắn và có râu, thường rúc trong bùn, da có nhớt rất trơn. Vào mùa mưa cá chạch xuất hiện nhiều ở các ao hồ, kênh rạch; nhân dân ta thường đánh bắt về nấu thành nhiều món ngon như canh nấu gừng, canh chua, chiên giòn, kho tộ...

    Cá chạch

    Cá chạch

  35. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  36. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  37. Có bản chép: rau diếp.
  38. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  39. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  40. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  41. Sen
    Loài cây mọc dưới nước, thân hình trụ, lá tỏa tròn, cuống dài. Hoa to, màu trắng hay đỏ hồng, có nhị vàng.

    Hoa sen trắng

    Hoa sen trắng

  42. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  43. Đáo
    Đến nơi. Như đáo gia 到家 về đến nhà (theo Thiều Chửu).
  44. Goòng
    Xe nhỏ có bốn bánh sắt chuyển trên đường ray để chở than, quặng, đất (từ tiếng Pháp wagon).
  45. Cầu Ô Thước
    Chiếc cầu trong điển tích Ngưu Lang - Chức Nữ, tượng trưng cho sự sum họp đôi lứa.
  46. Chợ Dinh
    Một ngôi chợ nay thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
  47. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  48. Giạ
    Đồ đong lúa đan bằng tre (có chỗ ghép bằng gỗ), giống cái thúng sâu lòng, thường đựng từ 10 ô trở lại, thường thấy ở miền Trung và Nam (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của). Một giạ ta tùy địa phương lại có giá trị khác nhau, từ 32 cho tới 45 lít, giạ tây (thời Pháp đô hộ) chứa 40 lít. Đến giữa thế kỉ 20 xuất hiện loại giạ thùng được gò bằng tôn, chứa 40 lít.

    Giạ đong lúa

    Giạ đong lúa bằng gỗ

  49. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  50. Chàng làng
    Loại chim nhỏ, khá hung dữ, mỏ hình móc câu, khỏe, thường đậu chỗ trống hoặc trên cao. Chim ăn côn trùng, sinh vật nhỏ hoặc chim nhỏ, non, thậm chí ếch nhái, chuột nhỏ. Chúng có tiếng hót khá đa dạng, có thể nhại được tiếng các loài chim khác nên còn gọi là bách thanh điểu.

    Chàng làng vằn

    Chàng làng vằn

  51. Nỏ mần chi
    Chẳng làm gì (phương ngữ Trung Bộ).
  52. Cu cu
    Chim bồ câu (phương ngữ Trung Bộ).
  53. Chàng làng
    Còn được gọi là chim bách thanh, thằn lằn chó, hoặc chim quích. Gồm 12 loài khác nhau, có chiều dài thường từ 19cm đến 25cm. Mỏ hình móc câu, khỏe. Thức ăn là côn trùng, có khi ăn cả chim nhỏ, ếch nhái, chuột nhỏ. Chàng làng có tập tính treo thức ăn lên cành cây hoặc bụi cây có gai. Có người cho rằng chúng làm vậy nhằm để dành thức ăn. Lại có người cho rằng, qua quan sát tỉ mỉ, họ nhận thấy chúng làm vậy chẳng qua theo thói quen, không phải để dành dụm, vì sau đó chúng không động đến những thức ăn đã treo nơi đó. Chàng làng có tiếng hót khá đa dạng, chúng có thể học và nhại lại tiếng hót của một số loài chim khác.

    Chim chàng làng

    Chim chàng làng

  54. Lác chác
    Om sòm, ồn ào (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  55. Trim trỉm
    Im lặng, tầm ngầm (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  56. Chàng
    Dụng cụ của thợ mộc gồm một lưỡi thép dẹp hình tam giác tra vào cán, dùng để vạt gỗ (đẽo xiên).

    Dùng chàng

    Dùng chàng

  57. Chấn
    Cắt rời (bằng dao, đục…).
  58. Mộng
    Một chi tiết kĩ thuật dùng để ghép các thanh gỗ lại với nhau. Người thợ mộc đục gỗ thành một bên lồi (凸) và một bên lõm (凹) gọi là "mộng" và "lỗ mộng," hai phần này ghép khít lại sẽ giúp cố định các thanh gỗ mà không cần đinh.

    Gỗ ghép bằng mộng

    Gỗ ghép bằng mộng

  59. "Mộng lò" phát âm giọng Huế có thể nói lái lại thành "mọ l."
  60. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).