Tìm kiếm "Đá vàng"

Chú thích

  1. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  2. Cự Đà
    Tên một làng cổ nay thuộc Cự Khê, xã cực bắc của huyện Thanh Oai, Hà Nội, nằm bên bờ sông Nhuệ. Khác với Đường Lâm là làng cổ điển hình của vùng trung du, làng cổ Cự Đà mang những đặc trưng của một làng ven sông. Hằng năm, cứ vào đúng ngày 14 tháng giêng âm lịch, người dân làng Cự Đà lại nô nức tổ chức lễ hội Đại kỳ phúc; còn lễ Đại đám tổ chức 5 năm một lần. Làng Cự Đà còn nổi tiếng với nghề làm tương truyền thống.

    Làng Cự Đà

    Làng Cự Đà

  3. Đà Nẵng
    Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.

    Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

  4. Phú quý đa nhân hội
    Giàu sang thì nhiều người lân la đến làm quen.
  5. Bần cùng thân thích li
    Nghèo túng thì người thân thích cũng rời bỏ.
  6. Đường thắng
    Cũng gọi là kẹo đắng hoặc nước hàng, ở miền Trung gọi là đường rim, loại đường được tạo thành bằng cách cho đường hoa mơ hoặc đường đỏ được vào nồi, đun cho tan chảy, cho thêm một chút nước đun cho quánh lại. Đường rim có thể được cô thành cục, dùng để kho thịt, cá nhằm tạo màu hoặc làm gia vị.

    Thắng đường

    Thắng đường

  7. Tiềm
    Đồ đựng bằng sành sứ giống như cái nồi nhỏ, có nắp, dùng đựng cơm, thức ăn.

    Cái tiềm sứ

    Cái tiềm sứ

  8. Thuốc rê
    Thuốc lá sợi được sản xuất theo lối thủ công, khi hút thường phải tự tay vấn thành điếu. Thuốc rê cũng có thể dùng để nhai. Những người nghiện thuốc ngày trước thường đi đâu cũng mang theo một bọc thuốc rê.

    Thuốc rê

    Thuốc rê

  9. Giấy quyến
    Loại giấy rất mỏng dùng để quấn thuốc lá hút.
  10. Liễn
    Đồ bằng sành hoặc sứ dùng để đựng đồ ăn thức uống, thường có nắp đậy.

    Liễn sứ thời nhà Lê

    Liễn sứ thời nhà Lê

  11. Trầu nguồn
    Loại trầu của đồng bào dân tộc trồng trên núi, có lá to, hương đậm.
  12. Cau lửa
    Một giống cau cho quả có màu đỏ.

    Cau lửa

    Cau lửa

  13. Mực nang
    Một loại mực có thịt dày, trắng ngần như cơm dừa, vị giòn, ngọt, thơm. Mực nang thường được chế biến thành món mực hấp, xào, nướng... đều rất ngon.

    Mực nang

    Mực nang

  14. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  15. Lộ phí
    Tiền đi đường (từ Hán Việt).
  16. Giạ
    Đồ đong lúa đan bằng tre (có chỗ ghép bằng gỗ), giống cái thúng sâu lòng, thường đựng từ 10 ô trở lại, thường thấy ở miền Trung và Nam (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của). Một giạ ta tùy địa phương lại có giá trị khác nhau, từ 32 cho tới 45 lít, giạ tây (thời Pháp đô hộ) chứa 40 lít. Đến giữa thế kỉ 20 xuất hiện loại giạ thùng được gò bằng tôn, chứa 40 lít.

    Giạ đong lúa

    Giạ đong lúa bằng gỗ

  17. Đường phèn
    Loại đường làm từ mía (như đường cát bình thường) nhưng công đoạn chế biến phức tạp hơn. Người ta làm đường phèn bằng cách nấu sôi đường cát với trứng gà và nước vôi, hớt bọt rồi thả những cái đũa có buộc các búi chỉ vào, để khô thành những cục đường kết tinh trong suốt gọi là đường phèn. Đường phèn có vị thanh và dịu hơn đường cát. Vì nhìn giống đá băng nên đường phèn còn có tên là băng đường.

    Đường phèn

    Đường phèn

  18. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  19. Sắt cầm
    Đàn sắt và đàn cầm, hai loại đàn của Trung Quốc. Tương truyền, đàn sắt do vua Phục Hy chế ra vào khoảng gần ba nghìn năm trước công nguyên, còn đàn cầm do vua Thuấn chế ra khoảng một nghìn năm sau đó. Đàn sắt và đàn cầm thường được đánh hòa với nhau, vì vậy chữ sắt cầm, duyên cầm sắt được dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

    Chàng dù nghĩ đến tình xa
    Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ

    (Truyện Kiều)

  20. Ngũ Hành Sơn
    Còn có tên là núi Non Nước, một danh thắng gồm 6 ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển, trên một diện tích khoảng 2 km2, gồm: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn (lớn, cao và đẹp nhất), Hỏa Sơn (có hai ngọn) và Thổ Sơn, thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Ngũ Hành Sơn là một thắng cảnh nổi tiếng của Đà Nẵng.

    Ngũ Hành Sơn

    Ngũ Hành Sơn

  21. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  22. Thất Sơn
    Còn có tên là Bảy Núi, chỉ hệ thống 37 ngọn núi mọc giữa đồng bằng Tây Nam Bộ, nằm trong địa phận hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang. Bảy ngọn núi tiêu biểu được dùng để gọi tên cả dãy Thất Sơn bao gồm: Núi Cấm, Núi Dài Năm Giếng, Núi Cô Tô, Núi Phụng Hoàng, Núi Dài, Núi Tượng, Núi Két, Núi Nước. Hiện nay chưa rõ vì sao tên Bảy Núi lại được dùng.
  23. Mống
    Cầu vồng (phương ngữ).
  24. Cu Đê
    Một địa danh nằm ở phía Bắc huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng hiện nay. Tại đây có núi và sông Cu Đê. Sách Đại Nam Nhất thống chí ghi: "Núi Cu Đê [...] lại có tên là núi Hoa Ổ (tục gọi là động Suối Đá), núi nhiều ve ve, người địa phương bắt nấu ăn rất ngon. Mùa thu mùa đông cầu vồng hiện ở phía Nam núi, người ta lấy đấy mà chiêm nghiệm mưa lụt." Làng Cu Đê ngày xưa chính là làng Nam Ô bây giờ.

    Cửa sông Cu Đê với núi Xuân Dương (phải) và núi Gành Nam Ô

    Cửa sông Cu Đê với núi Xuân Dương (phải) và núi Gành Nam Ô

  25. Cửa Đại
    Tên cũ là cửa Đại Chiêm, cửa sông nơi sông Thu Bồn đổ ra Biển Đông, thuộc Hội An, Quảng Nam. Cửa Đại (hay Cửa Đợi) cũng là tên của bãi biển khu vực này.

    Vùng Cửa Đại xưa kia là hải cảng chính của nước Champa và kinh thành Champa trên đất Quảng Nam, là nơi giao thương buôn bán sầm uất. Hiện nay Cửa Đại là một điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam.

    Biển Cửa Đại

    Biển Cửa Đại

  26. Cá mại
    Loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, cỡ nhỏ bằng ngón tay cái, thân dẹp và ngắn.

    Cá mại nấu canh chua

    Cá mại nấu canh chua

  27. Sơn Trà
    Tên một bán đảo nay thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, đồng thời cũng là tên một ngọn núi thuộc khu vực này.

    Bán đảo Sơn Trà nhìn từ biển

    Bán đảo Sơn Trà nhìn từ biển

  28. Sa Huỳnh
    Một địa danh thuộc địa phận hai xã Phổ Châu và Phổ Thạnh của huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Trước đây, địa danh này có tên là Sa Hoàng (bãi cát vàng), song vì chữ Hoàng trùng tên với chúa Nguyễn Hoàng nên đọc trại ra thành Sa Huỳnh. Nơi đây nổi tiếng với nền văn hóa Sa Huỳnh - một trong ba cái nôi của nền văn minh Việt Nam cổ xưa, cùng với văn hóa Đông Sơn và văn hóa Óc Eo.

    Mộ chum, cổ vật tìm thấy của nền văn hóa Sa Huỳnh.

    Mộ chum, cổ vật tìm thấy của nền văn hóa Sa Huỳnh.

  29. Trà Quế
    Tên một ngôi làng nằm cách phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam khoảng 3 km về hướng Đông Bắc. Tại đây có nghề truyền thống là trồng rau, nên còn gọi là làng rau Trà Quế.

    Tưới rau ở làng rau Trà Quế

    Một vườn rau Trà Quế

  30. Hòn Kẽm Đá Dừng
    Một nơi phong cảnh sơn thủy hữu tình nằm ở thượng nguồn sông Thu Bồn, trước đây thuộc về hai xã Quế Phước và Quế Lâm, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; nay là ranh giới huyện Quế Sơn và Hiệp Đức. Có ý kiến cho rằng chỉ có tên ngọn núi là Hòn Kẽm, còn "đá dừng" là để mô tả vách đá dựng đứng, hiểm trở của ngọn núi này.

    Hòn Kẽm, Đá Dừng

    Hòn Kẽm, Đá Dừng

  31. Nữ thần phù hộ người đi biển. Theo Sơn Nam: “Bà là nhân vật có thật nhưng lần hồi được thêu dệt về sự linh thiêng. Nhờ tu tiên (theo đạo Lão Tử), tuy ngồi nhà Bà vẫn thấy người đi biển đang bị đắm thuyền, bèn dùng bùa phép để cứu vớt.”
  32. Gió đông
    Từ từ Hán Việt đông phong, nghĩa là gió mùa xuân, từ hướng đông thổi đến.

    Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
    Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

    (Đề đô thành Nam trang - Thôi Hộ)

    Trần Trọng San dịch:
    Mặt người giờ ở nơi nao?
    Hoa đào vẫn đó cười chào gió đông.

  33. Gió nồm
    Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.
  34. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  35. Nam mô A Di Đà Phật
    Câu niệm danh hiệu của Phật A Di Đà, một phép tu hành được sử dụng trong Phật giáo Đại Thừa, đặc biệt là Tịnh Độ Tông.
  36. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  37. Chùa Đức La
    Tên chữ là Vĩnh Nghiêm Tự, một ngôi chùa cổ có từ khoảng thế kỉ 13, tọa lạc tại xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Ngôi chùa này từng là một trung tâm Phật giáo lớn của cả nước, nơi ba vị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang mở trường thuyết pháp và sau này là nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước.

    Khuôn viên chùa Đức La

    Khuôn viên chùa Đức La

  38. Chùa Bổ Đà
    Tên chính xác là chùa Quán Âm núi Bổ Đà hay Bổ Đà Sơn Quán Âm Tự (普陀山觀音寺), gọi tắt là chùa Bổ, một trong những ngôi chùa độc đáo nhất Kinh Bắc, là Trung tâm Phật giáo lớn của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Chùa tọa lạc trên ngọn núi Phượng Hoàng (Bổ Đà sơn), phía Bắc sông Cầu, thuộc địa phận xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang . Chùa có từ thời nhà Lý thế kỉ 11 và được xây dựng lại vào thời Lê Trung hưng, dưới triều vua Lê Dụ Tông, đến nay vẫn còn bảo tồn nguyên vẹn kiến trúc và nhiều thư tịch có giá trị.

    Một góc chùa Bổ Đà

    Một góc chùa Bổ Đà

  39. Chùa Dền
    Một ngôi chùa thuộc tổng Thọ Xương cũ, nay thuộc thị xã Bắc Giang. Đầu thế kỷ 20 chùa bị tháo dỡ, chuyển xuống cạnh thành Dền.
  40. Chưa nóng nước đã đỏ gọng
    Chỉ những người nhát gan, như tôm cua luộc chưa nóng nước đã sợ, gọng (càng) đã đỏ lên.
  41. Lộ bất hành bất đáo, chung bất đả bất minh
    Đường không đi không đến được, chuông không đánh không kêu được. Nguyên trích từ sách Tăng quảng hiền văn (tuyển tập những câu ngạn ngữ dân gian của Trung Quốc): "Lộ bất hành bất đáo, sự bất vi bất thành. Nhân bất khuyến bất thiện, chung bất đả bất minh."
  42. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  43. Trí tri
    Biết rõ, suy xét thấu đáo (chữ Hán).
  44. Đãy
    Cũng gọi là tay nải, cái túi to làm bằng vải, có quai để quàng lên vai, dùng để mang đi đường. Đây là vật dụng thường thấy ở những nhà sư khất thực.

    Mang đãy

    Mang đãy

  45. May váy phòng khi cả dạ
    Khi may váy nên may rộng rãi để phòng lúc có mang (cả dạ) mặc vẫn vừa. Nghĩa rộng: Làm việc gì cũng nên có tính toán trước các tình huống.
  46. Xống
    Váy (từ cổ).