Ai ơi đứng lại mà trông
Kìa vạc nấu dó, kìa sông đãi bìa
Kìa giấy Yên Thái như kia
Giếng sâu chín trượng nước thì trong xanh
Đầu chợ Bưởi có điếm cầm canh
Người đi kẻ lại như tranh họa đồ
Cổng chợ có miếu thờ vua
Đường cái chính xứ lên chùa Thiên Niên
Chùa Thiên Niên có cây vọng cách
Chùa Bà Sách có cây đa lông
Cổng làng Đông có cây khế ngọt
Con gái Kẻ Cót thì đi buôn xề
Con trai làng Nghè dệt cửi kéo hoa
An Phú nấu kẹo mạch nha
Làng Vòng làm cốm để mà tiến vua.
Họ Lại làm giấy sắc vua
Làng Láng mở hội kéo cờ hùng ghê.
Tìm kiếm "cò trắng"
-
-
Mưa từ trong Quảng mưa ra
Mưa từ trong Quảng mưa ra
Mưa khắp Hà Nội mưa qua Hải Phòng
Hạt mưa trong thực là trong
Mưa xuống sông Hồng mưa cả mọi nơi
Hạt mưa vẫn ở trên trời
Mưa xuống hạ giới cho người làm ăn
Tháng Giêng là tiết mưa xuân
Đẹp người thục nữ thanh tân má hồng
Muốn cho đây đấy vợ chồng
Hay còn quyết chí một lòng chờ ai?
Tháng Giêng bước sang tháng Hai
Mưa xuân lác đác hoa nhài nở ra
Tháng Hai bước sang tháng Ba
Mưa rào mát mẻ nở hoa đầy cành … -
Làng tôi nhỏ bé xinh xinh
-
Phụ mẫu tồn bất khả viễn du
Dị bản
-
Ngày xửa ngày xưa
Ngày xửa ngày xưa
Có mẹ bán dưa
Bả cưa cái cẳng
Bả nắn cái nồi
Bả nhồi cục bột
Bả lột miếng da
Bả ca vọng cổ
Bả nhổ cây bông
Bả trồng cây chuối
Bả muối con cá
Bả đá trái banh
Bả sanh thằng nhỏ
Cái đầu đỏ đỏ
Cái đít đen đenDị bản
Ngày xửa ngày xưa
Có con mụ bán dưa
Bả cưa cái cẳng
Bả nắn cái nồi
Bả nhồi cục bột
Bả lột miếng da
Bả ca vọng cổ
Bả nhổ cây bông
Bả trồng cây chuối
Bả muối con cá
Bả đá con chó
Bả đẻ thằng nhỏ
Cái đầu đỏ đỏ
Cái đít vàng khè
-
Quê em ở chốn rừng xanh
-
Vào chùa xem tượng mới tô
-
Bài này có từ ngữ và/hoặc nội dung nhạy cảm.
Hãy cân nhắc trước khi bấm xem.Năm xưa anh ở trên trời
Năm xưa anh ở trên trời
Đứt dây rớt xuống làm người trần gian
Năm xưa anh vẫn đi hàn
Là nghề truyền kiếp tông đàng nhà ta
Anh hàn từ nồi bảy, nồi ba
Gặp cô mười tám đem ra anh cũng hàn
Cô này to lỗ, tốn than
Đồng đâu mà đổ cho giàn lỗ ni
Hết đồng anh lại pha chì
Anh hàn chín tháng, cô thì thụ thai
Sinh được thằng bé con trai
Về sau giống bố, gặp ai cũng hàn. -
Ao ta ta thả cá chơi
-
Tui đau tương tư, ba tui chạy thuốc, chị tui suốt lá sầu đâu
-
Một thương em nhỏ móng tay
Một thương em nhỏ móng tay
Hai thương em bậu khéo may yếm đào
Ba thương cám cảnh phù lao
Bốn thương em bậu miệng chào có duyên
Năm thương má lúm đồng tiền
Sáu thương em bậu như tiên chăng là
Bảy thương em có nguyệt hoa
Tám thương em có bậu làm qua phải lòng
Chín thương nước mắt ròng ròng
Mười thương em bậu phải lòng qua chăng
Mười một thương em hãy còn son
Mười hai thương vú dậy đã tròn như vung
Mười ba thương em đã có chồng
Bước qua mười bốn trong lòng thọ trai
Mười lăm sinh đặng con trai
Sang năm mười sáu đặng hai đời chồng
Mười bảy em còn ở không
Đến năm mười tám lấy chồng căn duyên
Mười chín lấy thợ đóng thuyền
Hai mươi lấy lính quan quyền thờ vua
Hai mốt lấy chàng câu cua
Hăm hai lên chùa mê mệt thầy tu
Hai ba lấy thợ đóng dù
Bước qua hăm bốn lấy phu đi đàng
Lỡ duyên em bậu ngỡ ngàng
Trở về em lấy dân làng cho xong. -
Canh nông, sớm tối ngoài đồng
Canh nông, sớm tối ngoài đồng
Suốt ngày cặm cụi, chổng mông lên trời
Bữa ăn như bữa vét nồi
Đói cào đói rã, mồ hôi ướt đầm
Sống gì sống tối sống tăm
Khổ ngày khổ tháng khổ năm khổ đời
Bắc thang lên hỏi Phật Trời
Cớ sao lại để kiếp người đắng cay -
Thân em thái thể đồng tiền
– Thân em thái thể đồng tiền
Lớn thời ăn sáu nhỏ nguyền ăn ba
Chữ đề thông bửu quốc gia
Dân yêu quan chuộng nghĩ đà sướng chưa?
– Thân anh thái thể chuối già
Ăn sáu anh cũng xỏ, ăn ba không từ
Đi ra mua bán đời chừ
Đồng sứt đồng mẻ anh không từ đồng mô
Nói ra thì sợ mất lòng cô
Chứ đường ngay tôi xỏ thẳng, lẽ mô cô giận hờn -
Tay cầm con dao
Tay cầm con dao
Làm sao cho sắc
Để mà dễ cắt
Để mà dễ chặt
Chặt lấy củi cành
Chạy lên rừng xanh
Chạy quanh sườn núi
Một mình thui thủi
Chặt cây, chặt củi
Tìm chốn ta ngồi
Đỗi mát thảnh thơi
Kìa một đàn chim
Ở đâu bay đến
Ở đâu bay lại
Con đang cắn trái
Con đang tha mồi
Qua lối nọ nó ăn
Cái con hươu kia
Mày đang ăn lộc
Lộc vả, lộc sung
Mày trông thấy tớ
Mày đừng có sợ
Tớ không đuổi mày
Mày quay đi mất -
Tai nghe trống điểm dưới ao
-
Ác tăng đội lốt thầy tu
-
Anh hiếu bao nhiêu gọi rằng hiếu nghĩa?
-
Nghinh Tiên chắp chắc quay thừng
-
Vô duyên lấy phải chồng già
Vô duyên lấy phải chồng già
Ra đường bạn hỏi rằng cha hay chồng?
Nói ra đau đớn trong lòng
Chính thực là chồng có phải cha đâu.
Ngày ngày vác cối giã trầu
Tay thời rót nước, tay hầu cái tăm.
Đêm đêm đưa lão đi nằm
Thiếp đặt lão xuống, lão nằm trơ trơ.
Hỡi ông lão ơi! Ông trở dậy cho thiếp tôi nhờ
Để thiếp tôi kiếm chút con thơ bế bồng.
Nữa mai người có thiếp không
Xấu hổ với chúng bạn, cực lòng mẹ cha.Dị bản
Vô duyên vô phúc húc phải ông chồng già
Ra đường bị hỏi là cha hay chồng?
Nói ra đau đớn trong lòng
Ấy cái nợ truyền kiếp, chớ phải chồng em đâu!Tốt số lấy được chồng già
Ra đường bạn hỏi: Ông gia hay chồng?
Không nói ra thì cực trong lòng
– Ông gia tôi đó, nỏ phải chồng tôi đâu
Cơm xong, múc nước, nhai trầu
Đêm tắt đèn đi ngủ, hàm râu ông kề vào
Tôi xê ra ông lại xịch vào
Phận tôi là gái má đào mắt xanh
Lẽ nào kêu cố bằng anh?
-
Chim khôn mắc bẫy vì người
Chim khôn mắc bẫy vì người
Ốc khôn ốc cũng vì mồi chết oan
Ta về hái nắm sắn non
Rau sấm rau sét bẫy con ốc lồi
– Chim khôn chết mệt vì mồi
Anh đây chết chắc vì người đa đoan
Người đa đoan lòng dạ đa đoan
Như con thuyền bắt ốc lắm nan ít hồ
Đồng triều lắm ốc sóng to
Thuyền anh trôi dạt sang nhờ thuyền em
Hóa thành con ốc đồng chiêm
Cái thân mốc thếch như thuyền chở phân?
– Trông lên núi Ốc xây vần
Cớ sao Ốc lại hóa thành núi cao?
Chú thích
-
- Dó
- Loại cây nhỏ trong nhóm cây gỗ lớn, cao từ 8-12m, có hoa màu trắng. Vỏ cây dó (còn gọi là cây dó giấy) là nguyên liệu chủ yếu để sản xuất giấy dó.
-
- Đãi bìa
- Một công đoạn làm giấy thủ công, người thợ dùng rá để đãi sạch con bìa (vỏ dó sau khi được nấu chín) trong nước ao.
-
- Yên Thái
- Tên một làng nằm ở phía tây bắc thành Thăng Long, nay là thủ đô Hà Nội. Tên nôm của làng là làng Bưởi, cũng gọi là kẻ Bưởi. Theo truyền thuyết ngày xưa đây là vùng bãi lầy nơi hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch. Dân vùng Bưởi có hai nghề thủ công truyền thống là dệt lĩnh và làm giấy.
-
- Trượng
- Đơn vị đo chiều dài cổ của Việt Nam và Trung Hoa. Một trượng dài khoảng 4 mét. Trong văn học cổ, "trượng" thường mang tính ước lệ (nghìn trượng, trăm trượng…).
-
- Chợ Bưởi
- Ngôi chợ thuộc làng Bưởi, thuộc Thăng Long - Hà Nội. Chợ nằm ở Ngã ba Lạc Long Quân – Thụy Khê ngày nay, là nơi trao đổi, mua bán sản phẩm các làng nghề vùng Bưởi như lĩnh của Yên Thái, Bái Ân, giấy của Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã, dụng cụ sản xuất nông nghiệp của Xuân La, Xuân Đỉnh. Nơi đây cũng là chỗ để người dân lân cận mang cây, con giống đến bán, nên người Pháp trước đây cũng gọi là chợ Làng Lợn.
Vào thời nhà Lý, khu vực này sử dụng làm pháp trường, tử tội bị chém đầu và vùi thây tại đây. Người ta đồn rằng, vào phiên chợ Bưởi cuối năm các hồn ma từ âm phủ hiện về trà trộn với người trần đi sắm hàng Tết, do đó phiên chợ này từng được gọi là phiên chợ Ma Phường.
-
- Điếm canh
- Nhà nhỏ thường dựng ở đầu làng hay trên đê, dùng làm nơi canh gác.
-
- Canh
- Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
-
- Họa đồ
- Bức tranh vẽ cảnh vật, sông núi (từ Hán Việt).
-
- Miếu
- Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…
-
- Chùa Thiên Niên
- Tên chữ là Thiên Niên Cổ Tự, còn được gọi là chùa Trích Sài, một ngôi chùa nằm ngay sát bờ hồ Tây, thuộc làng Trích Sài, phường Bưởi, giáp ranh với phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chùa thờ Phật và thờ bà chúa dệt lĩnh Phạm Thị Ngọc Đô - thứ phi của vua Lê Thánh Tông đã từng truyền nghề dệt lĩnh cho nhân dân trong vùng.
-
- Vọng cách
- Một loại cây mọc hoang có lá mọc đối, hình tim, mặt trên láng, mặt dưới có ít lông. Hoa nhỏ có màu trắng, mọc thành chùm. Quả tròn, cỡ đầu ngón tay, khi chín có màu đen. Lá có mùi thơm, thường dùng làm rau sống, nấu canh, cuốn thịt bò nướng…
-
- Chùa Tảo Sách
- Cũng gọi là chùa Tào Sách hay chùa Bà Sách, tên chữ là Linh Sơn Tự, một ngôi chùa nổi tiếng ở về phía tây Hồ Tây, từ chợ Bưởi đi lên, nay thuộc địa phận phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Theo thống kê của Viện nghiên cứu Hán Nôm thì chùa có 42 câu đối (39 câu đối chữ Hán, 3 câu đối chữ Nôm), 23 bức đại tự, 2 quả chuông trong đó 1 quả đúc năm Minh Mệnh tam niên (1822), 24 văn bia, trong đó có đến 12 bia được lập vào năm Tân Tị niên hiệu Bảo Đại (1941). Từ lâu chùa đã được công nhận là di tích văn hóa.
-
- Đa lông
- Một loại đa, lá có lông phủ trên bề mặt.
-
- Đông Xã
- Vốn là một thôn của làng Yên Thái, tách ra thành một xã độc lập từ đời Duy Tân (1907 - 1915), nay thuộc cụm 4 phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Thời Lê, làng nằm trong phường Yên Thái của Kinh thành Thăng Long; thời Nguyễn thuộc tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận. Đây là một làng cổ ở ven hồ. Tục truyền thời Hùng Vương đã có dân sinh cơ lập nghiệp. Dân làng Đông Xã có nghề làm giấy dó từ rất lâu đời.
-
- Làng Cót
- Cũng gọi là kẻ Cót, tên Nôm của hai làng Yên Quyết là Thượng Yên Quyết ở phía Bắc và Hạ Yên Quyết ở phía Nam, đều nằm bên bờ phải sông Tô Lịch. Về sau làng Cót được lấy làm tên gọi cho làng Hạ Yên Quyết tức làng Bạch Liên Hoa, còn làng Thượng Yên Quyết sau đổi gọi là làng Giấy, do có nghề truyền thống là sản xuất giấy. Cả hai làng Yên Quyết nay đều thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nằm ven sông Tô Lịch đoạn từ cầu Giấy đến gần cầu Trung Kính.
Nghề truyền thống của làng Cót là nghề làm vàng mã. Hiện nay, còn nhiều hộ gia đình tại làng Cót vẫn giữ nghề truyền thống này.
-
- Trung Nha
- Tên nôm là làng Nghè, nay là thôn Trung Nha, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Xưa kia, trai làng giỏi nghề canh cửi, lại biết làm nghề làm giấy sắc phong, loại giấy bền, dai, dùng viết sắc chỉ, sớ tấu, biểu lệnh… “Nghè” là tiếng đập của hai chày tay do hai người giã vào xếp giấy cho mỏng tang.
-
- Làng Vòng
- Tên một làng nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Làng Vòng nổi tiếng với cốm làng Vòng, một đặc sản không chỉ của riêng Hà Nội mà còn của cả nước ta.
-
- Cốm
- Thức ăn được làm từ lúa nếp làm chín bằng cách rang và sàng sảy cho hết vỏ trấu, rất thịnh hành trong ẩm thực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là tại Hà Nội. Ở miền Bắc, lúa nếp để làm cốm thường là nếp non, hạt lúa bấm ra sữa, tuy ở miền Trung và Nam Bộ cốm có thể dùng để chỉ thành phẩm sử dụng loại lúa nếp già tháng hơn rang nổ bung ra và sau đó được ngào với đường. Nổi tiếng nhất có lẽ là cốm làng Vòng, đặc sản của làng Vòng (thôn Hậu) cách trung tâm Hà Nội khoảng 5–6 km, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
-
- Họ Lại
- Một họ ở làng Trung Nha, xã Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Xưa kia, họ Lại chuyên làm giấy lệnh cho triều đình phong kiến viết sắc chỉ.
-
- Sắc
- Tờ chiếu lệnh của vua ban cho quan dân dưới thời phong kiến.
-
- Yên Lãng
- Tên nôm là làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, xưa thuộc xã Yên Lãng, gần cửa Bảo Khánh, thành Thăng Long. Làng có nghề trồng rau, trong đó nổi tiếng nhất là rau húng. Húng Láng khi trồng ở làng thì có một hương vị riêng rất đặc biệt, hương vị này không còn nếu đem đi trồng ở làng khác.
-
- Quảng Nam
- Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...
-
- Hải Phòng
- Một địa danh nay là thành phố Hải Phòng, thành phố cảng lớn nhất thuộc miền Bắc nước ta. Theo thư tịch cũ, toàn địa bàn xứ Đông (Hải Dương) xưa - bao gồm cả Hải Phòng ngày nay - thời Hùng Vương thuộc bộ Dương Tuyền, là một trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang. Đến cuối thế kỉ 19, Hải Phòng đã thành một trong các thành phố lớn nhất nước. Về văn hóa, tại đây có nhiều đền chùa thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Lê Hoàn và Ngô Quyền, đồng thời là quê hương của các nhạc sĩ lớn như Văn Cao, Hoàng Quý, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên... Hải Phòng cũng là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam với bãi biển Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà. Vì có nhiều hoa phượng nên Hải Phòng còn được gọi là thành phố hoa phượng đỏ.
-
- Sông Hồng
- Còn gọi là sông Cái, con sông lớn nhất chảy qua các tỉnh miền Bắc với nhiều phụ lưu cũng là các con sông lớn như sông Đà, sông Lô... Vùng hạ lưu sông gọi là đồng bằng sông Hồng, rất rộng lớn và màu mỡ, là vựa lúa lớn thứ hai của cả nước (sau đồng bằng sông Cửu Long). Đoạn chảy qua Thăng Long trước đây gọi là Nhị Hà.
Sông Hồng là con sông gắn liền với đời sống văn hoá, tình cảm của người dân Bắc Bộ.
-
- Hạ giới
- Nhân gian, theo quan niệm dân gian Trung Hoa và các nước đồng văn, là nơi người bình thường sinh hoạt, trái với thượng giới là nơi thần tiên ở.
-
- Đình
- Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.
-
- Cau
- Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.
-
- Công phu
- Việc đánh chuông trống và tụng kinh cúng Phật trong chùa vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Cũng chỉ khoảng thời gian trong ngày vào lúc công phu - vào khoảng bốn giờ sáng hoặc bốn giờ chiều.
-
- Cách mấy
- Chừng nào, cỡ nào đi nữa (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Hạ bạn
- Ruộng thấp, chốn đồng bằng (từ Hán Việt).
-
- Lộn chồng
- Bỏ chồng theo trai (từ cũ).
-
- Tông đường
- Tổ tông, dòng họ (từ Hán Việt). Ở miền Nam, từ này cũng được phát âm thành tông đàng.
-
- Nồi bảy, nồi ba
- Cách phân loại độ lớn của nồi thời xưa. Nồi bảy nấu được bảy lon gạo, nồi ba nấu được ba lon.
-
- Ni
- Này, nay (phương ngữ miền Trung).
-
- Vườn khơi
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Vườn khơi, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Lọ là
- Chẳng lọ, chẳng cứ gì, chẳng cần, hà tất (từ cũ).
Bấy lâu đáy bể mò kim,
Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa?
Ai ngờ lại họp một nhà,
Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!
(Truyện Kiều)
-
- Suốt
- Tuốt: tuốt lúa, tuốt lá... (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Xoan
- Một loại cây được trồng nhiều ở các vùng quê Việt Nam, còn có tên là sầu đâu (đọc trại thành thầu đâu, thù đâu), sầu đông... Cây cao, hoa nở thành từng chùm màu tím nhạt, quả nhỏ hình bầu dục (nên có cụm từ "hình trái xoan"). Xoan thường được trồng lấy gỗ, vì gỗ xoan không bị mối mọt.
-
- Bậu
- Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
-
- Yếm
- Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.
-
- Qua
- Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
-
- Đàng
- Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Thái thể
- Như thể.
-
- Ăn một, ăn ba, ăn sáu
- Cách tính giá trị của đồng tiền trước đây. Tiền ăn một là một đồng tiền kẽm. Tiền ăn ba có pha đồng thau, có giá trị bằng ba đồng kẽm. Tiền ăn sáu to bản hơn, dày nặng, không thông dụng bằng hai đồng kia.
Xem thêm bài Một quan tiền tốt mang đi.
-
- Thông Bảo
- 通寶, hai chữ thường thấy nhất trên các đồng tiền ngày trước, nghĩa là đồng tiền lưu hành thông dụng. Hai chữ này xuất hiện lần đầu tiên trong tiền Khai Nguyên Thông Bảo do Đường Cao Tổ của Trung Quốc đúc năm 621.
-
- Đà
- Đã (từ cổ, phương ngữ).
-
- Chừ
- Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Mô
- Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Lộc
- Chồi lá non của cây. Vì chữ này đồng âm với "lộc" trong "phước lộc," "tài lộc," nghĩa là những điều tốt lành do trời ban cho, nên ở nước ta có phong tục hái lộc đầu năm để cầu may mắn, hạnh phúc cả năm.
-
- Vả
- Cây cùng họ với sung, lá to, quả (thực ra là hoa) lớn hơn quả sung, ăn được.
-
- Sung
- Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.
-
- Cờ tướng
- Một trò chơi cờ rất phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam. Hai người chơi điều khiển hai nhóm quân (thường có màu xanh-đỏ hoặc trắng-đen), mỗi nhóm có các quân Tướng, Sĩ, Tượng (có nơi gọi là Bồ), Xe, Pháo, Mã, Tốt, đi theo lượt, mỗi quân có cách đi khác nhau. Nếu quân Tướng của bên nào bị "chiếu bí," nghĩa là không còn nước đi, thì bên ấy thua cuộc.
Ngoại trừ cách chơi này, người ta cũng nghĩ ra một số biến thể của cờ tướng như cờ mù, cờ thế, cờ người, chấp...
-
- Ác tăng
- Người tu hành nhưng phạm các pháp giới của đạo Phật (độc ác, tham lam...).
-
- Cổ Chiên
- Tên một phân lưu của sông Cửu Long, có chiều dài 82km, bắt nguồn tại tỉnh Vĩnh Long, chảy qua Trà Vinh trước khi đổ ra biển tại hai cửa sông là cửa Cung Hầu (Bến Tre) và cửa Cổ Chiên (Trà Vinh). Có thuyết cho rằng tên sông có liên quan đến một sự kiện lịch sử cuối thế kỷ 18: Vào năm 1785, khi bị đại bại ở trận Rạch Gầm – Xoài Mút, tàn quân của Nguyễn Ánh phải dùng thuyền chạy trốn xuống phía Nam, đến dòng sông này bị thuyền của quân Tây Sơn đuổi theo sát quá, quan quân của Nguyễn Ánh cuống quít, sợ hãi đã làm rơi cả trống (cổ) và chiêng lệnh (chinh) xuống sông. Từ đó, nhân dân địa phương gọi tên sông là Cổ Chiên (do đọc trại từ "Cổ Chinh" mà ra).
-
- Nghinh Tiên
- Một làng nay thuộc xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Làng nổi tiếng có nghề bện, vặn thừng.
-
- Thừng
- Dây thừng. Loại dây to và chắc, thường được bện bằng đay hay gai, dùng để buộc.
-
- Trung Nguyên
- Một làng nay thuộc xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Trước kia làng nổi tiếng có nghề đan thúng.
-
- Mủng
- Cái thúng (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Ông gia
- Bố chồng hoặc bố vợ (cách gọi ở một số địa phương miền Trung).
-
- Nỏ
- Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Cố
- Gắng, gắng gượng (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Đa đoan
- Lắm mối, lắm chuyện lôi thôi, rắc rối.
Cơ trời dâu bể đa đoan,
Một nhà để chị riêng oan một mình
(Truyện Kiều)
-
- Nan
- Thanh tre hoặc nứa vót mỏng, dùng để đan ghép thành các đồ gia dụng như nong nia, thúng mủng...
-
- Đồng triều
- Cánh đồng ở vùng đất ngập nước ven biển, hình thành từ bùn do sông và thuỷ triều mang tới. Đồng triều chủ yếu được dùng để nuôi trồng thủy hải sản.
-
- Chiêm
- (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.
-
- Núi Ốc
- Tên chữ là Ốc Sơn, còn gọi là Cô Sơn, một ngọn núi nay thuộc địa phận xã Hà Phong, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Gọi như vậy vì trông xa núi có hình dáng giống một con ốc lồi khổng lồ.