Ra về đàng rẽ phân đôi,
Gánh anh anh gánh, gánh tôi tôi gồng.
Bao giờ nên vợ nên chồng,
Gánh anh tôi gánh, tôi gồng cho anh.
Tìm kiếm "bao tiêu"
-
-
Em về thưa với mẹ cha
Em về thưa với mẹ cha
Anh chẳng có lợn, có gà đi cheo
Anh có cái cối giã bèo
Anh xin bán để nộp cheo cho làng
Bao giờ anh cưới được nàng
Vợ chồng ta dựng tòa ngang dãy dài
Toà này hương lí đánh bài
Nhà trong thờ tổ, sân ngoài mổ trâu
Một bên thì hát ả đầu
Một bên hai họ têm trầu bổ cau
Làng trên xóm dưới đồn nhau
Đám cheo nhà ấy, đứng đầu tổng ta
Nghĩ gần rồi lại nghĩ xa
Mai ngày cheo nộp, hết chín vạn ba cái cối giã bèo. -
Nàng về anh gửi cái này
-
Vè cậu Hai Miêng
Đêm thu bóng nguyệt soi mành
Bâng khuâng dạ ngọc chạnh tình ngâm nga
Xét trong thế sự người ta
Tài ba cho mấy cũng là như không
Cho hay thiên địa chí công
Dữ lành báo ứng vô cùng màu linh
Gương xưa trông thấy đành rành
Người nay xem đó giữ mình cho yên
Nam Kỳ có cậu Hai Miêng
Con quan lớn Tấn ở miền Gò Công
Cậu Hai là bực anh hùng
Ăn chơi đúng bực vô cùng liệt oanh
Nam Kỳ lục tỉnh nổi danh
Thật là một bực hùng anh trên đời … -
Chợ tỉnh Nam vui lắm ai ơi
-
Tới đây trước hỏi sau han
-
Sông kia nước chảy lờ đờ
Sông kia nước chảy lờ đờ
Con thuyền lững thững với trăng mờ nào soi
Con sông bên lở bên bồi
Bên lở lở mãi, bên bồi bồi thêm
Bao giờ gió đứng, sóng êm
Thuyền anh xuôi ngược qua đêm lại về
Với em anh trót nặng lời thề. -
Một anh nói anh thương
-
Sung sướng những đứa bế em
Sung sướng những đứa bế em
Miếng cứt miếng đái, chẳng thèm chi đâu
Khổ sở những đứa chăn trâu
Ngồi trên đống thịt, bảo nhau mà thèm. -
Một nhà có bốn nàng dâu
-
Trầu này đủ vỏ, đủ vôi
-
Cất tiếng kêu cô mĩ nữ
-
Con cò bay lả bay la
Con cò bay lả bay la
Bay từ cửa tổ bay ra cánh đồng
Suốt mình trắng nõn như bông
Gió xuân thỉnh thoảng bợp lông trên đầu
Hỏi cò vội vã đi đâu
Xung quanh mặt nước một màu bao la
Cò tôi bay lả bay la
Bay từ cửa tổ bay ra cánh đồng
Cha sinh mẹ đẻ tay không
Cho nên bay khắp tây đông kiếm mồi … -
Thấy em da trắng muốn kề
-
Trời cao đất rộng thênh thênh
Trời cao đất rộng thênh thênh
Công danh phú quý còn dành cho ta
Có công mài sắt, diệt tà
Gặp thời lộc sẽ vào ra dồi dào
Công của cũng chẳng là bao
Ra tay tháo vát, thế nào cũng nên -
Hò khoan hò uẩy
-
Nhớ lời quan Trạng ngày xưa
Nhớ lời quan Trạng ngày xưa
Sấm ngài để lại tính vừa tới nay
Năm Dậu nó kéo sang đây
Vua về thượng giới thì Tây chiếm thành
Ngả lim ra để làm hoành
Đắp đường phá đá tan tành ruộng nương
Bao nhiêu bờ bụi phát quang
Thuê người gánh đá dọn đường cho yên
Nhật công nó lại phạt tiền
Thế gian ai được nằm yên ở nhà
Đàn ông cho ý đàn bà
Bao nhiêu trai gái trẻ già đều đi
Bởi chưng vua nước đang suy
Mới không vượt dậy mà đi chiếm thành -
Ra vườn thấy cánh hoa tươi
-
Ba gian nhà khách
Ba gian nhà khách
Chiếu sạch giường cao
Mời các thầy vào
Muốn sao được thế
Mắm Nghệ lòng giòn
Rượu ngon cơm trắng
Các thầy dù chẳng sá vào
Hãy dừng chân lại em chào cái nao
Đêm qua em mới chiêm bao
Có năm ông cử bước vào nhà em
Cau non bổ, trầu cay têm
Đựng trong đĩa sứ em đem kính mời
Năm thầy tốt số hơn người
Khoa này tất đỗ, nhớ lời em đây -
Cái bống là cái bống bang
Chú thích
-
- Đàng
- Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Cheo
- Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
-
- Bèo ong
- Còn gọi là bèo tai chuột, lá mọc thành cụm dày, cuộn lại dọc theo sống lá như tổ ong. Nhân dân ta thường băm bèo ong cho lợn ăn.
-
- Hương
- Tên gọi chung của một số chức tước ở cấp xã dưới thời Nguyễn, ví dụ hương chánh làm nhiệm vụ thu thuế, chi xuất, phân công sai phái, hương quản chuyên trách giữ gìn an ninh trật tự, kiểm tra nhân khẩu, hương thân làm nhiệm vụ giáo hóa thuần phong mỹ tục...
-
- Lí trưởng
- Tên một chức quan đứng đầu làng (lí: làng, trưởng: đứng đầu), bắt đầu có từ đời Minh Mệnh nhà Nguyễn.
-
- Nhà trò
- Như ả đào, cô đầu, chỉ người phụ nữ làm nghề hát xướng (gọi là hát ả đào) ở các nhà chứa khách ngày trước. Thú chơi cô đầu thịnh hành nhất vào những năm thuộc Pháp và ở phía Bắc, với địa danh nổi nhất là phố Khâm Thiên. Ban đầu cô đầu chỉ chuyên hát, nhưng về sau thì nhiều người kiêm luôn bán dâm.
-
- Tổng
- Đơn vị hành chính thời Lê, Nguyễn, trên xã, dưới huyện. Một tổng thường gồm nhiều xã. Người đứng đầu tổng là chánh tổng, cũng gọi là ông Tổng.
-
- Cuốc
- Nông cụ gồm một bản sắt bén (gọi là lưỡi cuốc) gắn vào ống tre cật để cầm (gọi là cán cuốc), dùng để đào xới đất. Động tác đào xới đất bằng cuốc cũng gọi là cuốc đất.
-
- Cày
- Nông cụ dùng sức kéo của trâu, bò hay của máy cày, để xúc và lật đất. Cày gồm hai bộ phận chính: Lưỡi cày (ban đầu làm bằng gỗ, sau bằng sắt hoặc thép) và bắp cày bằng gỗ. Nếu cày bằng trâu bò, lại có thêm gọng cày nối từ bắp cày chạy dài đến ách để gác lên vai trâu, bò.
-
- Cuốc chim
- Loại cuốc có lưỡi dài thẳng góc với cán thành hình chữ T, một đầu nhọn, một đầu to và bẹt, dùng để cuốc đất hay đá.
-
- Mai
- Còn gọi cái thêu, thuổng hay xuổng, một dụng cụ gồm một lưỡi sắt nặng, to và phẳng, tra vào cán dài, để đào, xắn đất.
-
- Thiên địa chí công
- Trời đất rất công bằng.
-
- Huỳnh Công Miêng
- Con trai của lãnh binh Huỳnh Công Tấn, một tay sai đắc lực của thực dân Pháp vào cuối thế kỉ 19. Trái ngược với cha, ông là người có máu giang hồ mã thượng, thích ngao du và làm việc nghĩa, tính tình hào phóng, hay bênh vực kẻ yếu, vì vậy được nhân dân yêu mến và gọi là "cậu." Nhờ oai danh cha, cậu hai Miêng được mệnh danh là "miễn tử lưu linh," có nghĩa là được miễn sưu thuế, đi đâu mặc tình, không ai được phép "hỏi giấy"... và cũng lợi dụng những đặc ân đó để làm những chuyện nghĩa hiệp.
-
- Lãnh binh Tấn
- Tên thật là Huỳnh Tấn hay Huỳnh Văn Tấn, cũng gọi là Huỳnh Công Tấn, một cộng sự đắc lực của thực dân Pháp trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân vào những năm gần cuối thế kỷ 19 tại các tỉnh Nam Kỳ. Tấn là người đã dẫn quân Pháp tấn công, vây bắt Trương Định năm 1864, Võ Duy Dương (1866) và Nguyễn Trung Trực (1968). Nhờ những "công lao" này, ông được Pháp ban cho huy chương “Bắc đẩu Bội tinh” và chức Lãnh binh, đồng thời xây dựng "đài ghi công" tại Gò Công (sau đã bị đập nát).
-
- Gò Công
- Nay là tên một thị xã thuộc tỉnh Tiền Giang, giáp với thành phố Mỹ Tho. Tỉnh Gò Công ngày xưa bao gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây ngày nay. Gò Công Đông và Gò Công Tây là vùng duyên hải, có hai cửa biển của sông Tiền: cửa Đại và cửa Tiểu. Tên gọi Gò Công xuất phát từ việc vùng đất này trước đây có nhiều chim công (khổng tước), vì vậy tên Hán Việt của Gò Công là Khổng Tước Nguyên. Gò Công gắn liền với tên tuổi người anh hùng Trương Định.
-
- Nam Kỳ lục tỉnh
- Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:
1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.
-
- Nam Định
- Một địa danh nay là một tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Nam Định có bề dày truyền thống lịch sử và văn hoá từ thời kì dựng nước, là quê hương của nhiều danh nhân như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Trần Tế Xương, Nguyên Hồng, Văn Cao... Ở đây cũng có nhiều di tích, lễ hội dân gian, đặc sản...
-
- Tứ thời
- Bốn mùa (từ Hán Việt).
-
- Thiên hạ
- Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").
"Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)
-
- Bún thang
- Một món ăn cầu kì, được coi là đặc sản của Hà Nội. Để nấu bún thang cần có khoảng 20 nguyên liệu, trong đó có bún, thịt gà xé nhỏ, giò lụa, trứng tráng thái chỉ, ruốc tôm, củ cải khô, hành, rau răm... Nước dùng được nấu từ nước luộc gà, nước ninh xương ống và một con mực khô. Khi ăn người ta trần bún, xếp các nguyên liệu lên và chan nước dùng, có thể thêm một chút tinh dầu cà cuống hay mắm tôm.
-
- Bún chả
- Một món ăn phổ biến ở miền Bắc, được coi là đặc sản của Hà Nội. Bún chả gồm có bún tươi ăn kèm với chả viên, chả miếng nướng trên bếp than củi và rau sống. Nước chấm là nước mắm pha loãng, có đầy đủ gia vị chua cay mặn ngọt, cùng với su hào hoặc đu đủ xanh và cà rốt trộn dấm.
-
- Má hồng
- Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.
Phận hồng nhan có mong manh
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương
(Truyện Kiều)
-
- Phòng đào
- Cũng gọi là buồng đào (từ cũ trong văn chương). Chỉ phòng riêng của người phụ nữ.
Buồng đào khuya sớm thảnh thơi
Ra vào một mực nói cười như không
(Truyện Kiều)
-
- Xa kê
- Còn gọi là sa kê, cây bánh mì, loài cây thân gỗ, lá to và dày. Nhựa cây màu trắng sữa, được dùng vào việc xảm thuyền (bít các kẽ, lỗ hổng). Quả hình trứng, thực chất là tổ hợp của nhiều quả bế (quả khô), chứa nhiều tinh bột, có thể chế biến bằng cách quay, nướng, chiên hay luộc. Rễ, lá, vỏ và nhựa được dùng làm vị thuốc.
-
- Đá vàng
- Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
-
- Phong lưu
- Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.
Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
Nợ phong lưu kẻ giả có người vay
(Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)
-
- Trầu
- Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.
Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.
Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.
-
- Cau
- Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.
-
- Thuốc xỉa
- Một nhúm thuốc lào được ngậm bằng môi trên trong lúc ăn trầu để tẩy cổ trầu (nước bọt có màu hồng) và xác trầu bám vào răng. Động tác bỏ thuốc xỉa vào miệng gọi là xỉa thuốc.
-
- Xạ hương
- Chất do hươu xạ và một số loại cầy tiết ra, có mùi thơm đặc biệt, thường được khai thác làm hương liệu, nước hoa và các loại dược phẩm.
-
- Ông thôn
- Trưởng thôn.
-
- Thị thiềng
- Thị thành (cách phát âm ở một số vùng Nam Bộ).
-
- Hình dung
- Ngoại hình, dáng dấp của con người (từ cũ), cũng nói là hình dong.
Một chàng vừa trạc thanh xuân
Hình dung chải chuốt, áo khăn dịu dàng
(Truyện Kiều)
-
- Khiếp
- Nhát gan, sợ sệt (từ gốc Hán Việt).
-
- Dũng
- Dũng cảm, mạnh mẽ, gan góc (từ Hán Việt).
-
- Khuất
- Co, cong; khuất phục (từ Hán Việt).
-
- Thân
- Duỗi (từ Hán Việt).
-
- Lưu Bang
- Hiệu là Hán Cao Tổ, hoàng đế đầu triều Hán của Trung Quốc. Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, Lưu Bang có mũi cao, râu dài giống rồng và có 72 nốt ruồi trên chân trái, thích rượu và gái, tính tình phóng khoáng bao dung. Ông khởi binh chống Tần, tranh thiên hạ với Hạng Vũ (đời sau gọi là Hán-Sở phân tranh hoặc Hán-Sở tranh hùng), sau cùng diệt được Sở, lên ngôi đế vào năm 202 trước Công Nguyên. Nhà Hán do ông lập ra kéo dài hơn bốn thế kỉ, được xem là triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Cho đến ngày nay, nhóm dân tộc chiếm phần lớn dân số Trung Quốc cũng tự cho mình là "người Hán," và chữ viết Trung Quốc cũng được xem là "Hán tự."
-
- Hạng Vũ
- Tên huý là Hạng Tịch, còn gọi là Tây Sở Bá Vương. Ông là một nhà chính trị, một tướng quân nổi tiếng, người có công trong việc lật đổ nhà Tần và tranh chấp thiên hạ với Hán Cao Tổ Lưu Bang đầu thời nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Theo truyền thuyết, Hạng Vũ là một anh hùng có sức mạnh "bạt sơn cử đỉnh," yêu thương quân sĩ nhưng lại có lòng nhân "của đàn bà" (cách dùng từ trong Sử Ký), hay nghi ngờ các tướng lĩnh, vì vậy mà cuối cùng thất bại vào tay Lưu Bang.
-
- Mạo
- Tướng mạo, dáng mặt, vẻ mặt (từ gốc Hán Việt).
-
- Nguyễn Bỉnh Khiêm
- (1491–1585) Tên huý là Nguyễn Văn Đạt, tên tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân cư sĩ, được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử, một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa nước ta trong thế kỷ 16. Ông đỗ Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535), làm quan dưới triều Mạc, được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi thăng tới Trình Quốc Công (nên dân gian gọi là trạng Trình). Ông được coi là tác giả của nhiều câu thơ có tính chất tiên tri (sấm kí) lưu hành trong dân gian, gọi chung là sấm Trạng Trình.
-
- Ngày mồng 7 tháng 4 năm Giáp Thân (tức 1 tháng 5 năm 1884), vua Kiến Phúc lâm bệnh qua đời, ở ngôi được hơn 6 tháng. Em ông là Nguyễn Phúc Ưng Lịch lên ngôi, tức là vua Hàm Nghi. Tháng 5 năm 1885 (Ất Dậu), trận Kinh thành Huế nổ ra, quân nhà Nguyễn dưới sự chỉ Huy của Tôn Thất Thuyết thất bại nặng nề. Quân Pháp chiếm được thành; vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết phải bỏ thành chạy ra Tân Sở (Quảng Trị) và phát động phong trào Cần Vương.
-
- Hoành
- Tấm biển, tấm hoành, đồ treo ngang (Đại Nam quấc âm tự vị).
-
- Nhật công
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Nhật công, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Bởi chưng
- Bởi vì (từ cổ).
-
- Đương
- Đang (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
-
- Đây được cho là mấy câu hát sáo mời mọc sĩ tử của những cô hàng cơm ở Thăng Long ngày xưa mỗi khi ở đây tổ chức kì thi Hương. Các nhà trọ, hàng cơm thường tập trung ở gần trường thi, người trước gọi khu ấy là xóm học trò. Theo Doãn Kế Thiện trong Hà Nội cũ: "Xóm học trò ở vào chỗ nào? Cứ xem như tập Long thành tạp thoại thì di chỉ xóm ấy ở vào khoảng đầu vườn hoa Cửa Nam cho tới ngõ Hội Vũ bây giờ."
-
- Cửa biển
- Nơi sông chảy ra biển, thuyền bè thường ra vào.
-
- Lái buôn
- Người chuyên nghề buôn bán lớn và buôn bán đường dài.