Tìm kiếm "ngũ sắc"

Chú thích

  1. Xuất phát từ hiện tượng thực: cứ đến ngày “mồng năm tháng năm” hàng năm, lươn dù lớn dù bé cứ gặp rắn là mềm nhũn ra không bò được nên bị rắn bắt. Dân gian dùng hiện tượng này để ám chỉ những kẻ không hiểu sao lại tự dưng đem nạp mình cho kẻ khác vô điều kiện.
  2. Rắn rồng
    Còn có tên là rắn hổ ngựa hoặc rắn sọc dưa. Rắn cỡ lớn, lưng có sọc, sống trên cạn, thường gặp ở đồng bằng và trung du, không độc, song rất dữ, dễ bị kích thích. Rắn rồng bắt mồi cả vào ban ngày và ban đêm và có tập tính săn đuổi mồi (chủ yếu là chuột, thằn lằn hoặc ếch nhái).

    Rắn rồng

    Rắn rồng

  3. Rắn rồng và hổ ngựa cùng là một loài rắn, nhưng tùy theo ở trong nhà hay ngoài đồng mà được gọi bằng hai cái tên khác nhau.
  4. Lươn
    Loài cá nước ngọt, thân hình trụ, dài khoảng 24-40 cm, đuôi vót nhọn, thoạt nhìn có hình dạng như rắn. Lươn không có vảy, da trơn có nhớt, màu nâu vàng, sống chui rúc trong bùn ở đáy ao, đầm lầy, kênh mương, hay ruộng lúa. Lươn kiếm ăn ban đêm, thức ăn của chúng là các loài cá, giun và giáp xác nhỏ.

    Ở nước ta, lươn là một loại thủy sản phổ biến, món ăn từ lươn thường được coi là đặc sản. Lươn được chế biến thành nhiều món ngon như: cháo lươn, miến lươn, lươn xào...

    Con lươn

    Con lươn

  5. Rắn ráo
    Một loại rắn nước không độc, sống ở nơi ẩm ướt thuộc đồng bằng hoặc rừng núi, thức ăn chính là ếch, nhái, chuột... Rắn ráo thường được bắt để ngâm rượu.

    Rắn ráo

    Rắn ráo

  6. Vẽ rắn thêm chân
    Từ thành ngữ Hán-Việt Họa xà thiêm túc 畫蛇添足, chỉ việc làm thừa thãi, vô nghĩa. Theo Chiến Quốc sách: Nước Sở có người cúng xong, cho bọn người nhà một nậm rượu. Bọn người nhà bảo nhau: "Mấy người uống thì không đủ, một người uống thì dư. Hãy thi vẽ rắn trên đất, ai vẽ xong trước thì được uống." Một người vẽ xong trước, lấy rượu uống, tay trái cầm nậm, tay phải vẽ thêm vào hình con rắn, bảo: "Tôi có thể vẽ thêm chân." Vẽ chưa xong thì một người khác đã vẽ xong rắn, giật lấy nậm rượu, bảo: "Rắn vốn không có chân, sao anh lại vẽ chân cho nó?" Rồi uống hết nậm rượu. Thế là người vẽ rắn thêm chân kia mất rượu uống.
  7. Theo dân gian, ngày năm tháng năm âm lịch là ngày “diệt sâu bọ.” Tục truyền rằng khi xưa vào ngày này, người ta thường đi tìm rắn rết sâu bọ để giết vì họ coi chúng là loài tai ác, gây hại. Từ đó có câu thành ngữ này.
  8. Hổ
    Còn gọi là cọp, hùm, dân gian còn gọi là ông ba mươi hay chúa sơn lâm, một loài động vật có vú, ăn thịt sống, có tuổi thọ khoảng 20 năm. Phần lớn các loài hổ sống trong rừng và đồng cỏ, kém leo trèo nhưng đa số bơi lội giỏi, hay đi săn đơn lẻ. Thức ăn của chúng chủ yếu là các động vật ăn cỏ cỡ trung bình như hươu, nai, lợn rừng, trâu, v.v., ngoài ra chúng cũng săn bắt và ăn thịt các loại mồi to hay nhỏ hơn nếu cần. Một con hổ trung bình có thể ăn tới 27 kg một ngày và có thể nhịn ăn khoảng 2 hoặc 3 ngày.

    Loài hổ thường thấy ở Việt Nam là hổ Đông Dương. Tuy nhiên, ở nước ta, gần 3/4 lượng hổ đã bị giết. Năm 2010, số lượng hổ ở Việt Nam chỉ còn vỏn vẹn 30 con. Hổ thường bị săn bắt để lấy da, xương, hay các bộ phận khác. Nạn săn bắt, buôn bán hổ khiến số lượng loài động vật quý hiếm này giảm 95% so với đầu thế kỷ 20. Ngày nay trên thế giới chỉ còn khoảng 5.000 - 7.000 cá thể hổ hoang dã, trong đó có khoảng 200 ở Việt Nam và 1.500 ở Ấn Độ. Loài hổ đã được đưa vào danh sách các loài đang gặp nguy hiểm.

    Hổ Đông Dương

    Hổ Đông Dương

  9. Chỉ hai mối nguy hiểm sống chết mà người đi rừng hay người đi khai hoang ngày xưa luôn phải e sợ, đề phòng.

    Có ý kiến khác cho rằng "tha" ở đây là tha mạng, nên thành ngữ này có nghĩa là một người khi đã tới số thì không thể nào tránh khỏi tai nạn.

  10. Thành ngữ Hán Việt, chỉ những người hay nghi kị, thấy cành cây cong thì nghĩ là rắn, thấy tảng đá lại tưởng là cọp.
  11. Bi đông
    Cũng gọi là bình toong, phiên âm từ gốc Pháp bidon, đồ đựng bằng kim loại hoặc nhựa, miệng nhỏ, thân to và hơi dẹt, có nắp đậy bằng cách vặn, dùng đựng nước uống hoặc nói chung các chất lỏng để mang đi.

    Bi đông

    Bi đông