Tìm kiếm "tịch"

Chú thích

  1. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  2. Cầm bằng
    Kể như, coi như là (từ cũ).
  3. Phạm Tải - Ngọc Hoa
    Tên một truyện thơ Nôm khuyết danh, gồm 928 câu thơ lục bát hoặc song thất lục bát, kể về mối tình của đôi vợ chồng Phạm Tải – Ngọc Hoa. Xem thêm trên Wikipedia.
  4. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  5. Cầu Ô Thước
    Chiếc cầu trong điển tích Ngưu Lang - Chức Nữ, tượng trưng cho sự sum họp đôi lứa.
  6. Kẻ Hán người Hồ
    Lấy từ điển tích Chiêu Quân cống Hồ. Vương Chiêu Quân là một trong tứ đại mĩ nhân của Trung Quốc, với vẻ đẹp "lạc nhạn" (chim sa), nhưng vì không chịu đút lót cho họa sĩ của vua nên bức chân dung của nàng bị vẽ xấu xí, vua không để mắt tới. Khi Hán Nguyên Đế phát hiện ra Chiêu Quân thì vua Hung Nô (rợ Hồ) mang quân sang đánh, buộc Hán phải cống nàng cho Hồ thì mới yên. Trên đường cống sang Hồ, Chiêu Quân cảm tác nhiều bài thơ và nhạc khúc rất cảm động.

    Thành ngữ kẻ Hán người Hồ, cũng nói tắt là Hán Hồ, vì thế chỉ nỗi đau li biệt của đôi lứa yêu nhau.

  7. Dâm vô tang, đạo vô tích
    Dâm ô và trộm cắp không để lại tang tích, dấu vết (thành ngữ Hán Việt). Nghĩa rộng nói tình huống mất sạch dấu vết.
  8. Chùa Tích
    Tức chùa Phật Tích (Phật Tích tự 佛跡寺) còn gọi là chùa Vạn Phúc (Vạn Phúc tự 萬福寺) là một ngôi chùa nằm ở sườn phía Nam núi Phật Tích (còn gọi núi Lạn Kha, non Tiên), xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Trong chùa có tượng đức Phật bằng đá thời nhà Lý lớn nhất Việt Nam.

    Một góc chùa Phật Tích

    Một góc chùa Phật Tích

  9. Oản
    Bánh làm bằng xôi nếp hoặc bột bánh khảo nén vào khuôn hình nón cụt để cúng.

    Oản làm bằng xôi

    Oản làm bằng xôi

  10. Bình tích
    Tên gọi ở một số vùng miền Trung và miền Nam của bình thủy, một đồ vật đựng nước và giữ nhiệt.
  11. Kỷ trà
    Bàn nhỏ bằng gỗ, thấp, thường được chạm trổ tinh vi. Người xưa khi uống trà thường đặt tách và ấm trà lên trên kỷ.

    Bộ kỷ trà

    Bộ kỷ trà

  12. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  13. Gối loan
    Gối của vợ chồng. Xem thêm chú thích loan.
  14. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  15. Đồng tịch đồng sàng
    Cùng chiếu cùng giường (từ Hán Việt đồng: cùng, tịch: chiếu; sàng: giường), dùng để chỉ quan hệ vợ chồng.
  16. Thanh Khiết
    Tên một làng nay thuộc xã Tư Nguyên, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
  17. Sung Tích
    Tên một làng nay thuộc xã Sơn Hội, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
  18. Câu ca dao này có sự chơi chữ. Dân Thanh Khiết ngày xưa thường làm nghề trồng các loại rau cải và làm giá (mầm đậu). Dân Sung Tích xưa làm nghề trồng dâu nuôi tằm, lấy tơ dệt lụa. "Cải giá" vừa có nghĩa là cây cải, rau giá, vừa có nghĩa là "lấy chồng lần nữa." "Kén dâu" vừa có nghĩa là kén tằm, cây dâu tằm, vừa có nghĩa là kén chọn cô dâu.
  19. Xà tích
    Đồ trang sức của phụ nữ Việt Nam xưa, thường giắt thõng ở cạnh bao lưng, gồm dây mắt xích nhỏ bằng bạc đeo ống bạc, dao con (để bổ cau, têm trầu), có khi thêm cả chùm chìa khoá.

    Xà tích làm bằng bạc được dùng trong cung đình thời Nguyễn.

    Xà tích làm bằng bạc được dùng trong cung đình thời Nguyễn.

  20. Giậm
    Đồ đan bằng tre, miệng rộng hình bán cầu, có cán cầm, dùng để đánh bắt tôm cá. Việc đánh bắt tôm cá bằng giậm gọi là đánh giậm.

    Đánh giậm

    Đánh giậm

  21. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  22. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
  23. Lý Bạch
    (701- 762) Nhà thơ lớn trong lịch sử Trung Quốc, được hậu bối sùng bái tôn làm Thi Tiên. Ông thích ngao du sơn thủy và làm thơ rất nhiều, tương truyền tới hơn 20.000 bài, nhưng làm cho vui rồi vứt, thơ ông được truyền tụng đến nay phần lớn nhờ dân gian ghi chép lại. Lý Bạch còn nổi tiếng mê rượu, chuyện kể lúc ông cáo quan về quê, vua Đường Minh Hoàng ban tặng rất nhiều vàng bạc nhưng ông từ chối cả, sau được vua cho quyền uống rượu tại bất kì quán rượu nào đi qua, tiền rượu sẽ được thanh toán vào ngân khố.

    Lý Bạch qua tranh vẽ

    Lý Bạch qua tranh vẽ

  24. Bá Nha
    Xem chú thích tri âm.
  25. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  26. Trư Bát Giới
    Một trong ba đồ đệ phò tá Đường Tam Tạng đi Tây Thiên lấy kinh trong truyện Tây Du Ký. Vốn là Thiên Bồng Nguyên Soái trên thiên đình, vì say rượu và trêu ghẹo Hằng Nga mà y bị đày xuống hạ giới trong bộ dạng nửa người nửa lợn với tính cách lười biếng, tham ăn, mê sắc dục, và hay đố kị với Tôn Ngộ Không. Bát Giới có tổng cộng 36 phép biến hóa thần thông, sử dụng vũ khí là cái bồ cào.

    Trư Bát Giới

    Trư Bát Giới

  27. Sa Ngộ Tịnh
    Thường gọi là Sa Tăng, đồ đệ út (sau Tôn Ngộ KhôngTrư Bát Giới) của Đường Tam Tạng trong tiểu thuyết Tây Du Ký. Y vốn lãnh chức Quyển Liêm Đại Tướng trên thiên đình, chuyên coi rèm cho Ngọc Hoàng Thượng Đế, vì say rượu đánh vỡ chén lưu ly ở hội Bàn Đào mà bị đày xuống sông Lưu Sa làm thủy quái, rồi sau được Đường Tăng thu phục, chuyên gánh đồ đạc và giữ ngựa Bạch Long trên đường thỉnh kinh. Sa Tăng có 18 phép thuật, giỏi chiến đấu dưới nước, và dùng vũ khí là một cây bảo trượng nặng 5.048 cân.

    Một hình vẽ Sa Tăng

    Một hình vẽ Sa Tăng

  28. Huyền Trang
    Thường gọi là Đường Tam Tạng hoặc Đường Tăng, một cao tăng sống vào thời Đại Đường ở Trung Quốc (nên cũng gọi là Đường Huyền Trang). Ông tên tục Trần Huy (Trần Vĩ hoặc Trần Y), sinh khoảng năm 602-604 tại Lạc Châu, huyện Câu Thị, tỉnh Hà Nam, quy y từ rất sớm. Ông là người đã sang Ấn Độ (thời ấy gọi là Tây Trúc) để học Phật pháp trong nguyên gốc tiếng Phạn và đem về phổ biến ở Trung Quốc. Chuyến đi Ấn Độ của ông được dân gian thần thoại hóa, và được Ngô Thừa Ân chép lại thành bộ tiểu thuyết Tây Du Ký, một trong những tác phẩm kinh điển của văn học Trung Hoa. Trong truyện, Đường Tăng được mô tả là một người hiền lành nhưng nhu nhược và u mê, thường bị yêu quái đón bắt để ăn thịt.

    Hình vẽ Đường Tăng

    Hình vẽ Đường Tăng

  29. Tôn Ngộ Không
    Một trong số các nhân vật chính trong tiểu thuyết Tây Du Ký của nhà văn Trung Quốc Ngô Thừa Ân, rất quen thuộc trong văn hóa Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Tôn Ngộ Không vốn là một con khỉ nứt từ đá ra, học được 72 phép biến hóa, có phép Cân đẩu vân (bay lộn trên mây, nhún mình một cái bay được một vạn tám ngàn dặm), sử dụng vũ khí là gậy sắt (thiết bảng), tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh. Sau Tôn Ngộ Không theo phò Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh, dọc đường có nhiều công trạng trong việc đánh yêu ma quỷ quái, bảo vệ Đường Tăng, đồng thời cũng gặp phải nhiều kiếp nạn.

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

  30. Na Tra
    Một vị thần trong thần thoại dân gian Trung Hoa, được nhắc đến nhiều trong các tác phẩm văn học cổ Trung Quốc như Tây du kýPhong thần diễn nghĩa. Ông là con út của Thác Tháp Thiên Vương Lý Tịnh, em của Kim Tra và Mộc Tra (nên cũng gọi là Tam thái tử). Na Tra được miêu tả là một vị thiên tướng khôi ngô, tuấn tú, mặt đẹp như ngọc, mắt sáng, môi đỏ, bản tính nóng nảy, thẳng thắn, tay cầm thương, tay cầm vòng càn khôn, chân đi bánh xe Phong Hỏa.

    Na Tra đại chiến Mỹ Hầu Vương

    Na Tra đại chiến Mỹ Hầu Vương

  31. Hồng Hài Nhi
    Một con yêu quái trong truyện Tây Du Ký. Hồng Hài Nhi là con của Ngưu Ma Vương và Thiết Phiến Công chúa (Bà La Sát), có hình hài của một đứa bé nhưng đã trên ba trăm tuổi, ngụ ở Hỏa Vân Động. Hồng Hài Nhi là khắc tinh của Tôn Ngộ Không, đã đốt chết Tôn Ngộ Không một mạng tại núi Hồng Lĩnh. Sau Hồng Hài Nhi được Quan Âm thu phục, phong làm Thiện Tài Đồng Tử.

    Tạo hình Hồng Hài Nhi trên phim

    Tạo hình Hồng Hài Nhi trên phim

  32. Quan Âm bồ tát
    Quan Âm, Quan Thế Âm, Quán Âm, Phật Bà đều là các tên gọi khác nhau của Quán Thế Âm, một trong những vị Bồ Tát quan trọng nhất trong Phật giáo Đại thừa. Theo đạo Phật cũng như dân gian, Quan Âm có hình hài của một người phụ nữ, gương mặt hiền lành phúc hậu, đứng hoặc ngồi xếp bằng trên tòa sen, tay cầm bình nước cam lồ, thường hiện ra để cứu khổ cứu nạn - vì vậy những người gặp nạn thường niệm "Nam mô Quan Thế Âm bồ tát." Một số tài liệu, hình vẽ và tượng lại mô tả Quan Âm là một vị phật có nghìn mắt, nghìn tay để quán xuyến việc thế gian.

    Quan Thế Âm bồ tát

    Quan Thế Âm bồ tát

  33. Thích Ca
    Người sáng lập đạo Phật. Thích Ca (hay Thích Già) là phiên âm Hán Việt của 釋迦, từ này lại là chuyển ngữ của từ शाक्य Shakya trong tiếng Sanskrit. Shakya là tên một bộ tộc định cư ở miền bắc Ấn Độ thời cổ. Đức Phật là một thành viên của bộ tộc này, vì thế người ta còn gọi ngài là Phật Thích Ca (để phân biệt với các vị Phật khác). Trong dân gian, người ta cũng hay gọi tên ngài là Phật Tổ Như Lai.

    Phật Thích Ca

    Phật Thích Ca

  34. Ngọc Hoàng Thượng Đế
    Thường được gọi tắt là Ngọc Hoàng, cũng gọi là Ngọc Đế hoặc Thiên Đế, vị vua tối cao của bầu trời, cai quản Thiên đình trong quan niệm của Trung Quốc và Việt Nam. Theo thần thoại, Ngọc Hoàng Thượng Đế là người trần, tu luyện một nghìn bảy trăm năm mươi kiếp, mỗi kiếp mười hai vạn chín nghìn sáu trăm năm. Ngọc Hoàng cai quản toàn bộ lục giới : Nhân, Thần, Ma, Yêu, Quỷ, Tiên.

    Hình tượng Ngọc Hoàng

    Hình tượng Ngọc Hoàng

  35. Câu này có nơi hát: Ai cầm cái chai là Ngọc Hoàng Thượng Đế hoặc Mười tám ngón tay là Như Lai Thần Chưởng.
  36. Tấn Tần
    Tên hai nước chư hầu thời Xuân Thu bên Trung Quốc. Cách nói "kẻ Tấn người Tần" chỉ sự xa xôi, cách trở.
  37. Thu thủy, xuân sơn
    Phiếm chỉ người con gái đẹp: ánh mắt lóng lánh trong trẻo ví như dòng nước mùa thu, lông mày phơn phớt đẹp tựa dải núi mùa xuân. Nguyên từ một câu trong tập Tình sử (cổ văn Trung Quốc): Nhãn như thu thủy, mi tựa xuân sơn.

    Làn thu thủy, nét xuân sơn
    Hoa ghen đua thắm, liễu hờn kém xanh

    (Truyện Kiều)

  38. Cào cào
    Một loại côn trùng ăn lá, có đầu nhọn (khác với một loại côn trùng tương tự có đầu bằng gọi là châu chấu). Cào cào thường sống ở các ruộng lúa, rau và ăn lá lúa, lá rau, gây thiệt hại tới mùa màng.

    Cào cào

    Cào cào

  39. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  40. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  41. Ấm tích
    Loại ấm thường làm bằng sành hoặc gốm sứ, lớn hơn ấm trà độc ẩm (loại ấm thông dụng trong phòng khách ngày nay, có kích cỡ nhỏ vì nguyên thủy chỉ dành cho một người uống), thường được bỏ vào giỏ ủ đan bằng tre hay mây, bên trong có chằn vải bông giữ nhiệt. Ấm tích thường được dùng hãm chè xanh hoặc trà tươi, có quai cầm bên trên và có khả năng ủ chè nóng lâu.

    Bộ ấm tích

    Bộ ấm tích

  42. Xáng
    Đánh, đập mạnh một cái gì (xáng chén, xáng bạt tai...).
  43. Theo giai thoại, câu này do một cô gái hát để trêu Trần Hàn, trong có nhắc đến tên ông và bốn người vợ: Nồi, Tích, Hửng, Xáng.
  44. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  45. Thước
    Đơn vị đo chiều dài cổ ở nước ta. Một thước ngày đó bằng 40 cm. Ngày nay một thước được hiểu là 1 m.
  46. Âm phủ
    Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.

    Một hình vẽ âm phủ

    Một hình vẽ âm phủ

  47. Dặm
    Đơn vị đo chiều dài được dùng ở Việt Nam và Trung Quốc ngày trước. Một dặm dài 400-600 m (tùy theo nguồn).
  48. Tống
    Một triều đại kéo dài từ năm 960 đến năm 1279 trong lịch sử Trung Quốc (cùng thời với nhà Lý trong lịch sử nước ta).
  49. Đường
    Một triều đại kéo dài từ năm 618 đến năm 907 trong lịch sử Trung Quốc. Vào thời nhà Đường, văn học Trung Quốc, nhất là thơ ca, phát triển cực thịnh. Đa số những nhà thơ lớn nhất của Trung Quốc sống với thời kì này: Vương Bột, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Đỗ Mục...

    Lý Bạch

    Lý Bạch

  50. Câu này có lẽ có nhầm lẫn, vì đời Tống có sau đời Đường.
  51. Minh Tâm Bửu Giám
    Nghĩa tiếng Việt là "gương báu sáng lòng," một cuốn sách gồm các câu nói của các bậc danh nho, hiền triết Trung Hoa từ cổ đại đến đời Tống, được chia làm 20 thiên. Trong thời kì Nho giáo trước đây, Minh Tâm Bửu Giám được xem là cuốn sách "gối đầu giường" của các nhà nho.

    Bìa sách Minh Tâm Bửu Giám bản tiếng Việt (Trương Vĩnh Ký phiên dịch)

    Bìa sách Minh Tâm Bửu Giám bản tiếng Việt (Trương Vĩnh Ký phiên dịch)

  52. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  53. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  54. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  55. Độc bình
    Đọc trại là lục bình hoặc lộc bình, một vật dụng bằng gỗ, sứ hoặc đồng, dạnh thuôn, cổ cao, dùng để cắm hoa trên bàn thờ hoặc để trang trí.

    Độc bình sứ

    Độc bình sứ

  56. Lương
    Hiền lành, tử tế (từ Hán Việt).
  57. Gia
    Nhà (từ Hán Việt).
  58. Kinh sử
    Sách vở Nho giáo nói chung. Thời xưa sách vở được phân làm bốn loại: kinh (kinh điển), sử (lịch sử), tử (lời của các nhà tư tưởng), tập (tuyển tập văn thơ).
  59. Thuấn, Nghiêu
    Vua Thuấn và vua Nghiêu, hai vị vua kế tiếp nhau trong huyền sử Trung Hoa cổ. Tương tuyền rằng đây là hai vị minh quân và thời Nghiêu Thuấn được coi là thời thái bình an lạc.
  60. Tương truyền thuở thiếu thời, trước khi được vua Nghiêu của nhà Đường Nghiêu truyền ngôi cho, ông Thuấn thường phải đi cày đất làm ruộng ở Lịch Sơn, huyện Lỗ Sơn, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
  61. Chu Mãi Thần
    Một nhân vật đời Hán ở Trung Quốc. Điển tích kể rằng thuở hàn vi, nhà nghèo, Mãi Thần phải đi đốn củi rừng đem bán nhưng có tính ham đọc sách, thường treo sách đầu gánh, vừa đi vừa đọc. Vợ là Thiệt Thê không chịu nổi cảnh nghèo túng, bỏ đi lấy chồng khác. Sau Mãi Thần được công thành danh toại, trên đường vinh quy thì gặp lại vợ cũ. Thiệt Thê xin tha lỗi, cho nàng trở lại làm vợ. Mãi Thần lấy bát nước đầy, đổ xuống đất, bảo nếu hốt lại đầy bát nước như trước, sẽ nhận nàng về làm vợ như xưa.

    Chèo cổ Việt Nam có vở Chu Mãi Thần ra đời vào thế kỉ 19, không rõ tác giả. Đến nay, người ta chỉ còn trích diễn một vở hài phát triển trên vở này có tên Tuần ti đào Huế.

    Vở chèo Tuần ti đào Huế.

  62. Phạm Trọng Yêm
    Một nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự, nhà giáo dục thời Bắc Tống, Trung Quốc. 
  63. Hàn Tín
    Một danh tướng thời nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc, có công giúp Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, lập nên nhà Hán. Ông cùng với Trương LươngTiêu Hà được đời sau xưng tụng là Hán triều tam kiệt (ba vị hào kiệt nhà Hán). Sau khi thiên hạ bình định, Hán Cao Tổ Lưu Bang vì e ngại tài năng của Hàn Tín nên giáng chức ông xuống thành Hoài Âm hầu, tước quyền bính. Đến năm 196 TCN, Hàn Tín mưu phản, bị Lã Hậu giết cả ba họ.

    Trong lịch sử Trung Quốc, Hàn Tín là một trong những danh tướng được nhắc đến nhiều nhất. Nhiều điển tích, điển cố như cơm phiếu mẫu, lòn trôn giữa chợ, câu nói "Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh; cao điểu tận, lương cung tàn..." là từ ông mà ra.

  64. Đồng chạng
    Cùng lứa, cùng tuổi (phương ngữ Nam Bộ). Chạng là cách đọc trại của trượng.
  65. Lá thắm
    Hay lá đỏ, hồng diệp, nguyên từ một điển tích Trung Quốc: Đời Đường Hi Tông, có một cung nữ tên Hàn Thúy Tần chịu cảnh cô đơn trong thâm cung, nàng viết thơ lên chiếc lá đỏ giãi bày nỗi niềm rồi thả trôi theo dòng nước. Một thư sinh tên Vu Hựu nhặt được chiếc lá ấy, đồng cảm mà đề thơ lên một chiếc lá khác, chờ nước đổi dòng lại thả xuống. Cung nữ họ Hàn nhặt được, cảm động và cất chiếc lá trong rương. Về sau, Vu Hựu và Hàn Thúy Tần gặp gỡ nhau, kết duyên vợ chồng và nhận ra chiếc lá đỏ đề thơ cả hai cùng lưu giữ. Từ đó "hồng diệp" chỉ nhân duyên vợ chồng.

    Thẳm nghiêm kín cổng cao tường
    Cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh

    (Truyện Kiều)

  66. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  67. Đảnh
    Đỉnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Cũng chỉ đỉnh núi, đỉnh đèo.
  68. Vợ Trang Tử là người đàn bà trắc nết, chồng vừa chết đã toan theo trai. Xem thêm.
  69. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.